Suy Niệm Mầu Nhiệm Mân Côi Tháng 02 Năm 2020

SUY NIỆM

MẦU NHIỆM MÂN CÔI

02/2021

**************

HMC 20.2021 (pdf)

       Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, ta hãy xin cho được lòng đầy rẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

         Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy sống theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần qua việc làm lành, tránh dữ.

I – LỜI CHÚA    Xin đọc Tin Mừng Ga 20,19-23

  1. GỢI Ý SUY NIỆM

Khi nói về Chúa Thánh Thần, nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhầm lẫn giữa Chúa Thánh Thần với thiên thần.

Vậy Chúa Thánh Thần là Đấng nào ?

Trong Kinh Bản Giáo lý của giáo phận đã trả lời cho chúng ta rằng: “Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con”. Như thế, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo, còn thiên thần là thụ tạo của Thiên Chúa.

Nhưng nhờ đâu mà ta biết được Chúa Thánh Thần? Thưa, nhờ chính mạc khải của Chúa Kitô.

Bởi vì, chính Chúa Kitô đã trao ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ ngay chiều ngày thứ nhất trong tuần, sau khi Chúa từ cõi chết sống lại. Người đã hiện ra với các tông đồ, khi các ông đang ở trong nhà cửa đóng then cài, không dám ra ngoài, vì sợ người Do thái. Ngay khi hiện ra, Chúa trao ban bình an cho các ông, Người nói: “Bình an cho anh em. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo; Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc”.

Trước khi lên trời, Chúa đã truyền lại cho các môn đệ một lệnh truyền rằng: “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ; Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”, rồi mười ngày sau khi Chúa Giêsu lên trời, Người lại sai Chúa Thánh Thần xuống phù trợ các tông đồ, hướng dẫn, thánh hóa và canh tân Giáo hội ở trần gian. Do đó, ngày lễ Ngũ Tuần hay ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chính là ngày khai sinh ra Hội Thánh.

Hơn nữa, trong sách Sáng thế là cuốn sách đầu tiên trong quyển Kinh Thánh, chúng ta đã thấy Chúa Thánh Thần hoạt động của ngay trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa như đã được ghi lại trong những trang đầu của sách Sáng Thế rằng: “Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước”. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong cuộc đời của Chúa Giêsu; Ngay từ giây phút nhập thể làm người trong lòng trinh nữ Maria mà thiên thần Gabriel đã nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà”.

Khi bắt đầu thi hành sứ vụ công khai rao giảng Tin mừng qua việc chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên mình Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong cuộc đời Chúa Giêsu mãi cho đến khi hoàn tất chương trình cứu độ qua biến cố tử nạn và phục sinh của Người và Ngài luôn hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh và là hồn sống của Hội Thánh.

Chúa Thánh Thần còn được biết tới với những tên gọi khác nhau như: Đấng An Ủi, Đấng Bảo Trợ, Thần Chân Lý.

Khi lần giở lại những trang Kinh Thánh, chúng ta thấy; Chúa Thánh Thần còn được diễn tả qua các dấu chỉ biểu tượng như: Gió, Lửa, Nước, Dầu, Chim Bồ Câu, Hơi Thở … Những dấu chỉ biểu đó nhắc nhở cho chúng ta hiệu năng và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chương trình sáng tạo, cứu chuộc và hoạt động của Ngài trong Hội Thánh để thánh hóa Hội Thánh.

Sứ mạng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần được hoàn thành trong Hội Thánh, thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô và là đền thờ Chúa Thánh Thần, sứ mạng này từ nay nối kết các tín hữu của Chúa Kitô thông hiệp với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho con người bằng ơn thánh và lôi kéo họ về với Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần nhắc nhở và mở trí cho họ nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói.

Hơn nữa, Chúa Thánh Thần còn dạy chúng ta biết cách cầu nguyện thế nào cho hợp với thánh ý Thiên Chúa. Không những thế, Ngài còn giúp ta nhận ra những hoa trái của Ngài là dấu chỉ Ngài hiện diện trong ta như lời thánh Paul tông đồ đã nói: “Hoa quả của Chúa Thánh Thần là: Bác ái, bình an, hoan lạc, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”.

Trái lại, khi ta sống ghen ghét, đố kỵ, bất hòa, thù oán, gian giảo, xáo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng, gian dâm, độc ác… Tất cả những tội lỗi và thói hư tật xấu đó là dấu chỉ cho thấy không có Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn ta. Những lúc như thế, ta hãy mau chóng nhận ra và tìm cách quay về với Chúa Thánh Thần để xin Ngài thương chữa trị tâm hồn ta.

Vậy, nghĩa vụ ta đối với Chúa Thánh Thần phải thế nào? Thưa, ta phải tôn trọng thân xác, linh hồn ta là đền thờ Chúa Thánh Thần, phải xa tránh tội lỗi làm mất lòng Ngài và mau mắn vâng theo sự mách bảo qua tiếng lương tâm ngay thẳng. Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần là sức mạnh tình yêu luôn hiện diện trong chúng ta, giúp chúng ta nhận ra thánh ý Ngài và mau mắn thực hiện. Xin Ngài ngự đến canh tân tâm hồn chúng ta, đổi mới mọi sự trong ngoài chúng ta, sắp đặt trật tự trong con người chúng ta. Xin Ngài tái tạo chúng ta thành người mới, giúp chúng ta đừng bao giờ làm phiền lòng Thánh Thần, để nhờ đó chúng ta nhận được ơn cứu chuộc của Thiên Chúa. Amen.

III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ 

  1. Tôi có xúc phạm tới thân xác tôi là đền thờ Chúa Thánh Thần hay thân xác của người khác qua những hành vi: Dâm ô, ngoại tình, mại dâm, đánh đập, chửi rủa, oán hận… người khác không?
  2. Tôi có gạt bỏ tiếng nói của Chúa Thánh Thần nhắc nhở ta qua tiếng lương tâm; làm lành, tránh dữ không ?
  3. Hàng ngày, tôi có rà soát để biết hoa trái trong tôi là của Chúa Thánh Thần hay của ác thần để khỏi lạc xa chân lý không ?

* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.

1- Maria Trần Thị Tuyết, giáo xứ Nguyệt Đức – giáo hạt Bắc Ninh.

2- Maria Nguyễn Thị Tuyết, giáo xứ Thái Nguyên – giáo hạt Thái Nguyên.

3- Maria Nguyễn Thị Xá, giáo xứ Nguyệt Đức – giáo hạt Bắc Ninh.

4- Anna Nguyễn Thị Tất, giáo xứ Vinh Tiến – giáo hạt Vĩnh Phúc.

5- Anna Nguyễn Thị Xuân, giáo xứ Thái Nguyên – giáo hạt Thái Nguyên.

6- Anna Phạm Thị Khoản, giáo xứ Yên Lãng – giáo hạt Thái Nguyên.

7- Têrêxa Nguyễn Thị Hằng, giáo xứ Đồng Chương – giáo hạt Tuyên Quang.

8- Anna Nguyễn Thị Hán, giáo xứ Đồng Chương – giáo hạt Tuyên Quang.

*Thông báo: Vì đại dịch Covid 19 bừng phát trở lại, nên thứ Bảy ngày 06/02/2021, tạm hoãn việc tập trung học hỏi, chia sẻ, dâng hoa tại TTTM Từ Phong của giáo hạt Bắc Giang cho tới khi có thông báo lại.

Linh mục đặc trách

Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh

                                                                                                                       Phêrô Mai Viết Thắng

Từ khóa » Suy Niệm 20 Mầu Nhiệm Mân Côi