Sức Sống Trường Tồn Của Chủ Nghĩa Mác – Lênin
Có thể bạn quan tâm
CUỘC CÁCH MẠNG VỀ NHẬN THỨC TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
Chủ nghĩa Mác – Lênin chính là kết quả đỉnh cao của tư duy khoa học, kế thừa, chọn lọc và phát triển sáng tạo những thành tựu tư tưởng, khoa học của nhân loại mà trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Các ông đã đứng trên vai những người khổng lồ xây dựng nên học thuyết cách mạng đáp ứng yêu cầu của thời đại. Bằng những luận thuyết tiêu biểu về phép biện chứng duy vật, chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư, học thuyết đấu tranh giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, học thuyết hình thái – kinh tế xã hội,… chủ nghĩa Mác – Lênin đã tạo ra cuộc cách mạng về mặt nhận thức trên phạm vi toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lênin đã đưa ra cách giải thích khoa học về nguồn gốc, động lực phát triển của xã hội loài người; không dừng lại ở việc chỉ “vén bức màn” bí mật mà công khai vạch trần bản chất bóc lột của chế độ tư bản chủ nghĩa; đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa duy tâm, mở đường cho khoa học phát triển, tạo tiền đề giải phóng con người, giải phóng xã hội khỏi sự thống trị của chủ nghĩa duy tâm, của thần quyền và những tư tưởng, định kiến bảo thủ, lỗi thời, lạc hậu vốn dĩ đã tồn tại cố hữu hàng thế kỷ trước đó. Những giá trị khoa học vĩ đại đó “đã cung cấp cho loài người và nhất là giai cấp công nhân những công cụ nhận thức vĩ đại”(1) để cải tạo thế giới. Kể từ đó đến nay, dù tiếp tục có những học thuyết mới, với những cách luận giải mới, dưới nhiều màu sắc, quan điểm, lập trường khác nhau; song chỉ có học thuyết Mác – Lênin là khoa học và cách mạng, vì mục tiêu giải phóng và phát triển con người. Tính ưu việt, sự hấp dẫn và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin chính vì vậy nằm ngay ở sức thuyết phục khoa học của nó.
Không chỉ vậy, chủ nghĩa Mác – Lênin còn là biểu tượng vĩnh hằng cho một học thuyết chính trị – xã hội có tính cách mạng và triệt để nhất. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác – Lênin đã thực sự giải đáp được những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đã và đang đặt ra nhưng trước đó chưa học thuyết nào giải quyết được. Bởi trong khi toàn bộ hệ thống lý luận tư sản đều tìm mọi cách biện minh cho chủ nghĩa tư bản, thì chủ nghĩa Mác – Lênin đã tuyên chiến với hệ tư tưởng tư sản, vạch rõ nguồn gốc sâu xa của chế độ người bóc lột người; bản chất của chiến tranh; sự bất bình đẳng giai cấp và dân tộc, khẳng định sự diệt vong không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản và sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội. Sự khác biệt lớn nhất so với các học thuyết trước đó ở chỗ, học thuyết Mác – Lênin là học thuyết duy nhất đề cập mục tiêu, con đường, lực lượng, cách thức, phương pháp đấu tranh xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công một cách đúng đắn nhất; thực hiện giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng dân tộc và nhân loại. Cũng chỉ có học thuyết Mác – Lênin mới phát hiện và lý giải đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự phát triển của lịch sử, phát hiện và xác lập đúng đắn vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm xóa bỏ chế độ xã hội áp bức, bất công. Và họ chính là những người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản.
