Tắc Kè Phản đòn Khi Bị Rắn Cườm Siết Cổ - VnExpress

Tắc kè phản đòn khi bị rắn cườm siết cổ Tắc kè phản đòn khi bị rắn cườm siết cổ

Đội cứu hộ tìm cách tách hai con vật. Video: Newsflare.

Kantimon Pengwarin phát hiện tắc kè vật lộn với rắn cườm trước cửa hàng spa của cô ở tỉnh Saraburi hôm 11/3. Trong video do Pengwarin quay lại, tắc kè ngoạm chặt thân rắn cườm trong khi con rắn quấn chặt quanh cổ đối thủ của nó. Cô lập tức gọi các nhân viên cứu hộ động vật tới tách hai con bò sát và thả chúng về nơi hoang dã.

Tuy nhiên, khi tới nơi, đội cứu hộ gặp khó khăn bởi tắc kè cắn quá mạnh và không chịu nhả ra. Đầu tiên, họ thử đổ nước chanh lên đầu tắc kè để làm nó khó chịu, sau đó họ dùng vòi phun nhưng con vật vẫn không bỏ cuộc. Cuối cùng, tắc kè chỉ rời hàm răng khỏi thân rắn cườm sau khi nhân viên cứu hộ sử dụng nước từ cây thuốc lá, một loại thuốc trừ sâu tự nhiên trong làm vườn. Tắc kè bỏ chạy chỉ sau 30 giây bị xối nước cây thuốc lá.

Đội cứu hộ thả con rắn ở khu vực hoang dã cách xa khu dân cư trong khi tắc kè biến mất trong bụi rậm."Tôi cảm thấy đáng tiếc cho hai con vật nhưng giờ đây chúng đều an toàn. Các nhân viên cứu hộ đã nỗ lực hết sức để giữ cho cả hai con vật còn sống", Pengwarin chia sẻ.

Rắn cườm (tên khoa học Chrysopelea ornata) thường có màu xanh lá với vằn và sọc đen, sinh sống chủ yếu ở Nam Á và Đông Nam Á. Nọc độc của chúng khá nhẹ, được coi là không nguy hiểm với con người. Con mồi chính của rắn cườm là những động vật nhỏ sống trên cây như thằn lằn, dơi, loài gặm nhấm. Đôi khi chúng cũng ăn trứng chim và côn trùng.

An Khang (Theo Newsflare)

Từ khóa » Tắc Kè Rắn