Tác động Của đô Thị Hóa Và định Hướng Quy Hoạch Xây Dựng Xã ...

Bộ mặt nông thôn nước ta đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được không ngừng nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng NTM cũng phát sinh nhiều thách thức và cơ hội mới.

Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa (ĐTH) nước ta đã đạt 34%, tốc độ ĐTH khoảng 1%/năm. Quá trình ĐTH nhanh đang gây ra không ít thách thức và tác động đến cuộc sống của người dân, nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực ven các đô thị lớn, nơi ảnh hưởng của ĐT đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Quá trình mở rộng không gian đô thị cùng với sự xuất hiện các dự án nhà ở, bất động sản, các khu công nghiệp tập trung, công trình dịch vụ thương mại quy mô lớn tại địa bàn các xã ven đô làm suy giảm mạnh quỹ đất sản xuất, đất tự nhiên và biến đổi không gian cảnh quan sinh thái nông thôn, khiến cho dân số cơ học của các xã ven đô tăng nhanh chóng, trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được, dẫn tới tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là về giao thông, giáo dục, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường…

Những vấn đề nêu trên đang diễn ra phổ biến tại các xã ven đô các thành phố lớn như: Hà Nội và TP.HCM và có xu hướng gia tăng tại các xã ven các đô thị đang tăng trưởng, công nghiệp hóa mạnh như: TP Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa, Thủ Dầu Một…

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức đặt ra, quá trình đô thị hóa cũng tạo ra những cơ hội mới cho phát triển các xã ven đô cần được nhận diện và nghiên cứu để có các định hướng và giải pháp phát triển xác xã này phù hợp với định hướng nông thôn mới.

1. Tác động của đô thị hóa và phát triển đô thị đến các xã NTM ven đô

1.1. Tác động kinh tế

- Tác động của ĐTH đến cơ cấu kinh tế, nông nghiệp xã NTM ven đô:

Với các xã ven đô, cơ cấu kinh tế được định hình và phát triển dựa theo các nhu cầu của đô thị. Sự suy giảm sản xuất nông nghiệp dẫn đến sự hình thành những mô hình hoạt động phi nông nghiệp, dịch vụ mới mang tính tự phát.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế phần nào đem lại sự thay đổi về mức sống của cư dân vùng ven đô so với khu vực các xã thuần nông với thu nhập của lao động nông nghiệp do năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp kém, nông nghiệp mang tính thời vụ và rủi ro cao. Xét trên góc độ kinh tế, thì đô thị hóa có tác động tích cực đến các xã nhiều hơn tiêu cực.

Đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã trực tiếp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở các xã theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị nông, lâm, thủy sản trong tổng thu nhập và tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đối với nông nghiệp, cơ cấu nội thành chuyển dịch theo hướng phát triển các cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn. Trong trồng trọt, tỷ trọng hoa màu, cây công nghiệp cây ăn quả ngày càng tăng. Sự hình thành trên địa bàn nông thôn những khu công nghiệp, khu chế xuất các trung tâm dịch vụ, các khu đô thị mới… đã nâng giá trị sử dụng của đất đai, tạo những ngành nghề và việc làm mới, nâng cao giá trị lao động, tạo môi trường ứng dụng rộng rãi khoa học, công nghệ…

Đô thị hóa kích thích và tạo cơ hội để con người năng động, sáng tạo hơn trong tìm kiếm và lựa chọn các phương thức, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Kinh tế phát triển, đời sống của người lao động được cải thiện - đó là xu hướng chủ đạo và là mặt tích cực của đô thị hóa. Đô thị hóa cũng tạo điều kiện phát triển rất nhanh cho các ngành phi sản xuất. Khi nói đến đô thị người ta thường nghĩ ngay đến mặt lợi nhiều hơn là mặt hại, trước tiên các đô thị lớn cung cấp nhiều cơ hội việc làm, lương bổng, dịch vụ xã hội, năng suất lao động cao hơn. Nó góp phần chuyển hướng phát triển kinh tế và là động lực dịch chuyển cơ cấu kinh tế ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

Các đô thị không chỉ là nơi tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động mà còn là nơi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn và đa dạng, là nơi sử dụng lực lượng lao động có chất lượng cao, cơ sở kỹ thuật hạ tầng hiện đại có sức hút đầu tư mạnh trong nước và nước ngoài.

