Suy Niệm Kinh Mân Côi Trong Gia Đình – Năm Sự Vui

Suy niệm Kinh Mân Côi

Trong Gia Đình

Năm Sự Vui

5 su vui

DẪN VÀO CÁC MẦU NHIỆM MÙA VUI

Các mầu nhiệm mùa vui, được đánh dấu bằng niềm vui toả sáng từ biến cố Nhập thể. Điều này là rõ rệt ngay từ mầu nhiệm thứ nhất, cuộc Nhập thể, khi lời thiên sứ Gabriel chào Đức Trinh nữ Nadarét được nối kết với lời mời đón nhận niềm vui thời Đấng Cứu thế “Vui lên, cô Maria”… Nhưng hai mầu nhiệm sau cùng, trong khi vẫn duy trì bầu khí vui mừng này, thì lại báo trước bi kịch sắp xảy đến… Suy niệm các mầu nhiệm mùa vui là đi vào những nguyên nhân tối hậu và ý nghĩa sâu xa nhất của niềm vui Kitô giáo. Đó là tập trung vào tính cách thực tiễn của mầu nhiệm của cuộc Thương khó cứu độ. Đức Maria dẫn chúng ta tới chỗ khám phá ra bí quyết của niềm vui Kitô giáo, trước hết và trên hết, là một “Tin Mừng”, trung tâm và toàn thể nội dung Tin Mừng đó chính là con người Đức Giêsu Kitô, Lời đã thành xác phàm, Đấng cứu độ của thế giới (Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 20).

MẦU NHIỆM THỨ NHẤT

BÁO TIN NGÔI LỜI NHẬP THỂ

Toàn thể lịch sử cứu độ, theo một nghĩa nào đó đã hướng tới lời chào của thiên sứ Gabriel “Vui lên đi, cô Maria !”. Nếu như kế hoạch của Chúa Cha là qui tụ vạn vật trong Đức Kitô (x. Ep 1,10), thì toàn thể vũ trụ một cách nào đó đã được ân nghĩa của Thiên Chúa động chạm đến, ân nghĩa mà Chúa Cha đoái đến Đức Maria và làm cho Đức Mẹ thành Thân Mẫu của Con của Người. Ngược lại, toàn thể nhân loại được ôm ấp bởi tiếng fiat, nhờ tiếng ấy Đức Mẹ sẵn sàng chấp thuận thánh ý Thiên Chúa (Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 20).

Lời Chúa

“Bấy Giờ Ðức Maria nói: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).

Suy niệm

Đức Maria đón nhận những lời của thiên sứ với tâm tình khiêm tốn và vâng phục. Người trở nên mẫu gương cho chúng ta mỗi khi Chúa mong đợi chúng ta quảng đại đáp tiếng “Xin Vâng” theo thánh ý Ngài.

Quyết tâm

Khiêm tốn và trung thành với những điều đã cam kết: “Phúc cho ai lắng nghe và tuân hành lời Chúa” (Lc 11,28).

Cầu nguyện

Ôi lạy Maria, xin dạy chúng con biết vâng lời đón nhận ý Chúa.

MẦU NHIỆM THỨ HAI

ĐỨC MẸ MARIA ĐI THĂM VIẾNG BÀ ELISABET

Hớn hở nhảy mừng là từ ngữ chủ yếu của việc gặp gỡ bà Elisabet, trong đó âm thanh của tiếng Đức Mẹ và sự hiện diện của Đức Kitô trong lòng người khiến cho ông Gioan “nhảy lên vì vui sướng”  (Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thưKinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 20).

Lời Chúa

“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường , đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlizabét.” (Lc 39,40).

Suy niệm

Đức Maria vội vàng đến thăm bà Elisabet để mang lại cho bà chị họ những sự giúp đỡ cần thiết, nhưng nhất là mang đến cho bà Chúa Giêsu, Đấng ban ơn thánh hoá và hân hoan.

Người trở nên mẫu gương cho chúng ta mỗi khi chúng ta được kêu mời đến giúp đỡ tha nhân, và nhất là đem Chúa Giêsu đến cho họ.

Quyết tâm

Bác ái : “Tất cả lề luật được tóm lại trong một mệnh lệnh : bạn hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (Gl 5,14).

Cầu nguyện

Ôi lạy Maria, xin đến thăm viếng gia đình chúng con và mang đến cho chúng con hồng ân của Chúa Giêsu, người con yêu quý của Mẹ.

MẦU NHIỆM THỨ BA

CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH TẠI BÊLEM

Sự vui mừng cũng tràn ngập cảnh ở Bêlem, khi biến cố chào đời của Hài nhi thánh, Đấng cứu chuộc thế giới được loan báo nhờ lời ca của các thiên thần và được công bố cho các mục đồng như là “tin vui trọng đại” (Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 20).