Ngay từ khi mới xuất hiện, chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành kẻ thù đáng sợ nhất, nỗi ám ảnh thường xuyên nhất về mặt tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa tư bản. Nhận thấy, lý luận đó nếu được truyền bá và trở thành hiện thực thì những đặc quyền, đặc lợi của giai cấp tư sản và các nước tư bản chủ nghĩa đương nhiên sẽ không còn chỗ đứng. Chính vì vậy, kẻ thù luôn tìm cách chống phá điên cuồng, chúng không từ một âm mưu, thủ đoạn đê hèn nào, hòng từng bước làm phai nhạt niềm tin của nhân dân lao động và lực lượng tiến bộ, hòa bình trên thế giới, tiến tới hạ bệ và cuối cùng là phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin. Chúng tiến công ở cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn, từ những vấn đề cơ sở của sự ra đời, từ quá trình vận động, phát triển đến việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin trong thực tiễn của các Đảng cộng sản, các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Theo đó, chúng xuyên tạc thân thế, sự nghiệp của C.Mác, Ph.Ăngghen, Lênin; công kích toàn bộ nội dung, các bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác – Lênin; lợi dụng triệt để việc hiểu chưa đúng đủ, vận dụng sai lý luận Mác – Lênin trong thực tiễn của các Đảng Cộng sản… để phủ nhận giá trị hiện thực lớn lao mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã tạo ra cho nhân loại.
VŨ KHÍ LÝ LUẬN, NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG, KIM CHỈ NAM CHO HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC ĐẢNG CỘNG SẢN
Ngay khi ra đời, chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành vũ khí lý luận, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Chính những giá trị khoa học, cách mạng vĩ đại ấy đã khiến giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công bằng trên thế giới hưởng ứng, nhiệt thành đón nhận và kiên quyết đấu tranh bảo vệ cho chủ nghĩa Mác – Lênin, cũng như áp dụng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã nhanh chóng xâm nhập vào phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, và làm thay đổi toàn bộ diện mạo thế giới, cũng như tính chất thời đại.
Thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 là minh chứng hùng hồn khẳng định giá trị hiện thực của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thực tiễn. Bằng sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cách mạng Nga, V.I.Lênin và Đảng Cộng sản Liên Xô đã cho thế giới biết đến một chế độ xã hội mới và đã biến “bóng ma ám ảnh châu Âu” thành hiện thực. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng Cộng sản và chính quyền Xô viết non trẻ đã đánh bại cuộc tấn công của 14 nước đế quốc, bảo vệ thành công nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Sau đó, tiếp tục đánh bại chủ nghĩa phát xít, giải phóng một phần rộng lớn các nước Đông Âu, đưa chủ nghĩa xã hội từ một nước, trở thành một hệ thống, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, đấu tranh giải phóng vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới – đúng với mục tiêu mà chủ nghĩa Mác – Lênin hướng tới: không dừng lại ở giải thích thế giới mà phải cải tạo cả thế giới.
ĐẬP TAN ÂM MƯU THÂM ĐỘC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Vào những năm 90 của thế kỷ XX, sau sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin và lớn tiếng cho rằng, sự ra đời của chế độ xã hội chủ nghĩa theo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin là một sai lầm của lịch sử; ý tưởng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ là “viển vông”, “phi thực tế”. Chúng đánh đồng, quy chụp rằng, sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực là sự lỗi thời, lạc hậu của chính chủ nghĩa Mác – Lênin. Thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu chính là “sự cáo chúng” của chủ nghĩa Mác – Lênin trên thực tế…
Sự thật là, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó xét ở góc độ nội tại là từ sự sai lầm của các đảng tự xưng là “cộng sản” nhưng đi ngược lại các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vốn dĩ, học thuyết Mác – Lênin là học thuyết mở, đòi hỏi các Đảng cộng sản và những người mácxít phải liên tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển, hoàn thiện và vận dụng một cách sáng tạo tùy vào điều kiện thực tiễn.
Bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chính là cách thể hiện sinh động nhất sự kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin nhằm làm cho hệ tư tưởng mácxít luôn thấm đượm trong từng chủ trương, chính sách và đường lối chính trị của Đảng một cách đúng đắn và phù hợp. |
Trong những năm gần đây, tận dụng xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế; những thành tựu từ các cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chủ nghĩa tư bản đã tiến hành điều chỉnh, thích nghi về quan hệ sản xuất. Sự điều chỉnh đó trên thực tế đã làm cho chủ nghĩa tư bản tiếp tục có những điều kiện để phát triển. Từ đây, nhiều học giả đã cố chứng minh rằng: chủ nghĩa từ bản ngày nay đã bước sang giai đoạn “xã hội hậu công nghiệp”, “xã hội siêu công nghiệp” và là xã hội tốt đẹp nhất của loài người, không còn như chủ nghĩa tư bản trước đây. Một số học giả không những không phủ nhận mà ngược lại ca ngợi chủ nghĩa Mác – Lênin, tuy nhiên, cách lập luận của họ rõ ràng có ý đồ không trong sáng khi cho rằng: chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ đúng ở thời kỳ mà Mác và Lênin sống, còn hiện tại đã không còn phù hợp. Thực chất là chúng muốn phủ nhận lý luận hình thái kinh tế – xã hội mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra. Số khác lại ẫu trí cho rằng: chủ nghĩa tư bản có thể “hội tụ” với chủ nghĩa xã hội trong thời đại văn minh đại công nghiệp, văn minh trí tuệ, tin học. Mưu đồ đằng sau sự lập luận vô căn cứ khoa học là nhằm phủ nhân luận điểm của C.Mác về quá trình lịch sử – tự nhiên của sự phát triển xã hội. Đây là sự tư biện phản khoa học, trái với sự vận động khách quan của lịch sử. Mọi sự biện hộ cho sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản và phủ nhận sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa xã hội đều không có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Một số học giả tư sản khác lại cố tình xuyên tạc và lập luận rằng, C.Mác đã gắn cho giai cấp công nhân cái sứ mệnh mà nó không có chỉ bởi vì ông thương cảm, đó là giai cấp nghèo khổ; rằng, hiện nay địa vị của giai cấp công nhân đã có sự thay đổi căn bản, một bộ phận công nhân không còn bị bóc lột như trước nữa, đã trở nên “trung lưu hóa”, thậm chí trở thành “nhà tư bản”, cho nên không còn sứ mệnh lịch sử đó nữa. Dùng sự nghèo khổ làm cơ sở để luận giải cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là luận điệu hết sức xuyên tạc và thiếu căn cứ. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân được quy định bởi địa vị kinh tế – xã hội của chính nó chứ không phải vì là “giai cấp nghèo khổ” nên họ có sứ mệnh lịch sử. Đúng là hiện nay đời sống của một bộ phận công nhân ở các nước tư bản được cải thiện đáng kể, nhưng đó chỉ là sự phản ánh một phần mức sống của họ so với giá trị sức lao động của họ làm ra trong những điều kiện mới. Cũng cần phải hiểu rằng: sự cải thiện đó hiển nhiên không đến từ lòng thương cảm hay sự thay đổi của giai cấp tư sản mà nó đã phải đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu dân tộc trong các cuộc cách mạng. Vì vậy, “hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”(2). Những cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên diễn ra với các nước EU, các trung tâm kinh tế tư bản chủ nghĩa như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp trong những năm gần đây càng cho thấy, cho dù tận dụng được những thành tựu khoa học công nghệ; được kế thừa những thành quả của sự phát triển qua nhiều thế kỷ nhưng những khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại không thể khắc phục, thậm chí có thêm nhiều những biểu hiện cực đoan mới. Sự phát triển của các tập đoàn tư bản, các công ty xuyên quốc gia cùng sự bòn rút tài nguyên và bóc lột nhân dân ở các nước thuộc thế giới thứ ba; các cuộc chiến tranh đẫm máu do chủ nghĩa đế quốc phát động… là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hàng trăm triệu người bị đe dọa chết đói, thất nghiệp, mù chữ và hơn một tỷ người sống trong cảnh khốn cùng.
Bất chấp sự chống phá điên cuồng của kẻ thù và những thăng trầm lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lênin luôn và ngày càng tỏ rõ sức sống mạnh liệt, sự lan tỏa sâu rộng và ý nghĩa vượt tầm thời đại.
Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3). Và đến nay, những Đảng Cộng sản chân chính, những dân tộc, tầng lớp, giai cấp yêu chuộng hòa bình vẫn luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng cho mọi hành động.
