Tác Hại Của Tia UV Với Sức Khỏe Cơ Thể, Thực Tế đáng Báo động
Có thể bạn quan tâm
Tác hại của tia UV có thể rất nặng nề nếu không được dự phòng tốt cho cả người lớn với trẻ em. Tia UV không chỉ gây hại trên da mà còn có những tác hại toàn thân, không phải ai cũng biết. Hãy cùng benh.vn tìm hiểu chi tiết về tia UV và các tác hại của tia UV với sức khỏe.
Mục lục
- 1 Tia UV và những hiểu biết cơ bản về tia UV
- 1.1 Tia UV là gì ?
- 1.2 Phân loại tia UV
- 2 Tia UV tiếp xúc với con người từ nguồn nào ?
- 2.1 Tia UV từ ánh sáng mặt trời
- 2.2 Tia UV từ các nguồn do con người tạo ra
- 3 Tác hại của tia UV đối với sức khỏe của cơ thể
- 3.1 Tác hại của tia UV trên da: cháy nắng, sạm da, lão hóa da
- 3.2 Tác hại của tia UV gây Ung thư da
- 3.3 Tắc hại của tia UV gây Ung thư da tế bào ác tính
- 3.4 Tác hại của tia UV đối với mắt
- 3.5 Tác hại của tia UV với sức khỏe hệ miễn dịch
- 4 Làm thế nào để bảo vệ chúng ta khỏi tác hại của tia UV
- 4.1 Giảm tác hại của tia UV nhờ nấp dưới bóng râm
- 4.2 Chống tác hại của tia UV bằng quần áo chống nắng
- 4.3 Giảm tác hại tia UV sử dụng kem chống nắng
- 4.4 Giảm tác hại của tia UV nhờ mũ rộng vành
- 4.5 Chống tác hại của tia UV trên mắt và da quanh mắt nhờ đeo kính râm
- 4.6 Cách chống tác hại của tia UV cho trẻ em
- 4.7 Tránh sử dụng đèn mặt trời và giường tắm nắng
- 5 Ánh nắng mặt trời và việc tạo Vitamin D cho cơ thể
Tia UV và những hiểu biết cơ bản về tia UV
Thời gian gần đây, báo chí và truyền thông liên tục đưa tin về tình trạng báo động thiên tai do tia UV hoạt động cao. Nhiều thông tin khác nhau về tia UV nhưng có những nghiên cứu khoa học đầy đủ đã được chứng minh về tác hại của tia UV thì chúng ta không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tia UV là gì, nguồn phát ra bức xạ tia UV là những nguồn nào?
Tia UV là gì ?
Tia UV là viết tắt của Ultraviolet hay còn gọi là tia cực tím là một dạng tia bức xạ điện từ tới từ mặt trời hoặc từ nguồn sáng nhân tạo như mỏ hàn.
Tia bức xạ là dạng phát năng lượng từ bất kể nguồn nào. Có rất nhiều loại bức xạ, từ loại bức xạ năng lượng cao như tia X quang và tia gamma, cho tới các loại bức xạ năng lượng thấp như sóng Radio. Tia UV là loại bức xạ năng lượng nằm giữa hai khoảng trên. Tuy nhiên, năng lượng của tia UV cao hơn so với năng lượng của ánh sáng mà chúng ta vẫn nhìn thấy thông thường, và kém hơn so với tia X quang.
Có nhiều loại tia UV khác nhau, phân loại dựa vào mức năng lượng của nó. Tia UV năng lượng cao hơn được hình thành bởi bức xạ ion hóa. Điều này có nghĩa là chúng có đủ năng lượng để tác các hạt electron (ion hóa) ra khỏi phân tử, nguyên tử. Các bức xạ ion hóa có thể gây tổn hại DNA (gen) trong tế bào và có khả năng dẫn tới Ung thư. Tuy nhiên, cho dù là tia UV năng lượng cao cũng không đủ năng lượng để xuyên sâu vào bên trong cơ thể, do đó tác động của tia UV chủ yếu trên da.
Phân loại tia UV
Trên thực tế tia UV được chia thành 3 nhóm chính dựa theo mức năng lượng mà tia bức xạ mang theo.
- Tia UVA: là loại tia UV có năng lượng thấp nhất. Các tia này có thể khiến da bị lão hóa và gián tiếp gây tổn hại DNA tế bào. Tia UVA chủ yếu gây tổn thương dài hạn trên da như nám da, tuy nhiên chúng cũng đóng vai trò trong ung thư da.
- Tia UVB: là loại tia UV có năng lượng cao hơn tia UVA. Tia này có thể gây tổn hại trực tiếp DNA trên da và là nguyên nhân chính gây cháy nắng. Loại tia này cũng góp phần gây Ung thư da.
- Tia UVC: là tia UV có năng lượng cao nhất trong 3 nhóm tia UV. May mắn là vì mức năng lượng cao này nên tia UVC chủ yếu tương tác với tầng ozone trong khí quyển của chúng ta và bị chặn lại trước khi tới được mặt đất. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó như tầng Ozone bị “thủng” vì ô nhiễm môi trường, tia UVC lọt xuống được trái đất thì tác hại lại rất khủng khiếp với khả năng gây ung thư da cao. Ngoài ra, một số nguồn tia UVC do con người tạo ra, như mỏ hàn, bóng đèn thủy ngân, đền UV sử dụng khử trùng trong nước, không khí, thực phẩm, trên bề mặt có khả năng gây nguy hại cho người tiếp xúc.
