Suy Thoái Về đạo đức, Lối Sống- Nhận Diện Và Cảnh Báo

Nhận diện

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, không phải Đảng ta đến bây giờ mới nhận diện được những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và cũng không phải đến bây giờ Đảng ta mới nhận thức được tác hại và hệ lụy của nó đối với sinh mệnh chính trị, nguy cơ sống còn của Đảng. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên luôn được nhắc đến như những ung nhọt trong cơ thể Đảng và là nỗi trăn trở của toàn Đảng và nhân dân ta trong điều kiện đảng cầm quyền.

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, năm 1976, vấn đề suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên vẫn được đề cập trong nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng với tính chất phức tạp và mức độ nguy hại cho gia đình, xã hội và cho bản thân Đảng cầm quyền ngày càng tăng. Đến đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta nhận thấy “vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách”,... Qua nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng và các cấp ủy đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo thực hiện, nhưng Đảng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nghị quyết TW4 (khóa XI) về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vẫn nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 (khóa XI), coi việc “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ. Đồng thời, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng đã bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong mục tiêu xây dựng Đảng. Đây là lần đầu tiên vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được tách ra khỏi xây dựng Đảng về tư tưởng và trở thành một nội dung độc lập, xứng tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Nghị quyết TW4 khóa XII một lần nữa khẳng định quyết tâm của toàn Đảng trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức. Nét khác biệt lần này là: những biểu hiện về sự suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định rõ hơn, cụ thể hơn, dễ nhận biết hơn, giúp các cấp ủy đảng, đảng viên tự phê bình, phê bình cụ thể đối với tập thể và từng cá nhân thuận lợi và hiệu quả hơn. Đó là: Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi. Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân,...

Rõ ràng, sự suy thoái về đạo đức, lối sống hiện nay đang là một nguy cơ lớn đối với Đảng cầm quyền.

Cảnh báo

Nghị quyết TW4 khóa XI đã cảnh báo “sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Những hạn chế, khuyến điểm về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng đã làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, trong thời gian tới đây, cả nước bước vào thời kỳ mới, nhất là khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những chuẩn mực đạo đức tiếp tục có sự thay đổi theo chiều hướng cả tích cực và tiêu cực. Ngoài những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại vẫn trường tồn như tính nhân đạo, đồng cảm, vị tha... thì cơ chế thị trường sẽ tiếp tục tác động lớn đến sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi của đạo đức xã hội. Khi xã hội phát triển ngày càng nhanh với việc tìm kiếm lợi nhuận để làm giàu chính đáng thì cũng kéo theo đó là sự lừa dối, giả tạo, chạy theo đồng tiền, vì lợi ích cá nhân nên sẽ có không ít người bất chấp, coi thường dư luận, từ bỏ những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đã được tạo dựng trước đây.

Trong điều kiện đảng cầm quyền, công tác xây dựng Đảng tiếp tục đứng trước những khó khăn mới, vì lợi ích bản thân cán bộ đảng viên mà nguyên tắc tự phê bình và phê bình ngày càng có nguy cơ kém hiệu lực và hiệu quả. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình được coi là quy luật phát triển của Đảng thì nay có xu hướng hình thức, đối phó, kém hiệu quả và ít phát huy tác dụng. Mục đích việc phát huy vai trò của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng là vì công việc chung, sự đoàn kết của tổ chức và vì sự tiến bộ của từng đảng viên chứ không phải sau mỗi lần tự phê bình, phê bình thì dẫn đến chia rẽ, mất đoàn kết, thậm chí trả thù nhau.

Hiện nay, các cấp ủy đảng và từng đảng viên đang thực hiện tự phê bình và phê bình theo Kế hoạch 04 của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết TW4 đã xác định sẽ được mỗi tổ chức đảng, đảng viên soi xét bản thân mình, thật thà nhận khuyết điểm, làm rõ nguyên nhân và thành tâm sửa chữa khuyết điểm bằng những cam kết hành động cụ thể và kiểm điểm thực hiện những cam kết đó trong dịp tổng kết đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm.

Cũng trong điều kiện đảng cầm quyền, nhiều đảng viên của Đảng giữ trọng trách lớn trong bộ máy nhà nước nên nguy cơ xa dân, tham nhũng nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được thì sẽ càng làm cho Đảng mất uy tín rất nhanh. Do đó, việc yêu cầu đảng viên tuân thủ pháp luật hay thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định trong thể chế Đảng không chỉ có ý nghĩa pháp lý- chính trị mà còn chứa đựng nội dung đạo đức và văn hóa. Suy thoái về đạo đức, lối sống tất yếu đi liền với sự tha hóa về chính trị. Vì vậy, việc làm quan trọng trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân rõ quyền và trách nhiệm công vụ, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật.

Trong điều kiện thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhất là thông tin mạng, ngoài những tiện ích không thể phủ nhận, thì các thông tin trái chiều cũng xuất hiện ngày càng nhiều và rất khó kiểm soát. Nhiều người, kể cả cán bộ, đảng viên, nhất là giới trẻ do thiếu thông tin hoặc tiếp nhận những thông tin xấu, không đủ sức để “miễn dịch” với nó nên đã tỏ ra bất bình, tiêu cực, mất niềm tin thậm chí dẫn đến suy thoái.

Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn một trong những giải pháp tốt nhất là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà vấn đề mấu chốt nữa là phải thường xuyên cảnh báo với chính mình. Mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Muốn giữ gìn đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân đang hàng ngày, hàng giờ chi phối mình.

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng không phải là những nội dung trừu tượng mà thông qua những việc cụ thể khi thực hiện chức trách, bổn phận của cán bộ, công chức; trong mối quan hệ với nhân dân, đồng nghiệp, bạn bè và người thân trong gia đình. Việc giữ gìn nhân cách, phẩm chất đạo đức cách mạng phải là của chính mỗi cán bộ, đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Lam Uyên- Thúy Diễm

Từ khóa » Nhận Diện Suy Thoái Về Tư Tưởng Chính Trị