- Sự thay đổi về phương thức sản xuất

Đô thị hóa tạo ra nhiều việc làm từ việc thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ, thương mại, công nghiệp sản xuất…Tuy nhiên, vấn đề khó khăn do người dân khu vực trước khi đô thị hóa chỉ quen với canh tác nông nghiệp với tư liệu sản xuất của họ là những mảng ruộng. Khi đô thị hóa nhiều người dân bị mất đất nông nghiệp canh tác để nhường chỗ cho các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay làng nghề tập trung, vì vậy cần có các biện pháp đào tạo nguồn nhân lực chính từ những người dân bản địa để thích ứng với công việc mới, các ngành công nghiệp mới thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Đào tạo nông dân còn ở lại sản xuất nông nghiệp trở thành nông dân chuyên nghiệp, có trình độ, học thức, kỹ năng tốt trong sản xuất kinh doanh giúp nông dân tổ chức lại trong các cộng đồng, đoàn thể nông dân để thực sự làm chủ cuộc sống của mình, trở thành chủ thể của phát triển nông thôn. Giúp một bộ phận lớn nông dân thuận tiện chuyển sang công việc phi nông nghiệp. Thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hình thành những hợp tác xã kiểu mới và dịch vụ hỗ trợ hộ kinh tế gia đình nông dân chuyển dần lên các chủ trang trại, các doanh nhân nông nghiệp.

- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất

Đô thị hóa tạo ra sự thay đổi mạnh trong sử dụng đất ở khu vực ven đô. Việc chuyển một phần lớn diện tích đất nông nghiệp sang đất xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư đô thị.

Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đang là bài toán khó để duy trì được tính ổn định của quá trình chuyển đổi. Đất đai tại các khu ven Hà Nội, TP.HCM phải tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp cao gấp nhiều lần khu vực nông thôn thuần túy mới thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất. Khi việc trồng lúa, trồng màu không mang lại thu nhập bằng việc vào thành phố làm thêm thì đương nhiên, người dân sẽ không ngần ngại mà bán lại đất sản xuất cho các dự án công nghiệp, khu đô thị mới.

Theo thống kê, trong 5 năm, từ 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, đô thị và kết cấu hạ tầng là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Các vùng kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất thu hồi trên toàn quốc.

- Chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề:

Hơn một nửa lực lượng lao động trong cả nước làm việc trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp (54%, tính đến năm 2009). Tỷ lệ lao động làm nông nghiệp cao như vậy hoàn toàn nhất quán với thực tế tổng tỷ lệ dân số đô thị ở mức khá thấp, khoảng 30%.

Vùng miền núi, trung du Bắc Bộ và Tây Nguyên đặc biệt chuyên môn hóa về các hoạt động nông nghiệp; trên thực tế, việc làm nông nghiệp lần lượt chiếm tới 76% và 74% tổng số việc làm ở hai vùng này. Đáng chú ý là tỷ lệ việc làm tại đây đã tăng mạnh trong hơn 10 năm qua, trong đó Tây Nguyên tăng 37% và miền núi và trung du Bắc Bộ tăng 22%. Trái lại, tỷ lệ việc làm nông nghiệp lại giảm tại vùng Đồng bằng Sông Hồng trong 10 năm trở lại đây.

1.2. Tác động xã hội

Đô thị hóa tác động mạnh mẽ vào đời sống mỗi gia đình nông dân ven đô. Sự biến đổi lối sống từ nông thôn sang đô thị, từ nông dân sang thành thị dân làm thay đổi các chuẩn mực văn hóa dẫn đến sự thay đổi, hành vi và cách ứng xử của mỗi cư dân ven đô trong đời sống gia đình và xã hội. Đô thị hóa còn làm biến đổi các mối quan hệ họ hàng, cộng đồng làng xã mà là các mối quan hệ xã hội đa chiều, phức tạp do sự pha trộn nhiều tầng lớp dân cư và sự chuyển đổi các mô hình tổ chức.

Dân cư đô thị tăng nhanh là thực trạng song có sự khác biệt: tăng tự nhiên, di cư hoặc mở rộng địa giới. Xét riêng với dân cư ngoại thành luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chuyển vào đô thị hoặc chuyển đổi nghề, hay đào tạo lại lao động để thích hợp với lao động đô thị, nông nghiệp đô thị mà không di dời nơi ở. Nguồn lao động cũng có sự khác biệt so với khu vực thuần nông thôn, đó là không chỉ cho hoạt động nông nghiệp mà còn cho đô thị.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn xã hội, gia tăng mâu thuẫn do tranh giành đất đai và do đất là nguồn sinh kế chính của nhiều hộ dân vùng ven đô. Do đất ở khu vực ven đô ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn đến giá đất ở đây ngày càng tăng cao.

