Tả Cây ăn Quả Lớp 4 Hay Chọn Lọc
Có thể bạn quan tâm
Tả cây ăn quả lớp 4
- 1. Dàn ý tả cây ăn quả lớp 4
- Lập dàn ý Tả cây ăn quả mẫu 1
- Lập dàn ý Tả cây ăn quả mẫu 2
- 2. Tả cây ăn quả lớp 4 Ngắn nhất (18 mẫu)
- 3. Tả cây mít (26 mẫu)
- 3. Tả cây xoài (40 mẫu)
- 4. Tả cây cam (27 mẫu)
- 5. Tả cây bưởi (13 mẫu)
- 6. Tả cây khế (8 mẫu)
- 7. Tả cây dừa (16 mẫu)
- Văn tả cây dừa lớp 4 Mẫu 1
- Văn tả cây dừa lớp 4 Mẫu 2
- 8. Tả cây dứa (cây thơm/cây khóm)
- 9. Tả cây thanh long
- 10. Tả cây bơ (4 mẫu)
- 11. Tả cây nho (5 mẫu)
- 12. Tả cây vải thiều (10 mẫu)
- Văn tả cây vải lớp 4 Mẫu 1
- Văn tả cây vải lớp 4 Mẫu 2
- 13. Tả cây lựu
- 14. Tả cây ổi (21 mẫu)
- 15. Tả cây chuối (32 mẫu)
- 16. Tả cây Nhãn (18 mẫu)
- 17. Tả cây vú sữa (8 mẫu)
- 18. Tả cây mận (6 mẫu)
- 19. Tả cây na (5 mẫu)
- 20. Tả cây đu đủ (6 mẫu)
- 21. Tả cây sầu riêng (10 mẫu)
- 22. Tả cây táo (8 mẫu)
- 23. Tả cây quýt (4 mẫu)
1. Dàn ý tả cây ăn quả lớp 4
Lập dàn ý Tả cây ăn quả mẫu 1
a) Mở bài: Giới thiệu về loại cây ăn quả mà em muốn miêu tả:
- Cây ăn quả đó thuộc loại cây gì? Năm nay đã bao nhiêu tuổi? Đã cho bao nhiêu mùa quả chín rồi?
- Cây ăn quả đó được trồng ở đâu? Do ai trồng và chăm sóc mỗi ngày?
b) Thân bài: Miêu tả cây ăn quả theo quá trình phát triển:
- Khi cây còn nhỏ:
- Lúc mới trồng cây cao nhiêu cm? (hoặc cao đến đâu so với em)
- Thân cây có kích thước như thế nào? Các cành nhánh lúc này có đặc điểm ra sao?
- Lúc này cây có nhiều lá không? Những chiếc lá của cây có đặc điểm như thế nào?
- Cây được trồng và chăm sóc ra sao? Có cần sử dụng dụng cụ để giúp cây đứng vững không?
- Khi cây trưởng thành:
- Từ khi mới trồng cho đến khi cây cao lớn, trưởng thành mất bao lâu?
- Lúc này chiều cao, kích thước của cây có gì khác so với lúc mới trồng?
- Số lượng các cành của cây và kích thước tán cây đem lại cảm giác gì cho em?
- Khi cây ra hoa, kết quả:
- Cây bắt đầu ra hoa và kết quả vào thời điểm nào trong năm? Hoa của cây có dễ nhận ra không? Màu sắc và hương thơm của hoa có đặc điểm gì?
- Mất bao lâu để hoa kết quả? Những quả lúc còn nhỏ có màu sắc và kích thước ra sao? Nó mọc đơn lẻ hay kết thành từng chùm?
- Quả còn non có dễ phát hiện ra không? Hay lẩn khuất trong vòm lá?
- Để bảo vệ quả thì người trồng thường làm gì? Điều đó có khó khăn hay nguy hiểm không?
- Khi chín, quả của cây có kích thước, hình dáng và hương vị ra sao? Người trồng thường làm gì khi thu hoạch quả của cây?
c) Kết bài:
- Nêu tình cảm, cảm xúc của em dành cho cây ăn quả mà em vừa miêu tả
- Nêu những hành động mà em đã làm để thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình với cây
Lập dàn ý Tả cây ăn quả mẫu 2
a) Mở bài: Giới thiệu cây ăn quả mà em muốn miêu tả:
- Đó là loại cây ăn quả nào? Được trồng ở đâu?
- Cây năm nay bao nhiêu tuổi? Đã cho được bao nhiêu mùa quả chín?
b) Thân bài:
- Tả hình dáng của cây ăn quả: Tả các bộ phận từ dưới lên trên:
- Gốc cây: to, phần rễ liền với gốc bò lổm ngổm trên mặt đất, được quét vôi trắng
- Thân cây: to lớn, vững chắc, lớp vỏ ngoài sần sùi thô ráp
- Cành cây: cành chính mọc từ thân to và cứng hơn các cành phụ
- Lá cây: hình dáng, kích thước, màu sắc (chỉ rõ sự thay đổi từ lá non thành lá già)
- Hoa: nở vào tháng mấy, nở thành chùm hay đơn lẻ, có mùi hương gì
- Quả: mất bao lâu để chín, kích thước, màu sắc và hương vị ra sao
- Tả lợi ích của cây:
- Cây cho bóng mát trong vườn
- Cây cho quả chín để ăn và chế biến nhiều món ngon
- Cây gắn liền với tuổi thơ và những buổi vui chơi cùng bạn bè, anh chị hoặc người thân
- Các cành cây già, gãy có thể làm củi đốt
- Tả hoạt động của con người với cây:
- Hoạt động chăm sóc cây: tưới nước, bón phân, nhổ cỏ, tỉa cảnh…
- Hoạt động thu hoạch: trông chờ quả chín, hái quả đem biếu người thân…
c) Kết bài: Tình cảm, cảm xúc của em dành cho cây ăn quả mà mình vừa miêu tả
>> Tham khảo chi tiết các dàn bài khác tại: Lập dàn ý miêu tả một cây ăn quả quen thuộc lớp 4
2. Tả cây ăn quả lớp 4 Ngắn nhất (18 mẫu)
Cạnh bờ ao nhà em có một bụi chuối hương rất tươi tốt. Chẳng cần ai chăm sóc, mà cây cứ lớn lên từng ngày.
Bụi chuối hương có ba cây chuối lớn và năm cây chuối nhỏ. Dù lớn hay nhỏ thì chúng đều có hình dáng giống nhau, chỉ khác kích thước và chiều cao mà thôi. Mỗi cây chuối gồm thân chuối to tròn như cột nhà và nhỏ dần lên ngọn. Cây chuối không có cành, chỉ có lá cây mọc trực tiếp từ thân chuối mà thôi. Lá chuối tập trung hết ở phần ngọn, với cuống lá nối liền với thân cây, còn phần lá thì xòe ngửa ra khiến cây chuối trông như bó hoa xanh khổng lồ. Lá chuối ở ngoài sẽ già hơn lá chuối ở trong một chút. Tàu lá chuối già sẽ dài từ 1m đến 1m3, thậm chí là 1m5. Chạy dọc giữa lá là cuống lá màu xanh non nhỏ dần về phía đuôi. Lá chuối mặt trên đón nắng mặt trời có màu xanh sẫm, mặt dưới thì có màu xanh nhạt hơn. Lá non thì sẽ nhỏ hơn lá già và chỉ hơi ngửa ra một chút mà thôi. Riêng tàu lá nhỏ mới mọc lên thì có màu xanh nõn, cuộn lại như một phong thư và dựng thẳng lên trời. Đặc biệt, các tàu là chuối khi đã già, chúng sẽ ngửa ra ngoài rất nhiều, có lá còn sà xuống mặt nước. Chờ khi già héo đi, chúng khô quắt lại, chuyển màu xám và tự rụng xuống, chỉ để lại cuống lá dính lên thân cây. Các cây chuối nhỏ thì cao chừng thắt lưng em, có cây cao bằng em. Các cây chuối lớn thì cao vút, phải gần 3m. Chúng đứng chụm lại với nhau, cây to chắn gió cho cây bé, nom cứ như một gia đình. Cây chuối to nhất, là cây đầu tiên ra quả. Cây chuối cho ra cả một buồng lớn với sáu nải chuối to. Mỗi nải từ mười tám đến hai mươi hai trái to. Hôm trước, mẹ em đã cắt hoa chuối vào để làm món rau cuốn thịt nướng rất ngon. Chờ một thời gian nữa, buồng chuối chín thì em sẽ có những quả chuối hương thơm ngon để ăn rồi. Chỉ cần nghĩ đến những quả chuối chín vàng, dẻo thơm là em đã thấy như đang ngửi được mùi chuối thơm ngọt phảng phất quanh mình rồi.