Lời Chúa

“Bà Maria đã tới ngày mãn nhụy khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ nằm trong nhà trọ.”(Lc 2,6-7)

Suy niệm

“Khi tiến bước theo nẻo đường của Đức Kitô, nơi Người nẻo đường của con người được qui tụ lại, được bộc lộ ra và được cứu chuộc, các tín hữu đi tới chỗ diện đối diện với hình ảnh của con người đích thực. Khi chiêm ngưỡng sự ra đời của Đức Kitô, họ học biết tính thánh thiêng của sự sống” (Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 25).

Nơi hang đá, Hài đồng Giêsu, Mẹ Maria, thánh Giuse, các mục đồng, dạy chúng ta những tâm tình cần thiết để diễn tả mầu nhiệm Belem trong cuộc sống hằng ngày, đó là : đức khiêm tốn, đức khó nghèo, sự hy sinh.

Quyết tâm

Tinh thần nghèo khó : “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ” (Mt 5,3).

Cầu nguyện

Ôi lạy Maria, xin hãy để cho Chúa Giêsu giáng sinh trong chúng con, và thực hiện nơi chúng con điều mà Người xưa kia đã làm ở nơi Mẹ.

MẦU NHIỆM THỨ BỐN

MẸ MARIA DÂNG CHÚA GIÊSU

TRONG ĐỀN THÁNH

Việc hiến dâng trong đền thờ không chỉ diễn tả niềm vui của việc thánh hiến Hài Nhi và cuộc xuất thần của cụ Simêon, nhưng còn ghi lại lời ngôn sứ loan báo Đức Kitô là một “dấu chỉ chống đối” cho Israel và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu trái tim Thân Mẫu của Người (Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 20).

Lời Chúa

“Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy cuả các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải đuợc gọi là của thánh, dành cho Chúa.'” (Lc 2,22-23).

Suy niệm

“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa gì hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng ưa thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ tôi mới thưa : Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).

Chúng ta hãy theo Mẹ lên đền thờ, và qua tay của Mẹ, chúng ta hãy dâng hiến trí tuệ, ý chí, cuộc đời của chúng ta cho Thiên Chúa, ngõ hầu biết, yêu mến và phục vụ Chúa mỗi ngày.

Quyết tâm

Đức vâng phục : “Lương thực của tôi là thi hành ý muốn của Đấng đã sai tôi và hoàn thành công việc của Người” (Ga 4,34).

Cầu nguyện

Ôi lạy Maria, xin hãy hiến dâng chúng con cho Chúa Cha trong đền thờ là Hội thánh.

MẦU NHIỆM THỨ NĂM

MẸ MARIA GẶP LẠI CHÚA GIÊSU

TRONG ĐỀN THỜ 

SAU KHI BỊ THẤT LẠC

Vui mừng pha lẫn với bi đát là nét đặc biệt của mầu nhiệm thứ năm, tìm thấy thiếu niên Giêsu mười hai tuổi trong đền thờ. Ở đây Người tỏ mình ra trong sự khôn ngoan thiêng thánh của Người khi Người nghe và nêu lên những câu hỏi. Người tỏ mình ra chính yếu là “Kẻ dạy dỗ”. Việc mặc khải mầu nhiệm Người Con hoàn toàn lo công việc của Chúa Cha là một lời loan báo tính cách triệt để của Tin Mừng, trong đó những mối tương quan con người gần gũi nhất cũng được thách đố bởi những đòi hỏi của Nước Chúa. Đức Maria và thánh Giuse, sợ hãi và lo âu, đã “không hiểu” những lời Người nói (Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 20).

Lời Chúa

“Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.” (Lc 2,46).

Suy niệm

“Chúa Giêsu chỉ tay về phía những môn đệ của mình và nói : Đây là mẹ của tôi, và đây là anh em của tôi, bởi vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha của tôi ở trên trời, thì đối với tôi người ấy là anh chị em, là mẹ của tôi” (Mt 12,49-50).

Khi lầm đường lạc lối, chúng ta hãy lên đường đi tìm Chúa Giêsu, ngõ hầu gặp lại Người và lấy lại niềm an bình.

Quyết tâm

Đức khôn ngoan : “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17).

Cầu nguyện

Ôi lạy Maria, xin cầu Thánh Linh ban cho chúng con được tâm hồn khôn ngoan.

Nguồn: kinhmancoi.net

Share 0 Tweet

Từ khóa » Suy Niệm 5 Sự Vui