TẮC LỆ ĐẠO BẨM SINH – KHI NÀO THÔNG LỆ ĐẠO

Tắc lệ đạo bẩm sinh là tình trạng khá thường gặp ở trẻ sơ sinh (khoảng 5%). Biểu hiện của bệnh là trẻ bị chảy nước mắt kéo dài ở một hay cả hai mắt, có thể kèm theo nhiều gỉ mắt. Đây là bệnh lành tính, không ảnh hưởng đến thị lực tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ do chưa hiểu rõ về bệnh nên vội vàng cho con đi thông lệ đạo rất sớm có thể dẫn tới biến chứng đáng tiếc.

Nguyên nhân gây tắc lệ đạo bẩm sinh?

Đa số các trường hợp tắc lệ đạo bẩm sinh là do van Hasner chưa mở hết. Bình thường nước mắt chảy qua hệ thống lệ đạo xuống mũi rồi chảy xuống miệng. Chỗ lệ đạo đổ vào mũi có một van gọi là van Hasner. Ở nhiều trẻ khi sinh ra, van Hasner này chưa mở hết gây nên tắc lệ đạo. Tuy nhiên sau sinh hệ thống lệ đạo của trẻ vẫn tiếp tục phát triển do đó van này có thể tự mở ra và trẻ sẽ tự hết chảy nước mắt. 90% trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 1 năm đầu.

Ngoài ra, tắc lệ đạo bẩm sinh có thể do các bất thường về hình thái của hệ thống lệ đạo như: không có điểm lệ, điểm lệ bị một lớp màng bao phủ hay không có lệ quản tuy nhiên những trường hợp này rất hiếm gặp.

Điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh?

Massage vùng túi lệ: trước khi massage dùng bông và nước muối sinh lý rửa sạch ghèn gỉ ở mắt. Dùng ngón tay trỏ ấn vào góc trong mắt rồi vuốt mạnh dọc theo cánh mũi. Mục đích để tạo ra áp lực làm mở van Hasner.

Các bậc phụ huynh nên nhớ 90% trẻ sơ sinh có thể tự khỏi trong vòng 1 năm đầu nên không vội vàng đưa con đi thông lệ đạo có thể gây tổn thương thứ phát cho lệ đạo và sang chấn tâm lý không đáng có cho trẻ.

Chỉ cân nhắc thông lệ đạo khi trẻ được 6 tháng tuổi. Tốt nhất nên thông khi trẻ được 12 tháng mà vẫn còn chảy nước mắt. Tuy nhiên cũng không nên thông quá muộn sau 2 tuổi vì tỷ lệ thành công sẽ giảm.

Phẫu thuật: được chỉ định khi thông lệ đạo nhiều lần thất bại hoặc trường hợp tắc do bất thường về hình thái của lệ đạo

CNĐD Nguyễn Văn Hoạt – Khoa Mắt

Chia sẻ ngay

Từ khóa » Tắc Lệ đạo Có Tự Khỏi