Tắc Nghẽn Niệu Quản Là Gì Và Làm Phiền Bạn Như Thế Nào? - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Tắc nghẽn niệu quản và thận ứ nước là gì?
  • 2. Thận ứ nước có phổ biến hay không?
  • 3. Nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản là gì?
  • 4. Phân loại tắc nghẽn niệu quản
  • 5. Triệu chứng của tắc nghẽn niệu quản là gì?
  • 6. Chẩn đoán tắc nghẽn niệu quản, thận ứ nước như thế nào?
  • 7. Xét nghiệm nào để chẩn đoán tắc nghẽn niệu quản?
  • 8. Thận có hồi phục được sau tắc nghẽn niệu quản hay không?
  • 9. Điều trị tắc nghẽn niệu quản và khôi phục chức năng thận như thế nào?
  • 10. Kết luận

Tắc nghẽn niệu quản, thận ứ nước là tên gọi của một vấn đề tưởng chừng như xa lạ với chúng ta. Nhưng những đau đớn, khó chịu cũng như nguy cơ về lâu dài do chúng mang lại thì không còn xa lạ với những cái tên như bệnh thận mạn và chạy thận, tử vong. Hãy cùng nhau tìm hiểu về các bệnh lý gây tắc nghẽn niệu quản nhé.

1. Tắc nghẽn niệu quản và thận ứ nước là gì?

Trước đó, ta cần biết cấu trúc của hệ tiết niệu trong cơ thể người.

Nếu không có bất kỳ đột biến và dị tật nào liên quan đến đường tiết niệu, cơ thể người bao gồm:

  • 2 quả thận.
  • 2 niệu quản.
  • 1 bàng quang.
  • 1 niệu đạo.
Cấu trúc hệ tiết niệu
Cấu trúc hệ tiết niệu

Thận là một cơ quan lớn trong cơ thể, có rất nhiều chức năng

  • Đào thải nước, chất độc.
  • Tạo máu.
  • Kiểm soát huyết áp.
  • Kiểm soát điện giải.
  • Chống loãng xương.

Các chức năng này về cơ bản được thực hiện bởi 2 khả năng của thận

  • Nước tiểu do thận bài tiết và niệu quản, xuống bàng quang và cuối cùng là niệu đạo để thải ra ngoài.
  • Chất mà thận tiết vào trong máu.

Như vậy, một cách dễ hiểu, tắc nghẽn niệu quản tình huống mà một bất thường nào đó làm ngăn cản sự lưu thông của nước tiểu trong niệu quản. Điều này sẽ khiến nước tiểu bị ứ lại trong thận, có thể gây ra ứ nước ở thận. 

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Thận - Tiết niệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Thận ứ nước xảy ra khi có tắc nghẽn bất kỳ cấu trúc nào trong hệ tiết niệu nằm dưới nó.

Trong trường hợp thận ứ nước nhiều và kéo dài dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn thì được gọi là bệnh thận tắc nghẽn (Obstructive uropathy). 

Như hình trên, ta thấy khi mức độ ứ nước càng nặng, thì thận càng phình to ra, các cấu trúc bên trong thận bị ép dẹp lại. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thận nếu diễn ra kéo dài cũng như bệnh thận mạn là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, khi thận ứ nước diễn ra, thận sẽ căng giãn, tăng áp lực. Lúc này, máu tới nuôi thận sẽ kém, thiếu máu thận (ống thận) sẽ xảy ra. Vấn đề này kéo dài sẽ dẫn đến teo thận, xơ thận – những vấn đề có tên chung là bệnh thận mạn.

2. Thận ứ nước có phổ biến hay không?

Một nghiên cứu khoảng 59.000 đối tượng (từ sơ sinh đến người già 80 tuổi) cho thấy: Thận ứ nước gặp ở khoảng 3,1% dân số. Con số đó chứng tỏ bệnh lý này tương đối phổ biến.

Các mức độ thận ứ nước
Các mức độ thận ứ nước

Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ tập trung vào nhóm bệnh lý gây ra tắc nghẽn niệu quản vì đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu của thận ứ nước. Ngoài ra, bệnh lý đường tiểu dưới cũng có thể gây thận ứ nước, như ở bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt, dương vật, sẽ không được nhắc đến ở bài viết này.

3. Nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản là gì?

Các nguyên nhân bẩm sinh được liệt kê theo vị trí từ trên xuống, gồm:

  • Tắc nghẽn chỗ nối bể thận – niệu quản (thường gặp nhất trong nhóm nguyên nhân bẩm sinh). 90% trường hợp này là do sự chít hẹp hoặc xoắn lại của đoạn niệu quản nối với thận. 10% còn lại là do một nhánh của động mạch nuôi thận đè ép vào cực dưới của thận.
Tắc nghẽn niệu quản do mạch máu thận bất thường đè lên
Tắc nghẽn niệu quản do mạch máu thận bất thường đè lên
  • Ureteral folds: Nếp gấp niệu quản.
  • Niệu quản có van.
  • Polyp xơ-biểu mô lành tính (benign fibroepithelial polyp) – hiếm gặp.
  • Niệu quản nằm sau tĩnh mạch chủ dưới (retrocaval ureter), bị tĩnh mạch đè ép.
  • Hẹp khúc nối bàng quang và niệu quản (hiếm gặp).
  • Trào ngược bàng quang niệu quản (Vesicoureteral reflux). Đây là bất thường đường tiểu thường gặp nhất ở trẻ em.

Đối với bệnh lý trào ngược bàng quang niệu quản:

Có 2 nhóm nguyên nhân gây ra:

  • Do niệu quản ngắn. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất trong bệnh lý này (hình).
Mức độ niệu quản cắm vào cơ bàng quang
Mức độ niệu quản cắm vào cơ bàng quang

Niệu quản càng ngắn, khả năng bị trào ngược bàng quang niệu quản của bệnh nhân càng cao. Nguyên nhân bởi vì niệu quản chui qua lớp cơ của bàng quang để đưa nước tiểu vào trong. Khi bàng quang co thắt để tống nước tiểu ra thì đồng thời cũng sẽ siết niệu quản lại để nước tiểu không đi ngược vào niệu quản. Nếu đoạn niệu quản đi vào trong cơ bàng quang quá ngắn, cơ chế phòng ngừa này sẽ không hiệu quả.

  • Do bất thường về thần kinh (thần kinh bàng quang) và van bàng quang.
  • Eagle-Barret syndrome.
  • Nang niệu quản.

Các nguyên nhân mắc phải (không do dị tật) được chia tiếp thành 3 nhóm nhỏ:

Nguyên nhân cấu trúc gây tắc nghẽn bên trong:

  • Sỏi thận (nguyên nhân thường gặp nhất).
  • Huyết khối (ít gặp).
  • Nhú thận hoại tử. Khi thận bị tổn thương, các cấu trúc bên trong của thận bị hoại tử sẽ rơi vào niệu quản, có thể gây tắc niệu quản.
  • Sùi nấm.
  • Lao niệu quản.
  • Ung thư niệu quản.
  • Ký sinh trùng trong niệu quản.

Các nguyên nhân ảnh hưởng chức năng niệu quản:

  • Đái tháo đường.
  • Đa xơ cứng.
  • Bệnh mạch máu não.
  • Tổn thương tuỷ sống.
  • Bệnh Parkinson.
  • Do thuốc: Anticholinergic, levodopa.

Nguyên nhân cấu trúc bên ngoài chèn ép niệu quản:

Các nguyên nhân này đè ép hoặc xâm lấn vào niệu quản:

  • Thai kỳ (tử cung to dần ra, chèn ép niệu quản gần đó).
  • U xơ tử cung dưới thanh mạc.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Abcess buồng trứng.  
  • U, nang buồng trứng.
  • Ung thư thận, bàng quang chèn ép, xâm lấn niệu quản.
  • Khối u nơi khác di căn hoặc chèn ép vào.
  • Bệnh lý đường ruột: Viêm ruột thừa, Crohn, viêm tuỵ cấp có thể ảnh hưởng đến niệu quản.
  • Bóc tách động mạch chủ bụng, bóc tách động mạch chậu.

Còn một số bệnh hiếm gặp khác cũng có thể gây ra tắc nghẽn niệu quản.

4. Phân loại tắc nghẽn niệu quản

  • Dựa vào thời gian tắc nghẽn: Cấp tính hay mạn tính.
  • Vị trí: Tắc ở chỗ nối niệu quản – thận, tắc ở đoạn niệu quản bị đè ép bởi động mạch, tĩnh mạch chậu hay tắc ở chỗ nối niệu quản bàng quang…
  • Do bẩm sinh hay bệnh lý mắc phải.

Dựa vào các phân loại này mà bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị tốt nhất cho bạn.

5. Triệu chứng của tắc nghẽn niệu quản là gì?

Có những trường hợp thận ứ nước rất nặng nhưng không hề mang lại cho bạn một cảm giảm khó chịu nào. Điều này gặp trong 2 trường hợp sau:

  • Tắc nghẽn niệu quản diễn tiến dần dần.
  • Tổn thương tuỷ sống.

Các triệu chứng tắc nghẽn niệu quản chủ yếu phụ thuộc vào:

  • Mức độ tắc nghẽn.
  • Tốc độ tắc nghẽn.
  • Nguyên nhân gây tắc nghẽn.

