Sương Khói Quê Nhà – Nguyễn Nhật Ánh - Những Cuốn Sách Hay

Sương khói quê nhà - Nguyễn Nhật Ánh

Thể loại Truyện ngắn – Tản văn – Tạp văn
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
NXB NXB Trẻ
CTy Phát Hành NXB Trẻ
Số trang 214
Ngày xuất bản 01-2018
Giá bán FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Sương Khói Quê Nhà

Sương Khói Quê Nhà là tập hợp những bài báo, tạp văn của Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được viết dưới những thời điểm khác nhau và bao gồm những sự việc, những vấn đề khác nhau. Có thể đặt tên nôm na 3 phần theo số thứ tự trong cuốn Tạp văn mới của Nguyễn Nhật Ánh “Sương khói quê nhà”: Tình quê, Người thân, và Những chuyến đi.

34 bài báo, viết từ 2010 đến nay, về các đề tài khác nhau. Những nhớ thương miền quê nghèo Quảng Nam qua kỷ niệm thời thơ bé; tình đời , tình người; tình thâm với bạn văn và những người mà anh yêu quý. Là những suy ngẫm của anh về cuộc đời, qua vô vàn chi tiết nhỏ trong phát hiện khiến đọc là thấy bất ngờ đầy thích thú.

Hấp dẫn vô cùng là những bài có liên quan đến sách: từ tiệm sách, đến cuốn sách cụ thể, rồi người làm sách, chuyện sách ở Thụy Điển, Thái Lan… chuyện đi shopping, thời trang, đánh bạc, và tất nhiên chuyện bóng đá cũng được đề cập, vẫn bằng giọng hóm hỉnh vốn có.

Nhận định:

“Nguyễn Nhật Ánh dẫn dụ người đọc bởi kiến thức đời sống sâu rộng, óc quan sát tinh tế, sự liên tưởng độc đáo và một văn phong giàu cảm xúc, sáng sủa, đĩnh đạc.

Những bài báo – những tạp văn – của Nguyễn Nhật Ánh, mặc dù được viết vào những thời điểm khác nhau và bao gồm những sự việc, những vấn đề rất khác nhau, khi tập hợp lại, đã có được sự gắn kết và đã tạo nên được một vóc dáng mới, một sức lôi cuốn mới.

Có lẽ không có nhiều những bài báo, sau nhiều năm tháng, khi đọc lại, không những còn giữ được niềm yêu mến cũ mà còn có thể tìm thêm được một tầng nghĩa mới, như những bài báo của Nguyễn Nhật Ánh.

Đọc tạp văn Nguyễn Nhật Ánh, người ta nhớ đến thơ của anh. Ẩn giấu sau những trang văn, là tâm hồn của nhà thơ tài hoa.”

– Nhà thơ Ý NHI (Thể thao & Văn hóa 3.6.2005)

“Đến bây giờ, bản lĩnh nghề nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện sự tự tin rất cao. Anh viết cái gì người ta cũng rất thích, không phải nhà văn nào cũng có thể làm được như vậy”

– Nhà văn TRẦN QUỐC TOÀN (Người Lao Động, 11.12.2010)

“Tôi nghĩ là giờ Nguyễn Nhật Ánh có viết gì thì độc giả vẫn sẽ đọc, vì anh đã tạo dựng được một thương hiệu riêng, trở thành thần tượng của nhiều độc giả”

– Nhà văn PHONG ĐIỆP (Thể Thao & Văn Hóa, 8.6.2012)

Thông tin Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh (sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955) là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.

Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông.

Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.

Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).

Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.

Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủ.

Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.

Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.

Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).

II. Review sách Sương Khói Quê Nhà

Review sách Sương khói quê nhà - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ  FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Sương Khói Quê Nhà của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. KHÁNH NGUYỄN review sách Sương Khói Quê Nhà

Đây là lần đầu tiên mình đọc tạp văn của bác Ánh. Mình mua quyển sách này vào tháng 7/2017, tính đến nay là hơn 2 năm. Khi đó mình mua với tâm trạng thử loại sách mới với suy nghĩ đó là những mẩu chuyện hay hay vậy mà đến mãi 2 năm sau mình mới đọc xong nó. Phần là vì quyển sách mỏng nên chỉ cần đọc 1-2h là hết nửa quyển, phần là vì mình thấy không hấp dẫn với mình. Quả đúng là tạp văn, ghi lại những câu chuyện nhỏ nhỏ, những sự kiện, những suy nghĩ của bác Ánh. Đọc xong thì mình thấy nhẹ nhàng, và vẫn là giọng văn ấy, vẫn là nhà văn viết truyện cho trẻ thơ với tâm hồn trẻ mãi không già. Thật đáng nể