Tia UV tiếp xúc với con người từ nguồn nào ?
Tia UV có thể phát ra từ nguồn chính là mặt trời, tới trái đất. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tiếp xúc với tia UV từ các nguồn nhân tạo như đèn UV, đèn thủy ngân, mỏ hàn… Bất kể là nguồn nào thì tia UV đều có bản chất gây hại cho cơ thể, cần lưu ý phòng tránh.
Tia UV từ ánh sáng mặt trời
Ánh sáng mặt trời là nguồn phát xạ tia UV chính trên trái đất, mặc dù các tia UV chỉ là một phần rất nhỏ trong các tia mặt trời. Các loại tia UV khác nhau sẽ tới được mặt đất với tỷ lệ khác nhau. Khoảng 95% tia UV tới được mặt đất từ mặt trời là tia UVA, và 5% là tia UVB. Tia UVC phản ứng với tầng Ozone nên không tới được mặt đất.
Cường độ của tia UV tới mặt đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các yếu tố đó bao gồm.
- Thời điểm trong ngày: cường độ tia UV mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều.
- Mùa trong năm: tia UV mạnh hơn trong mùa xuân và mùa hạ. Đối với khu vực ở gần xích đạo thì yếu tố này ít ảnh hưởng.
- Khoảng cách so với xích đạo (vĩ độ): cường độ tia UV giảm đi nếu vị trí ở xa xích đạo.
- Độ cao: càng lên cao thì cường độ tia UV càng mạnh
- Mây: ảnh hưởng của mây tới cường độ tia UV khác nhau, tuy nhiên, tia UV có thể xuyên qua được mây xuống mặt đất.
- Phản xạ của bề mặt: tia UV có thể bật khỏi bề mặt của nước, cát, tuyết, đường đi, thậm chí mặt cỏ, làm gia tăng mức độ tiếp xúc với tia UV.
- Yếu tố không khí: ví dụ như ozone trong lớp khí quyển phía trên có thể lọc được bức xạ UV.
Lượng tia UV mà một người tiếp xúc phụ thuộc vào độ mạnh của tia UV, thời gian mà da tiếp xúc với tia UV và mức độ được bảo vệ của da khỏi ánh sáng mặt trời.
Tia UV từ các nguồn do con người tạo ra
Chúng ta có thể bị tiếp xúc với các nguồn phát tia UV nhân tạo. Trong đó bao gồm.
- Đèn mặt trời và giường tắm nắng (hoặc bồn tắm nắng): lượng tia UV và loại tia UV mà một số người sử dụng bồn, giường tắm nắng tiếp xúc phụ thuộc vào loại đèn sử dụng, thời gian sử dụng và số lần sử dụng. Hầu hết các giường tắm nắm UV đều phát UVA là chính, một phần nhỏ là UVB.
- Trị liệu bằng ánh sáng (trị liệu tia UV): một vài bệnh lý về da (như vảy nến) cần điều trị bằng tia UV. Với biện pháp điều trị bằng tia UV (hay còn gọi là PUVA, bệnh nhân cần uống thuốc psoralen trước khi thực hiện điều trị. Thuốc này sẽ tập trung ở trên da và làm cho da nhạy cảm hơn với tia UV. Sau đó bệnh nhân được điều trị với ánh sáng UVA. Một vài trường hợp khác chỉ sử dụng tia UVB, cùng thuốc.
- Đèn ánh sáng đen: đèn này sử dụng các nguồn phát tia UV (chủ yếu là tia UVA). Đèn này cũng phát ra một vài ánh sáng nhìn thấy, nhưng có một thiết bị lọc đã giữ lại hầu hết ánh sáng nhìn thấy, chỉ cho tia UV xuyên qua. Nguồn phát này có ánh sáng màu tím và có thể sử dụng để soi nguyên liệu huỳnh quang. Bó đèn bẫy bọ xít cũng phát ra tia UV, tuy nhiên, chúng sử dụng bộ lọc khác nên nhìn thấy chúng có màu xanh.
- Đèn hơi thủy ngân: đèn hơi thủy ngân có thể sử dụng ở khu vực công cộng rộng như trên phố hoặc khu tập gym. Loại đèn này sẽ không khiến chúng ta phải phơi nhiễm với tia UV nếu chúng hoạt động bình thường. Loại đèn này có hai nguồn phát: một nguồn phát bên trong phát sáng và tia UV, một nguồn phát bên ngoài được lọc tia UV. Chúng ta chỉ bị phơi nhiễm với tia UV của loại đèn này nếu bóng bên ngoài bị hỏng. Một số đèn loại này còn được thiết kế để tự tắt nếu bóng bên ngoài bị hỏng.
