Tác Dụng Của Cây Gai Tầm Xoọng Đối Với Sức Khỏe Con Người

Cây gai tầm xoọng

Cây gai tầm xoọng

Đặt lịch

Cây gai tầm xoọng là một vị thuốc nam quý được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: cây gai xanh, tầm xoọng, gai xanh, cúc keo,… Trong một số tài liệu của Đông y cổ truyền cho biết, vị thuốc này có vị đắng, tính mát hơi ấm, có tác dụng lý khí chỉ thống, khu phong giải thử và hóa đàm chỉ khái.

cây gai tầm xoọng
Cây gai tầm xoọng là cây gì? Có những công dụng chữa bệnh gì?

Tên gọi – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Tầm xoọng, Gai xanh, Cúc keo, Quýt rừng, Cây gai xanh, Tửu bính lặc, Độc lực, Cam trời, Mền tên,…
  • Tên khoa học: Severinia monophylla
  • Họ: Thuộc họ Cam (Rutaceae)

Đặc điểm sinh thái của cây tầm xoọng

1. Mô tả cây gai tầm xoọng

Cây gai tầm xoọng là một cây nhỡ và được phân thành nhiều nhánh nhỏ. Chiều cao trung bình của cây dao động từ 1 – 2m. Thân cây nhẵn, có gai nhọn dài chừng 3 – 4 cm, thường nằm ở nách lá.

Lá của cây gai tầm xoọng là lá nguyên, rất dai, có hình trái xoan, tròn hay lõm ở phần đầu và thon hẹp hoặc tròn ở gốc. Lá dài chừng 1,5 – 5 cm. Lá dày, cứng, không lông. Gân xuất hiện khít nhau và gần sát mép lá. Cuống lá ngắn, khoảng 3 – 4mm.

Cây gai tầm xoọng có hoa màu trắng, hầu như không có cuống. Hoa xếp thành từng nhóm nhỏ ở các nách lá. Quả nạc, hình cầu, màu đen với đường kính khoảng 10 – 12mm. Mỗi quả có chứa 2 hạt.

Thời điểm cây gai tầm xoọng ra hoa là vào tháng 6 – 8 và kết quả vào khoảng tháng 9 – 12 hằng năm.

2. Cây gai tầm xoọng phân bố chủ yếu ở đâu?

Cây gai tầm xoọng xuất nhiều ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, loại cây này thấy nhiều ở các tỉnh miền Bắc và dọc các tỉnh duyên hải miền Trung.

cây gai tầm xoọng
Cây gai tầm xoọng là loại cây mọc hoang ở những bãi đất trống và được tìm thấy nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc nước ta

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng: Sử dụng phần lá, rễ và cả quả của cây gai tầm xoọng để bào chế thành thuốc.
  • Thu hái: Thu hái rễ và lá của cây gai tầm xoọng quanh năm. Đối với quả, chủ thu hoạch những quả còn xanh.
  • Chế biến: Sau khi thu hoạch về, đem toàn bộ dược liệu rửa sạch qua nhiều lần nước để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất, sau đó đem phơi khô để dùng dần. Riêng phần rễ và lá cần thái phiến trước khi đem phơi và nên phơi lá trong bóng râm.
  • Bảo quản: Bảo quản dược liệu khô trong bao bì kín và đem cất trữ ở nơi thoáng mát, tránh nơi ẩm ướt. Thi thoảng cần đem ra phơi 1 ngày nắng để phòng tránh tình trạng dược liệu nổi mốc meo. 

Thành phần hóa học của cây gai tầm xoọng

Trong một số tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết, toàn cây gai tầm xoọng chủ yếu chứa tinh dầu. Ngoài ra, quả xanh chứa chất nhầy và vỏ rễ có chứa severifolin, atalaphylin, N-methylseverifolin, N-methylatalaphylin, 5-hydroxy-N-methyl-severifolin. 

cây gai tầm xoọng
Thành phần tinh dầu trong cây gai tầm xoọng chiếm phần lớn

Tác dụng dược lý của cây gai tầm xoọng

1. Theo nghiên cứu của giới y học hiện đại

Nước sắc của cây gai tầm xoọng có tác dụng ức chế co bóp do acetylcholin và histamin gây ra. Bên cạnh đó, dược liệu này còn có tác dụng chống thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ và giảm ho.

2. Theo sự ghi nhận của Y học cổ truyền

+ Công dụng: Cây gai tầm xoọng có tác dụng trừ thấp, giảm đau, thông kinh hoạt lạc, khu phong giải thử, lý khí chỉ thống và hóa đàm chỉ khái.

