Tác Phẩm Giới Thiệu :Thép Đã Tôi Thế Đấy”( Как закалялась сталь!)

Văn học nước Nga nói chung đã đi vào lòng thế hệ người Việt Nam từ rất lâu về trước, chính bởi tình yêu đối với quê hương của V.L.Lenin, đất nước cái nôi của Cách mạng Tháng Mười. Người ta yêu, cũng chính là yêu cái chất vừa trữ tình của hình ảnh thiên nhiên qua từng trang sách, yêu cả cái tinh thần mà các tác giả lớn thời đó đã truyền tải. Đối với những người chuyên tìm đọc những ấn phẩm văn học thế kỉ 20 sẽ chẳng xa lạ gì với những quyển sách cũ được in ấn và xuất bản cách đây hơn chục năm về trước, từ lâu đã trở thành người bạn, người thầy, với tầng lớp thanh niên trẻ tuổi luôn mang trong mình biết bao lý tưởng và ước mơ cao đẹp, mà giờ đây đã trở thành bậc ông, bậc bà của chúng ta. Chính người ông của tôi, người trước đây cũng như bao cô cậu sinh viên khác, đã có cơ hội được học tập trên đất Nga, đến tận bây giờ vẫn luôn giữ và cho tôi xem những quyển sách văn học Xô Viết được chính ông sưu tầm về. Những cuốn sách của Maksim Gorky, chiến tranh và hòa bình của Tolstoi đến những tập thơ của A.S.Puskin. Những trang sách xưa thấm đẫm màu thời gian nhưng chính là nơi lưu giữ nhưng kỉ niệm đẹp nhất về một thời trai tráng của ông, về những lý tưởng, tinh thần cách mạng mà thế hệ của ông đã được học tập. Và cuốn sách đầu tiên mà ông đã giới thiệu cho tôi chính là tác phẩm Thép Đã Tôi Thế Đấy của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky.

Được viết trong thời kì cách mạng sục sôi nên tác phẩm đã nhanh chóng gây được tiếng vang lớn đối với thanh niên Nga và cả Việt Nam, là khúc tráng ca bất hủ hát về hoài bão, về lý tưởng tuổi trẻ, tạo sức ảnh hưởng to lớn đến hàng triệu trái tim tuổi trẻ và là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ thanh niên đi theo con người cách mạng giải phóng dân tộc. Cho đến nay, Thép Đã Tôi Thế Đấy vẫn luôn là một trong những bức chân dung thành công nhất khắc họa hình ảnh người chiến sĩ cộng sản. Nể phục thay, nhà văn Nikolai Ostrovsky đã viết tác phẩm này trên chính giường bệnh. Ngay chính bản thân ông cũng đã là một tấm gương điển hình cho sự khát khao đam mê được sống, được cống hiến cho đời, cho cách mạng nước nhà. Tham gia chiến đấu từ năm 15 tuổi, chàng thanh niên Nikolai đã dành tuổi trẻ của mình trên chiến trường, lăn lội trong mưa bom bão đạn, trong giá lạnh băng tuyết, trong sự khắc nghiệt của bệnh tật và đói rét. Sinh sống và làm việc trong những năm tháng gian nan vất vả ấy, ông đã dần mất đi đôi mắt của mình và bị bại liệt toàn thân khi chỉ mới 24 tuổi.

Trong thâm tâm người lính trẻ ấy vẫn luôn nung nấu muốn tiếp tục được hiến sức mình cho Tổ Quốc, nhưng thay vì dùng súng đạn giáo mác, nay anh sẽ dùng ngọn bút của mình để làm vũ khí chống lại quân thù. Nikolai Alekseyevich Ostrovsky đã trở thành tượng đài sống của nghị lực và niềm tin trong mọi hoàn cảnh của biết bao thanh niên trên thế giới. Ông đã từng viết rằng “Suốt ba năm nay tôi luôn đấu tranh giành giật lấy sự sống, mỗi lần bị quật ngã tôi lại cảm thấy nản chí. Nếu trong con người tôi chưa hình thành một quy tắc bất di bất dịch là phải đấu tranh đến hơi thở cuối cùng thì có lẽ tôi đã cho mình một viên đạn từ lâu”.

Chắc hẳn tên tác phẩm đã từng gợi cho người đọc chúng ta không ít suy nghĩ về ý nghĩa đằng sau nó. “Thép Đã Tôi Thế Đấy”( Как закалялась сталь!) có nghĩa là gì? Tại sao hình ảnh Thép lại trở thành hình tượng của một tác phẩm văn học cách mạng? Từ một cậu bé nhỏ con có một tuổi thơ êm đềm như bao đám bạn đồng trang lứa khác cho đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường mạnh mẽ, quá trình đó cũng giống như việc tôi luyện phôi thép thành một cây thép hoàn chỉnh vậy. Ngay từ tựa đề tác phẩm đã cho bạn đọc thấy được một “Tinh thần Thép” của những người con Xô Viết mà nhà văn muốn truyền tải thông qua cuốn tự truyện này của mình.