- Đèn xenon áp suất cao và đèn xenon hồ quang, đèn khò plasma, và đèn hồ quang hàn: các loại đèn này được sử dụng để phát sáng và phát tia UV với nhiều mục đích khác nhau như để khử trùng, để đánh UV trong mực in, mô phỏng ánh sáng mặt trời (để test tấm pin năng lượng mặt trời), hoặc trong đèn pha của một số ô tô. Đây là vấn đề phơi nhiễm tia UV tại nơi làm việc là chính.
Tác hại của tia UV đối với sức khỏe của cơ thể
Tác hại của tia UV không chỉ dừng lại ở trên da như nhiều người lầm tưởng. Các nghiên cứu kéo dài trên nhiều nước trên thế giới cho thấy rằng, tia UV còn gây lão hóa sớm, gây suy giảm miễn dịch và giảm tác dụng của vắc xin.
Tác hại của tia UV trên da: cháy nắng, sạm da, lão hóa da
Biểu hiện cấp tính rõ nhất từ tác hại của tia UV là các vết ban đỏ trên da, gọi là cháy nắng. Thêm vào đó, hầu hết mọi người sẽ bị sạm da do tia UV kích thích sản xuất melanin, điều này thường xảy ra một vài ngày sau khi tiếp xúc với tia UV. Xa hơn nữa, việc thay đổi thích ứng của cơ thể có thể khiến lớp da bên ngoài dày hơn, nhằm chống lại sự xâm nhập của tia UV qua da. Cả hai thay đổi trên đây đều là dấu hiệu cho thấy da bị hư hại do tia UV.
Mức độ nhạy cảm của tổn thương da phụ thuộc vào loại da, những người có da mỏng hơn, sáng hơn dễ bị cháy nắng và nổi ban đỏ hơn so với người có da tối màu. Tương tự vậy, khả năng thích ứng với tia UV cũng phụ thuộc vào từng loại da.
Tiếp xúc thường xuyên với bức xạ tia UV có thể làm thoái hóa trong tế bào, mô sợi, và mạch máu của da. Các thay đổi này bao gồm nám, sạm, tàng nhang, các vùng da nâu lan tỏa trên da. Tia UV kích thích quá trình lão hóa da, và làm mất tính đàn hồi trên da, khiến da bị nhăn nheo, khô và thô ráp.
Tác hại của tia UV gây Ung thư da
Tia UV có thể gây Ung thư da không có tế bào hắc tố. Dạng ung thư này bao gồm hai loại là: Ung thư biểu mô tế bào đáy, Ung thư biểu mô tế bào vảy. Loại ung thư này hiếm khi gây chết người, tuy nhiên việc điều trị phẫu thuật khá đau đớn và gây biến dạng khu vực phẫu thuật.
Các xu hướng tạm thời mắc ung thư da không có tế bào hắc tố rất khó xác định. Lý do là bởi chưa có yêu cầu đăng ký đáng tin cậy về loại ung thư này. Tuy nhiên, các nghiên cứu cụ thể ở Australia, Canada và Hoa Kỳ chỉ ra từ giữa 1960 và 1980 tỷ lệ mắc ung thư da này tăng gấp 2 lần.
Tia UV có thể gây ung thư da tế bào vảy
Nguy cơ mắc ung thư da không tế bào hắc tố do tia UV có một số đặc điểm sau:
- Mức độ thường xuyên tiếp xúc với tia UV: Ung thư da không tế bào hắc tố xảy ra phổ biến nhất ở các vùng cơ thể tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời như tai, mặt, cổ, cẳng tay. Điều này ám chỉ rằng thường xuyên tiếp xúc với bức xạ UV là nguyên nhân chính gây Ung thư da dạng này.
- Độ cao nơi sinh sống: Ở một số quốc gia, các nhà khoa học thấy rằng có mối liên hệ rõ rệt giữa tần suất mắc ung thư da không có tế bào hắc tố với độ cao.
Tắc hại của tia UV gây Ung thư da tế bào ác tính
Ung thư da ác tính không phổ biến như ung thư da không tế bào hắc tố, tuy nhiên là là nguyên nhân chính gây tử vong. Thống kê số liệu Ung thư da ác tính cũng chính xác hơn các dạng ung thư da khác. Từ đầu những năm 1970 số ca ung thư da ác tính đã tăng đáng kể, trung bình tăng 4% mỗi năm tại Hoa Kỳ. Nguy cơ mắc ung thư ác tính cũng liên quan trực tiếp tới gen di truyền và đặc điểm cá nhân của mỗi người, cũng như mức độ phơi nhiễm với tia UV. Tổng hợp một số yếu tố, dấu hiệu chủ yếu của ung thư da ác tính.
- Người da trắng có nhiều nốt ruồi bất thường có nguy cơ ung thư da ác tính cao nhất.
- Ung thư da ác tính phổ biến hơn trong nhóm người da xanh, mắt xanh, tóc đỏ hoặc hung. Các nghiên cứu chứng minh những người dễ bị ban đỏ kéo dài cũng có nguy cơ ung thư ác tính cao hơn nhóm ban đỏ ít hoặc nhanh hết.
- Tiếp xúc nhiều và không liên tục với tia UV mặt trời là một yếu tố nguy cơ quan trọng hình thành khối u ác tính trên da.
