Tác động Của Các Hiệp định Thương Mại Tự Do (FTA) Tới Xuất Khẩu ...

Hiện nay, cùng với xu thế toàn cầu hóa, xu thế hội nhập, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng gia tăng nhanh chóng. Các hiệp định FTA ngày càng phát triển sâu rộng, gắn kết với phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Các FTA khi có hiệu lực sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế, thương mại của các nước tham gia, đặc biệt các FTA khu vực sẽ giúp các nước tham gia cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng tích cực, không bị phụ thuộc quá mức vào một thị trường, thương mại hai chiều sẽ tăng cao sau khi FTA thực thi. Tham gia các FTA khu vực, song phương tạo ra sự phát triển thương mại với các thị trường các quốc gia lớn và tạo bước phát triển mạnh mẽ trong xuất khẩu. Khi tham gia các FTA sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, cải thiện môi trường đầu tư góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất cao hơn trong ngành dệt may và tham gia chuỗi giá trị dệt may trong khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, tham gia các FTA cũng góp phần chuyển dịch lao động từ các ngành không còn lợi thế so sánh sang ngành có lợi thế hơn như dệt may.

1. Một số tác động của các FTA tới xuất khẩu dệt may Việt Nam

Một là, việc tham gia các FTA tạo ra các ưu đãi về cắt giảm thuế quan giúp tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam, hàng dệt may sẽ được hưởng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi tới 0% mang lại lợi thế cạnh tranh lớn. Giảm và xóa bỏ thuế dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng dệt may nhập khẩu giữa các nước tham gia do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã phong phú hơn. Giảm thuế cũng giúp cho việc mở rộng thị phần hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khu vực thương mại tự do hay các nước đã cùng ký kết FTA.

Hai là, những cam kết về xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, các điều khoản về lao động, môi trường gây ra sức ép, khó khăn cho một số quốc gia xuất khẩu hàng dệt may trong đó có Việt Nam do chưa đủ điều kiện đáp ứng được những quy định trong các FTA. Yêu cầu về xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đòi hỏi ngành công nghiệp dệt may Việt Nam phải đầu tư vào phải triển ngành sợi, vải. Phát triển sản xuất nguyên phụ liệu trong nước sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu vì nước ta từ trước đến nay phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu ngành dệt may hiện đang có giá trị khoảng 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc, trong đó 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu. Chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu đang chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp. Ngoài ra nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng và kỹ thuật.

Ba là, các điều khoản về lao động và môi trường chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự tương hỗ lẫn nhau giữa các chính sách về thương mại và lao động, môi trường. Đây cũng là một thách thức lớn đối với nước ta khi phải kịp thời điều chỉnh luật lao động và các luật liên quan cũng như thực thi các cam kết về môi trường. Việt Nam trong giai đoạn tới cần tiếp tục khắc phục những bất cập về bảo vệ môi trường khi sản xuất nguồn nguyên liệu dệt may trong nước đặc biệt là trong công đoạn nhuộm và hoàn tất sản phẩm.

Bốn là, các FTA cũng giúp Việt Nam có cơ hội được tham vấn về các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, sử dụng các cam kết về hàng rào kỹ thuật để tránh các tranh chấp thương mại. Từ đó thúc đẩy đầu tư vốn, công nghệ, nâng cao kỹ năng quản lý trong sản xuất và xuất khẩu dệt may.

2. Tình hình xuất khẩu dệt may khi thực thi một số FTA thế hệ mới

- Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ 30/12/2018 đã có những tác động đến xuất khẩu dệt may Việt Nam. Trị giá xuất khẩu hàng dệt may năm 2021 sang các nước CPTPP gần như không thay đổi so với 2020, trong đó thị trường lớn nhất là Nhật Bản ghi nhận mức giảm tăng trưởng gần 7% so với năm 2020. Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh covid kéo dài trên toàn thế giới, kim ngạch xuất khẩu có xu hướng hồi phục trở lại vào đầu năm 2022, khi trị giá xuất khẩu sang các nước CPTPP tăng 19,5%, đạt 542 triệu USD. Với những điều khoản trong CPTPP đã thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may và tạo điều kiện phát triển xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong thời gian tới.

- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ 01/08/2021 sẽ có những tác động lớn tới kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước EU. Thị trường EU có giá trị kim ngạch nhập khẩu may mặc lớn nhất thế giới, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Với những tác động của EVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 8% trong năm 2021, trong đó các nước tăng trưởng nhanh bao gồm Thụy Điển tăng 34%, Ba Lan 27%, Ý 16%, Hà Lan 15%. Đặc biệt, sang năm 2022 có sự tăng trưởng nhanh giá trị xuất khẩu sang EU, trong đó thị trường chính là Đức tăng 57%.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 01/01/2022, Hiệp định giữa 15 nước (10 quốc gia thành viên ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zeland) chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu và khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may thế giới. Trung Quốc gia nhập RCEP dẫn đến quy tắc xuất xứ sợi hoặc vải trở đi của RCEP sẽ dễ đáp ứng hơn điều kiện về quy tắc xuất xứ trong CPTPP đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Do đó, RCEP sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang 6 nước cũng cùng tham gia với CPTPP.

- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ 01/05/2021, Hiệp định này giúp Việt Nam và Vương quốc Anh & Bắc Ireland duy trì các điều kiện thương mại ưu đãi và lợi ích kinh tế thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong EVFTA. Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng gần 2,5% giá trị nhập khẩu của Anh về hàng dệt may, Anh nhập nhiều nhất từ Trung Quốc với tỷ trọng 21% và Bangladesh tỷ trọng là 15%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm gần 2% tổng giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Năm 2021, giá trị này đạt 628 triệu USD, tăng 5% so với năm 2020. Đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang Anh tăng 58%. Sau đại dịch Covid-19 với sự hồi phục kinh tế và cùng với những cơ hội mang lại từ UKVFTA, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang Anh dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, tận dụng được những lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA, Việt Nam trước tiên cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa. Các đơn hàng của Việt Nam phần lớn vẫn may theo hình thức gia công, nguồn vải chủ yếu nhập khẩu nên việc đáp ứng về quy tắc xuất xứ là khá khó khăn. Hiện nay, tỷ lệ tận dụng lợi thế từ các FTA hiện chỉ đạt mức 20-25%, hàng hóa may mặc Việt Nam vẫn đang xuất khẩu với thuế suất cao do không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất giảm theo các FTA. Tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nội địa chiếm tỉ trọng nhỏ. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chuyển đổi từ phương thức gia công CMT (cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) sang phương thức OEM (phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (Phương thức bao gồm cả sản xuất và thiết kế), tiến tới là phương thức OBM (Phương thức sản xuất có thương hiệu riêng), từ đó sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Ngoài ra, để thúc đẩy xuất khẩu dệt may Việt Nam trong những năm tới, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và lao động./.

TS. Trần Thị Thu Hiền

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT

Từ khóa » Dệt Sang