Tắc Ruột Bẩm Sinh ở Trẻ Sơ Sinh - Bệnh Viện Sản Nhi Ninh Bình

Ngày 01/9/2020 các bác sĩ bệnh viện sản nhi Ninh Bình vừa thực hiện phẫu thuật thành công và cho ra viện một bệnh nhân sơ sinh bị tắc ruột do teo ruột bẩm sinh khi bệnh nhi chỉ có 10 giờ tuổi, cân nặng thấp 2,1kg. Đây là một dị tật hiếm gặp với tỉ lệ 1/1.500 trẻ sinh ra. Đặc biệt hơn cả, bệnh nhi được cứu sống là nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các Khoa Ngoại nhi, Gây mê hồi sức và Sơ sinh.

Cháu P.Đ.H sau sinh được 10 giờ tuổi ở huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình cháu được sinh mổ vì song thai 37 tuần cân nặng 2,1kg  sau sinh cháu được chuyển lên khoa Sơ sinh.

Sau khi tiến hành hội chẩn giữa bác sỹ chuyên khoa Sơ sinh và chuyên khoa Ngoại nhi, kết hợp thực hiện các thăm dò chức năng, xét nghiệm, các bác sỹ kết luận trẻ có tắc ruột bẩm sinh nghi do teo ruột. Ngoài chẩn đoán bệnh lý teo ruột, bệnh nhi cũng được thực hiện tầm soát các bệnh lý kèm theo như các bệnh lý về sọ não, tim mạch, tiết niệu và các dị tật khác. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi chỉ mới có 10 giờ tuổi.

Ảnh: niềm vui của gia đình trong ngày bé được ra viện

Theo BS Đinh Văn Duy- Phó Trưởng khoa Ngoại nhi, bác sỹ mổ chính cho bệnh nhi chia sẻ: Đây là ca phẫu thuật phức tạp vì là bệnh lý tắc ruột sơ sinh, bệnh nhi là trẻ sơ sinh mới được 10giờ tuổi với cân nặng thấp 2,1kg nên yêu cầu phẫu thuật và gây mê cần phải có đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên khoa cùng với hệ thống trang thiết bị, dụng cụ chuyên dụng. Ngoài teo ruột, bệnh nhi còn gặp thêm hội chứng viêm phúc mạc thời kỳ bào thai, các quai ruột giãn to và dính thành một khối nên các bác sỹ phải thực hiện gỡ dính quai ruột dính  trong ổ bụng. Bên cạnh đó, đoạn ruột bị teo nằm ở vị trí cách góc hồi manh tràng 30cm nên gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện phẫu thuật và tạo hình miệng nối. Quai ruột phía trên đoạn ruột tắc giãn to, dính vào thành bụng và vùng dưới gan phải, quai ruột phía dưới chỉ nhỏ như đầu đũa.

Sau mổ được chuyển đến khoa sơ sinh trong tình trạng có khá nhiều vấn đề về sức khỏe sau phẫu thuật như vấn đề về hô hấp, tuần hoàn, kích thích đau, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt ở trẻ nhỏ…Ngoài ra, việc chăm sóc cũng được đặc biệt quan tâm để tránh tình trạng nhiễm trùng vết mổ. Bệnh nhi được chỉ định nằm lồng ấp, điều trị nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn kết hợp sử dụng các loại kháng sinh. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhi đã hồi phục khá tốt và được cho ăn sữa qua sonde tiêu tốt. Bệnh nhi đã có thể tự đi ngoài, tình trạng nhiễm trùng không còn, vết mổ khô.

Teo ruột là nguyên nhân cơ bản gây tắc ruột bẩm sinh ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. BS Đinh Văn Duy – Khoa Ngoại nhi cũng khuyến  cáo các bậc phụ huynh trong quá trình mang thai, thai phụ nên thực hiện đầy đủ các mốc siêu âm quan trọng và các xét nghiệm sàng lọc để phát hện sớm các bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi, các dị tật bẩm sinh nếu có. Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi./.

                                                                                                                                                                                            BS Đinh Văn Duy- Phó Trưởng khoa Ngoại nhi

                                                                                                                                                                                         Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình

Từ khóa » Chẩn đoán Và điều Trị Tắc Ruột Sơ Sinh