Khi cả 2 niệu quản bị tắc hoàn toàn:

Bí tiểu: Bệnh nhân không đi tiểu được. Triệu chứng này xuất hiện khi bệnh nhân bị tắc cả 2 niệu quản. Riêng ở bệnh nhân chỉ có một thận thì khi tắc một niệu quản thôi cũng gây ra bí tiểu. Triệu chứng này cực kỳ nguy hiểm bởi vì:

  • Ngăn thận thải nước, làm cơ thể ứ nước, phù.
  • Không thể thải chất độc, cơ thể rơi vào tình trạng ngộ độc.

May mắn rằng tình trạng này hiếm khi xảy ra. Chủ yếu xuất hiện khi khối u lớn di căn cả 2 niệu quản.

Khi tắc nghẽn niệu quản xảy ra cấp tính:

Đau hông lưng: Đau một cách đột ngột, dữ dội ở vùng hông lưng. Đau quặn từng cơn nếu niệu quản còn co thắt được. Khi hết khả năng co thắt thì bệnh nhân vẫn đau nặng vùng hông cùng bên tắc nghẽn liên tục do căng trướng thận (căng bao thận). Ngoài ra, đau còn có thể lan dọc xuống đường tiểu cùng bên. Cơn đau như thế này được gọi là cơn đau quặn thận. Thường đau nhiều, dữ dội khiến bệnh nhân phải nhập cấp cứu. Đôi khi, nó còn khiến bệnh nhân buồn nôn và nôn.

Cơn đau quặn thận:

Do 3 nguyên nhân cấp tính gây ra chủ yếu là sỏi niệu quản, huyết khối trong niệu quản, cơ nhú hoại tử. 

Nếu đau hông lưng xảy ra chỉ khi bệnh nhân uống thuốc hoặc thức uống gây tiểu nhiều (bia, rượu, thuốc lợi tiểu) thì gợi ý bệnh nhân có tắc nghẽn chỗ nối bể thận niệu quản. 

>> Bạn có thể xem thêm: Thuốc lợi tiểu Furosemid: Công dụng và những điều cần lưu ý.

Đau hông lưng chỉ xuất hiện khi đi tiểu gợi ý bệnh nhân bị trào ngược bàng quang, niệu quản. Tiểu ra máu (nước tiểu màu đỏ) kèm cơn đau quặn thận gợi ý nhiều đến sỏi niệu quản. 

Màu sắc nước tiểu gợi ý một số bệnh lý về sỏi niệu quản
Màu sắc nước tiểu gợi ý một số bệnh lý

Ngoài ra, khi có nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận, viêm quanh thận) đi kèm tắc nghẽn niệu quản, thì bệnh nhân sẽ sốt, lạnh run.

6. Chẩn đoán tắc nghẽn niệu quản, thận ứ nước như thế nào?

Bác sĩ sẽ kết hợp nhiều yếu tố: Triệu chứng của bạn, bệnh lý trước đây và thăm khám. Sau đó, bác sĩ kết hợp với một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và điều trị bệnh.

7. Xét nghiệm nào để chẩn đoán tắc nghẽn niệu quản?

Xét nghiệm hình ảnh:

  • Siêu âm bụng là công cụ thường được sử dụng nhất để chẩn đoán tình trạng tắc nghẽn niệu quản cũng như thận ứ nước (phát hiện được 90% trường hợp). Siêu âm là một công cụ rẻ tiền, dễ thực hiện nhiều lần, dễ dàng phát hiện tình trạng thận ứ nước. Xét nghiệm này an toàn với phụ nữ có thai và chưa ghi nhận tác dụng phụ nào.

Ngoài ra, siêu âm còn giúp phát hiện các biến chứng của tắc nghẽn niệu quản – thận ứ nước như:

  • Bệnh thận mạn: Thận có teo không, cấu trúc thận còn rõ ràng không hay xơ hoá rồi.
  • Abcess thận, abcess quanh thận.

Vậy siêu âm có nhược điểm nào không? 

Siêu âm có thể không phát hiện được thận ứ nước dù có tắc nghẽn niệu quản:

  • Tình trạng tắc nghẽn xảy ra quá cấp tính: Trong một số trường hợp, sẽ không phát hiện được thận ứ nước trong 1 – 3 ngày đầu.
  • Bệnh nhân mất nước: Thận không/ít bài tiết nước tiểu, dù tắc nghẽn có xảy ra cũng không đủ gây ứ nước thận.
  • Bệnh nhân có nang thận đi kèm.

Siêu âm dễ nhầm lẫn thận ứ nước và một số nguyên nhân, như:

  • Dị tật bể thận lớn nằm ngoài rốn thận.
  • Nang cạnh thận.
  • Bệnh nhân có lượng nước tiểu lớn.