2. IVY NGUYEN review sách Sương Khói Quê Nhà

Nguyễn Nhật Ánh chuyên “trị” dòng sách tuổi thơ nên các tập truyện dài của Chú đã quá là nổi tiếng. Về mảng tạp văn, đến hiện tại có tổng ba quyển là Sương khói quê nhà, Người Quảng đi ăn mì Quảng và Thương nhớ trà Long.

Về Sương khói quê nhà, quyển sách được cấu trúc thành 3 phần, nhưng không có tựa đề cho từng phần. Đại để phần 1 tản mạn về những ký ức của tác giả, về những mẫu chuyện nhỏ nhặt thường ngày, đậm chất nông thôn Việt. Phần 2 là những bài giới thiệu, kỷ niệm hay lời tựa cho các đầu sách của các tác giả cùng giai đoạn với Chú Ánh. Phần 3 tổng hợp các bài viết về góc nhìn của Chú Ánh qua những chuyến đi sang Paris, Venice, Bangkok,…Có thể nói, toàn bộ Sương khói quê nhà là sự sắp xếp, cấu trúc lại một số bài viết đã đăng báo và tạp chí của Chú trong giai đoạn 2006 – 2012.

Đặt xuống lăng kính của trẻ con, Sương khói quê nhà sẽ là một góc nhìn khác về các tác phẩm, các nhân vật được Chú Ánh khắc họa qua các tập truyện dài. Trước khi đọc Sương khói quê nhà, tôi vừa đọc lại xong Lá nằm trong lá kể về bút nhóm “Mặt trời khuya”, thì phát hiện các thành viên bút nhóm khi xưa cùng Chú có vài người chết trận, thốt nhiên chạnh lòng. Mới biết góc nhìn dành cho trẻ con được Chú khắc họa nhẹ nhàng làm sao. Rồi lại thêm những ký ức được truyền tải về những tác giả nhiệt tâm với sứ mệnh cuộc đời đến tận hơi thở cuối cùng khiến tôi trào nước mắt. Câu thơ “Hoa tím thôi không chờ nữa/ Chỉ còn ta đứng dưới mưa” của cố nhà thơ Cao Vũ Huy Miên bỗng dưng ghi tạc vào lòng.

Qua Sương khói quê nhà, tôi được gặp lại tên tuổi một số tác giả tôi từng đọc hoặc biết đến xưa kia. Bỗng dưng lại thèm được đắm chìm lần nữa vào nền văn học nước nhà. Tôi như cảm nhận được đâu đó hơi thở của ngành báo chí những ngày ấy, của những nhà văn nhà thơ cách mạng nhiệt thành.

Đọc Sương khói quê nhà, thấy ký ức quả thật như làn sương mỏng lướt qua. Miên man, nhẹ tênh.

3. HIEU NGUYEN review sách Sương Khói Quê Nhà

Lần đầu đọc được một tác phẩm là tạp văn của bác Ánh mà hay đến thế. Cuốn Sương khói quê nhà là một phần viết về tuổi thơ, về hoài niệm và về những nỗi niềm của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Ông được biết đến với rất nhiều tựa sách viết về tuổi thơ, cho các em nhỏ và cuốn Sương khói quê nhà này cũng thế, rất thú vị.

Vì cũng là một người con Quảng Nam, tôi rất thích bác nhưng kì lạ là những điều tác giả kể trong truyện thì tôi đều chưa biết hết hay có lẽ là mới nghe qua thôi, thật kì lạ. Nhưng cũng qua đó, ta lại thấy được ông đã hoài niệm về quê hương mình cỡ nào, về thời thơ ấu nơi đất Thăng Bình đầy sương gió như thế nào mới thấy được con người tác giả rất nhạy cảm, tinh tế, để ý từng chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống và ông cũng chẳng quên được nó, ông thèm được một lần quay về lúc trước để được đi mượn sách từ tiệm ông cắt tóc, được trải nghiệm lại cảm giác lần đầu được bước vào nhà sách Nam Ngải, nơi ông cho là thiên đường của mình, được một lần thả diều trên dốc để triền, một lần bóc lại những quả thị, một lần nhìn thấy được những tà áo dài tinh khôi nơi buổi tan trường của ngôi trường nữ sinh quê mình. Tất cả, tất cả những điều đó ông đều muốn thử lại nhưng lại không thể nữa cho nên ta thấy được cái hoài niệm đó qua từng câu chữ của ông trong tác phẩm này.

