Sức Sống Mới Vùng đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số Sóc Trăng - Bài 1

Thời gian qua, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, chung tay xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng hôm nay đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992-2022), đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2022 của đồng bào Khmer, phóng viên TTXVN thực hiện chùm gồm hai bài viết với chủ đề: Sức sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

Chú thích ảnh
Sóc Trăng: Xã có đông đồng bào Khmer Viên Bình đạt Nông thôn mới nâng cao.Ảnh: Đường nông thôn mới xã Viên Bình hôm nay. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Bài 1: Tạo sự phát triển toàn diện, bền vững

Với quan điểm đầu tư phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư cho sự phát triển, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách, đề án, phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực của người dân, tạo sự phát triển toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu liên vùng phục vụ sản xuất, đời sống.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết: Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Do đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phối hợp đồng bộ, quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tỉnh lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc với chương trình, dự án có liên quan như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội…

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng - Lâm Sách: Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư đã góp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, tạo tiền đề cho khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn, khóm, ấp có điện lưới quốc gia. Tất cả xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân, 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,6%. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng công trình vệ sinh hợp vệ sinh đạt 95%. Phần lớn đất nông nghiệp ở địa phương đã có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, có những chính sách ưu tiên, tập trung đầu tư, khuyến khích thực hiện các giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các mô hình sản xuất, toàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng đã có những đổi thay đáng kể. Tại thời điểm tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tới 36,7%, đến nay tỷ lệ này chỉ còn 6,64%. Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 2,85% (so với tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh).

Chia sẻ cảm nhận về những đổi thay của phum sóc Khmer hôm nay, ông Kim Suôl (dân tộc Khmer) - một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề, cho biết: Trước đây, nhà cửa chưa được khang trang, vùng này đường đi lại khó khăn. Nay các tuyến đường từ trung tâm xã đến các đường huyện đều đã được trải nhựa, đường trục xóm được bê tông hóa nên người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện. Sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao hay chăn nuôi bò sữa được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình, có đại lý của doanh nghiệp thu mua nên nên đời sống người nông dân được cải thiện rất nhiều. Động lực phát triển mới

Từ khóa » Dân Tộc Khmer Sóc Trăng