Tác Dụng Chữa Bệnh Của Nhục đậu Khấu - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Hỏi: Xin cho hỏi nhục đậu khấu có tác dụng chữa bệnh gì?

(Nguyễn Lê Mai - Đồng Tháp)

Trả lời: Nhục đậu khấu còn gọi là nhục quả, ngọc quả, muscade, noix de muscade.

Tên khoa học Myristica fragrans Hourt.

Thuộc họ Nhục đậu khấu Myristicaceae.

Cây nhục đậu khấu cho ta các vị thuốc sau đây:

- Nhục đậu khấu (Semen Myristicae) là nhân phơi hay sấy khô của cây nhục đậu khấu.

- Ngọc quả hoa còn gọi là nhục đậu khấu y (Arillus Myristicae hay Macis) là áo của hạt nhục đậu khấu phơi hay sấy khô.Nhục đậu khấu

Nhục đậu khấu

Mô tả cây

Nhục đậu khấu là một cây to, cao 8 - 10m. Toàn thân nhẵn. Lá mọc so le, xanh tươi quanh năm, dai, phiến lá hình mác rộng, dài 5 - 15cm, rộng 3 - 7cm, mép nguyên, cuống lá dài 7 - 12mm. Hoa khác gốc mọc thành xim ở kẽ lá, có dáng tán. Màu hoa vàng trắng. Quả hạch, hình cầu hay quả lê, màu vàng, đường kính 5 - 8cm, khi chín nở theo chiều dọc thành 2 mảnh trong có một hạt có vỏ dày cũng bao bọc bởi một áo hạt bị rách màu hồng.

Phân bố thu hái và chế biến

Cây nhục đậu khấu được trồng ở miền Nam Việt Nam và Campuchia. Còn mọc ở Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, đã di thực được vào tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc giáp giới miền Bắc Việt Nam ta.

Trồng được 7 năm thì bắt đầu thu hoạch. Mỗi năm có thể thu hoạch 2 lần, một lần vào các tháng 11 - 12 và một lần vào các tháng 4 - 6. Khi đã bắt đầu thu hoạch thì có thể thu hoạch luôn trong vòng 60 - 70 năm. Mức thu hoạch cao nhất vào năm thứ 25. Từ năm thứ 10 đến năm thứ 25 hàng năm mỗi cây cho từ 1.500 - 2.000 quả, nghĩa là chừng 8 - 10kg quả. Sau khi hái quả, loại bỏ vỏ quả. Sau đó lấy riêng áo hạt, ngâm muối rồi phơi hay sấy khô. Hạch đem sấy ở lửa nhẹ (600) cho đến khi lắc lên thấy kêu lóc cóc (thường việc sấy này kéo dài tới 2 tháng) thì đem đập lấy nhân, phân loại to nhỏ rồi ngâm nước vôi này có mục đích để tránh bị sâu bọ mối mọt. Người ta phân loại nhục đậu khấu căn cứ vào to nhỏ.

Tác dụng dược lý

Nhục đậu khấu và ngọc quả hoa đều là những vị thuốc thơm, có tác dụng kích thích. Được dùng trong cả đông và tây y. Nhưng dùng với liều cao thì có thể gây độc. Dùng nguyên cả một hạt đã có hiện tượng độc. Sau một thời gian kích thích ngắn, có hiện tựơng mệt mỏi và ngủ gà. Purkinje đã cảm thấy hiện tượng tê mê sau khi dùng nhục đậu khấu. Theo Leclerc đã có nhiều trường hợp ngộ độc xảy ra ở Anh và Mỹ, trong đó có một trường hợp chết người với hiện tượng dãn đồng tử như khi bị ngộ độc do benladon.

Dùng ít thì xúc tiến hai dịch vị, giúp sự tiêu hóa, kích thích nhu động ruột, gây ăn ngon nhưng uống nhiều quá sẽ làm say tê, có khi tiểu tiện ra huyết rồi chết.

Công dụng và liều dùng

Nhục đậu khấu là một vị thuốc dùng để kích thích tiêu hóa, làm thuốc kích thích chung trong các trường hợp kém ăn, sốt rét.

Dùng dưới dạng bột hay dạng thuốc viên. Ngày uống 0,25 - 0,50g. Có khi có thể dùng 2 - 4g nhưng dùng liều quá cao có thể gây độc.

Bơ đậu khấu dùng để xoa bóp ngoài chữa tê thấp, đau người.

Ngọc quả hoa dùng như nhục đậu khấu.

Đơn thuốc có nhục đậu khấu

Chữa bệnh kém ăn ăn uống không tiêu:

Nhục đậu khấu 0,50g, nhục quế 0,50g, đinh hương 0,20g tất cả tán thành bột. Trộn với đường sữa 1g. chia làm 3 gói, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 gói.

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam )

của GS. ĐỖ TẤT LỢI

Từ khóa » đậu Khấu Trị Bệnh Gì