Em rất thích những cây chuối hương ở sau nhà. Bởi chúng vừa chịu khó, tự lớn lên khỏe mạnh, chẳng cần ai chăm sóc. Lại còn có thể tận dụng hết tất cả các bộ phận, không để phí một phần nào.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đâyTả cây ăn quả ngắn gọn hay nhất
3. Tả cây mít (26 mẫu)
Hè năm ngoái em về quê ngoại chơi và thấy cây mít ông bà trồng từ lâu đã bắt đầu sai trĩu quả trông rất thích mắt.
Em đứng lặng ngắm cây mít. Thân cây khá to cỡ hơn một vòng tay em ôm lận. Thân màu nâu sẫm, khi đứng cạnh trông em trở nên bé nhỏ so với nó. Cành lá sum suê, vươn rộng tỏa bóng mát cả một góc vườn. Dưới gốc cây ông em còn đóng một cái xích đu be bé để dành riêng cho hai chị em em ngồi. Những ngày hè nóng nực, chỉ cần ra vườn ngồi nghỉ dưới gốc cây sẽ thấy rất mát mẻ và dễ chịu.
Lá mít rất to, dày, xanh đậm. Mặt trước của lá sáng bóng còn mặt đằng sau thì ngược lại, xanh nhạt hơn. Từ thân cây, nảy ra những trái mít non. Lúc đầu chúng be bé màu xanh cỡ cái cốc rồi lớn dần lên đến khi có thể ăn được thì to hơn cái ấm tích của bà. Khi chín, vỏ mít chuyển màu sáng màu sậm. Nhìn bên ngoài vỏ mít sần sùi nhiều gai là thế nhưng bên trong thì vô cùng thơm ngon.
Khi mít chín thì thơm lan tỏa khắp vườn. Mùi thơm ấy ngọt ngào len lỏi từ vườn vào trong nhà. Em háo hức lắm nên cứ giục ông ra thăm cây liền. Ông nở nụ cười thân thương rồi đến cây mít, nhẹ nhàng cắt bỏ cuống rồi ôm quả vào lòng. Ông vui lắm đấy vì cây mít ông trồng từ lâu đã có thể hái cho các cháu ăn. Bổ quả mít ra, những múi mít vàng ươm nằm xen kẽ với xơ mít trông rất hấp dẫn. Mùi thơm khi bổ tăng lên gấp bội.
Cả nhà quây quần dưới hiên ngồi ăn mít và trò chuyện thật vui vẻ. Những múi mít ngọt đậm, thơm lừng khiến ai ăn cũng phải tấm tắc khen. Hạt mít có thể luộc hoặc rang ăn rất bùi và ngon. Vào những trưa hè đầy nắng, em rất thích nằm dưới gốc mít nghe bà kể chuyện và xem ông tỉa lá vì đã có tán lá rợp rộng tỏa bóng mát dễ chịu. Mong rằng mỗi năm em đều được về quê và được thu hoạch hoa quả trong vườn cùng ông bà.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Văn mẫu lớp 4: Tả cây mít trong vườn nhà em
3. Tả cây xoài (40 mẫu)
Trong vườn nhà em trồng rất nhiều cây ăn quả khác nhau. Mỗi loài cây đều có một đặc điểm và một công dụng riêng. Nhưng em thích nhất là cây xoài. Bởi cây có nhiều kỉ niệm gắn bó với em hơn cả.
Cây xoài nhà em rất cao. Gốc cây to bằng một vòng tay em, những nhánh nhỏ xum xuê chi chít lá như một chiếc ô xanh mát rượi. Lá xoài cứng, to, dài hơn cái điều chỉnh ti vi một chút, xanh tốt quanh năm. Đến mùa hè, xoài bắt đầu đơm hoa kết trái. Hoa xoài có màu trắng ngà, nhỏ xíu, kết thành chuỗi dài như hoa bàng. Những trái xoài non trông giống như những viên bi nõn ngọc.
Rồi ngày tháng qua đi, những quả xoài lớn dần, trông vui mắt như đàn gà con. Quả mọc thành chùm, chia thành những nhánh nhỏ màu xanh non, khi chín có màu vàng. Quả xoài chín ăn ngon lắm! Nước chan hòa, ngọt sắc, vị ngọt mê ly. Những quả xoài đầu mùa như gieo sự náo nức cho mọi người.
Đứng ngắm nhìn cây xoài lòng em chợt miên man nghĩ tới ngày xoài chín. Còn gì thích bằng được ăn những quả xoài mà do chính tay em cùng bố mẹ đã bỏ công chăm sóc. Em luôn mong cây xanh tốt và hàng năm cho ra thật nhiều trái thơm ngon để cả nhà cùng được thưởng thức. Em rất yêu quý cây xoài nhà mình!
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Văn mẫu lớp 4: Tả cây xoài trong vườn nhà em
4. Tả cây cam (27 mẫu)
Vườn nhà em trồng rất nhiều cây ăn quả: cây xoài, cây mít, cây ổi,... nhưng em thích nhất là cây cam được ông trồng giữa vườn.
Cây được ông lấy giống từ miền nam về. Cây không cao lắm, nhưng tán cây xoè rộng ra, trông xa như chiếc ô xanh khổng lồ. Thân cây khá lớn, cả một vòm tay em ôm mới xuể. Toàn thân cây khoác lên chiếc áo màu nâu xỉn. Ngay từ mặt đất cây đã được phân thành hai cành lớn. Lá cam to hơn lá chanh, mỗi cuống lá thường có một chiếc gai nhọn. Hôm trước em sơ ý đụng phải chiếc gai, chiếc gai đã làm em đau lắm.
Cây cam đã được trồng hơn 4 năm nên cây đã lớn. Nhờ có sự chăm bón chu đáo và tỉ mỉ của ông nên cây rất tươi tốt. Thân, cành, lá xanh bóng. Trong những cuống lá xuất hiện từng chùm hoa cam. Hoa cam trắng muốt, nhụy vàng. Đặc biệt nhất là mùi hương của cây cam, hương thơm ngan ngát tỏa khắp khu vườn. Rồi đã đến mùa trái rộ, quả cam to, mập và chắc.
Khi đã lớn quả cam to bằng quả bóng nhỏ, xanh thẫm. Mỗi cành có dăm ba quả. Nhìn quả cam lủng lẳng trên cành, em rất thích. Quả chín vào cuối năm, cả cây vàng rực lấn át cả màu xanh của lá. Vị cam ngọt đậm đà ẩn bên trong những múi cam mọng nước. Cam là loại trái cây chứa nhiều vi-ta-min. Khi cam chín, mẹ em lại hái những quả cam chín mọng, rửa sạch sẽ thắp hương sau đó cả gia đình quây quần thưởng thức vị ngọt của cam.
Em rất thích ăn cam. Em tự nhủ sẽ giúp ông chăm bón cây cam cho cây cam tươi tốt hơn.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Văn mẫu lớp 4: Tả cây cam mà em yêu thích
5. Tả cây bưởi (13 mẫu)
Nhà ông bà nội em có một vườn cây ăn quả, gồm nhiều loại cây, trong đó em rất thích những cây bưởi. Đây là giống bưởi Diễn nổi tiếng thơm ngon. Vườn bưởi này được trồng khá lâu rồi, vì ông bà em sinh sống ở đất Diễn đã lâu đời.
Cây bưởi cao khoảng hơn một mét, chia thành nhiều cành nhỏ tỏa ra xung quanh. Thân cây to bằng cổ chân, màu rêu xám. Vỏ cây mốc thếch. Rễ cây đâm sâu xuống lòng đất, hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Cành cây như những cánh tay to khỏe, rắn chắc, nâng đỡ tán lá và quả. Lá bưởi to như bàn tay người lớn, hơi dài, thắt lại ở giữa như cái nậm rượu.
Vào mùa xuân, từng chùm hoa trắng muốt, hương thơm thoang thoảng theo gió, lấp ló trong những tán lá xanh mơn mởn. Khi có cơn gió thoảng qua, những cánh hoa trắng rơi lả tả quanh gốc cây. Chúng em thường nhặt hoa bưởi để chơi đồ hàng, hoặc để đầu giường cho thơm. Cuối mùa xuân, hoa kết thành những quả bưởi con. Quả bưởi lớn nhanh như thổi.
