Tắc Tia Sữa Sau Sinh

Ghi nhớ

Các bước giải quyết tắc tia:

  • Chườm ấm
  • Massage
  • Hút hay cho bú nhiều tư thế khác nhau
  • Chườm mát giảm đau:   + Có thể uống paracetamol 500mg mỗi 8 giờ để giảm đau   + Cần làm trống ngực bằng cách cho bé bú hay hút sữa ra mỗi 2 giờ.

Tắc tia sữa là gì?

Khi ống dẫn sữa bị tắc nghẽn, sữa ứ đọng, tắc nghẽn sự lưu thông. Từ đó sữa được sản xuất nhưng không thoát ra được. Hiện tượng tắc tia xảy ra.

Tắc tia có thể ở đầu ti hay tắc sâu bên trong ngực.

Ở đây chúng ta sẽ nói về tắc tia ở vị trí bên trong ngực.

Tắc tia sữa sau sinh. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng tắc tia sữa

Mẹ sẽ bị đau một vùng nào đó của bầu ngực, có thể bị một bên, đôi khi bị 2 bên, sờ thấy một khối căng tức hay nhiều khối lục cục lòn hòn. Vùng bị tắc có thể đỏ, nóng, đau. Mẹ có thể sốt, lạnh run, một số mẹ diễn tả mình như bị cảm cúm (khả năng mẹ bắt đầu có viêm vú).

Cách xử trí tắc tia sữa

Nếu quá đau mẹ có thể làm gì?

Nếu quá đau mẹ có thể:

  • Uống thuốc giảm đau và kháng viêm Ibuprofen (uống khi bụng no).
  • Uống thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol.

Đau quá sẽ khiến mẹ không dám mạnh tay khi massage tại vị trí bị tắc, vì vậy, mẹ cứ mạnh dạn sử dụng thuốc giảm đau. Những loại thuốc này hoàn toàn an toàn cho mẹ và bé, không gây giảm sữa. Thuốc sẽ có tác dụng sau 30 phút uống, lúc đó, mẹ có thể tiến hành thông tia.

Ngoài ra, khi mẹ có hiện tượng sốt, thuốc cũng sẽ giúp mẹ hạ sốt.

Tắc tia thì không cần kháng sinh.

Thông tia

Những nguyên tắc chung:

  • Mẹ cần tiến hành thông tia** **càng nhanh càng tốt. Nếu bị tắc tia vào ban đêm, mẹ cố gắng thức để thông tia. Có những mẹ phải thức đến gần sáng để thông tia. Dĩ nhiên mệt thì nghỉ ngơi một tí, nhưng thái độ chữa thông tia là phải tích cực. Nếu không có thái độ tích cực, thì tắc tia sẽ không được chữa khỏi, lúc đó mẹ sẽ bị viêm vú, nặng hơn có thể tiến triển thành áp xe.
  • Dẹp hết những việc nhỏ trong nhà, dành thời gian nghỉ ngơi.
  • Cho con bú/hút tích cực bên bị tắc, ít nhất mỗi 2 giờ.
  • Chườm ấm để làm tan vùng tắc tia.
  • Chườm lạnh giúp giảm đau.
  • Uống nhiều nước, dinh dưỡng đầy đủ để giúp mẹ tăng cường sức khỏe, tăng đề kháng (các mẹ hay lơ là không ăn uống vì quá đau hay vì sợ sữa về nhiều,như vậy không đúng) – có thể dùng Vitamin C để tăng sức đề kháng.

Chườm ấm - Massage - Làm trống ngực - Nghỉ ngơi

Massage

Massage: nhẹ nhàng nhưng phải tạo được một lực chắc chắn tương đối lên nơi đang bị tắc, massage từ nơi tắc hướng về phía núm vú.

Thời điểm massage:

  • Trước khi cho bú/hút
  • Trong khi cho bú/hút
  • Sau khi cho bú/hút.

Chườm ấm

Chườm ấm giúp sữa nơi bị tắc dễ tan ra. Không chườm quá nóng sẽ gây bỏng rát da. Có một số cách chườm ấm:

  • Mẹ cho nước nóng vào một cái tã bé hay dùng (nhớ kiểm tra nhiệt độ mặt trong cánh tay để tránh bị bỏng), vắt cho tã ráo một tí, đặt mặt trong của tã áp vào nơi đang bị tắc.
  • Hay mẹ có thể dùng bình sữa của con, cho nước nóng vào, quấn xung quanh bình sữa bằng một cái khăn lông mỏng vừa phải, áp chai lên mặt trong cánh tay thấy nóng vừa, tránh bỏng, bắt đầu lăn lên nơi bị tắc tia.

