Tai Biến Da Mặt Khi Phụ Nữ... Làm đẹp - VnExpress

®

Không nên tuỳ tiện dùng xương rồng để làm đẹp.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP HCM, củ huệ và cây xương rồng, hai thứ mà chị em hay dùng để "lột da mặt", có thể gây phù mặt, húp mắt, da đỏ mọng nước. Tổn thương nếu bị chảy nước sẽ dẫn đến nhiễm trùng, có chữa lành cũng để lại sẹo sạm da trong một thời gian dài.

Thuốc chống mụn hay thuốc "kích" mụn?

Cô M.T.K., 25 tuổi, mua lọ thuốc "Bảy màu" (tên thường gọi của Silkron), một loại thuốc có chứa corticoid để xoa trị mụn trên mặt. Mới đầu mụn lặn bớt nhưng 2 tuần sau lại nổi ồ ạt. Hoảng sợ, cô xoa tiếp nhưng mụn cứ lặn rồi lại nổi. Cứ như vậy đến tháng 4/2001, khi cô vào Bệnh viện Da liễu thì đã mụn đã nổi kín mặt, ngứa ngáy dữ dội, giãn mạch ở da mặt.

Bà T.B.L., 42 tuổi, bị nám da lâu ngày, xoa thuốc Renova lên toàn mặt, bị ngứa ngáy sau đó da sạm lại. Bà đã gọi đến bộ phận tư vấn của sản phẩm và được khuyên nên giảm liều. Thế nhưng càng xoa da càng sậm hơn. Một tháng sau bà được chuyên viên khuyên ngừng xoa nhưng tình hình vẫn không được cải thiện và đến giờ da mặt bà vẫn đang bị sạm dù đã thôi sử dụng thuốc.

Phù mặt, húp mắt, nổi đầy mụn, giãn mạch da mặt, ngứa ngày, sần sùi... là những tai biến mà rất nhiều người đã mắc phải khi xoa thuốc trị mụn, nám không theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Theo bác sĩ Minh, tác dụng phụ của thuốc có thể xuất hiện sau khi dùng một thời gian hoặc trong suốt quá trình điều trị. Vì vậy, trước khi bôi thuốc, nên xoa thử ở mặt trong cánh tay, sau 24-48 giờ, khi không thấy khó chịu thì xoa ở một vùng nhỏ trên cằm trước rồi mới xoa rộng ra. Nếu sử dụng thuốc mà không thấy hiệu quả thì phải đến bác sĩ chuyên khoa ngay, không tự ý đổi thuốc hoặc tự điều trị. Không nên vì thấy người khác dùng một loại thuốc có hiệu quả mà dùng theo, bởi vì cơ địa của mỗi người khác nhau nên tác dụng của thuốc lên từng người cũng không giống nhau.

Những thuốc hay bị lạm dụng

- Corticoid: Thường có trong các thuốc chống mụn, chữa nám được bán trên thị trường như Halog, Diprosalic, Silkron... Giá những thuốc này rất rẻ, từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng, khi xoa lên thường thấy giảm mụn, vết nám mờ đi. Đó là do corticoid là loại thuốc kháng viêm, có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào da (chỉ có tác dụng ban đầu) và sắc tố da. Nếu sử dụng lâu dài, thuốc sẽ gây giảm miễn dịch tại chỗ, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm nấm, vi trùng, mụn, siêu vi. Ngoài ra nó còn gây teo da, giãn mạch ít phục hồi. Hơn nữa, corticoid chống chỉ định xoa lên mặt, trừ trường hợp đặc biệt.

- Tretinoin: Là loại thuốc chống lão hoá da được sử dụng khá phổ biến. Thuốc có một số tác dụng phụ gồm ngứa ngáy như bị kim châm, viêm nhiễm lan rộng, sần sùi, da đỏ... Một công trình khảo sát tác dụng lâm sàng của Tretinoin trong chống lão hoá do nắng của Đại học Y dược TP HCM cho thấy, 2 tuần đầu tiên khi bôi thuốc này có 62% bị đỏ da, 58% bị lột da, 68% bị ngứa, 68% rát da. Theo các bác sĩ, vì thuốc tác dụng sâu dưới da nên phải sử dụng một thời gian dài mới có kết quả, đồng thời, hiện tượng đỏ da ngứa ngáy cũng có thể tự hết. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều trường hợp hiện tượng này vẫn xuất hiện suốt thời gian sử dụng, đặc biệt là những bệnh nhân không tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ. Loại thuốc này cũng chỉ chống được lão hoá da do nắng, đặc biệt là nếp nhăn da, chứ không hiệu quả nhiều với các trường hợp sạm da như lời một số người đồn đại.

Những hiện tượng báo động

Cần ngừng xoa thuốc ngay và đến khám tại bác sĩ chuyên khoa nếu thấy một trong các biểu hiện sau:

- Có cảm giác ngứa ngáy toàn thân, giống như bị kim châm kéo dài sau khi xoa thuốc hơn nửa giờ.

- Phù nề, tổn thương đỏ hoặc đậm màu đối với vùng da xoa thuốc.

- Sau một thời gain, thấy da sẩn đỏ, nổi mụn mủ, bong da, da trắng bợt trên vùng xoa thuốc hoặc lân cận.

Người Lao Động, 4/7

Từ khóa » Tai Biến Da Là Gì