Lúc đầu, chúng bé bằng hòn bi, sau đó, to bằng quả chanh, rồi bằng nắm tay người lớn, và bằng quả bóng lúc nào không biết. Mỗi cây bưởi có từ hàng chục, đến hàng trăm quả, trông rất đẹp mắt. Mùa thu là mùa bưởi chín. Lúc đó, từng quả bưởi nặng trĩu cành, màu vàng ươm, có mùi thơm ngọt. Gọt lớp vỏ mỏng bên ngoài, ta thấy xuất hiện lớp cùi trắng ngà, rồi đến múi bưởi tròn căng, mọng nước, nhưng bóc rất dóc vỏ. Tép bưởi không bị nát và chảy nước.
Cây bưởi không chỉ cho ta quả ăn, mà còn có nhiều công dụng khác. Cây bưởi làm cây cảnh ngày Tết, quả bưởi để bày mâm ngũ quả, làm quà cho họ hàng, bạn bè. Lá và vỏ bưởi dùng để gội đầu, làm lá xông giải cảm, hoặc luộc ốc rất thơm. Hoa bưởi để ướp bột sắn, cho ta mùi thơm thoang thoảng, dịu mát. Giống bưởi Diễn rất đặc biệt. Phải đến gần Tết mới được ăn.
Bưởi Diễn, là đặc sản nổi tiếng của đất Diễn. Trước Tết Nguyên Đán khoảng 1 tháng, bà nội em thường trẩy bưởi xuống, bôi vôi vào cuống quả bưởi, để dưới gầm giường, hoặc dưới đất cho bưởi xuống đường. Đến Tết là thời điểm ăn bưởi Diễn ngon nhất. Trông quả bưởi Diễn héo nhăn nheo, xấu xí, nhưng ăn ngọt lịm, thanh mát. Điều đặc biệt nữa là, bưởi Diễn rất thơm, mùi thơm dễ chịu.
Em rất thích thú khi thấy những chú chim non ríu rít nhảy nhót trên cành. Dường như, chúng cũng muốn thưởng thức đặc sản này. Em sẽ chăm sóc vườn bưởi thật tốt, để giống bưởi Diễn đặc sản quê hương em không bị mất dần theo thời gian.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Văn mẫu lớp 4: Tả cây bưởi trong vườn nhà em
6. Tả cây khế (8 mẫu)
Khi mới bắt đầu sang mùa xuân, bố em mang về một cây khế nhỏ, chỉ cao đến vai của em. Bố bảo: “Mùa xuân này mà trồng cây khế thì còn gì bằng”. Cũng bởi vậy mà em hào hứng để chào đón “thành viên mới” của gia đình.
Giống khế mà bố em mua về là giống khế ngọt, được mua từ Nam Định về. Ở dưới Nam Định thì giống cây nào cũng ngon và cũng đều sai trĩu quả. Khi mới mua về, nhìn cây khế trông rất khẳng khiu, chả có cành lá gì cả, khi bố em mới mua về thì ai cũng chê là cây này còi cọc quá, không biết có thể sống được không. Nhưng bố em vẫn trồng cây vào một góc vườn, ngày ngày chăm bẵm cho cây. Bố em bảo: ngày xưa em còn gầy và yếu lắm, thế mà bố mẹ em còn chăm được chứ cây khế này thì nhằm nhò gì. Cũng bởi do bố em nói vậy mà em và bố sẽ quyết tâm chăm cây khế này thành một cây khế thật khỏe mạnh.
Cứ vào mỗi buổi sáng sớm và buổi chiều muộn em lại đều ra tưới nước cho cây còn bố em thì cách vài tháng lại bón phân cho cây và thường xuyên ra bắt sâu, tỉa cành cho cây. Cứ như vậy mà chả mấy chốc, cây khế của hai bố con em đã bắt đầu nảy những chồi non ở trên thân cây. Ban đầu, đó chỉ là những chồi bé tí ti, nhưng rồi dần dần, bắt đầu to lên và trở thành những cành cây mầm, rồi bắt đầu ra lá non. Lúc mới đầu, một chồi chỉ có vài cành, nhưng sau đó, một cành nảy ra rất nhiều mầm, nhiều chẽ cây. Sau hơn 5 tháng chăm sóc cây, giờ đây cây khế đã cao hơn cả bố em, nhìn những cành là xanh mơn mởn và rung rinh mỗi khi có cơn gió thoảng qua, trông thật thích mắt. Từ những cành lớn của cây, những chùm hoa màu tím hồng bắt nhỏ xinh bắt đầu xuất hiện. Ban đầu hoa khế chỉ bằng đầu tăm, sau đó to bằng đầu đũa thì bắt đầu đâm hoa kết trái. Sau khoảng 3 tháng từ ngày kết quả là có thể thu hoạch được. Những quả khế căng mọng, có màu xanh vàng trông thật là thích mắt.
Cây khế của nhà em trồng, khi ăn có một vị ngọt mát, khác hẳn với những quả khế mua ở ngoài chợ, bởi vậy mà cả nhà em đều chỉ ăn khế của nhà. Dù cây đã lớn, nhưng bố em vẫn chăm cây đều đặn, cứ vài tháng bố em lại bón phân và quét vôi vào gốc cây để diệt trừ sâu bệnh. Vào những buổi chiều oi nóng, ngồi dưới gốc khế, nhìn tán cây đung đưa trước gió và thưởng thức vị ngon ngọt của quả khế thì thật là tuyệt.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tập làm văn lớp 4: Tả cây khế vườn nhà em
7. Tả cây dừa (16 mẫu)
Văn tả cây dừa lớp 4 Mẫu 1
Cây dừa xanh toả nhiều tàuDang tay đón gió, gật đầu gọi trăngThân dừa bạc phếch tháng nămQuả dừa – đàn lợn con nằm trên cao…
Đó là những câu thơ vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu mà nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về loài cây em yêu thích nhất: cây dừa.
Những cây dừa thường rất cao lớn, vượt lên cả những mái nhà. Thân cây trơn tuột, được chia thành nhiều khấc. Khách nơi khác thường bảo sao mà khó trèo. Nhưng đối với người dân lớn lên từ cây dừa như em thì chẳng mấy khó khăn. Những tàu lá dừa mọc tít ở trên ngọn, hình dáng như chiếc lá chuối bị gió quật tả tơi. Những nhánh lá đu đưa theo gió, tạo ra tiếng xào xạc vui tai, vỗ về bao đứa trẻ vào giấc ngủ say nồng. Dưới nách lá, là nơi trái dừa sinh ra và phát triển. Những trái dừa kết thành từng chùm, trông hệt như chùm chuông của ông già nô en. Quả dừa nào cũng to tròn, có nhiều nước ngọt mát cùng phần cơm dày dặn. Thật ngon lành làm sao.
Ở vùng đất cát, gió lớn như quê em, dừa là loại cây hiếm hoi phát triển tốt đến như thế. Từng hàng, từng hàng dừa xanh mọc dày đặc. Chúng cắm rễ sâu xuống lòng đất, không chỉ giúp giữ đất, giữ cát hay đem lại cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Mà còn đem lại nguồn kinh tế, thức ăn cho người dân. Người ta uống nước dừa, ăn cùi dừa. Lá dừa dùng làm vỏ cuốn bánh, hay xay ra tạo thuốc màu. Thân dừa, lá dừa, vỏ dừa khô thì để đun nấu, chẳng thiếu gì.
Em mong rằng, cây dừa sẽ được trồng nhiều hơn nữa trên khắp mọi miền tổ quốc. Để dù đi đâu, em cũng được nhìn thấy hình bóng thân thương, tuyệt vời ấy.
Văn tả cây dừa lớp 4 Mẫu 2
Mỗi lần về quê, từ xa em đã được nhìn thấy hình dáng hàng dừa xanh ngát, đung đưa trong gió. Nhìn hình ảnh ấy, em luôn thấy xúc động vô ngần.
Hàng dừa được người dân nơi đây trồng dọc theo bờ sông, dẫn lối đi vào trong làng. Cây dừa rất cao, vượt qua mọi tầng lá xanh của cây cối trong làng. Tàu dừa to, gồm nhiều nhánh lá nhỏ dài, như mái tóc đương xanh của người thiếu nữ xuân thì. Từng trái dừa lủng lẳng dưới tán lá, chứa bao dòng nước ngọt thanh - thứ nước mà những đứa trẻ luôn khao khát hơn bất kì loại nước ngọt nào.