- Tỷ lệ mắc ung thư da ác tính ở người da trắng thường tăng theo vĩ độ giảm, với tỷ lệ cao nhất tại Úc, cao gấp 10-20 lần so với châu Âu.
- Người thường bị cháy nắng, đặc biệt cháy nắng ở độ tuổi nhỏ có nguy cơ ung thư da ác tính cao hơn.
- Nguy cơ u ác tính trên da cao hơn ở những người đã bị ung thư da không tế bào hắc tố và những người dày biểu bì do tiếp xúc với mặt trời. Cả hai trường hợp trên đều là hậu quả của quá trình tích lũy tiếp xúc với tia UV.
Tác hại của tia UV đối với mắt
Mắt được bảo vệ bởi đường viền lông mày, lông màu và lông mi. Ánh sáng kích hoạt phản xạ co đồng tử, phản xạ nheo mắt là để giảm bớt sự xâm nhập của tia mặt trời vào trong mắt. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp bảo vệ tự nhiên này đối với tia UV rất thấp dưới những điều kiện khắc nghiệt thực tế như đi dưới nắng, tắm nắng, hoặc mặt phản xạ mạnh như mặt cát, nước, tuyết.
Các tác động cấp của việc tiếp xúc bức xạ tia UV bao gồm bỏng kết mạc, giác mạc mắt do ánh sáng. Phản ứng viêm này có thể so sánh với cháy nắng ở trên các vùng nhạy cảm như nhãn cầu và mí mắt, thường xuất hiện trong vòng một vài giờ đồng hồ sau khi tiếp xúc. Cả hai đều rất đau đớn, nhưng có thể sẽ tự khỏi và không để lại tổn thương kéo dài cho mắt và thị lực. Các dạng viêm kết giác mạc nặng do ánh sáng gọi là “mắt hồ quang” và “mù tuyết”
Đục thủy tinh thể do tiếp xúc quá nhiều với tia UV
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù phổ biến nhất trên thế giới. Các loại protein trong mắt bị đục, rối và tích tụ sắc tố che mờ thủy tinh thể và cuối cùng bị mù. Mặc dù bệnh đục thủy tinh thể thường xảy ra ở những người lớn tuổi, tiếp xúc nhiều với mặt trời và đặc biệt là tiếp xúc nhiều tia UVB là yếu tố nguy cơ chính dẫn tới Đục thủy tinh thể.
Tác hại của tia UV với sức khỏe hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch trong cơ thể là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, ung thư, và thường có hiệu quả để nhận diện và đáp ứng với các tổ chức xâm nhập vào cơ thể hoặc sự hình thành các khối U. Các nhà khoa học có nhiều bằng chứng để chứng minh rằng bức xạ tia UV ức chế và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
Nghiên cứu trên động vật cũng thấy rằng bức xạ tia UV làm thay đổi và trầm trọng hơn các khối u trên da. Tương tự vậy, những người điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao hơn bị ung thư biểu mô tế bào vảy.
Một số nghiên cứu cho thấy bức xạ UV cao có thể làm giảm hiệu lực của các loại vắc xin
Tóm lại, tác hại của tia UV ngoài việc kích hoạt nguy cơ ung thư da, nó còn làm giảm khả năng phòng thủ của cơ thể, do đó mất khả năng ngăn chặn sự tiến triển của khối u trên da. Một số nghiên cứu khoa học chứng minh rằng nếu bị tiếp xúc với môi trường có bức xạ tia UV cao, chúng sẽ làm thay đổi các tế bào miễn dịch của cơ thể. Hậu quả là, tiếp xúc phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm, điều này được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Hơn nữa, ở những nước đang phát triển, bức xạ tia UV cao có thể làm giảm hiệu lực của các loại vắc xin. Do nhiều loại bệnh có thể phòn ngừa bằng vắc xin đều rất nguy hiểm, nên bất kể nhân tố nào dù chỉ làm giảm một phần hiệu lực của vắc xin cũng đều có thể gây ra những vấn đề y tế nghiêm trọng cho cộng đồng.
Làm thế nào để bảo vệ chúng ta khỏi tác hại của tia UV
Một số người nghĩ rằng chỉ cần bảo vệ khỏi tia UV mặt trời khi họ ở ngoài trời, bên hồ, trên biển hoặc đi bơi. Tuy nhiên, phơi nhiễm với tia UV mặt trời tích lũy ngày qua ngày, bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bất kể thời điểm nào ở dưới mặt trời. Mặc dù ánh sáng mặt trời là nguồn phát tia UV chính, chúng ta không nhất thiết phải hoàn toàn trốn ánh mặt trời. Và chúng ta có thể áp dụng một vài cách thức đơn giản sau đây để giảm bớt tác hại của tia UV từ mặt trời tới sức khỏe.
- Nấp dưới bóng mát.
- Mặc quần áo chống nắng.
- Sử dụng kem chống nắng.
- Đội mũ rộng vành.
- Đeo kính râm.
