Tác Dụng Chữa Bệnh Của đậu đỏ | BvNTP

Đậu đỏ giàu chất dinh dưỡng (đường, đạm, chất xơ, chất béo, chất khoáng như: canxi, phốt-pho, sắt, axit nicotinic, vitamin B1, B2…), vừa là loại thực phẩm bổ máu vừa có tác dụng giải độc, kích thích nhu động ruột, kháng khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu, hạ cholesterol và chống ung thư.

Khi nhắc đến họ nhà đậu với phần lớn là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chắc hẳn không thể bỏ qua đậu đỏ. Một chén đậu đỏ khoảng 200gr nấu chín có chứa các chất dinh dưỡng sau:

  • Calo: 294;
  • Carbohydrate: 57g;
  • Protein: 17,3g;
  • Chất béo: 0,2g;
  • Chất xơ: 16,8g;
  • Mangan: 1,3mg (66% DV);
  • Phốt pho: 386mg (39% DV);
  • Kali: 1,224mg (35% DV);
  • Đồng: 0,2mg (34% DV);
  • Magiê: 120mg (30% DV);
  • Kẽm: 4,1mg (27% DV);
  • Sắt: 4,6mg (26% DV);
  • Thiamin: 3mg (18% DV);
  • Vitamin B6: 0,2mg (11% DV);
  • Riboflavin: 0,1mg (9% DV);
  • Niacin: 1,6mg (8% DV);
  • Canxi: 64,4mg (6% DV).

*DV là hàm lượng dinh dưỡng khuyến nghị mà cơ thể bạn cần phải hấp thụ mỗi ngày.

Tác dụng chữa bệnh của đậu đỏ

Đậu đỏ có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn.

Theo YHCT , đậu đỏ được dùng để trị nhiều bệnh thường gặp, như bệnh đường ruột: đau dạ dày, tả, lỵ, đầy trướng bụng; bệnh đường tiết niệu: tiểu ngắn, đỏ, tiểu buốt, dắt; bệnh gan, mật; hoặc mụn nhọt…

Có thể sử dụng đậu đỏ dưới dạng canh thang đậu đỏ, đậu đỏ với ý dĩ, hoặc đậu đỏ với đại táo, ăn thường xuyên.

Một số chứng bệnh thường dùng đậu đỏ

Trị bệnh tiểu đường: đậu đỏ, đậu xanh, ý dĩ, mỗi vị 40g, nấu cháo ăn, tuần 2 – 3 lần. Đậu đỏ (có thể ủ lên mầm), nấu với dạ dày lợn, tuần 2 – 3 lần ăn.

Trị chứng chảy máu hậu môn trước khi đại tiện: đậu đỏ ủ cho nhú mầm, lấy ra phơi khô, đương quy, đồng lượng. Đương quy nên lấy phần phía đầu rễ (quy đầu). Vì quy đầu có tác dụng cầm máu. Đem đương quy thái phiến mỏng, sấy khô ở nhiệt độ ≤ 600 C. Cả hai đều tán thành bột mịn, trộn đều, ngày dùng 1 – 2 lần, mỗi lần 6g.

Trị trĩ chảy máu và đại tiện ra máu: đậu đỏ 20g, hòe hoa thán 12g, đương quy 8g. Sắc lấy nước, trước khi uống, nhân lúc còn nóng có thể cho vào 4g cao da trâu, quấy đều cho tan để uống.

Trị mụn nhọt sưng đau: đậu đỏ 20g, hoàng bá nam (vỏ núc nác), ngưu tất, kim ngân hoa, bồ công anh, đơn lá đỏ, mỗi vị 12g, sắc uống, ngày một thang.

Thuốc thanh nhiệt, lợi thủy, tĩnh tâm, an thần: đậu đỏ 30g, đảng sâm 8g, đương quy 8g, tim lợn 1 quả, nấm hương vừa đủ. Tất cả hầm mềm, ăn cái, uống nước. Trị viêm tiểu cầu thận: đậu đỏ 90g, râu ngô 60g, táo đỏ 10g, thêm đường vừa đủ. Nấu nước uống trong ngày (thời gian điều trị từ 1 - 3 tháng). Bổ khí huyết, kiện tỳ ích vị, tăng cường sức khỏe: đậu đỏ 30g, chim cút 2 con, gừng tươi 3 lát. Hầm mềm, nêm gia vị, ăn nóng.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » đậu đỏ Bổ Huyết