Cây dừa gắn bó, cống hiến vô tư cho cuộc sống của người dân quê em. Người dân cũng vì thế mà tỉ mẩn, không để phí hoài dù chỉ một nhánh lá. Nước dừa, cùi dừa để ăn, uống trực tiếp, rồi con làm thành đủ thứ món ngon như mứt dừa, kẹo dừa hay đem kho với thịt. Lá dừa để tạo màu cho bánh kẹo, để gói bánh, hay phơi khô cả tàu lá lợp mái nhà. Rồi thân, vỏ, lá dừa khô có thể dùng để đun bếp. Những đứa trẻ ngày ngày chơi đùa dưới bóng mát của cây dừa, thi nhau leo lên đến ngọn cây, sung sướng ngắm nhìn thế giới bên ngoài làng quê.
Em rất yêu quý cây dừa. Đối với em cây dừa cũng như một người bạn thân thiết. Dù đi xa nơi đâu, em vẫn luôn nhớ về hình dáng cao lớn, trầm lặng ấy.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Văn mẫu lớp 4: Tả cây dừa ở quê em
8. Tả cây dứa (cây thơm/cây khóm)
Trong vườn nhà em, có hai hàng dứa xanh mướt. Đây là loại quả em rất thích ăn, nên mẹ đã tự tay trồng và chăm sóc.
Cây dứa là giống cây mọc thành bụi. Rễ của nó khá nhỏ, nhưng mọc dày thành chùm lớn, giúp cây bám chắc trên mặt đất và hút được nhiều chất dinh dưỡng. Từ gốc sẽ mọc lên một thân chính của cây. Điều đặc biệt là, những chiếc lá dứa sẽ mọc trực tiếp từ thân cây, ngay từ phần sát gốc. Chính vì thế, mà nhiều khi chúng ta dễ lầm tưởng rằng lá dứa mọc trực tiếp từ gốc cây. Lá dứa có hình dáng như lá chuối, với độ dài chừng 30cm đến 50cm, và bề ngang nhỏ chỉ khoảng hai đến ba đốt ngón tay. Lá dứa có độ cong mềm mại nhưng thực chất lá khá dày và cứng. Hai bên mép lá có đầy các răng cưa sắc nhọn, có thể khiến ta bị thương khi va chạm. Sống giữa của lá cũng rất cứng cỏi, nhờ vậy, thật khó để khiến lá dứa bị gãy.
Phần thân cây dứa nhỏ sẽ liên tục dài ra trong quá trình phát triển của cây dứa. Thân dài đến đâu, sẽ có thêm lá mọc đến đó, nhằm che phần thân đấy lại. Sự phát triển này sẽ hoãn lại, khi cây bắt đầu ra trái. Trái dứa hay còn là trái thơm, trái khóm tùy vùng miền sẽ mọc ở ngay trên ngọn của thân cây dứa. Thường lúc này cây cũng sẽ đạt độ cao đến khoảng đầu gối của mẹ em rồi. Quả dứa có vẻ ngoài xù xì, xấu xí với các mắt nhọn, gai góc y như lá của nó. Trên đầu quả dứa, có những chiếc lá dứa nhỏ mọc thẳng, y như một cái vương miện. Một cây dứa thì chỉ có thể có một quả mà thôi. Khi quả lớn lên, to như cái ấm trà và chín vàng, thì người ta sẽ thu hoạch quả rồi nhổ cây luôn. Khi ăn dứa, phần đầu dứa có cái vương miện sẽ được dùng để trồng ra cây mới. Nói về quả dứa, thì hương vị của nó rất tuyệt vời. Vừa chua thanh, ngọt nhẹ lại còn dễ ăn nữa. Em có thể ăn mỗi ngày mà chẳng hề thấy chán.
Đối với em, dứa luôn là loại quả ngon nhất. Việc trồng và chăm sóc cũng rất đơn giản. Em sẽ học mẹ cách chăm sóc cây để tự mình chăm sóc cho luống dứa của nhà mình.
9. Tả cây thanh long
Ông nội em có trồng một bụi thanh long lớn ở góc vườn. Năm nào cây cũng cho rất nhiều trái.
Cây thanh long có cấu tạo rất đặc biệt, khác hoàn toàn các loại cây ăn quả khác. Cây chỉ có một thân duy nhất, không có cành hay nhánh. Nó có hình dáng tương tự như cây xương rồng, với phần thân hình trụ vuông, với bốn cạnh vuông chạy dọc theo toàn bộ thân. Từ gốc, thân của cây cứ dài mãi, dài mãi thẳng ra, như một cái ống. Toàn thân cây thanh long có màu xanh. Phần ở dưới gốc sẽ đậm màu hơn phần ở ngọn. Đặc biệt, thân của cây thanh long có thể lớn đến bằng bắp tay của người trưởng thành. Ông em đã xây một cây cột bằng xi măng rắn chắc, cao chừng 2m, rồi trồng năm cây thanh long quanh gốc. Dùng dây thép cố định cho cây mọc thẳng vào cột. Phần cây cao hơn thì để cho dài ra tự nhiên, nghiêng ngả tùy ý. Vì thế, lúc bé em còn tưởng rằng cây thanh long có tán xòe với các tàu lá to như cây dừa.
Ở các cạnh vuông của thân cây thanh long, cứ một đoạn sẽ có một điểm lõm xuống. Tại đó sẽ nhô lên một cái chồi nhỏ như cái gai nhọn. Đó chính là điểm đóa hoa thanh long sẽ mọc ra, kết trái. Tuy nhiên, không phải bất kì chỗ lõm nào trên thân cây cũng có thể mọc ra hoa.
Hoa thanh long tương tự như hoa quỳnh. Bông hoa to như cốc nước, nhiều cánh dày màu trắng xếp chồng lên nhau. Cuống hoa có lơ thơ mấy sợi râu dài màu trắng xám. Khi hoa tàn, ở bầu hoa sẽ xuất hiện trái thanh long nhỏ màu xanh non. Khi trái lớn lên, sẽ dần xuất hiện các tai ở quanh thân quả. Khi vỏ thanh long chuyển sang màu hồng thì nghĩa là trái đã sẵn sàng thu hoạch.
Em rất thích bụi cây thanh long của ông. Hôm nào sang chơi nhà ông, em cũng ra xem cây và cùng ông tưới nước. Chờ em lớn, em sẽ xin ông một nhánh cây để đem về trong vườn nhà.
10. Tả cây bơ (4 mẫu)
Ở quê tôi (huyện Châu Đức – Bà Rịa Vũng Tàu) vườn nhà rộng rãi, cây bơ lại rất hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng đất đỏ bazan nên nhà nào cũng trồng vài ba cây bơ, vừa lấy bóng mát, lại có quả để ăn, để bán, đãi khách hay làm quà biếu.
Quả bơ hay còn gọi là Lê Dầu là một loại cây có nguồn gốc rất lâu đời từ Mexico và Trung Mỹ, chỉ phát triển vùng nhiệt đới và ôn đới. Trái bơ một vài loại có hình tròn nhưng đa số hình giống như cái bầu nước, khi chín, có loại vẫn giữ nguyên màu như khi còn xanh, nhưng cũng có loại lại đổi qua màu tím đen, bên trong thịt mềm, màu vàng nhạt hoặc xanh nhạt, có vị béo ngọt. Ở nước ta cây bơ được trồng nhiều ở các vùng Lâm Đồng, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, thường trồng trong vườn hay xen canh cùng… Mùa hè là mùa của những quả bơ. Hiệu quả kinh tế từ cây bơ rất cao nên nhiều nông dân trong huyện Châu Đức bắt đầu chuyển dần sang chuyên canh loại cây trồng này. Chỉ cần trồng mấy sào bơ có năng suất lẫn chất lượng thì không cần phải dầm mưa dãi nắng vất vả khó nhọc mà vẫn có thu nhập cao.
Quả bơ không chỉ là loại trái cây để làm món sinh tố giải khát, rất bổ dưỡng và dễ tiêu hóa mà còn trị được nhiều chứng bệnh, chỉ cần sơ chế là có thể sử dụng ngay, rất ngon lại kích thích vị giác, hợp khẩu vị thích hợp cho mọi lứa tuổi nhất là người già và trẻ em. Bơ là nguồn dinh dưỡng quý giá, bảo vệ các tế bào não, vitamin B tổng hợp trong trái bơ có tác dụng tăng cường trí nhớ. Mỗi ngày chỉ cần ăn khoảng nửa trái là đủ, không nên lạm dụng ăn quá nhiều trong một lần sẽ có cảm giác ngán ngấy, đầy bụng… đặc biệt trái bơ còn được sử dụng trong việc làm đẹp cho phụ nữ bằng cách xay nhuyễn thịt bơ trộn với mật ong đắp mặt nạ chừng 15 phút, sau đó rửa mặt bằng nước ấm, sẽ có một làn da đẹp mềm mịn.