Giảm tác hại của tia UV nhờ nấp dưới bóng râm
Một điều hiển nhiên rất đơn giản nhưng quan trọng để giảm tác phơi nhiễm với tia UV khi phải ra ngoài đó là không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng quá lâu. Đây này đặc biệt quan trọng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều, khi mà mật độ tia UV là dày đặc nhất. Nếu bạn không chắc chắn là tia mặt trời lúc đó mạnh hay yếu thì hãy thử kiểm tra bằng cách đơn giản sau, gọi là “kiểm tra bóng”: nếu bóng của bạn đứng dưới nắng mà ngắn hơn so với chiều cao của bạn, tia mặt trời lúc đó là mạnh, và nhớ bảo vệ cơ thể lúc này thật tốt.
Nếu chiều dài của bóng đổ dưới mặt trời mà ngắn hơn chiều cao thì đó lúc lúc tia mặt trời mạnh.
Tia UV tới được mặt đất quanh năm, kể cả khi trời có mây hoặc mưa, tuy nhiên độ mạnh của tia UV khác nhau do nhiều yếu tố. Chúng ta đều phải thật thận trọng khi phơi nắng trên bãi biển, hoặc khu vực có tuyết, cát vì bề mặt nước, cát, tuyết phản chiếu ánh sáng mặt trời mạnh dẫn tới tăng độ mạnh của bức xạ tia UV mà ta phải chịu. Tia UV cũng dễ dàng xuyên qua mặt nước, do đó ngay cả khi bạn tắm dưới nước, vẫn có thể bị cháy nắng.
Các tia UV cũng có thể xuyên qua cửa sổ nhà, văn phòng, ô tô. Các loại cửa này có thể ngăn chặn được phần lớn tia UVB nhưng không ngăn được tia UVA. Do đó, dù bạn không bị cháy nắng, nhưng tế bào trên da vẫn có thể bị tổn thương bình thường. Các cửa sổ nhuộm màu có thể chặn được nhiều tia UVA nhưng còn phụ thuộc vào loại nhuộm màu.
Chống tác hại của tia UV bằng quần áo chống nắng
Khi nào phải đi ra ngoài trời nắng, chúng ta nên mặc quần áo che kín các vùng da cơ thể. Quần áo chống nắng giúp bảo vệ cơ thể khỏi tia UV ở mức độ khác nhau. Áo dài tay, quần dài giúp bảo vệ da khỏi tia UV tốt nhất. Đồ tối màu thường chống tia UV tốt hơn đồ sáng màu. Vải dệt dày chống tia UV tốt hơn loại dệt mỏng, lỏng lẻo. Vải khô chống tia UV tốt hơn loại vải ướt.
Bạn cũng nên nhớ rằng dù có mặc quần áo kín thì cũng không thể bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi các tia UV vì tia UV có thể xuyên qua quần áo.
Rất nhiều công ty hiện nay đã sản xuất quần áo ngăn sáng, tiện dụng và bảo vệ khỏi tia UV cả khi vải bị ướt. Các loại quần áo này chủ yếu sử dụng vải dệt dày, chặt, và một số có khả năng hấp thụ tia UV. Những loại quần áo này sẽ được gắn nhãn trong nhóm Nhân tố chống tia UV (UPF) (mức độ bảo vệ khỏi tia UV của vải sợi nằm đối với UV từ mặt trời trong khoảng từ 15 tới 50+). Chỉ số UPF càng cao, khả năng chống tia UV càng tốt.
Một số loại chất tẩy rửa dùng trong giặt quần áo có thể làm tăng giá trị UPF của quần áo bạn đang mặc. Các loại này được thêm 1 lớp chống tia UV lên quần áo mà không làm thay đổi kết cấu, màu sắc của vải. Tuy nhiên, khả năng chống tia UV của các loại chất tẩy rửa này tới đâu thì không rõ ràng.
Giảm tác hại tia UV sử dụng kem chống nắng
Kem chống nắng được sử dụng trực tiếp trên da để giảm tác hại của tia UV. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, các loại kem chống nắng chỉ là một lớp lọc tia UV chứ không thể ngăn chặn được hoàn toàn tia UV. Kem chống nắng không bảo vệ được bạn nếu bạn phải dưới nắng một thời gian dài. Kể cả loại kem chống nắng tốt nhất hiện nay thì vẫn có tia UV xuyên qua. Do đó, bạn cũng đừng hi vọng rằng kem chống nắng có thể được coi như hàng rào chống tia UV hàng đầu. Hãy coi kem chống nắng như một phần trong các biện pháp cùng tiến hành để chống tia UV như ở dưới bóng râm, mặc quần áo chống nắng…
Các loại kem chống nắng hiện nay có nhiều dạng khác nhau – kem dưỡng, kem bôi, dạng mỡ bôi, dạng gel, dạng xịt, khăn, son dưỡng…Một vài loại mỹ phẩm như dưỡng ẩm, son môi và kem nền, cũng có thể chống nắng nếu được bổ sung chất chống nắng. Một số loại mỹ phẩm trang điểm cũng có chất chống nắng, nhưng cần kiểm tra kỹ trên nhãn sản phẩm.