Pavel Korchagin, thường được mẹ và bạn bè gọi thân mật là Pavka, Pavlusha là một thanh niên trẻ tuổi sống cùng mẹ và anh trai, ngay từ thuở thiếu thời đã phải lao động vất vả để trang trải cuộc sống gia đình. Trong mắt Lão cố và những người quý tộc hàng xóm, Pavel là con của “mụ nấu bếp” nghịch ngợm, quỷ quái, là thằng bé du côn chuyên đi gây rắc rối cho chính bản thân nó. Nhưng ngay từ những trang đầu, Pavel hiện lên là một cậu bé hiểu chuyện, luôn yêu thương mẹ và cố gắng để không làm mẹ buồn. Sống dưới sự bóc lột của bọn tiểu thương và quý tộc, chàng trai trẻ đã dần trưởng thành hơn và thấu được sự vất vả, khổ nhục mà những người công nhân đang phải chịu đựng. Tin tức về sự sụp đổ của Sa hoàng đã làm thay đổi hoàn toàn chính Pavel và cuộc sống của ngôi làng nhỏ. Trong trái tim rực lửa của thanh niên Pavel nhen nhóm lên ý chí chiến đấu của một người Cộng Sản, một tinh thần thép mới. Tinh thần ấy được bộc lộ rõ rệt lúc Pavel giải cứu Zhukhrai, một người bạn của anh trai mình. Đó là sự gan dạ và dũng cảm đến từ một trái tim trẻ đang khát khao được góp sức mình trong công cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản. Từ một cậu bé thất học, từ nhỏ đã sớm lăn lội bươn chải kiếm sống, anh thanh niên Pavel đến với cách mạng hăng hái, không ngại khó ngại khổ. Cùng với các bạn hàng xóm đồng trang lứa và những người đồng đội vào sinh ra tử với mình, anh dần rèn luyện dược ý chí sắt đá, tinh thần quả cảm của một chiến sĩ cách mạng sẵn sàng lăn xả ngoài mưa bom bão đạn, trở thành một đảng viên Bonsevich chân chính trung thành với lý tưởng của Đảng, và sau này từ chính cuộc đời mình viết lên những trang văn của một người chiến sĩ.

Nhân vật Pavel Korchagin được thể hiện qua màn ảnh của diễn viên Vladimir Alekseyevich Konkin

Không chỉ thế, hình tượng Pavel còn được khắc họa qua những câu chuyện tình yêu tuổi trẻ thật đẹp đẽ và chân thành cùng với Tonia, Rita và Thaia. Ở họ – Những con người trẻ tuổi ấy có những ước mơ và con đường riêng mà mình muốn theo đuổi. Tác phẩm đã đã cho ta thấy từng cá nhân một, trong hoàn cảnh chiến tranh và dưới sự lãng đạo của Đảng cộng sản, đã trưởng thành oai hùng như thế nào. Đó chính là cả quả trình tôi luyện thép đầy khó khăn và gian khổ, đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả tuổi trẻ. Thép ở đây chính là Pavel, là Valya, Seryoga, Rita, là tất cả những thanh niên lao động được sinh ra dưới lá cờ khởi nghĩa. Pavel Corsaghin chính là hình tượng tiêu biểu cho thế hệ thanh niên của đất nước Xô Viết thời kì đầu, luôn rực cháy niềm tin lý tưởng cùng với tinh thần quả cảm không kẻ thù nào dập tắt được. Trong đó, câu nói đã trở thành kim chỉ nam, làm động lực cho biết bao thế hệ sau về đấu tranh giai cấp: “Cái quý nhất của con người là đời sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời”. Lý tưởng về sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người không chỉ là vấn đề của từng giai đoạn cụ thể, bó hẹp ở một phạm vi quốc gia nhất định, mà đó là nỗi niềm, khát khao của biết bao nhân dân trên toàn thế giới. Chính vì thế, Thép đã tôi thế đấy là tiếng chuông đầu rung lên vì những lý tưởng cao đẹp và vĩ đại. Bản dịch của tác phẩm được Thép Mới và Huy Vân dịch đã được đón nhận nồng nhiệt, là nguồn sức mạnh cổ vũ tinh thần, trở thành cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu trái tim tuổi trẻ, trong đó có anh hùng Lý Tự Trọng, người thanh niên cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Có thể thấy được vị trí đặc biệt của Thép đã tôi thế đấy trong lịch sử văn học nước Nga và cả thế giới. Ở đất nước được coi là cái nôi của những cuộc cách mạng, văn học thay giáo mác trở thành vũ khí chiến đấu, khích lệ tinh thần người chiến sĩ. Chừng nào loài người còn khát vọng được mơ ước, được thực hiện lý tưởng của mình, thì tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” vẫn còn là cuốn sách hấp dẫn, có giá trị to lớn đối với nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Hết.

4.3 25 đánh giá Đánh giá bài viết

Từ khóa » Thép đã Tôi Thế đấy