Mùa bơ quê tôi lại về. Nhìn những cành bơ sai trĩu quả, lòng tôi đầy phấn khởi mừng vui. Cảm ơn thiên nhiên ưu đãi đã ban tặng cho quê tôi loài cây này, để cuộc sống người dân nơi đây mỗi ngày một thêm sung túc đủ đầy.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả cây bơ lớp 4 Hay Chọn Lọc
11. Tả cây nho (5 mẫu)
Ai đã một lần được đến với Ninh Thuận quê mình, chắc hẳn sẽ không khỏi trầm trồ trước những vườn nho trĩu quả và xanh ngát. Nho được xem như một đặc sản ở quê mình đấy các bạn ạ. Mình sẽ giới thiệu về loài cây này đến với các bạn nhé.
Nho có mình dây, vươn dài tầm vài chục mét, thân gỗ to gần bằng nhánh củi được trồng thành từng giàn thẳng đều. Thân cây có màu nâu đen, khá mịn. Lá nho mang màu xanh đậm, khi úa lá vàng tự nhiên. Mỗi chiếc lá to bằng bàn tay người lớn, viền lá hình răng cưa, uốn lượn tự nhiên. Quả nho không mọc riêng rẽ mà mọc thành từng chùm, quấn quýt lấy nhau không rời. Quả có hình tròn, nhỏ, màu sắc tím, đỏ hoặc xanh tùy từng loại. Mỗi chùm nho khoảng vài trăm quả, quả nào quả nấy tươi ngon, mọng nước, từng chùm lủng lẳng trên giàn như thách thức sự thèm khát của con người.
Nho không chỉ đẹp mà nó còn mang lại giá trị kinh tế cao. Nó cũng là loại quả rất tốt và giàu chất dinh dưỡng. Nho có thể sử dụng để ăn trực tiếp hoặc sấy khô. Sử dụng nước ép để làm rượu cũng là một ý tưởng rất sáng tạo và thú vị. Nho còn dùng để làm quà biếu trong mỗi dịp nhà có cô bác ở xa về. Nho trở thành một người bạn thân thiết của người dân quê mình, nó trở thành một món quà mang dấu ấn miền quê nghèo Ninh Thuận. Bởi vậy, mình rất tự hào mỗi khi nhắc đến loại trái cây nhỏ bé mà vô cùng ý nghĩa này.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả về cây nho lớp 4 Ngắn gọn
12. Tả cây vải thiều (10 mẫu)
Văn tả cây vải lớp 4 Mẫu 1
Khu vườn nhà em trồng rất loại cây ăn quả, nhưng cây vải thiều mang lại cho em nhiều kỷ niệm nhất. Nhà em có một cây vải được trồng từ rất lâu đời. Mẹ em bảo rằng từ thời ông nội đã có rồi, cho đến hiện nay hằng năm nó vẫn sai trĩu quả.
Nội em rất thích chăm sóc cây cối trong nhà, và đặc biệt là cây vải thiều. Nội chăm sóc nó cẩn thận đến mức cây vải thiều mỗi khi vào mùa thường mọc nặng trĩu quả, quả nào cũng to và căng mọng khiến cho những đứa trẻ như em luôn khao khát được thưởng thức ngay khi nhìn.
Cây vải của Nội rất cao và to, nó cao hơn mái nhà của nội, tán cây được xòe rộng và vươn rất xa, rất dẻo dai, những tán cây xếp tầng nhìn như một cái ô to đủ để che mát cho mười đứa nhỏ. Thân cây vải to bằng một vòng tay của em, rất sần sùi. Lá cây vải nhỏ nhắn, nhìn giống lá nhãn, những lá có màu xanh thẫm hơn.
Cây vải thương thay đổi theo mùa. Mùa xuân cây khoác trên mình màu xanh mơn mởn bởi những chồi non đang nảy lộc, mùa thu cây lại có một màu vàng đến mùa đông cây trông khẳng khiu hơn bởi lá đã bị rụng sắp hết. Nhưng đến mùa hạ, cây lại trở nên thật oai phong bởi cành lá sum sê, hoa thơm kết trái ngọt.
Hoa của cây vải có màu trắng, bông hoa nhỏ xíu li ti như điểm nhấn trên chiếc áo xanh sẫm những chấm bi, khiến cây trở nên xinh đẹp lạ thường. Quả vải cứ thế đã lớn lên từng ngày, chỉ chờ chực để vươn cao, vươn to hơn. Với lớp vỏ nhìn trơn mịn, căng bóng nhưng đến khi bạn sờ vào sẽ cảm thấy hơi nhám nhám đầu tay. Và đến khi tháng tư âm lịch đến, mùa vải chín bắt đầu. Một màu đỏ thẫm bảo phủ khắp những tán cây, kẻ lá, lấn lướt hết cả màu xanh của lá. Và lan tỏa một mùi thơm ngọt khắp cả khu vườn.
Ông em thường hái những trái vải thơm ngon này để cho chúng em ăn, và để cho những bác hàng xóm thân thiết. Trái vải là lộc của trời, nên ai ai cũng yêu thích một thức quả thân yêu này
Em rất yêu quý cây vải, vải như là một người bạn vô hình, để lại những kỉ niệm đáng nhớ. Dù lớn lên em đi xa không còn ở đây nữa nhưng em vẫn không thể quên những kỉ niệm với cây vải thiều.
Văn tả cây vải lớp 4 Mẫu 2
Khu vườn nhà em trồng rất loại cây ăn quả như vải, nhãn, ổi, na, mít,... Nhưng cây vải được trồng từ rất lâu từ thời ông nội đến nay vẫn sai trĩu quả khiến em rất yêu thích.
Cây vải nhà em cao hơn mái nhà, tán cây xòe rộng lan tỏa bóng mát mỗi khi mùa hè về. Tuy nhiên tán và cành cây của nó không lớn, khẳng khiu nhưng có độ dẻo dai rất cao nên khi leo lên đó không bị gãy. Thân cây vải xù xì, sờ vào cảm giác nham nhám và sần sùi. Chỉ cần một vòng tay của em là đã có thể ôm lấy thân cây vải một cách dễ dàng. Nó không có bộ rễ to đồ rộ và mọc tràn lan trên mặt đất. Rễ của cây vải mọc rất khiêm tốn, chỉ có một vài rễ ngoi lên mặt đất mà thôi.
Lá của cây vải có màu xanh thẫm, có hơi hướng giống với lá của cây nhãn. Mỗi khi mùa thu về lá của cây vải bắt đầu ngả màu và sang màu đông thì nó khô héo và rụng xuống cội. Đến khi mùa xuân đến thì những chiếc lá lại bắt đầu nhú lên, đâm chồi nảy lộc non. Chờ đến khi mùa hạ đến thì cành lá sum xuê và tỏa bóng mát rợp khắp. Cây vải có hoa màu trắng bé xíu chen chúc nhau giấu sau từng tán lá xanh.
Từng cụm từng cụm cứ khép kín vào nhau, khi có gió thổi qua thì những cánh hoa bé xíu mỏng manh lại rơi rụng xuống mặt đất. Chờ thời kì thụ phấn thì bắt đầu đơm quả bé tí xíu. Quả vải cứ thế lớn lên từng ngày. Vỏ của quả vải không trơn mịn mà sờ vào hơi nhám. Vải là loại quả đặc trưng của mùa hè, khi ăn hơi nóng so với những loại quả khác. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người mê mẩn quả vải này. Vì hương vị thơm lừng, cùi vải dày và ngọt lịm khiến người ăn không thể cưỡng lại được.
Mùa vải của gia đình em năm nào cũng có rất nhiều quả, từng chùm, từng chùm cứ chụm vào nhau trĩu cả cành. Có khi ba em phải buộc từng chùm vào lại với nhau vì sợ cành cây sẽ bị gãy. Cả nhà em ai cũng thích ăn vải. Khi mùa vải chín, mẹ thường hái những chùm quả to và tròn nhất đặt lên bàn thờ ông để tưởng nhớ công lao trồng và chăm sóc vải của ông. Mỗi lần nhìn cây vải em lại thấy nhớ ông nhiều vô kể.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả cây vải thiều lớp 4
13. Tả cây lựu
Ông của em là bộ đội về hưu. Đam mê lớn nhất của ông chính là trồng cây, chăm sóc vườn tược. Vì thế, khu vườn của ông có rất nhiều cây trái xanh tốt. Trong đó, em thích nhất là cây lựu đỏ ở góc vườn.