Cách đọc nhãn sản phẩm chống nắng
Khi lựa chọn một loại chất chống nắng, hãy đọc kỹ trên nhãn sản phẩm. Các loại chất chống nắng phổ rộng (chống cả tia UVA và UVA) và giá trị của yếu tố chống nắng (SPF) phải từ 30 trở lên mới đảm bảo dùng được.
- Yếu tố chống nắng (SPF): chỉ số SPF phản ánh mức độ bảo vệ khỏi tia UVB từ mặt trời, nguyên nhân chủ yếu gây cháy nắng. Chỉ số SPF càng cao thì khả năng chống tia UVB càng tốt. Ví dụ, nếu bôi loại kem chống nắng SPF 30 đúng cách, có nghĩa là nếu bạn phơi nắng 30 phút dưới ánh mặt trời thì chỉ chịu tác động tương đương với 1 phút ảnh hưởng bởi UVB mà thôi. Do đó, 1 giờ phơi nắng sau khi bôi kem chống nắng có SPF 30 cũng chỉ tương đương với 2 phút phơi nắng mà không bôi kem chống nắng loại này. Đa số người dùng không bôi đủ lượng kem chống nắng nên tác dụng trên thực tế không được như lý thuyết trên.
Các loại chất chống nắng có SPF từ 100+ trở lên cũng có bán trên thị trường. Chỉ số này càng cao thì tác dụng bảo vệ khỏi UVB càng tốt, tuy nhiên, nhiều người không hiểu khoảng SPF. Chất chống nắng có SPF 15 có khả năng lọc tới 93% tia UVB, trong khi chất chống nắng SPF 30 có thể lọc tới 97%, SPF 50 lọc được 98%, và SPF 100 lọc được khoảng 99% tia UVB. Chỉ số SPF càng cao thì mức độ khác biệt về khả năng lọc UVB càng thấp. Tuy nhiên, cần tuyệt đối ghi nhớ “không có loại chất chống nắng nào có khả năng lọc 100% tia UV”
Tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, nếu sản phẩm chống nắng có SPF dưới 15 thì sẽ phải có kèm theo dòng cảnh báo là sản phẩm chỉ giúp chống cháy nắng chứ không giúp bảo vệ khỏi ung thư da hoặc lão hóa da sớm.
- Chất chống nắng phổ rộng: Các sản phẩm chống nắng có thể chỉ cần ghi “phổ rộng” trên nhãn nếu sản phẩm đó đã được thử nghiệm và cho thấy khả năng bảo vệ khỏi cả tia UVA và tia UVB. Một số thành phần trong kem chống nắng có khả năng chống tia UVA bao gồm: avobenzone (Parsol 1789), Kẽm oxide, Titan dioxide.
Chỉ có sản phẩm kem chống nắng phổ rộng với SPF từ 15 trở lên mới được phép ghi trên nhãn là bảo vệ da khỏi ung thư da và lão hóa da sớm nếu được sử dụng theo hướng dẫn với các biện pháp chống nắng khác.
- Chống nắng chống nước: kem chống nắng không được phép ghi là “màng chống nước” (waterproof) hoặc chống mồ hôi vì có thể gây hiểu nhầm. Kem chống nắng có thể ghi là “chống nước” (water resistant). Tuy nhiên, chỉ có thể ghi vậy nếu sản phẩm bôi trên da có khả năng bảo vệ trong vòng 40-80 phút bơi hoặc chảy mồ hôi.
- Chú ý hạn sử dụng: cần đọc kỹ hạn sử dụng của kem chống nắng để đảm bảo sản phẩm còn có tác dụng. Hầu hết các sản phẩm bôi chống nắng có hạn dùng 2-3 năm, tuy nhiên, bạn có thể cần lắc đều trước khi sử dụng để các thành phần đồng đều hơn. Kem chống nắng có thể nếu để ở những nơi có nhiệt độ cao trong thời gian dài thì sẽ bị giảm hiệu quả chống nắng.
Lưu ý sử dụng kem chống nắng đúng cách để chống tác hại của tia UV
- Lưu ý tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn: Hầu hết các chuyên gia khuyên nên sử dụng nhiều kem chống nắng. Khi bôi kem chống nắng lên da nhớ lưu ý các vùng mặt, tai, cổ, cánh tay, và các khu vực khác không được quần áo che chắn. Bạn cũng không nên bỏ qua khu vực môi; son môi có chất chống nắng hiện nay cũng được bày bán phổ biến.
- Nếu bạn còn cần bôi thêm các loại chống muỗi, côn trùng khác thì hãy bôi kem chống nắng trước rồi phủ lớp xịt da chống muỗi hoặc bôi chống muỗi lên sau.
- Chú ý lượng kem chống nắng sử dụng đủ: Lý tưởng nhất là bôi khoảng 28gram (1 ounce) kem chống nắng cho cẳng tay, cẳng chân, cổ, và mặt với 1 người lớn. Kem chống nắng cần bôi lại sau 2 tiếng đồng hồ bảo vệ. Kem chống nắng cũng có thể bị rửa trôi khi bạn bơi, ra mồ hôi và sau đó lau bằng khăn tắm, do đó cần phải bôi lại thường xuyên hơn.