Quá trình đô thị hóa cũng dẫn đến những thay đổi trong sự phân công lao động, đặc biệt là phân công lao động về giới ở khu vực ven đô. Do đó, có sự thay đổi trong việc sử dụng đất nên vai trò của phụ nữ trong các hoạt động sinh kế để chuyển các nguồn lực tự nhiên thành hàng hóa kinh tế của hộ gia đình bị giảm đi và dường như tăng lên trong các thành phần kinh tế không chính thức.

Tình trạng mất đất nông nghiệp cho việc xây dựng các khu công nghiệp và khu dân cư đã làm mất nguồn sinh kế chủ yếu của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, buộc họ phải chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, để có thể hội nhập được vào cuộc sống đô thị, những người nông dân vùng ven cần phải có thời gian chuẩn bị về mặt tâm lý để tránh bị sốc khi phải đối mặt với những vấn đề của đô thị hóa.

Sự gia tăng dân số do dòng nhập cư đến các vùng ven đô và sự thu hẹp đất đai canh tác đã khiến cho việc làm trở thành một vấn đề bức xúc hiện nay của các phường, xã ven đô.

Đô thị hóa cùng với việc cải thiện hạ tầng giao thông cũng làm hình thành một nhóm đối tượng lao động mới, đó là những lao động làm việc song song cả ở vùng quê, cả ở thành thị.

Do sự gia tăng dân số cơ học, các gia đình có nhu cầu tách hộ và do phát triển phương thức kinh tế thương mại, dịch vụ, trong khi diện tích đất mặt nước, cây xanh trong làng đã suy giảm, một số bộ phận dân cư đã hình thành tự phát tại các điểm bên ngoài làng, thường ở ven các tuyến đường chính như: đường liên xã, liên huyện hoặc phát triển gần các cơ sở công nghiệp. Xu hướng này xuất phát chính từ nhu cầu về nhà ở, phát triển dịch vụ, thương mại và đầu cơ BĐS dẫn đến việc dãn dân tùy tiện thiếu sự quản lý hướng dẫn của các cấp chính quyền.

1.3. Tác động môi trường

Môi trường là một vấn đề cần được xem xét đầu tiên khi xét đến quá trình đô thị hóa. Một mặt đô thị hóa làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị và khu vực ven đô. Mặt khác nó cũng làm suy thoái môi trường sống của con người do sức ép tăng dân số, sự pha trộn lối sống, thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng, quản lý xây dựng yếu kém… Do môi trường sinh thái ven đô có tính lưỡng cư, vừa mang đặc điểm đô thị vừa nông thôn dưới tác động của đô thị hóa hệ sinh thái này sẽ bị phá vỡ. Chẳng hạn, các chất thải công nghiệp và sinh hoạt, bao gồm cả chất thải rắn và lỏng do được xử lý chưa tốt sẽ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước dẫn đến suy thoái và ô nhiễm môi trường, làm mất đi hệ sinh thái tự nhiên vốn có của khu vực nông thôn ven đô.

Không gian nông thôn ven đô và đô thị có sự ràng buộc trên góc độ sinh thái tự nhiên. Đô thị càng phát triển thì bản thân nó càng khó tự cân bằng và đảm bảo được yếu tố môi trường, tự nhiên, khí hậu, đặc biệt là tính bền vững môi trường trước những biến đổi khí hậu khó lường. Ví dụ như việc vỡ đê sông Bùi ở Quốc Oai, Hà Nội tháng 10/2017, tuy gây ra hậu quả lớn cho địa phương nhưng vô hình chung đã hạn chế sự tác động của lũ lụt tới diện rộng hơn đã minh chứng cho vai trò của khu vực vùng ven đối với đô thị trong việc giảm thiểu các tác động của thảm họa tự nhiên cho đô thị.