+ Chủ trị: Dược liệu cây gai tầm xoọng có tác dụng hỗ trợ điều trị đối với một số trường hợp sau:

  • Các vấn đề liên quan đến đường hô hấp: ho, viêm phế quản
  • Các vấn đề liên quan đến xương khớp: phong thấp, đau nhức vùng vai và cổ
  • Cảm cúm
  • Sốt rét
  • Nhức đầu
  • Đau dạ dày
  • Kiết lỵ
  • Bế kinh ở nữ giới
  • Mụn nhọt sưng tấy
  • Vết thương bị sưng gây đau

Tính vị và quy kinh của vị thuốc gai tầm xoọng

  • Tính vị: Cây gai tầm xoọng có vị đắng, tính mát hơi ấm và có mùi thơm nhẹ.
  • Quy kinh: Chưa có tài liệu nào đề cập vấn đề này.

Cách dùng và liều dùng vị thuốc gai tầm xoọng

  • Liều lượng sử dụng: Dùng 10 – 15gr rễ hoặc lá cây gai tầm xoọng mỗi ngày. Đối với quả, dùng khoảng 8 – 16gr/ ngày.
  • Cách dùng: Dùng độc vị hoặc kết hợp cùng với một số vị thuốc khác ở dạng thuốc sắc.
cây gai tầm xoọng
Cây gai tầm xoọng có vị đắng, tính mát hơi ấm, có tác dụng lý khí chỉ thống, hóa đàm chỉ khái và khu phong giải thử

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc gai tầm xoọng

Dưới đây là một số bài thuốc điển hình từ gai tầm xoọng, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng khi cần thiết:

1. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp khiến việc đi lại khó khăn, toàn thân mệt mỏi:

+ Cách số 1:

  • Nguyên liệu: 25gr cây gai tầm xoọng.
  • Cách thực hiện: Đem vị thuốc gai tầm xoọng sao vàng rồi hạ thổ. Sau đó đem sắc cùng với 500ml nước lọc, tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn phân nửa. Chắt lọc lấy phần nước cốt và chia thành 2 phần nhỏ để uống hết.

+ Cách số 2:

  • Nguyên liệu: Cây gai tầm xoọng và thổ phục linh mỗi vị 16gr; ngải diệp, tục đoạn, đương quy và kê huyết đằng mỗi vị 12gr cùng với 10gr thiên niên kiện và 6gr quế chi.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc để lấy nước uống. Tiến hành sắc 3 lần và chia thành 3 lần uống trong ngày. Nên uống thuốc khi còn ấm.

Đối với một số trường hợp cụ thể, người bệnh cần gia giảm liều lượng sử dụng sao cho phù hợp. Cụ thể:

  • Đau nhiều ngày liền, cơ thể gầy yếu, da xanh xao: Gia thêm đẳng sâm, liên nhục và hoài sơn mỗ vị 16gr cùng với bạch truật và đại táo mỗi vị 12gr.
  • Ăn uống kém, tiêu hóa yếu: Gia thêm 16gr biển đậu cùng với bạch truật và trần bì mỗi vị 12gr.
  • Đau tức ngực gây khó thở: Gia thêm lạc tiên, táo nhân và hạt muồng (sao) với mỗi vị 16gr.

2. Bài thuốc trị đau vai cổ, đau một bên cánh tay khiến cử động khó khăn

  • Nguyên liệu: Gai tầm xoọng (sao vàng hạ thổ) cùng với nam tục đoạn mỗi vị 20gr; rễ cúc tần, tang chi và kinh giới mỗi vị 12gr cùng với quế chi và thiên niên kiện mỗi vị 10gr.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc 3 lần nước rồi chia nhỏ thành 3 phần để uống. Dùng mỗi ngày 1 thang.

Để gia tăng công dụng, người bệnh nên kết hợp cùng với bài thuốc chườm:

  • Nguyên liệu: 50gr ngải diệp và 15gr rễ cây lá lốt.
  • Cách thực hiện: Đem hai vị thuốc trên sao cùng với rượu cho nóng. Rồi gói vào miếng vải sạch và đem chườm lại chỗ cho đến khi nguội hoàn toàn. Khi thuốc nguội, nên đem sao lại và chườm thêm vài lần.

3. Bài thuốc trị đau nhức xương khớp kèm hiểu biện vận động kém, khớp xơ cứng

  • Nguyên liệu: 20gr gai tầm xoọng (sao vàng hạ thổ); 16gr cát căn; tục đoạn, huyết đằng, đương quy, phòng phong, đơn hoa và chích thảo mỗ vị 12gr cùng với tế tân và quế chi mỗi vị 10gr.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc 3 lần nước để dùng cho 3 lần mỗi ngày. Dùng thuốc khi còn ấm, nếu thuốc nguội, nên hâm nóng lại trước khi dùng.

Lưu ý: Nếu người bệnh là người cao tuổi, thiếu ngủ nên gia thêm 16gr táo nhân cùng với bạch linh và hạt muồng (sao) với mỗi vị 12gr.

4. Bài thuốc trị ho hen, đau họng, họng có đờm, khó thở

  • Nguyên liệu: Gai tầm xoọng (sao vàng hạ thổ) và tang bạch bì mỗi vị 16gr; cát cánh, trần bì, mạch môn, hoàng kỳ, mơ muối và cam thảo mỗi vị 12gr cùng với 6 quả đại táo.
  • Cách thực hiện: Mang các vị thuốc trên sắc để lấy nước dùng. Dùng mỗi ngày một thang.

