"Surface Sinh Ra Là để Bị đánh Bại" - CafeBiz

Khi Galaxy S8 sẽ phải đợi tới cuối tháng 3 mới ra mắt, Samsung lựa chọn 2 dòng tablet làm điểm nhấn cho MWC 2017. Trong số này, Galaxy Book có lẽ là đáng chú ý hơn cả: với thiết kế kim loại mang dáng dấp của Galaxy S6 và các tính năng stylus hữu dụng thừa hưởng từ dòng Galaxy Note, chiếc Galaxy Book xứng đáng là một trong những đối thủ đáng gờm nhất của cuộc chiến tablet-lai-laptop trong năm nay.

Nhưng nói đến "tablet-lai-laptop" là người ta sẽ nghĩ ngay đến Surface. "Galaxy Book là nỗ lực mới nhất của Samsung để đánh bại Surface", The Verge khẳng định. "Samsung đang sắp sửa ra mắt một thiết bị có thể giết chết Surface?", TechRadar đặt câu hỏi.

Có vẻ như đây là hướng suy nghĩ được áp dụng cho bất cứ một sản phẩm nào. "HP Pro x2 mới siết chặt vào lãnh địa của Surface Pro", "Dell vừa ra mắt một sản phẩm có thể giết chết Surface Pro 4" (lại là "killer"), "Đối thủ Surface đến từ Lenovo có giá chỉ 199 USD", "Huawei Matebook mặt-đối-mặt với Surface Pro 4" là những câu nói quen thuộc và nhàm chán mỗi khi một nhà sản xuất PC ra mắt tablet-lai-laptop.

Quả thật ai ai cũng đều thích những cuộc chiến công nghệ, nhưng hướng suy nghĩ này tồn tại một sai lầm căn bản: Surface là dòng sản phẩm sinh ra để bị sao chép, để bị đánh bại.

Tại sao ư? Khi Microsoft khai sinh dòng máy Surface vào năm 2012, khái niệm "tablet lai laptop" vẫn chưa tồn tại. Việc gã khổng lồ ra mắt một thiết bị để làm bệ phóng cho Windows 8 là bắt buộc để tạo ra tầm nhìn cho các đối tác phần cứng. Một số tên tuổi như Acer hay HP đã từng bày tỏ thái độ không hài lòng, nhưng chẳng mấy chốc mà họ cũng đã tạo ra những chiếc convertible chạy Windows 8.

Những chiếc tablet lai không do Microsoft sản xuất có một điểm chung: chúng đều tốt hơn sản phẩm Microsoft ở một khía cạnh nào đó. Tình trạng này kéo dài cho đến ngày hôm nay. Những chiếc XPS 13 của Dell đẹp quý phái một cách áp đảo so với Surface. Những chiếc Yoga của Lenovo mang trải nghiệm Windows 10 ở mức giá chỉ bằng 1/6 Surface. Những chiếc Galaxy Book mới ra mắt có các tính năng stylus hữu dụng hơn bất cứ một đối thủ "Surface clone" nào khác.

Trong kịch bản này, Microsoft là người có lợi nhiều nhất. Miếng ăn chính của Microsoft nằm ở Windows, Office và nhiều dịch vụ dữ liệu, dịch vụ đám mây được chuyển tới người dùng qua Windows. Lợi nhuận và doanh thu đến từ Surface là không đáng kể so với các mảng này: tổng doanh thu cả năm của Surface chỉ tương đương với 1/2 hoặc 2/3 doanh thu của mỗi mảng phần mềm/dịch vụ trong một quý. Khi các doanh nghiệp ồ ạt mua "Surface clone" cao cấp gắn mác Dell hoặc HP, khi người tiêu dùng bỏ tiền mua tablet lai rẻ tiền đến từ Trung Quốc và Đài Loan, vị trí của Windows 10 và Office càng vững chắc, Microsoft càng mừng.

Cung cách kinh doanh Surface của Microsoft phản ánh rất rõ suy nghĩ này. Năm nào tình trạng cháy hàng cũng xảy ra vài lần - nạn nhân gần đây nhất là toàn bộ các mẫu Surface Book chạy Core i7. Mức giá của Surface luôn ở mức cao ngất ngưởng, mỗi model thường chỉ được bán 1 năm thay vì 2, 3 năm ở các mức giá hấp dẫn hơn. Trên Microsoft Store Online cũng như tại các cửa hàng vật lý, các mẫu máy đáng chú ý của Dell, HP, Lenovo và ASUS cũng được ưu ái không kém gì "con đẻ" Surface.

Vậy nên bạn đừng nghĩ rằng Surface là một đối thủ cạnh tranh nghiêm túc với tablet lai laptop của các nhà sản xuất phần cứng PC. Surface là một nguyên mẫu để học hỏi, là nguồn doanh thu không quan trọng của Microsoft, là miếng "thính" để nhử người dùng đến với tầm nhìn 2-trong-1 trên phần cứng không thuộc về Microsoft.

Đừng để 'trân trọng' cuối email nữa, kết thư dùng từ này thì đến người xa lạ cũng không thể từ chối trả lời bạn

Theo Lê Hoàng

Theo Trí Thức Trẻ Copy link Link bài gốc Lấy link!

Từ khóa » Surfaceviet Lừa đảo