Cây lựu đó cao khoảng gần 2m, khá là to. Thân cây to, rắn chắc, có khi nó phải to như cái bắp chân của ông. Bề mặt thân cây lồi lõm và thô ráp, có màu nâu xám xịt. Trông thân cây có vẻ không quá lớn, nhưng nó vẫn có thể thoải mái mà chống đỡ cả một tán lá lớn ở phía trên. Cây lựu của ông đặc biệt có rất nhiều cành, nhiều nhánh. Các cành đó không quá to, thường chỉ to cỡ hai ngón tay hoặc bé hơn mà thôi. Nhưng vì số lượng đông đảo, nên chúng vẫn tạo ra cả một vòm lá khổng lồ, không thua kém gì các cây trồng khác trong vườn. Lá lự khá nhỏ, chỉ độ như cái thìa, màu xanh sẫm, hơi cong vào bên trong. Chúng mọc khá dày trên các nhánh lá, tạo thành cái đèn chùm xanh biếc trong góc vườn.
Thời điểm cây lựu ra hoa kết trái thường không quá rõ ràng. Tùy vào thời tiết và chất dinh dưỡng đã được hấp thu, cây có thể ra hoa vào màu xuân hoặc mùa hạ. Đặc biệt, nó có thể ra hoa nhiều lần trong khoảng thời gian này, chứ không phải chỉ một lần duy nhất. Sau khi hoa lựu nở, tầm mười ngày sẽ kết trái. Hình dáng trái lựu giống như một cái lồng đèn, với phần quả tròn xoe ở trên và phần đuôi ở phía dưới. Lúc nhỏ, toàn bộ quả có màu xanh, phần đuôi và quả to như nhau. Nhưng khoảng hơn một tháng sau, khi quả đã trưởng thành và chín, thì sẽ chuyển sang màu đỏ rực, to như nắm tay của ông và cái đuôi co lại nhỏ xíu. Bên trong quả lựu lúc ấy cũng là một màu đỏ rực của thịt quả. Thịt quả lựu chia thành nhiều hạt nhỏ như hạt đậu nành, ngọt dịu và mọng nước. Chúng kết thành từng mảng lớn, giữa các mảng sẽ được ngăn cách với nhau bởi tấm màn mỏng màu trắng.
Để có được những trái lựu ngon như vậy, ông em đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để chăm sóc cho cây lựu. Và bản thân cây cũng đã nỗ lực rất nhiều. Em sẽ cố gắng học ông cách chăm sóc cây, để có thể tự mình chăm cây thật tốt.
14. Tả cây ổi (21 mẫu)
Vườn nhà em có rất nhiều loại cây nhưng em thích nhất là cây ổi trồng ở đầu vườn.
Nhìn từ xa cây ổi như một chiếc ô khổng lồ. Thân cây to, chắc khoẻ mọc thẳng. Cái gốc của cây to hơn thân, sần sùi. Cái rễ của cây như những con giun cắm sâu xuống đất để hút chất dinh dưỡng, vận chuyển ngược lên nuôi cây. Cái lá của cây to, mượt, những đường gân nổi rõ nét. Lá ổi mùa xuân có màu tươi dịu, khi sang mùa đông thì có màu xanh đậm. Khi có gió thổi qua, tiếng lá xào xạc như muốn nói với em điều gì đó.
Quả ổi tròn, to mọc ra từng chùm. Hạt của nó bé và tập trung vào giữa quả. Quả ổi có mùi thơm, khi ăn vào có vị ngọt, rất nhiều vitamin. Thỉnh thoảng, có vài chú chim sơn ca hay đến để bắt những con sâu và cất tiếng hót líu lo. Cây ổi chẳng những cho chúng em bóng mát để vui chơi mà còn cho chúng em quả để ăn.
Em rất thích cây ổi, hằng ngày em sẽ chăm sóc nó cẩn thận. Cây ổi là người bạn thân thiết nhất của em. Và khi nào lớn lên, em sẽ nhớ mãi những kỉ niệm về nó.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tập làm văn lớp 4: Tả cây ổi trong vườn nhà em
15. Tả cây chuối (32 mẫu)
Mùa xuân đã về rồi. Mưa xuân phơi phới bay. Những tàu lá chuối hớn hở ngửa bàn tay xanh lên trời đón những làn mưa bụi. Những tàu lá chuối phập phồng ngời lên như ngọc bích. Góc vườn nhà bà ngoại cạnh ao cá, cậu Chiêm trồng nhiều chuối, phần lớn là chuối tiêu (chuối lùn). Chuối mẹ, chuối con, chuối anh, chuối chị, chuối em mọc kề bên nhau, che chở cho nhau cùng đón mưa nắng.
Thân chuối tròn có nhiều bẹ cuộn lại, kết lại. Bẹ ngoài cùng mốc đen hoặc xanh nhạt. Tàu chuối mọc đều trên ngọn cây. Tàu lá chuối to nhỏ, dài ngắn khác nhau, tựa như những tấm lụa màu xanh thẫm, xanh biếc, xanh xanh, xanh ngọc bích phấp phới đung đưa cùng làn gió. Đọt chuối cuộn lại như một cái bút lông khổng lồ màu xanh ngọc rất xinh, lúc nào cũng rung rung như đang vẽ lên trời.
Chuối con núp bên chuối mẹ màu tím thẫm lúc nào cũng tưởng như vểnh tai lên nghe ngóng vợ chồng đôi chim chìa vôi trò chuyện. Có nhiều hoa chuối trong vườn màu tím thẫm, màu đỏ tươi lấp ló trên ngọn, hoặc nhọn hoắt, hoặc nở xoè. Những nải chuối non màu vàng nhạt, bé tí, xinh xinh hiện ra. Lúc nào em thăm vườn cũng thấy ong bướm dập dìu, lượn vòng hút mật hoa.
Có nhiều cây chuối mẹ thân còng lại vì mang một buồng chuối hàng chục nải, quả to bằng cổ tay trẻ em lên hai. Những lá chuối già cụp xuống như những bàn tay người mẹ hiền che chở đàn con thơ. Bà ngoại sống nhờ vào vườn rau, vườn chuối. Chuối xanh bà nấu bún ốc, bún đậu cho con cháu ăn. Nải chuối chín bà bày lên bàn thờ. Buồng chuối chín bà dành cho các cháu.
Năm nào bà cũng có mấy chục buồng chuối hàng trăm nải chín đem bán. Cây chuối thảo hiền đã đền đáp công ơn khó nhọc chăm bón của bà. Đêm đêm nằm ngủ, em thường thao thức nghe tiếng thì thầm của vườn chuối.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây:
- Tả cây chuối tiêu lớp 4 Hay Chọn Lọc
- Tả cây chuối vườn nhà em
16. Tả cây Nhãn (18 mẫu)
Tôi yêu quê hương với những hàng nhãn xanh mướt.
Ở quê tôi, nhãn mọc trong vườn, trước sân, sau nhà và ngay dọc hai bên con lộ. Mùa xuân đến mưa bay lất phất, muôn vật như tỉnh giấc, và cây nhãn cũng vậy, nó đang hân hoan trút bỏ những tàn lá cuối đông theo làn gió nhẹ. Nhãn say sưa uống những hạt mưa xuân, xòe ra những chồi, những lá xanh non mịn màng. Và khi đã uống no những giọt mưa thì nhãn bắt đầu đơm hoa. Từng chùm hoa tranh nhau tỏa hương thơm nức, dụ đến hàng đàn ong vờn qua vờn lại.
Ngày qua đi, tuần qua đi, hoa nhãn rụng đầy quanh gốc, nhưng trên tán lá lại chi chít những quả nhãn non. Thoạt đầu quả nhãn và cùi chưa phân chia, chỉ một màu trắng. Về sau chia ra hạt, ra cùi và hạt nhãn dần dần đen lại. Vào giữa mùa hè thì quả nhãn chín, từng chùm quả mọng nước, ngọt lịm. Lũ trẻ chúng tôi háo hức tận hưởng vị ngọt của nhãn.