Đô thị hóa vùng ven đô diễn ra ở khu vực nhạy cảm về sinh thái môi trường, không gian thiên nhiên. Các dự án đầu tư thường không đồng bộ về thời gian và vị trí địa lý, nên không gian thường bị phân mảnh và phá vỡ cấu trúc làng xã nông thôn truyền thống. Cảnh quan nông nghiệp bị suy thoái do hệ thống thủy lợi bị cắt đứt, không gian trống gồm cánh đồng, vườn, ao hồ thường trở thành nơi ô nhiễm chứa đựng rác thải và nước thải. Không gian làng xã truyền thống bị chia cắt hoặc phát triển tự phát làm nhà ở, nhà ở cho thuê cho người nhập cư, làm cho chất lượng môi trường sống, không gian kiến trúc, cảnh quan nông thôn bị suy giảm.

Đô thị hóa theo hướng tích cực sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của khu vực đô thị và vùng ven đô. Mặt khác, đô thị hóa cũng có những tác động tiêu cực như làm tăng khoảng cách giữa giàu và nghèo, làm suy thoái môi trường và gia tăng các vấn đề xã hội.

1.4. Tác động đến tổ chức không gian

- Cải thiện hạ tầng nông thôn

Không phủ nhận yếu tố tích cực của quá trình đô thị hóa tới sự phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông được nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, các khu đô thị hình thành mới và các khu, cụm công nghiệp. Các vấn đề về cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, thoát nước, và vệ sinh môi trường cũng được quan tâm đầu tư đảm bảo phục vụ cho cuộc sống con người được tốt hơn.

Hệ thống hạ tầng xã hội cũng được phát triển tương xứng với quá trình đô thị hóa. Hệ thống nhà trẻ, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại dịch vụ và các dịch vụ xã hội cũng được đầu tư phát triển mạnh. Quá trình đô thị hóa có tác động tích cực tới sự phát triển hạ tầng xã hội của các xã ven đô.

- Gia tăng các hoạt động đầu tư xây dựng quy mô

Do có lợi thế về quỹ đất và vị trí gần đô thị nên không gian ven đô hiện nay là nơi tập trung mật độ khá cao các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ logicstic. Việc xây dựng mới các khu công nghiệp tập trung, kho tàng, đại siêu thị…tại không gian ven đô không những làm cho cảnh quan các làng xã bị thay đổi mà còn làm cho đất đai nông nghiệp suy giảm, cơ cấu ngành nghề của người dân thay đổi theo.

Hiện nay, nhiều dự án phát triển các khu đô thị mới, nhà ở đơn lẻ đã được phê duyệt đầu tư xây dựng tại các khu vực các làng xã ven đô thuộc phạm vi mở rộng theo định hướng quy hoạch đô thị. Nhiều dự án được quy hoạch tiếp giáp hoặc bao bọc lấy các làng xóm. Các dự án này đòi hỏi phải xây dựng một cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, do vậy, các tuyến giao thông mới sẽ làm cho cấu trúc các làng xã truyền thống bị biến đổi mạnh.

Mặt khác, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, thuận lợi trong giải phóng mặt bằng xây dựng nên các dự án chỉ tập trung khai thác quỹ đất trống, đất nông nghiệp nên khiến cho các làng xã bị vây hãm hoặc cô lập đối với khu vực xung quanh về mọi mặt.

- Phá vỡ cấu trúc làng xã truyền thống:

Dưới tác động của quá trình đô thị hóa và mở rộng đô thị, không gian làng xã ven đô truyền thống có nhiều biến đổi cả về quy mô lẫn cấu trúc, cơ cấu chức năng. Sự biến đổi không gian kiến trúc làng, thể hiện qua thực tiễn, có thể nhận thấy theo các xu hướng biến đổi sau:

+ Khai thác hết các phần đất công cộng của làng: ao hồ, đầm, vườn cây của HTX, của các cụ phụ lão…để sử dụng vào việc xây dựng nhà ở, công trình công cộng, nhà trẻ, trường học, đấu thầu làm nhà xưởng hoặc cửa hàng dịch vụ buôn bán. Điều này dẫn tới việc phá vỡ cấu trúc truyền thống cảnh quan tự nhiên, xã hội, làm tăng mật độ xây dựng và giảm tiện nghi môi trường của làng xã.

+ Sự đan xen hoặc chuyển đổi chức năng tùy tiện như các công trình cũ và mới vào đất ở, chuyển đổi chức năng nhà ở sang sản xuất, dịch vụ buôn bán và ngược lại… điều này dẫn tới sự lộn xộn, manh mún trong không gian kiến trúc làng, triệt tiêu các môi trường giao tiếp truyền thống.