Hai cách này giúp giữ nhiệt lâu hơn dùng khăn nhúng nước ấm rồi đáp lên. Ngoài ra, mẹ có thể làm ấm ngực bằng cách tắm nước ấm:

  • Tắm bồn bằng nước ấm: nếu nhà mẹ nào có bồn tắm, có thể ngâm mình và toàn bộ ngực vào trong bồn nước ấm, vừa ngâm vừa massage ngực bị tắc.
  • Tắm bằng nước vòi sen ấm: mẹ đứng dưới vòi sen, cho nước ấm nóng có thể chịu được, trực tiếp xịt lên vùng ngực bị tắc. Mẹ có thể dùng một cái lược có răng to, ấn nhiều lần vào cục xà phòng để cho cái lược thật trơn, sau đó chải dọc từ nơi tắc hướng về phía núm vú.

Lưu ý: không mặc áo ngực, không để quần áo hay ngón tay chèn vào các vị trí ống sữa.

Thay đổi nhiều tư thế cho con bú

Mỗi tư thế bú của bé sẽ tác động lực hút mạnh nhất trên những tia sữa khác nhau. Vì vậy, với các bé bú mẹ trực tiếp, các mẹ có thể thay đổi nhiều tư thế bú. Một số mẹ chỉ cần thay đổi tư thế bú thôi là có thể làm thông tia.

>>> Tư thế cho bé bú đúng cách

Các tư thế mẹ có thể áp dụng:

Dùng máy hút sữa hỗ trợ

  • Sau khi cho con bú xong mẹ sẽ dùng máy hút sữa thêm. 
  • Nếu mẹ không cho bé bú trực tiếp thì sẽ tiến hành hút sữa.
  • Khi dùng máy hút sữa để hút, tốt nhất dùng máy hút sữa điện, lực hút mạnh. Nếu mẹ không có máy hút sữa, mẹ sẽ vắt sữa bằng tay
  • Khi dùng máy hút sữa điện, mẹ sẽ dùng lực hút mạnh hơn bình thường một chút.
  • Luôn nhớ bước massage, vê quầng vú trước khi hút/vắt sữa, để kích thích phản xạ xuống sữa, thực hiện xen kẽ trong quá trình hút/vắt.

Mẹ có thể tham khảo bài viết: Kỹ thuật hút sữa bằng máy

Sau khi làm trống bầu ngực

  • Chườm bằng khăn lạnh để giảm đau sau khi thực hiện công đoạn thông tia mệt mỏi này!
  • Tiếp tục thực hiện quy trình như trên nhiều lần, tích cực mỗi 2 giờ.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi mẹ đã áp dụng các phương pháp trên tích cực trong vòng 12 tiếng mà vẫn không giải quyết được tình trạng tắc của mình, hãy đến bác sĩ khám (bác sĩ nhũ hay bác sĩ sản).

Phòng ngừa tắc tia sữa

Muốn phòng ngừa tắc tia, chúng ta sẽ xem các nguyên nhân gây tắc tia, từ đó các mẹ sẽ biết cách tự phòng ngừa cho bản thân:

  • Do ứ sữa: khớp ngậm không đúng, mẹ quá nhiều sữa, dùng trợ ti không đúng cách, bé lười bú, bé đột nhiên ngủ suốt đêm, mẹ bỏ cữ sữa hút/cho bú (do đau đầu ti, bận rộn, đi làm lại), cai sữa đột ngột.
  • Chèn ép các tia sữa: do dùng ngón tay chèn, mặc áo ngực chật, ngủ nằm nghiêng một bên…
  • Có viêm nhiễm: thương tổn đầu ti, nhiễm trùng/nấm đầu ti, dị ứng…
  • Stress, mệt mỏi, thiếu máu, giảm đề kháng cũng làm tăng nguy cơ tắc tia => Khi bị tắc tia các mẹ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

Xem thêm:

>>> Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ sau khi vắt khoa học

BSLê Ngọc Anh Thy

Chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC

Từ khóa » Tia Sữa Bị đau