Lưu ý: Để gia tăng công dụng, người bệnh nên kiêng thịt gà, thịt cá tươi và một số hải sản như cua, ốc,…

5. Bài thuốc chữa ho nhiều ngày do biến chứng của cảm cúm

  • Nguyên liệu: Gai tầm xoọng, mạch môn và xa tiền thảo mỗi vị 16gr; tế tân, kinh giới, trần bì, lá xương sông và thục địa mỗi vị 12gr; 10gr huyền sâm và 20gr rau má.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên sắc để lấy nước uống. Nên sắc 3 lần rồi hòa 3 lần nước lại và chia thành 3 phần nhỏ để uống hết trong ngày. Uống mỗi ngày 1 thang.

6. Bài thuốc trị ho khan do phế nhiệt

  • Nguyên liệu: 16gr gai tầm xoọng; tang diệp, xa tiền thảo, lá đinh lăng và lá xương sông mỗi vị 20gr; 24gr rau má; 10 gram bạch linh; thiên môn và mơ muối mỗi vị 12gr.
  • Cách thực hiện: Dùng mỗi ngày một thang thuốc trên. Sắc một thang 3 lần để uống 3 lần mỗi ngày vào mỗi buổi sáng, trưa và tối.

7. Bài thuốc trị ho gà ở trẻ em

  • Nguyên liệu: Lá cây gai tầm xoọng, hoa đu đủ đực, tang bạch bì, cát cánh, lá tía tô và trần bì mỗi vị 6gr.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên sắc cùng với 300ml nước. Tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại ⅓ rồi chắt lọc lấy nước cốt. Sau đó, chia nhỏ thành 3 – 4 phần rồi cho trẻ uống hết trong ngày.

8. Bài thuốc trị ho, viêm phế quản

  • Nguyên liệu: Rễ cây gai tầm xoọng và rễ bồ hòn mỗi vị 30gr cùng với cẩm và cò ke mỗi vị 15gr.
  • Cách thực hiện: Mang các vị thuốc trên sắc để lấy nước uống chữa bệnh.

9. Bài thuốc trị bệnh sốt rét

  • Nguyên liệu: 30 – 60gr rễ cây gai tầm xoọng.
  • Cách thực hiện: Làm sạch rễ cây gai tầm xoọng rồi đem sắc để lấy nước uống. Uống loại nước trước khi lên cơn sốt khoảng 4 giờ. Cứ 3 – 5 ngày lại uống một thang thuốc.

10. Bài thuốc trị đau dạ dày

  • Nguyên liệu: 30gr rễ cây tầm xoọng; màng tang và củ gấu mỗi vị 10gr cùng với 6gr quýt.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên sắc để lấy nước uống. Dùng thuốc trước hoặc sau bữa ăn đều được.

11. Bài thuốc trị mụn nhọt sưng tấy

  • Nguyên liệu: Lá cây gai tầm xoọng.
  • Cách thực hiện: Lá cây gai tầm xoọng sau khi được làm sạch thì đem giã nát rồi hòa thêm một ít giấm. Dùng hỗn hợp này để đắp lên mụn nhọt. Đối với trường hợp mụn nhọt hay vết thương bị lở loét thì nên dùng loại lá cây này để nấu nước tắm. Sau đó lấy lá cây gai tầm xoọng và thanh táo đem rửa sạch, giã nhỏ rồi đắp lên vết thương.

12. Bài thuốc trị mụn nhọt lâu ngày

  • Nguyên liệu: Lá cây gai tầm xoọng và lá chanh mỗi vị 20gr cùng với 10gr tinh tre.
  • Cách thực hiện: Mang toàn bộ nguyên liệu đã được chuẩn bị phơi khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng một ít hỗn hợp bột để rắc lên vùng da bị mụn nhọt.

13. Bài thuốc trị chứng bế kinh ở phụ nữ (biểu hiện: đau bụng dữ dội, bụng dưới căng, da mặt nóng bừng, nổi mụn)

  • Nguyên liệu: 24gr gai tầm xoọng (sao vàng hạ thổ); ích mẫu, tô mộc, trạch lan và đan sâm mỗi vị 16gr; đương quy, kê huyết đằng và hương phụ mỗi vị 12gr cùng với 8gr quế chi.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc để lấy nước uống. Nên uống thuốc khi còn nóng.

Trên đây là những thông tin liên quan đến cây gai tầm xoọng và một số bài thuốc chữa bệnh. Bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng điều trị khi cần thiết. Tuy nhiên, loại dược liệu này chưa được giới y học hiện đại nghiên cứu và chứng minh cụ thể. Do đó, nếu bạn có ý định sử dụng, tốt nhất nên tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng để phòng tránh một số trường hợp xấu có thể xảy ra.

Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Từ khóa » Cây Gai Sòng Sọng