Tái Chế Khẩu Trang Thành Pin Lithium | Con Người Và Thiên Nhiên

Các nhà khoa học đến từ Nga, Mỹ và Mexico phát triển phương pháp tái chế khẩu trang cũ thành một loại pin có hiệu suất cao như pin lithium-ion.

Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nga (NUST MISiS) cộng tác với các đồng nghiệp ở Mỹ và Mexico để phát triển phương pháp mới giúp biến khẩu trang đã qua sử dụng thành pin giá rẻ linh hoạt và hiệu quả. Họ công bố nghiên cứu trên tạp chí Energy Storage số tháng 2/2022.

Với sự xuất hiện của Covid-19, con người trở nên phụ thuộc vào các vật dụng bảo vệ cá nhân (PPE). Dù khẩu trang dùng một lần chiếm phần lớn lượng PPE trên khắp thế giới, việc xử lý sản phẩm đã qua sử dụng chưa được chú trọng, thường bị vứt ra bãi rác và trôi ra đại dương, giải phóng khí độc hại. Chỉ riêng trong năm 2020, thế giới đã sản xuất 52 tỷ chiếc khẩu trang và 1,56 tỷ trong số đó rơi xuống biển.

Để tái chế khẩu trang, đầu tiên nhóm nghiên cứu khử trùng khẩu trang bằng sóng siêu âm và nhúng vào mực làm từ graphene. Sau đó, họ nén khẩu trang và làm nóng tới 140 độ C để hình thành viên nhỏ hoạt động như điện cực của pin. Những viên nhỏ này được tách ra bằng một lớp cách nhiệt cũng làm từ khẩu trang đã qua sử dụng. Bước cuối cùng là ngâm toàn bộ vật thể trong chất điện phân và bọc bằng vỏ sản xuất từ vỏ thuốc bỏ đi. Theo cách trên, rác thải y tế trở thành cốt lõi của viên pin, thứ duy nhất cần thêm vào là graphene, theo giáo sư Anvar Zakhidov, giám đốc khoa học của dự án cơ sở hạ tầng “High-Performance, Flexible, Photovoltaic Devices Based in Hybrid Perovskites” tại NUST MISiS.

Phương pháp tái chế mới hứa hẹn giảm bớt lượng rác thải từ khẩu trang dùng một lần. (Ảnh: TechnoPixel)

Tại Việt Nam, khẩu trang y tế dùng một lần hiện là vật bất ly thân của mỗi người dân khi ra đường, nhưng điều đáng ngại là còn nhiều người không có ý thức xử lý khẩu trang đã qua sử dụng, thậm chí vô tư quăng bừa bãi khắp nơi.

Theo các chuyên gia y tế thì khẩu trang khi đã qua sử dụng thường ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây lây nhiễm ra môi trường, không đảm bảo an toàn dịch tễ vì nó là vật dụng để chắn những chất tiết từ đường hô hấp của nhiều người, kể cả những người đang mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, khẩu trang y tế vốn được làm bằng chất liệu vải không dệt khá bền nên khó phân hủy được trong môi trường tự nhiên.

Một số quốc gia trên thế giới đã xếp khẩu trang vào loại rác thải y tế độc hại phải được xử lý đặc biệt, nếu không sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, gây ô nhiễm không khí, nguồn đất và nước. Ngoài ra, việc vứt khẩu trang tràn lan sẽ làm mất mỹ quan đô thị, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tại nước ta, quá trình xử lý rác thải từ các cơ sở y tế đã có quy trình xử lý nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc phân loại, gom và xử lý rác thải, khẩu trang, trang phục bảo hộ phòng dịch của đại đa số người dân lại chưa có quy trình, hướng dẫn riêng và cụ thể. Đặc biệt, chúng ta cũng chưa có một quy định cụ thể để chế tài xử lý những cá nhân vi phạm.

Trong những thông tin công bố gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hướng dẫn quy trình xử lý đối với mọi loại rác thải y tế, nghiêm cấm tuyệt đối không được tái chế lại khẩu trang đã qua sử dụng.

Điển hình như chị gái tôi sống tại Trung Quốc chia sẻ rằng chính phủ nước này khuyến cáo người dân khử trùng khẩu trang bằng cồn trên 70 độ hay xà phòng trước khi vứt bỏ hoặc tái sử dụng. Thiết nghĩ, chúng ta cũng có thể áp dụng cách này để diệt khuẩn cũng như đảm bảo độ an toàn cao.

Ngoài ra, việc trang bị các thùng rác hoặc túi phân loại rác thải y tế tại mỗi gia đình, cơ quan, trường học… cũng là vấn đề đáng được lưu tâm. Và đương nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người, hạn chế tối đa việc vứt rác thải y tế ra môi trường bên ngoài. Đó là cách để bản thân mỗi người chúng ta hỗ trợ công tác phòng chống dịch cũng như chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường sống.

Nguồn: Nguyễn Linh/Tạp chí Kinh tế và Môi trường

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  3. Bài 3: Kiến nghị khẩn cấp để bảo vệ các “sứ giả bầu trời”
  4. Xử lý, tái chế và tái sử dụng các sản phẩm loại bỏ từ hoạt động chiếu sáng
  5. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
  6. Phân loại rác tại nguồn – nhìn từ góc độ vĩ mô
  7. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  8. Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn gỗ bất hợp pháp
  9. Các nước trên thế giới xử lý rác thải thế nào?
  10. Làm rõ tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đến Việt Nam

Từ khóa » Tái Chế Khẩu Trang Y Tế