+ Việc xây dựng nhà ở bám theo các tuyến đường xã, ngõ xóm để phát triển dịch vụ biến đổi các tuyến đường làng, xã truyền thống trở thành dãy phố thị, đơn điệu chật chội không đủ điều kiện cải tạo hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

+ Cùng với việc xây dựng các khu chức năng mới như Khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ logicstic…tại các khu vực ven đô là việc cải tạo mở rộng hoặc xây dựng các tuyến đường kết hợp hạ tầng kỹ thuật kết nối với đô thị. Việc mở đường gây ra những tác động lớn với cơ cấu truyền thống các làng xã ven đô khi các tuyến đường mới mở áp sát hoặc cắt qua địa phận các làng xã buộc phải di chuyển dân, thậm chí chia làng xã ra thành 2 phần riêng biệt làm phá vỡ đi cấu trúc truyền thống. Việc cải tạo mở rộng các tuyến đường liên huyện, liên xã và kích hoạt hiện tượng dân cư của làng sẽ tự xây dựng nhà cửa, lều quán hai bên các tuyến đường, kết quả là hình thành ra các dãy phố thị mới.

- Biến đổi không gian kiến trúc - cảnh quan truyền thống

+ Sự tập trung mật độ xây dựng quá cao tại các trung tâm làng, xã, dọc theo các trục lộ đã tạo nên một sự tương phản trong bố cục không gian các xã ven đô.

+ Sự suy giảm của các loại hình kiến trúc truyền thống như: nhà ở, các công trình công cộng (quán, điếm, cổng làng, cầu…). Còn rất ít những ngôi nhà cổ truyền thống, những ngôi nhà này được xây dựng từ thời kỳ phong kiến hoặc Pháp thuộc, thường nằm xen kẹt giữa những ngôi nhà 2-3 tầng xây mới với nhiều phong cách không ăn nhập với kiến trúc truyền thống.

+ Lối sống thành phố ảnh hưởng đến cách tổ chức không gian trong nhà ở và hình thành kiến trúc, ở các làng xã đã xuất hiện các loại hình nhà ở đa dạng nhưng chưa tạo được hiệu quả thẩm mỹ và cảnh quan chung.

- Thiếu gắn kết giữa không gian làng xã truyền thống và không gian phát triển mới:

+ Thiếu kết nối giao thông giữa khu đô thị mới và làng xóm đô thị hóa được biểu hiện ở sự bất cập và tính kết nối đồng bộ giữa khu đô thị mới và làng xóm đô thị hóa dẫn tới sự mất ổn định của hoạt động đi lại, ảnh hưởng tới phân bố các công trình.

+ Tương phản về kiến trúc và công trình xây dựng là biểu hiện rõ rệt về sự đứt đoạn không gian, bao gồm: Tương phản về khối tích xây dựng tạo cảm giác mất cân bằng, khó định hình các tuyến không gian; tương phản về mật độ tập trung công trình bởi sự biến động liên tục về tách hợp thửa trong các khu vực làng xóm đô thị hóa; tương phản về các ngôn ngữ biểu hiện của kiến trúc công trình.

+ Trong nhiều khu vực giáp ranh không có tổ chức tuyến giao thông phân cách mà được xây dựng các dãy nhà quay lưng, áp sát với khu dân cư làng xóm hiện có xuất phải bởi sự tận dụng quỹ đất được giao cho xây dựng đô thị mới tạo ra môi trường xây dựng lộn xộn, thiếu rõ ràng.

2. Định hướng quy hoạch xây dựng xã NTM ven đô nhằm tăng cường liên kết đô thị và nông thôn

Không gian xã ven đô, là nơi có sự giao thao giữa đô thị và nông thôn và liên kết giữa đô thị và nông thôn được biểu hiện một cách rõ nhất. Do đó, mục tiêu cao nhất của Quy hoạch xây dựng xã NTM ven đô chính là nhằm tăng cường liên kết giữa đô thị và nông thôn.

Mối liên kết này được phát triển một cách tự nhiên nhằm đáp ứng các nhu cầu từ cả hai phía về các khía cạnh:

- Chia sẻ chức năng

- Kết nối lịch sử, văn hóa, cảnh quan sinh thái

- Hỗ trợ nguồn lực phát triển

Cụ thể, đối với các xã NTM ven đô, liên kết với đô thị sẽ giúp tận dụng các cơ hội và nguồn lực từ đô thị cho sự phát triển của mình. Đô thị chính là thị trường chính tiêu thụ hàng hóa nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cho nông thôn. Hơn thế, với lợi thế là đầu mối giao thông, hạ tầng thông tin, đô thị còn giúp cho việc quảng bá, mở rộng địa bàn phân phối hàng hóa đến khắp cả nước và ra cả thị trường quốc tế. Đô thị với hệ mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục giúp đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với nông thôn. Đô thị cũng là nơi tập trung các nguồn lực vốn đầu tư thông qua các tổ chức, doanh nghiệp, quỹ đầu tư có thể đem lại những nguồn lực phát triển cho nông thôn.