Và cũng không chỉ những kí ức đó đâu, ông cũng đưa vào cuốn sách những câu chuyện đời mình, đời người mà ông từng thấy, những điều nhỏ nhặt mà ông góp được đều đưa vào tác phẩm tạo nên một cuốn sách hết sức hay và thú vị. Nếu ai chưa một lần đọc, hãy đọc thử đi, tôi chắc chắn bạn chẳng thể nào ngừng đọc được đâu.

4. DUY NGUYEN review sách Sương Khói Quê Nhà

Tôi luôn có tình cảm đặc biệt dành cho những tác phẩm của bác Nguyễn Ngọc Ánh. Từ những tác phẩm viết về tình yêu thưở đầu đời hãy những câu chuyện hồn nhiên trong trẻo xoay quan thế giới của tuổi học trò và trẻ nít cho đến những câu chuyện mang màu sắc thần bí viễn tưởng (có mượn chút ít từ Harry Porter), bất kỳ trang viết nào cũng mang đậm dấu ấn của bác: giản dị, mộc mạc và tưng tửng. Bởi yêu những tác phẩm của bác nhiều đến vậy mà tôi cảm thấy không hài lòng lắm với tuyển tập tản văn Sương Khói Quê Nhà vừa được phát hành.

Sương Khói Quê Nhà là tập hợp những bài báo, tạp văn của bác Ánh được viết dưới những thời điểm khác nhau và bao gồm những sự việc, những vấn đề khác nhau. Tác phẩm được chia làm ba phần rõ rệt: phần một viết về những suy nghĩ và hoài niệm của tác giả về tuổi thơ, về quê hương và về cuộc sống; phần hai là những bài viết về những người bạn, người thầy và đồng nghiệp của bác Ánh và phần cuối cùng của cuốn tản văn là tập hợp những bài viết về xứ người trong những dịp bác Ánh đi công tác hoặc đi vì việc gia đình.

Theo tôi, tản văn là thể loại mà người viết có cơ hôi đưa những suy nghĩ của mình đến gần với độc giả hơn, thông qua chính những trang viết của mình dưới chính cách mình trò chuyện và cảm nhận thế giới xung quanh và để từ đó, giúp cho độc giả cũng nhìn được và cảm được những câu chuyện mà người viết muốn chia sẻ. Điểm mạnh của tản văn là dễ lấy thiện cảm của người đọc nhưng điểm yếu là nếu không có một sự sắp xếp rõ ràng, mạch lạc với những câu chuyện đi theo một chủ đề thống nhất thì kết quả là người đọc sẽ cảm thấy rối trong chính những câu chuyện và mạch cảm xúc của người viết. Trong trường hợp này của tôi, Sương Khói Quê Nhà làm tôi không biết phải suy nghĩ thế nào về những bài viết tác phẩm chứa đựng. Quá yêu thích cũng không mà quá nhàm chán cũng không hẳn.

Có lẽ chính sự sắp xếp không hợp lý các câu chuyện và việc cố gắng dồn các bài viết theo ba chủ đề tách bạch đã làm mất đi sự liên kết của cả tác phẩm. Phần một của cuốn tản văn lại đi vào lối mòn của những hồi ức, nó như những câu chuyện kể của bác Ánh đã từng kể trong các tác phẩm của mình và bây giờ nó được kể lại qua chính miệng của tác giả mà thôi. Chính vì điều này đã khiến các bài viết trong phần này mất đi sự thú vị bởi người đọc đã biết quá rõ về những “vùng trời ký ức” của tác giả qua các tác phẩm thành công rực rỡ trước đây. Tuy nhiên cũng có những điểm sáng khi bác Ánh bàn về những trăn trở của mình đối vơi văn hóa đọc, và bài viết tôi thích nhất là bài viết so sánh tình yêu và bóng đá, đây mới chính là phong cách tưng tửng của bác mà tôi yêu thích. Còn lại, dường như vẫn còn thiếu một cái gì đó trong các bài viết này. Một chút gì đó thuộc về cảm xúc và chính con người của bác!