Bạn hãy đến đây và thưởng thức đi. Nhưng khi bạn tận hưởng hương vị thơm ngon của quả nhãn thì bạn chớ có quên rằng chính cây nhãn mới là nguồn cung cấp hương vị đó. Cây nhãn cần mẫn, âm thầm làm việc để cống hiến tinh túy của bản thân cho đời. Quả nhãn dùng làm thuốc, hạt có thể chế cồn. Cây nhãn không đòi hỏi đất đai màu mỡ, nước tưới đầy đủ, nó vẫn có thể nảy mầm, xanh tươi.
Cây nhãn ơi, tôi rất yêu quý nhãn, yêu quý cái cốt cách của nhãn. Một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần vô tư.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tập làm văn lớp 4: Tả cây nhãn
17. Tả cây vú sữa (8 mẫu)
Khi em lên lớp hai, bố trồng một cây vú sữa gần cổng nhà. Hai năm qua đi, cây vú sữa đã ra lứa đầu tiên cho quả ăn rất ngon, ngọt. Năm nay,khi gió heo may tràn về, đó cũng là lúc cây vú sữa đong đưa theo gió những trái tròn bóng, xanh tươi.
Cây vú sữa cao hơn bốn mét, tán lá xoè rộng, che mát một góc sân. Thân cây to bằng một bắp đùi người lớn. Lên cao, thân cây thon nhỏ lại, đâm cành, chĩa nhánh ra xung quanh, vỏ của thân cây màu nâu đậm, xù xì, nứt rạn như mặt bùn khô đanh lại.Cành vú sữa giòn, dễ gãy nên nếu cành nào sai quả, bố em phải dùng cây dựng lên đỡ cành. Trái vú sữa trắng bóng, tròn trịa, lúc lỉu trên cành như hàng trăm quả banh chuyền màu trắng xanh đang chuyển dần sang màu trắng ngà, có trái mang màu trắng như màu của hạt ngọc trai. Cây vú sữa sai trĩu trịt, đu đưa theo gió. Bầu sữa của cây, nom thật thích mắt. Lá vú sữa hơi cứng, có hai mặt khác màu nhau, phiến lá hình bầu, mặt trên xanh bóng, thẫm màu, mặt dưới phiến lá màu đỏ đồng pha nâu. Bẻ một lá vú sữa, nhựa của lá có thể làm bỏng rát da tay. Nhựa vú sữa dính chặt như keo vậy.
Vú sữa phải để chín trên cây mới hái ăn được. Vú sữa không giống những loại cây ăn quả khác chớm già là hái ăn được. Vú sữa phải để chín bóng mới hái vì nếu hái non, quả đầy mủ nhựa không ăn được. Vú sữa chín, lăn trái cho hơi mềm tay hẵng cắt ra ăn. Thịt của quả có hai phần rõ rệt. Thịt trong và dai bao bọc lấy hạt màu đen ở giữa quả, được bao bọc bởi một lớp thịt dày, mềm và rất ngọt ở bên ngoài. Vũ sữa là loại trái cây có tính nóng, không nên ăn nhiều một lúc dù trái của nó rất ngon.
Chỉ có một cây vú sữa mà nhà em có trái cây tươi ngon dâng tổ tiên và làm quà biếu cho anh em, xóm giềng. Bố em vun gốc cho cây rồi bón phân ka-li, tưới nước đều đặn nên cây sai quả, trái lớn, tròn, đẹp, ngọt ngon. Chiều mát, em đứng ở hiên nhà nhìn cây vú sữa bồng bế lũ con tròn bóng của nó thật thích mắt.
Em rất thích cây vú sữa bố trồng, nhất là lúc nó đang sai quả. Phụ tưới cây với bố là niềm vui của em. Bố em cũng rất vui khi hai cha con lúi húi chăm cây trái. Cây vú sữa vừa cho trái ngon, vừa che mát sân nhà. Gió reo, lá cây vú sữa trò chuyện cùng nhau, cành lá lao xao. Cảnh quê thanh bình thật yên ả.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tả cây vú sữa vườn nhà em
18. Tả cây mận (6 mẫu)
Trong vườn nhà em có trồng rất nhiều cây ăn quả, nhưng trong đó em thích nhất là cây mận hồng đào, cây mận này được bà nội em trồng từ khi em còn học lớp một.
Cây cao khoảng sáu đến bảy mét, tán lá um tùm che rợp cả một khoảng đất rộng. Rễ cây ăn sâu vào lòng đất hút chất bổ để nuôi cây. Gốc cây màu nâu đen, to tròn bằng bắp vế của ba em. Sờ vào vỏ cây em thấy có chỗ sần sùi có chỗ nứt nẻ. Thân cây mận mọc lên khỏi vai em thì chia thành hai cành to. Từ hai cành to chĩa ra nhiều nhánh nhỏ, phủ đầy lá xanh.
Lá mận hình bầu dục. Lá non màu nâu, óng ánh như lụa, xen kẽ trong những tán lá xanh đậm trông thật xum xuê. Thấp thoáng trong vòm lá là những chùm hoa mận. Hoa mận trắng xóa, lấm tấm nhụy dài trông rất đẹp. Em thích thú ngắm nhìn những chùm quả mận, nào là chùm đôi, chùm ba, chùm tư… đua nhau mọc. Quả mận có hình dạng như chiếc chuông, lúc non quả màu xanh, khi chín quả chuyển sang màu đỏ hồng mơn mởn thật hấp dẫn làm sao!
Có lẽ vì thế nên mận mới có tên là hồng đào. Mận nhà em hột nhỏ, dày cơm, ăn vào vừa ngọt thanh vừa giòn rụm. Cả nhà em ai cũng quý cây mận vì mận chẳng những cho quả ăn thật ngon lại còn tỏa bóng mát cho khu vườn. Thỉnh thoảng, em lại ra gốc mận nhặt lá vàng và thưởng thức vị ngọt khó quên của quả mận hồng đào.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả cây mận lớp 4
19. Tả cây na (5 mẫu)
Trong vườn nhà em có rất nhiều cây ăn quả. Nào là cây na, cây xoài, cây ổi, cây mít,… Nhưng trong đó, em thích nhất là cây na ở bên cạnh bờ ao nhà em.
Cây na đứng bên cạnh bờ ao bèo nên khá tươi tốt. Cành lá xum xuê che rợp một góc vườn. Lá na hình giống như quả trứng, bằng ba ngón tay của em. Lá màu xanh nhạt, mỏng và mọc đơn so le. Gốc cây na bằng bắp chân người lớn. Cành na màu nâu và to hơn cánh tay em một chút. Sau những ngày mưa xuân rả rích, là cũng là lúc cây na đâm chồi nảy lộc.
Từ trong những búp na non, những nụ hoa na như những hạt đậu bắt đầu nhú ra. Na ra hoa rộ vào đầu tháng ba. Khi vườn hoa xuân tràn ngập ánh nắng mới. Hoa cây na màu xanh rêu. Năm cánh xoay quanh một cái cuống dài, giống như những hoa móng rồng hay hoa ngọc lan nhưng mộc mạc và giản dị hơn nhiều. Hương hoa không thơm như ngọc lan nhưng dịu dàng man mác như hương cau hương bưởi. Mùi hương quyến rũ gọi bao nhiêu ong bướm kéo đến quanh cây.
Cứ đến tháng tư, tháng năm âm lịch, trái na lúc lỉu trên các cành cao. Dần dần hoa rụng để lại các mầm non và quả na nhú lên. Quả to bằng hòn bi ve, rồi lớn dần lên. Mỗi ngày trôi qua, những quả na lớn trước là các na anh chị. Những quả na nhỏ hơn là na em. Cuống na màu nâu xỉn. Trái na to và vỏ có nhiều mắt màu xanh nhạt, xen kẽ nhau trông như cái mai rùa. Chúng lúc lỉu trên cành cứ thế mà lớn với cái nắng ong ong cuối xuân, với những cơn mưa đầu hạ.
Thế mà đã đến đầu tháng bảy rồi. Đây là lúc các trái na chín, các mắt na to dần lên. Lúc đấy, bà em thường gọi là “na mở mắt”. Na chín thoang thoảng mùi hương dịu dàng. Mùi hương phảng phất lan tỏa khắp cả nhà. Mẹ dành chục quả na to nhất để biếu bà nội. Bà bao giờ cũng phần cho em một quả. Bẻ đôi trái na ra, em thấy từng múi na trắng ngà như những múi mít con. Lớp cùi dày và ngọt bọc lấy hạt na đen kít. Ăn na có vị ngọt sắc như đường phèn.