Một số người có thể nghĩa rằng nếu họ dùng loại kem chống nắng có chỉ số SPF thật cao, thì không cần phải quá cẩn thận khi dùng. Đây là suy nghĩ sai lầm. Nếu bạn chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF rất cao, hãy nhớ rằng nó không đồng nghĩa với việc bạn có thể ở dưới nắng lâu hơn, hoặc chỉ cần dùng ít kem hơn, hoặc không cần bôi lại thường xuyên. Hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm để biết sử dụng thế nào cho đúng.
Một vài sản phẩm chống nắng có thể gây kích ứng da. Rất nhiều sản phẩm có thể viết là đã thử nghiệm không gây dị ứng, hoặc chuyên gia da liệu đã chứng nhận. Tuy nhiên, không ai khẳng định được rằng liệu kem đó có gây kích ứng da hay không, bạn cần phải thử mới biết được.
“Một khuyến cáo rất phổ biến là sử dụng một lượng nhỏ lên vùng da mềm bên trong khuỷa tay của bạn mỗi ngày trong vòng 3 ngày, bạn sẽ biết được là loại kem chống nắng này có kích ứng với da của bạn hay không. Nếu da bạn không bị nổi mẩn, ngứa thì có nghĩa là loại kem chống nắng này OK với bạn.”
Giảm tác hại của tia UV nhờ mũ rộng vành
Mũ có vành che rộng từ 5-8 cm xung quanh là tốt nhất để che nắng vì nó che tốt các được các vùng như tai, mắt, trán, mũi, và da đầu. Nếu mặt dưới vành mũ tối màu và không phản chiếu ánh sáng thì cũng sẽ giúp giảm bớt tia UV chiếu tới mặt từ các bề mặt phản chiếu như mặt nước. Nếu mũ của bạn có phần vải rủ xuống (giống như mũ bóng chày) với chiều dài khoảng 18 cm chùm vai và lưng thì cũng sẽ bảo vệ được vùng cổ. Các loại mũ này được bán tại cửa hàng đồ thể thao hoặc đồ mang ngoài trời. Nếu bạn không mua được loại mũ có phần rủ quanh vành thì có thể tự làm 1 chiếc bằng cách dùng loại khăn tay khâu dưới vành, rất đơn giản.
Bạn nên nhớ rằng phần lưỡi chai của chiếc mũ lưỡi chai có thể bảo vệ được đỉnh đầu và phía trước, nhưng lại không bảo vệ được khu vực cổ và tai. Đây là hai khu vực thường xuyên bị ung thư da. Loại mũ đan bằng tre, rơm… không chống được tia UV tốt như mũ bằng vải.
Chống tác hại của tia UV trên mắt và da quanh mắt nhờ đeo kính râm
Kính râm chống tia UV rất quan trọng để bảo vệ mắt và vùng da nhạy cảm quanh mắt. Cơ quan phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng nếu đi nắng thường xuyên mà không có kính bảo vệ sẽ làm gia tăng các tật ở mắt.
- Kính râm lý tưởng cần loại bỏ được 99% tới 100% tia UVA và tia UVB. Trước khi mua kính, bạn nhớ kiểm tra trên nhãn dán của loại kính đó. Nếu nhãn kính nói rằng “hấp thụ UV tới 400nm” (UV absorption up to 400nm) hoặc “Đáp ứng các yêu cầu ANSI UV” (Meets ANSI UV Requirements) có nghĩa là kính râm này có thể loại bỏ ít nhất 99% tia UV. Các loại kính dán nhãn “mỹ phẩm” chặn khoảng 70% tia UV. Nếu không có nhãn dán, thì cũng không có nghĩa là kính không chặn được chút UV nào.
- Kính tối màu hơn không có nghĩa là sẽ chặn tia UV tốt hơn vì bản chất tia UV hay còn gọi là tia cực tím là ánh sáng không nhìn thấy (không có màu sắc). Hãy tìm mua sản phẩm có nhãn ANSI.
- Loại kính râm có mắt kinh lớn có thể bảo vệ mắt khỏi tia UV chiếu tới từ nhiều hướng khác nhau. Trẻ em cũng cần loại kính râm tốt, chỉ khác kích thước so với loại người lớn dùng để đeo chứ không phải chỉ cần dùng loại kính râm đồ chơi như một số phụ huynh cho trẻ dùng.
- Một số nhãn hiệu kính và mắt kính hiện nay quảng cáo là có loại kính chống tia UV. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào của hãng đó cũng có khả năng chống tia UV. Do đó, khi chọn mua sản phẩm, bạn vẫn cần xem nhãn cụ thể của sản phẩm mình mua. Bạn cũng nên nhớ rằng, mắt kính không thể ôm trọn được toàn bộ khu vực mắt và quanh mắt. Do đó, nếu chỉ đeo kính, bạn không nên kỳ vọng sẽ bảo vệ trọn vẹn được mà cần kết hợp các biện pháp bảo vệ khác.
Cách chống tác hại của tia UV cho trẻ em
Trẻ em cần có sự quan tâm đặc biệt vì trẻ thường dành nhiều thời gian chơi đùa ngoài trời mà không chủ động quan tâm chống nắng. Phụ huynh cần hạn chế trẻ tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời với các cách như kể trên đây. Đặc biệt ở những khu vực nhiệt đới.
Phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen sử dụng kem chống nắng trên da mỗi khi ra ngoài trời hoặc khi nào tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Trẻ cần được cha mẹ dạy về tác hại của việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời để trẻ có ý thức phòng ngừa độc lập. Với những trẻ dễ bị cháy nắng, phụ huynh cần liên tục nhắc nhở, bôi kem chống nắng.
Với những em bé dưới 6 tháng tuổi, không nên cho tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và cần bảo vệ trẻ bằng các biện pháp che chắn, mũ, quần áo, ô dù… Nếu cần thiết có thể sử dụng 1 chút kem chống nắng cho phần da không được bảo vệ của em bé.
Tránh sử dụng đèn mặt trời và giường tắm nắng
Rất nhiều người tin rằng tia UV phát ra từ giường tắm nắng là vô hại. Điều này không đúng. Loại đèn tắm nắng phát ra tia UVA và cũng thường có một tỷ lệ tia UVB. Cả tia UVA và tia UVB đều có thể gây tổn hại kéo dài cho da, và góp phần gây ung thư da. Việc sử dụng giường tắm nắng có thể làm gia tăng hắc tố da, đặc biệt nếu sử dụng loại này trước tuổi 30. Hầu hết các bác sỹ da liễu và các tổ chức y khoa đều khuyên không nên sử dụng giường tắm nắng và đèn tắm nắng.
Nếu bạn muốn tắm nắng, có một lựa chọn là sử dụng kem dưỡng tắm nắng không mặt trời. Một số loại viên uống chống nắng cũng được quảng cáo có khả năng chống nắng. Thực tế các viên uống này đa số sử dụng một thành phần nhuộm màu gọi là canthaxanthin làm da nhuộm màu và có tác dụng bảo vệ.
Những đèn chiếu UV nhỏ có thể được sử dụng tại nhà hoặc các tiệm làm móng (tiệm nail) để làm khô, làm bóng móng. Các đèn này phát tia UVA. Lượng tia UV phát ra từ các đèn nhỏ này ít hơn rất nhiều so với lượng tia UV phát ra từ giường tắm nắng và nguy cơ gây ung thư da từ những loại đèn nhỏ này cũng thấp. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn, các chuyên gia vẫn khuyên nên sử dụng kem chống nắng cho tay, chân trước khi sử dụng các loại đèn này.
Ánh nắng mặt trời và việc tạo Vitamin D cho cơ thể
Vitamin D rất có ích cho cơ thể. Đây là vi chất cần thiết để giúp tăng khả năng hấp thu canxi vào răng, xương và đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Da người có thể tạo ra Vitamin D một cách tự nhiên dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Lượng Vitamin D được tạo ra theo cách này nhiều hay ít tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tuổi tác, màu da và độ mạnh của ánh sáng mặt trời chiếu vào da.
Hiện nay, các bác sỹ không chắc chắn rằng lượng Vitamin D tối ưu là thế nào. Rất nhiều nghiên cứu về việc sử dụng Vitamin D trên người đã được thực hiện. Tuy nhiên, nhìn chung, nếu như có thể bổ sung Vitamin D từ nguồn thực phẩm thì hãy bổ sung từ thực phẩm vì ít ra nguồn thực phẩm sạch không làm gia tăng nguy cơ ung thư da như các tia UV từ ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động được tương đối tốt lượng Vitamin D đưa vào cơ thể hàng ngày từ nguồn thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung.
Chia sẻTừ khóa » Tác Hại Của đèn Uv
-
Đèn UV Diệt Khuẩn Có Hại Không - Hoàng Phát Lighting
-
Đèn UV Có Hại Không ? Chỉ Số Nào Có Hại Cho Mắt Và Sức Khỏe ?
-
Tác Hại Của Tia Cực Tím (UV) Lên Mắt, Da Quanh Mắt, Cách Chọn Mắt ...
-
Cảnh Báo: Những Tác Hại Của Tia UV Bạn Cần Biết Trước Khi Quá Muộn
-
Không Nên Sử Dụng đèn Diệt Khuẩn Cực Tím (UV) để Khử Trùng Tay.
-
7 Tác Hại đáng Sợ Của Tia Cực Tím đối Với Sức Khỏe Con Người
-
Đèn Tia Cực Tím UV Có Hại Cho Sức Khỏe Con Người Hay Không?
-
Không Nên Sử Dụng đèn Diệt Khuẩn Cực Tím (UV) để Khử Trùng Tay ...
-
Đèn Diệt Khuẩn UV Có Hại Không? Lưu Ý Khi Sử Dụng ... - Kenkodo
-
Tác Hại Của Tia Cực Tím (tia UV) Tới Mắt | Vinmec
-
Tia Cực Tím Có ảnh Hưởng Như Thế Nào đến Mắt Của Bạn?
-
Chiếu Xạ Diệt Khuẩn Bằng Tia Cực Tím (UVGI) Phía Trên Căn Phòng
-
Đèn Uv Có Hại Cho Cá Không
-
Ưu Và Nhược điểm Khi ứng Dụng đèn UV Trong Xử Lý Nước