Phần hai là phần hay nhất của toàn bộ cuốn tản văn. Bằng sự chân thành và giản gị của mình, bác đã khắc họa chân dung của những nhà văn, nhà thơ yêu nghề. Họ chính là những nhà trí thức tuyệt vời của đất nước này bởi sự tận tụy của mình. Tôi đã thực sự thấy xúc động khi đọc từng dòng chữ của bác Ánh. Bác đã thể hiện một khía cạnh khác trong lối viết của mình trong phần hai này và điều đó càng làm tôi yêu quý bác nhiều hơn nữa bởi sự chân thành và yêu quý bạn bè của bác thật đáng ngưỡng mộ!

Phần ba cũng không có gì quá đặc sắc, có lẽ bác Ánh không phù hợp với những thể loại du ký như thế này. Trong từng bài viết, tôi không tìm thấy được sự đồng cảm trên những chuyến hành trình của bác, sau khi đọc xong các bài viết trong phần này, những gì đọng lại trong tôi là thông tin: ngày đó bác đi đâu, đã làm gì… và sau đó là “quên”. Câu chuyện tôi thích nhất trong phần này là câu chuyện cuối cùng: “Tuyết”, câu chuyện đậm chất Nguyễn Nhật Ánh nhất trong phần ba này.

Tuy vậy, Sương Khói Quê Nhà vẫn thật sự là một cuốn sách nên đọc. Qua cuốn tản văn này chúng ta sẽ thấy được sự tận tụy tuyệt vời của những nhà văn, nhà thơ và những nhà tri thức của Việt Nam và cả những nổi niềm và trăn trở của họ; để từ đó chúng ta có cơ sở mà tin rằng đất nước chúng ta rồi sẽ tốt đẹp lên từng ngày. Đọc Sương Khói Quê Nhà để thấy cái phong vị quê hương đậm đà luôn hiện diện trong lòng những người con xa xứ. Đọc để mơ về một ngày khi chúng ta đã già, chúng ta sẽ có những câu chuyện muôn năm cũ như thế này để mà kể cho con cháu sau này.

5. VI DƯƠNG review sách Sương Khói Quê Nhà

Sương khói quê nhà… cái tiêu đề gợi lên cho tôi một chút gì đó về quê hương xa xăm. Và với cái tên của sách, quyển sách này là những kí ức, cảm xúc, và tình cảm mà bác Ánh dành cho quê hương đất nước, cũng như những kí ức tuổi thơ. Cuốn sách là cả một vùng trời kí ức ấu thơ đã đi qua trong cuộc đời tác giả và cũng như trong mỗi con người.

Đã từ lâu, Nguyễn Nhật Ánh là một cái tên quen thuộc của lứa tuổi thiếu nhi. Những tác phẩm của ông luôn mang giọng văn hóm hỉnh, vui tươi. Những cốt truyện được Nguyễn Nhật Ánh vẽ nên bằng nhiều màu sắc, chứa đựng tuổi thơ của biết bao con người. Nhưng đối với tác phẩm “Sương khói quê nhà” tôi lại thấy một Nguyễn Nhật Ánh hoàn toàn khác, không có hình bóng trẻ thơ. Cuốn sách kể về những chuyện đời qua nhiều góc nhìn phong phú. Tuy không có bóng dáng của những cô cậu học trò nhưng Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ giọng văn hóm hỉnh, vẫn lôi cuốn người đọc ở những khía cạnh khác, rộng lớn và đa màu sắc.

“Sương khói quê nhà” là sợi dây xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Tại đây người đọc có thể tìm thấy Mắt biếc, thấy Quán gò, thấy Đo Đo, thấy Lá nằm trong lá, thấy thế giới lung linh huyền ảo. Trên mảnh đất quê mình, tôi không nén nổi bồi hồi nhớ lại những ngày xa. Yêu lắm Nguyễn Nhật Ánh, yêu lắm mảnh đất Sen Hồng quê mình.

“Sương khói quê nhà” – là một tập sách dễ đọc, dễ khiến người ta yêu một cách nhẹ nhàng, dễ chiếm lấy tình cảm người đọc, chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm.