Em rất yêu cây nhà em. Vì nó đã mang lại cho mọi người những mùa na ngon và bổ dưỡng. Em sẽ chăm sóc cho cây thật cẩn thận.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả cây na trong vườn nhà em lớp 4
20. Tả cây đu đủ (6 mẫu)
Gia đình em có một mảnh vườn nho nhỏ ở phía sau nhà. Trong vườn ba em đã trồng nhiều loại cây ăn quả như cam, xoài, nhãn, ổi, mít,... Tuy nhiên, em lại thích nhất cây đu đủ lớn ở góc vườn.
Thân cây đu đủ tròn và cao như cây cột. Trên cây có nhiều "vết sẹo" do những cuống lá già rụng để lại. Đu đủ không có cành chỉ có lá. Mỗi lá có một cuống hình tròn, rỗng. Em có thể lấy cuống lá này làm thành một cái kèn thổi chơi. Phiến lá rộng, chia nhỏ làm năm nhánh và xòe rộng ra như một bàn tay. Hoa đu đủ có cánh dày, màu trắng, mọc từng chùm.
Những cây đu đủ này rất sai quả. Quả mọc chi chít quấn quanh thân cây và nằm hầu hết ở phần trên của thân cây giống như đàn heo con đang tranh nhau bú. Những quả ở phía trên vừa nhỏ vừa có màu xanh non. Những quả ở phía dưới lớn hơn và vỏ có màu xanh đậm. Quả đu đủ dài, một đầu lớn, một đầu nhỏ. Khi quả chín, vỏ có màu vàng cam và ấn tay vào thấy hơi mềm. Khi ăn đu đủ, em lấy dao gọt hết vỏ đi rồi xẻ dọc quả ra. Ruột đu đủ chín có màu vàng hoặc đỏ, ai nhìn cũng có cảm giác ngon lành. Phía trong của ruột có nhiều hạt màu đen, cần gạt bỏ đi trước khi ăn. Hạt này có thể giữ lại rồi đem gieo thành cây mới. Đu đủ chín ăn rất ngọt và có một mùi thơm riêng biệt. Đó là một loại thức ăn ngon và bổ dưỡng.
Khi đứng trước cây đu đủ đang sum sê những quả, lòng em dạt dào niềm vui. Nó là thành quả của bao ngày gieo trồng, vun xới. Nó chứa đựng nhiều mồ hôi và công sức của ba em nên em yêu quí nó vô cùng. Em thầm biết ơn ba đã đem đến cho em những mùa trái ngọt từ cây đu đủ thân quen.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Văn mẫu lớp 4: Tả cây đu đủ
21. Tả cây sầu riêng (10 mẫu)
Trong các loại cây ăn quả trong vườn nhà em thì có lẽ em thích nhất là cây sầu riêng cao chót vót, hàng năm cây lại cho ra biết bao nhiêu quả sầu riêng ngon lành.
Thân cây sầu riêng to lắm, nó cũng phải bằng một vòng tay ôm của em. Cây sầu riêng cao lắm, trên đó lại có rất nhiều cành lá nữa nhìn thật thích mắt. Ngắm nhìn những bông hoa sầu riêng có những nét đặc sắc lắm, ai nhìn cũng thích. Thông thường thì hoa sầu riêng vẫn trổ vào cuối năm, hoa mang mùi hương thơm ngát như hương cau hay hương bưởi vậy. Nhìn những chùm hoa sầu riêng đậu từng chùm và có màu trắng ngà mới đẹp làm sao. Nhìn cánh hoa nhỏ giống như những vẩy cá và cứ hao hao giống cánh sen còn và ở giữa cứ lác đác vài nhụy nhỏ li ti. Lá sầu riêng to và là lá đơn. Lá xanh thẫm và nhiều khi lũ trẻ chúng em còn lấy chiếc lá sầu riêng này để làm quạt xua đi những cơn oi nóng.
Khi mùa quả đến, cây sầu riêng nhà em ra sai lắm. Hình ảnh quả sầu riêng có gai nhọn lớn hơn gai mít rất là nhiều. Với vỏ gai cứng này nó bao bọc múi sầu riêng bên trong cẩn thận. Người không may đụng đến cái gai này thì sẽ bị đau nên khi sầu riêng chín người ta cũng cẩn thận bổ và tách cơm sầu riêng bên trong ra thật ngon. Mùi thơm của sầu riêng khó tả lắm! Nó giống mùi thơm của mít nhưng lại quyện với mùi thơm nồng của bưởi. Ăn cơm sầu riêng gậy gậy vị béo của trứng gà và vị ngọt của mật ong. Và sầu riêng luôn kén người ăn.
Em rất thích cây sầu riêng trong vườn nhà em, em sẽ chăm sóc cho nó để mỗi năm nó lại ra thật sai quả.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây: Tập làm văn lớp 4: Tả cây sầu riêng
22. Tả cây táo (8 mẫu)
Khu vườn nhỏ của nhà em trồng rất nhiều loại cây khác nhau trong đó cây táo là cây em yêu thích nhất. Mỗi năm cây táo cho ra nhiều quả ngon và ngọt.
Cây táo được nhà em trồng cách đây khoảng 2 năm, từ một cây nhỏ giờ đây cây đã phát triển và cho quả hàng năm. Cây táo cao tầm hơn hai mét, nhìn từ xa nổi bật hơn những loại cây khác. Gốc cây táo to và khẳng khiu, cành lá phát triển sum suê. Lá quả táo hình elip, có hai mặt khác nhau với mặt trên bóng mượt còn phía dưới lại hơi sần sùi và có nhiều gân xanh nổi lên. Từ gốc cây nhiều nhánh cây phát triển nhiều hướng khác nhau đón ánh nắng mặt trời.
Đến mùa ra hoa, cây táo khoác một chiếc áo mới màu trắng, hoa trổ từng chùm, vài tuần sau hoa táo sẽ rụng hết nhường chỗ cho những quả táo nhỏ bằng hạt đậu. Thời gian trôi qua những hạt đậu bé nhỏ sẽ phát triển thành quả táo. Những quả táo nặng trĩu, có hình quả trứng, bên ngoài căng bóng, khi chín sẽ ngả sang màu vàng, khi ăn rất giòn kèm theo vị chua nhẹ bên trong.
Táo là loại quả ngon và bổ dưỡng, mỗi mùa táo nhà em thường mang đi biếu cho người thân bạn bè, ai cũng khen táo rất giòn, ngọt. Không chỉ vậy, nhà em còn dùng quả táo để chế biến thành mứt Tết và thức uống tráng miệng rất ngon và bổ dưỡng.
Em rất yêu cây táo nhà em, nhờ có nó mà cả gia đình được ăn những trái cây từ thiên nhiên ngon và chất lượng. Em sẽ chăm sóc nó thật tốt.
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả cây táo mà em thích lớp 4
23. Tả cây quýt (4 mẫu)
>> Tham khảo các mẫu còn lại tại đây Tả cây quýt mà em thích lớp 4
Từ khóa » Tả Cây ăn Quả
-
Top 12 Bài Tả Cây ăn Quả Lớp 4 Hay Chọn Lọc
-
Tả Cây ăn Quả Ngắn Gọn Lớp 4
-
TOP 137 Bài Văn Tả Cây ăn Quả Lớp 4 Ngắn Gọn
-
Lập Dàn ý Tả Cây ăn Quả Lớp 4 (24 Mẫu)
-
8 Bài Văn Tả Cây ăn Quả Mà Em Thích
-
Tả Một Loại Cây ăn Quả Mà Em Biết Lớp 4 - TopLoigiai
-
Tả Cây ăn Quả – Những Bài Văn Tả Cây ăn Quả Hay Nhất - BAIVIET.COM
-
Tả Một Loại Cây ăn Quả Mà Em Thích Lớp 5 Hay Nhất (54 Mẫu)
-
Tả Một Loại Cây ăn Quả Mà Em Biết #2022
-
Top 10 Bài Văn Tả Cây ăn Quả Hay Nhất đọc Thôi đã Thấy Thèm Thuồng ...
-
Cách Viết Bài Văn Tả Cây ăn Quả Hay Nhất - Trường THCS Thành Công
-
Tả Một Cây ăn Quả Văn Mẫu Lớp 4
-
Tổng Hợp 5 Bài Văn Tả Cây ăn Quả Lớp 4 Hay Nhất
-
Tả Cây ăn Quả (dàn ý - 10 Mẫu)