Do đó, việc tăng cường kết nối đô thị - nông thôn giúp đem lại các động lực phát triển và cơ hội mới cho nông thôn, trong đó các khu vực ven đô đóng vai trò là nơi tiếp nhận và lan tỏa đến toàn vùng nông thôn.

Để đạt được mục tiêu này thì Quy hoạch xây dựng với vai trò định hướng phải cụ thể hóa các mục tiêu phát triển, giải pháp kết nối và xác định lộ trình và nguồn lực thực hiện.

Để đảm bảo cho việc kết nối đô thị - nông thôn được phát triển bền vững và hài hòa, các giải pháp quy hoạch xây dựng phải nhắm tới các việc tăng cường và mở rộng các sợi dây kết nối thông qua các giải pháp về kết nối hạ tầng giao thông, kết nối cảnh quan sinh thái và không gian kinh tế, văn hóa, trong đó kết nối về giao thông phải được coi là nền tảng cho việc duy trì và tăng cường liên kết đô thị - nông thôn về mọi mặt. Kết nối chia sẻ chức năng, kinh tế là động lực chính cho sự phát triển hài hòa mối liên kết dựa trên các nguyên tắc cùng có lợi.

Kết nối về cảnh quan sinh thái và không gian văn hóa, tuy không đem lại các lợi ích kinh tế rõ ràng nhưng lại là sợi dây gắn kết chặt chẽ và bền bỉ giữa đô thị và nông thôn thông qua yếu tố trung tâm là con người. Những người dân đô thị phần lớn có nguồn gốc từ khu vực nông thôn xung quanh đô thị trong quá khứ, trong hiện tại, nông thôn lại vẫn là nguồn cung cấp lực lượng lao động quan trọng nhất cho xây dựng và phát triển đô thị.

2.1. Kết nối giao thông làm nền tảng cho kết nối đô thị - nông thôn

Kết nối về giao thông đóng vai trò quan trọng hàng đầu để đảm mối liên kết giữa đô thị và nông thôn về mọi mặt. Kết nối giao thông đảm bảo cho việc di chuyển, thông thương con người và hàng hóa giữa đô thị và nông thôn diễn ra thuận tiện, là tiền đề phát triển cho mọi mối quan hệ hợp tác.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông chậm phát triển là hạn chế lớn nhất cần khắc phục trong phát triển nông thôn tại nước ta. Việc ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị để thu hút đầu tư khiến cho nguồn lực dành cho khu vực nông thôn bị hạn chế. Mặt khác, do địa bàn khu vực nông thôn trải rộng, địa hình lại phức tạp khiến cho chi phí đầu tư tăng cao, hiệu quả sử dụng thấp nên khó thu hút được các nguồn lực đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

Bên cạnh yêu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ (hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ…) kết nối đô thị và nông thôn, cần chú ý phát triển đa dạng hóa các phương thức giao thông, ưu tiên phát triển các loại hình giao thông công cộng để đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi cho các đối tượng có mức thu nhập thấp tại khu vực nông thôn.

2.2. Kết nối không gian cảnh quan, sinh thái cho sự phát triển cân bằng, hài hòa đô thị - nông thôn

Khu vực ven đô có chức năng quan trọng đó là hỗ trợ chức năng cho đô thị về mặt cảnh quan, sinh thái, tạo sự cân bằng cho đô thị và không gian toàn vùng

- Quan điểm tổ chức gắn kết không gian cảnh quan sinh thái phải đảm bảo: Nâng cao chất lượng sống, bình đẳng giữa các cộng đồng dân cư cũ và mới; Hài hòa với điều kiện môi trường tự nhiên; Gắn kết các nhân tố tạo lập không gian (gồm thẩm mỹ, công năng, thời gian)

+ Tổ chức gắn kết không gian kiến trúc cảnh quan cần đảm bảo các nguyên tắc: Nhất quán với các quy hoạch xây dựng tổng thể; Phù hợp với mục tiêu phát triển; Đa dạng và tương hỗ trong phân bố chức năng; Giàu bản sắc trong hình thái không gian - cảnh quan.