Là một độc giả trung thành của Nguyễn Nhật Ánh, sau bao nhiêu truyện ngắn, tôi lại được cầm trên tay quyển sách “Sương khói quê nhà” lần này Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện với thể loại mới toanh, nhưng vẫn mang đậm phong cách của ông Nguyễn Nhật Ánh kể về tuổi thơ của mình, về những thứ rất quê nhà, cây cỏ, hoa lá một chút đồ ăn, thức uống, một cái cây, một ngôi nhà tỏa khói mong manh… Nhưng thứ ấy góp thành thứ tình quê ấm áp và sống âm ỉ trong tim tác giả bao năm tháng.

Tuổi thơ đó là của Nguyễn Nhật Ánh, quê hương đó là của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng ai đã đọc rồi sẽ đều cảm nhận được quê hương mình trong đó.

III. Trích dẫn sách Sương Khói Quê Nhà

Trích dẫn sách Sương khói quê nhà - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ  FAHASA T I K I SHOPEE

“Nhớ hồi lần đầu tôi đến Mỹ, 8 giờ sáng ngồi ngoài hiên nhìn mưa bay lất phất, tự nhiên thấy nhớ nhà kinh khủng. Cũng lạ, ba mẹ tôi, tất cả anh em ruột thịt của tôi đều ở bên cạnh, thế mà tôi lại nhớ nhà. Hóa ra nhà trong tâm khảm người Việt không chỉ là gia đình ruột thịt mà còn là không gian cảnh vật gắn bó với ta từ thuở ấu thơ, thậm chí từ nhiều đời, là tiếng mưa rơi trên mái tranh trên tàu lá chuối, là tiếng cuốc trưa hè, là những hình ảnh thấm vào kí ức và tình cảm ta một cách hữu hình lẫn vô hình…”

–––––

“Sau này tôi đi lập nghiệp phương Nam, mùa thị chín chỉ theo về trong những giấc mơ sầu xứ. Cho nên chiều hôm qua, rổ thị bày bất chợt bên chợ ven đường đã buộc tôi dừng chân, ‘ngoái đầu thương dĩ vãng’. Dĩ nhiên tôi đã mua hết rổ thị đó, không ngập ngừng, không trả giá. Bởi tôi không mua một món hàng. Tôi mua kỉ niệm. Từ một bà già đến từ ngoại ô và hẳn trong khu vườn của chủ nhân có một cây thị hiếm hoi ở đất Sài Gòn.”

–––––

Trích đoạn Cây Trái Tuổi Thơ – Sương Khói Quê Nhà

1 Chiều hôm qua, lúc chạy xe ngang một ngôi chợ nhỏ ven đường, tôi bỗng bắt gặp một cảm giác là lạ. Dường như ánh mắt tôi vừa trông thấy một cái gì đó. Cái gì đó là cái gì, ngay lúc đó tôi không nhận thức được, cũng không thể gọi tên ra, nhưng rõ ràng cái mà cái gì đó vừa gieo vào lòng tôi là một cảm giác rất đỗi thân thuộc, ấm áp và gần gũi.

Dù đang có công việc gấp, nhưng tôi biết tôi không thể chạy luôn: cái cảm giác đó đã níu chân tôi. Tôi quay xe lại, giảm ga và chạy chầm chậm dọc ngôi chợ nhỏ. Những thúng mủng ven đường đựng những món chúng ta vẫn bắt gặp ở một ngôi chợ nửa tỉnh nửa quê: dưa leo, những bó rau muống, các loại cà, những rổ trứng, những rổ cá hấp, cần tây, hành ngò, cà rốt và bắp cải… Tôi lướt mắt một vòng, vẫn chưa nhận ra cái cảm giác kia bắt nguồn từ đâu. Những thứ vừa kể, tôi vẫn trông thấy hằng ngày, chắc chắn không làm tôi xao xuyến đến vậy.

Chạy tiếp một quãng nữa, ngắn thôi, tôi chợt hiểu ra. Cái gì đó kia rồi! Nó đang nằm giữa một thúng thanh long và một thúng măng cụt.

2 Đó là một rổ thị chín. Lâu lắm, cơ hồ đã gần hai chục năm, tôi mới lại nhìn thấy một rổ thị chín giữa một ngôi chợ ở Sài Gòn. Thanh long màu đỏ, măng cụt màu tím, những quả thị màu vàng – chúng nằm cạnh nhau trông thật đẹp mắt. Chỉ đẹp mắt thôi, vì dù sao những quả thị vàng – thứ trái cây miền Trung quen thuộc với tuổi thơ tôi – nằm kế hai loại trái cây nổi tiếng của miền Nam trông giống như người đi lạc.