Như bạn thấy, siêu âm có thể không chính xác trong một số tình huống. Do đó, nếu tình trạng bệnh vẫn gợi ý tắc nghẽn niệu quản, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm, như: Chụp hệ niệu có cản quang. Người ta sẽ chích thuốc vào cơ thể bạn. Thuốc này sẽ đào thải qua thận và xây dựng lại hình ảnh của hệ tiết niệu trên phim X quang.

Hình A: XQ có cản quang. Hình B: XQ không cản quang
Hình A: XQ có cản quang. Hình B: XQ không cản quang

X quang hệ niệu cản quang giúp chẩn đoán được 35% trường hợp tắc nghẽn niệu quản nhưng không ghi nhận bất thường trên siêu âm. 

Tuy nhiên, X quang hệ niệu đã ngày càng ít vai trò vì sự xuất hiện của CT scan và MRI. Ngoài ra còn có các xét nghiệm như: Whitaker test (hiếm dùng); chụp thận niệu quản ngược dòng và xuôi dòng (vừa giúp chẩn đoán và điều trị, tuy nhiên là thủ thuật xâm lấn).

Xét nghiệm máu, nước tiểu:

Creatinine máu, công thức máu, điện giải đồ máu, Ca++ máu, Phospho máu, tổng phân tích nước tiểu…

8. Thận có hồi phục được sau tắc nghẽn niệu quản hay không?

Điều này tuỳ thuộc vào thời gian và mức độ tắc nghẽn. Nếu tắc nghẽn niệu quản gây ứ nước nặng và lâu dài, tổn thương ở thận đã mạn tính thì sẽ không khôi phục được.

Trong trường hợp tổn thương cấp tính, nếu được điều trị tắc nghẽn kịp thời, thận sẽ có thể khôi phục được (ống thận cần 2 tuần, cầu thận cần 3 tháng).

9. Điều trị tắc nghẽn niệu quản và khôi phục chức năng thận như thế nào?

Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào:

  • Vị trí tắc nghẽn.
  • Mức độ tắc nghẽn.
  • Nguyên nhân gây ra tắc nghẽn.
  • Bệnh kèm theo của bệnh nhân và tổng trạng chung của họ.

Nếu là do sỏi, tuỳ vào kích thước sỏi mà ta có thể cho điều trị bằng thuốc: NSAIDs, alpha adrenergic agonist, uống nhiều nước. Nếu không điều trị bằng thuốc được, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện gắp sỏi, tán sỏi thậm chí là mổ lấy sỏi.

Những nguyên nhân gây tắc nghẽn khác thường được điều trị bằng đặt stent để nong niệu quản ra. Dụng cụ này giúp nước tiểu xuống bàng quang dễ dàng hơn.

Để thận hồi phục một cách tốt nhất, ta cần giải quyết tình trạng tắc nghẽn niệu quản càng sớm, càng triệt để càng tốt.

Điều trị sau khi tái thông niệu quản ở trường hợp đã có tổn thương thận cấp tính:

Dù cho đã tái thông niệu quản, không còn gì gây tắc nghẽn, nhưng tổn thương ở thận một khi đã diễn ra thì cần thời gian khá lâu để hồi phục.

Bệnh nhân sẽ có giai đoạn tiểu rất nhiều, nó báo hiệu cho tình trạng thận đã khôi phục. Thông thường, giai đoạn này kéo dài nhiều ngày đến 1 tuần. Một số hiếm trường hợp lên đến 1 tháng.

Tuy nhiên, tiểu quá nhiều sẽ giảm thiểu điện giải, nước của cơ thể. Do đó, bác sĩ sẽ truyền dịch để giúp bệnh nhân hồi phục một cách an toàn.

Ngoài ra:

Nếu bệnh nhân có nhiễm trùng thận thì sẽ được điều trị kháng sinh.

10. Kết luận

Tắc nghẽn niệu quản là một vấn đề không hiếm gặp hiện nay. Diễn tiến của tắc nghẽn niệu quản có thể gây ra bệnh thận tắc nghẽn, suy thận cấp, bệnh thận mạn và chạy thận. Nếu tình trạng cấp tính hoặc có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân sẽ vô cùng khó chịu và đau đớn. 

Tuy nhiên, nhiều trường hợp tắc nghẽn không hề có triệu chứng nào. Do đó, để phát hiện được sớm vấn đề này, bạn hãy đi khám sức khoẻ tổng quát định kỳ mỗi năm. Phát hiện và điều trị sớm tắc nghẽn niệu quản sẽ giúp bạn tránh được những hệ luỵ lâu dài về sau.

Từ khóa » Tắc ống Tiểu