- Cần nhận diện đặc trưng của không gian cảnh quan để thấy tính độc lập tương đối về không gian, đồng thời cho thấy được vai trò trọng tâm trong liên kết, gắn kết hoạt động đô thị - nông thôn.

2.3. Kết nối chức năng, nguồn lực làm động lực phát triển nông thôn

So với khu vực đô thị, khu vực nông thôn còn tồn tại sự chênh lệch rất lớn về điều kiện và trình độ phát triển. Tuy nhiên, những thế mạnh của nông thôn như: quỹ đất lớn, nguồn nhân lực dồi dào, môi trường cảnh quan còn ít bị ô nhiễm, hàng hóa nông sản…là những điều khu vực đô thị mong muốn có được. Ngược lại, đô thị lại là nơi tập trung vốn đầu tư, tiềm lực về giáo dục, đào tạo và ứng dụng công nghệ, marketing, quảng bá, phân phối sản phẩm… lại là những điều nông thôn còn thiếu. Việc tạo ra kết nối giữa đô thị và nông thôn sẽ có lợi cho cả hai khu vực giúp tận dụng chia sẻ các điểm mạnh, hỗ trợ khắc phục các điểm yếu. Do vậy, tăng cường kết nối đô thị - nông thôn thông qua khu vực ven đô phải là chiến lược quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn nhằm mục tiêu phát triển cân bằng, giảm dần khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn.

- Các định hướng kết nối, chia sẻ chức năng và nguồn lực đô thị - nông thôn

+ Kết nối nhằm chia sẻ các chức năng: Khu vực xã ven đô cần tập trung phát triển bổ trợ cho hoạt động của đô thị: không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, nhà ở, lương thực, thực phẩm, sinh hoạt tâm linh…

+ Kết nối về hạ tầng: Nhằm khai thác thế mạnh của đô thị về đầu mối hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vùng và quốc tế để phân phối, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho khu vực nông thôn.

+ Kết nối trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực: Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nhân lực về nông nghiệp như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… để có thể liên kết đào tạo, chuyển giao kiến thức về nông nghiệp thường xuyên cho người nông dân.

+ Kết nối tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, thị trường, chuyển giao công nghê: Hợp tác giữa địa phương với các doanh nghiệp để thu hút việc làm và chuyển giao công nghệ: trong thời gian qua nhiều mô hình phát triển nông nghiệp đã được các doanh nghiệp lớn triển khai. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử như Vinamilk, Nafoods, TH, Lavifood, FLC, Ba Huân, Thaco, Dabaco Việt Nam, Masan, Biển Đông… Trong đó, địa phương cung cấp quỹ đất và nguồn nhân lực cũng như các điều kiện khác để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Để chính sách đi vào thực tiễn, đa số doanh nghiệp cho rằng, các địa phương cần cơ chế và hành lang pháp lý bảo đảm cho việc tích tụ ruộng đất, giúp doanh nghiệp cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chủ động thông tin dự báo thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các địa phương phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở lợi thế tự nhiên để đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

3. Định hướng quy hoạch xây dựng xã NTM ven đô phù hợp với định hướng đô thị hóa nhằm tiết kiệm nguồn lực đầu tư

3.1. Định hướng đối với các xã NTM ven đô nằm trong phạm vi quy hoạch đô thị

a. Định hướng chung:

- Phát triển các xã ven đô phù hợp với định hướng quy hoạch đô thị hoặc phát triển đô thị mới được xác định trong các quy hoạch:

+ Quy hoạch tỉnh (hoặc thành phố trực thuộc TW): Trong đó xác định mạng lưới đô thị và nông thôn

+ Quy hoạch xây dựng vùng huyện: Xác định định hướng phát triển chung và liên kết giữa các xã trong huyện

+ Quy hoạch chung đô thị liền kề (thành phố, thị xã): Xác định ranh giới và phạm vi quy hoạch đô thị (bao gồm các khu vực dự kiến mở rộng đô thị).

+ Quy hoạch phân khu đô thị: Xác định ranh giới các khu chức năng và chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc cảnh quan.