Ở các ngôi chợ làng Quảng Nam vào mùa thị chín vẫn có thị bày bán ngoài chợ. Nhưng những quả thị vàng ươm, tròn tròn, xinh xinh và thơm nức mũi chỉ hấp dẫn trẻ con và các cô gái trẻ. Bọn trẻ mua thị bỏ vào cặp sách, ngăn bàn hoặc túi áo cho thơm, hít hà chán (có khi đến ba, bốn ngày) đến khi quả thị mềm đi mới bóc ra ăn, rồi tách vỏ thị thành nhiều cánh xếp lên tường dán thành những bông hoa. Trong truyện Mắt biếc, tôi từng bồi hồi nhớ lại “Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng. Người lớn lẫn trẻ con làng tôi đều thích trò này. Mỗi năm, đến mùa thị chín, trên những bức vách và những cánh cửa của các ngôi nhà trong làng lại bỗng nhiên xuất hiện vô số những bông hoa vàng. Những bông hoa này hẳn nhiên do những tay nghịch ngợm nào đó lén dán lên vào tối hôm trước nhưng rồi người ta cứ để mãi, chẳng ai buồn gỡ xuống, kể cả chủ nhà, chỉ có thời gian và mưa gió mới làm chúng tróc đi. Trong thời gian đó, khách đến làng tôi có cảm giác như đi giữa một rừng hoa mênh mông và vàng rực. Ngay cả lũ bướm cũng bị lầm. Chúng cứ lượn quanh trước các ngôi nhà từ sáng đến chiều, mãi đến khi trời sụp tối, chợ Đo Đo đã lên đèn, bấy giờ đói meo và thất vọng, chúng mới buồn rầu đập cánh bay đi”. Bà Kato Sakae, người dịch tác phẩm Mắt biếc sang Nhật ngữ, rất thích hình ảnh này. Lần nào qua Việt Nam, bà cũng hỏi tôi về quả thị. Rốt cuộc tôi phải nhờ bạn bè tìm cho bà vài quả, hướng dẫn bà cách bóc vỏ thị làm hoa trên tường, lúc đó bà mới thôi nằn nì.

3 Thị không phải là loại trái cây để ăn no bụng như mít, xoài, mãng cầu hay đu đủ, trừ khi quá đói. Bởi thực ra, nó không phải là loại trái cây ngon. So với hương thơm ngào ngạt thỏa mãn khứu giác, những cánh hoa vàng làm từ vỏ thị thỏa mãn thị giác thì cái vị ngòn ngọt, chan chát của quả thị rõ ràng không đáp ứng đòi hỏi nghiêm túc của vị giác. Đó là loại trái cây để ngửi, để ngắm, để chơi, chứ không phải để ăn. Ngay cả cách “thu hoạch” thị cũng khác: Hồi bé, cạnh ngôi trường làng tôi học có một cây thị già, nhưng tôi nhớ hầu như không đứa học trò nào trèo cây hái quả. Trẻ con hái ổi, hái mận, hái xoài, nhưng không hái thị. Chúng tôi chờ thị rụng để thi nhau nhặt, có khi đánh nhau đến bươu đầu sứt trán để giành giật những quả thị đôi khi dập nát. Nhặt thị rụng là một trong những trò chơi thú vị của chúng tôi hồi đó. Và vật nhau đến rách áo, chỉ để nhặt thị về chơi, để xuýt xoa mùi thơm chứ không phải để ăn. Tất nhiên, cuối cùng rồi cũng ăn, nhưng ăn không phải là mục đích đầu tiên, càng không phải là mục đích duy nhất. So với cách ứng xử với các loại trái cây khác, thái độ của trẻ thơ (và có lẽ cả người lớn nữa) đối với quả thị rõ ràng rất khác.

Bà hàng nước trong truyện Tấm Cám khi nhìn thấy quả thị do cô Tấm hóa thân, đã cất giọng ngọt ngào: “Thị ơi thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Bà già đôn hâu đó cẩn thận quá, chứ nếu bà không nói thế tôi tin cô Tấm vẫn biết thừa bà sẽ không ăn quả thị đó. Trẻ con không xem chuyện ăn thị là tiên quyết – với người già, chuyện “bà để bà ngửi chứ bà không ăn” lại càng đáng tin.

Sương khói quê nhà - Nguyễn Nhật Ánh

LINK GIẢM GIÁ  FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Từ khóa » Sương Khói Quê Nhà đọc