Những biến đổi mau lẹ của của thế giới hiện nay vẫn chưa thể vượt ra khỏi những quy luật mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã khái quát trước đó. Trong bối cảnh khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện đại không chỉ nhân loại tiến bộ mà cả các chính trị gia, học giả tư sản đã bày tỏ sự lung lay về niềm tin đối với nền tảng lý luận tư sản và nhận rõ hơn bao giờ hết giá trị khoa học vượt thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, thậm chí một số học giả tư sản đã kêu gọi nhân loại “trở về với Mác” vì cho rằng “sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác là bất diệt”. Bằng chứng là năm 1999, Trường Đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ thứ hai, kết quả là C. Mác đứng đầu, A. Anhxtanh đứng thứ hai(4). Và gần đây, theo thăm dò của tờ Tạp chí Spiegel (Đức) cho thấy, C. Mác được ưa chuộng một cách ngạc nhiên với hơn 50% số người dân Tây Đức nói rằng “sự phê phán của C. Mác đối với chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị”, thậm chí hơn 56% cho rằng, “chủ nghĩa xã hội là một tư tưởng hay nhưng thực hành tồi”(5). Tờ The New Yorker (Mỹ) cũng cho rằng, các vấn đề mà các nhà kinh tế học hiện đại đang đối mặt và giải quyết, nhưng thực ra họ đang bước theo dấu chân của C. Mác mà họ không biết.
Mãi cho đến hôm nay, lẽ phải luôn đứng về phía Mác, Ăng ghen và Lênin, thực tiễn đang chứng minh rằng, không có bất cứ “sự cáo chúng” nào mà ngược lại, các nước trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin đi theo con đường chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển ở nhiều nơi. Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba đã và đang có sự phát triển nổi bật trở thành tấm gương lôi cuốn các nước như Venezuela, Chi Lê… định hướng sự phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Hơn 90 năm qua, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân, toàn dân ta thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu, kém phát triển, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng quan hệ quốc tế rộng rãi… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Thành tựu ấy đã khẳng định cho sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, những bước đi đúng đắn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hơn thế nữa, nó khẳng định được tính đúng đắn, cách mạng, khoa học, triệt để và sự trường tồn bất diệt của chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cách mạng mới. Điều đó không chỉ đúng riêng đối với cách mạng Việt Nam mà còn đúng với tất cả các chính đảng, đặt và lấy lợi ích của quân chúng nhân dân lên trước hết và trên hết./.
TS. Bùi Văn Huấn
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang
ThS. Đậu Trọng Chương
Trường Sĩ quan Chính trị
———–(1) V.Lênin: Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.54.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội, 2011, tr.68.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.89.
(4) http://vi.wikipedia.org/wiki/Karl-Marx.
(5) http://www.guardian.co.uk/politics/jul/17/comment.
Từ khóa » Chủ Nghĩa Tư Bản Hiện đại đối Với Lịch Sử Thế Giới
-
Bản Chất, đặc điểm, Xu Hướng Vận động Của Chủ Nghĩa Tư Bản Hiện đại
-
Chủ Nghĩa Tư Bản – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sự Thích Nghi Của Chủ Nghĩa Tư Bản Hiện đại Và Thời Cơ, Thách Thức ...
-
Chủ Nghĩa Tư Bản Hiện đại - Thay đổi Bản Chất Hay Là Sự Ngộ Nhận?
-
[PDF] CHỦ NGHĨA TƯ BẢN: Lịch Sử Thăng Trầm 120 Năm (1900-2020)
-
Những Thách Thức Chủ Nghĩa Tư Bản Chưa Vượt Qua Trong Nhiều Thế Kỷ
-
Nhận Thức Về Chủ Nghĩa Tư Bản Hiện đại | VOV.VN
-
Chủ Nghĩa Tư Bản Là Gì? Đặc điểm Và Vai Trò Của Chủ Nghĩa Tư Bản?
-
Quan Hệ Sản Xuất Của Chủ Nghĩa Tư Bản đương đại Những Giới Hạn ...
-
[PDF] Độc Quyền Nhà Nước Trong Nền Kinh Tế Tư Bản Chủ Nghĩa Ngày Nay
-
Phê Phán Quan điểm “Việt Nam đi Theo Chủ Nghĩa Tư Bản Mới Phát ...
-
“Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản” Và Vai Trò Lịch Sử Của Chủ Nghĩa Tư ...
-
Nhận Thức Về Bản Chất Của Chủ Nghĩa Tư Bản Cần được Quán Triệt ...
-
Tiếp Thu Những Thành Tựu Văn Minh Của Chủ Nghĩa Tư Bản Một Cách ...