+ Quy hoạch và đầu tư hạ tầng đi trước một bước theo hướng bằng hoặc tiệm cận với đô thị nhằm tiết kiệm nguồn lực đầu tư sau này.

b. Định hướng quy hoạch xây dựng

- Tính chất: Không bảo tồn tính chất của một xã nông thôn mới ven đô trong trung và dài hạn (Sẽ trở thành một bộ phận của đô thị theo định hướng và lộ trình triển khai quy hoạch đô thị). Cần xây dựng kế hoạch phát triển xã phù hợp với lộ trình quy hoạch đô thị cho các giai đoạn chuyển đổi nông thôn - đô thị.

- Hạ tầng: Chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đi trước một bước so với yêu cầu phát triển hiện tại theo hướng tiệm cận với tiêu chuẩn đô thị, đặc biệt về hạ tầng giao thông. Kết nối hạ tầng xã với khung hạ tầng vùng và đô thị.

- Chức năng: Phát triển các khu trung tâm, khu nhà ở mới, tập trung theo định hướng quy hoạch mở rộng đô thị để đáp ứng nhu cầu nhà ở trong tương lai.

c. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu đảm bảo hạ tầng, cảnh quan môi trường, nhà ở theo hướng văn minh đô thị

- Về sử dụng đất: Có kế hoạch chuyển đổi sử dụng đất đai xã phù hợp với định hướng trở thành đô thị theo lộ trình của Quy hoạch đô thị liên quan, đặc biệt đối với đất xây dựng các công trình hạ tầng, công trình công cộng trong tương lai, cần được xác định rõ ranh giới để quản lý và tránh đầu tư lớn và dài hạn.

- Về quy hoạch sản xuất: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, hạn chế chăn nuôi tập trung, ưu tiên các hoạt động sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm quỹ đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

3.2. Đối với các xã NTM ven đô không huộc phạm vi quy hoạch đô thị

a. Định hướng chung:

- Phải phù hợp với định hướng của các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch xây dựng huyện; Quy hoạch chung đô thị

- Quy hoạch phát triển không gian toàn xã theo hướng kết nối toàn diện với đô thị liền kề cả về mặt giao thông cũng như không gian sinh thái, cảnh quan.

- Ưu tiên phát triển các chức năng có khả năng hỗ trợ, chia sẻ cho đô thị như sản xuất lương thực, thực phẩm sạch, du lịch văn hóa, cảnh quan, sinh thái, dịch vụ hỗ trợ đô thị, nhà ở sinh thái.

b. Định hướng Quy hoạch xây dựng

- Về tầm nhìn và tính chất: Bảo tồn tính chất của xã nông thôn mới ven đô trong trung và dài hạn (tương ứng với thời gian quy hoạch đô thị liền kề)

- Kết nối hạ tầng: Ưu tiên phát triển các dự án hạ tầng kết nối, đặc biệt là giao thông kết nối giữa xã và các đô thị liền kề.

- Kết nối kinh tế: Phát triển các dự án trung tâm hỗ trợ sản xuất, chợ đầu mối phân phối nông sản cấp xã hoặc liên xã.

- Kết nối sinh thái: Bảo tồn các không gian cảnh quan sinh thái truyền thống nông thôn, các di sản văn hóa - lịch sử, nhà ở truyền thống.

- Chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, hạ tầng các khu dân cư nông thôn nhằm nâng cao chất lượng môi trường ở.

- Khai thác các khu vực có giá trị cảnh quan, sinh thái tự nhiên để phát triển một số loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm nông thôn, dịch vụ nghỉ dưỡng nhằm tăng cường liên kết với đô thị.

- Về sử dụng đất

+ Có kế hoạch chuyển đổi một phần quỹ đất sản xuất nông nghiệp sang phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, logicstic nhằm hỗ trợ chức năng cho đô thị đồng thời tạo thêm sinh kế mới cho nhân dân trong xã và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.

+ Duy trì và bảo tồn tối đa quỹ đất tự nhiên, sinh thái (hồ ao, đầm, đồi núi, rừng tự nhiên…) để bảo tồn không gian tự nhiên sinh thái và cảnh quan đặc trưng nông thôn.

- Về Quy hoạch phát triển sản xuất

+ Chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống (lúa, hoa màu) sang sản xuất hoa, quả, cây cảnh, rau xanh, sạch … để phục vụ trực tiếp nhu cầu của đô thị và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

+ Chuyển đổi từ các phương pháp sản xuất truyền thống sang các mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm đất đai.

+ Ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm sạch, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị hàng hóa và tăng tính cạnh tranh.

Từ khóa » Tiêu Cực Và Tích Cực Của đô Thị Hóa