Tái Diễn Nạn ăn Xin Trên đường Phố - Báo Kinh Doanh

Dù TP HCM đã có nhiều giải pháp, nhiều đợt ra quân giải quyết nạn ăn xin trên đường phố nhưng gần đây, người ăn xin xuất hiện trở lại, tràn lan trên nhiều tuyến đường

Từ khi TP HCM bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, tại ngã tư đường Trần Quang Khải - Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM), có một người phụ nữ khiếm thị "bám trụ" trên chiếc ghế nhựa cao từ sáng đến chiều, bất kể nắng mưa.

Một góc ngã tư, 4 người ăn xin

Khác với những người bán vé số khác, người phụ nữ này chỉ cầm trên tay lèo tèo vài tờ vé số. Người đi đường thương tình dừng chân mua ủng hộ nhưng trong số đó có nhiều người không mua vé số mà gửi chút tiền để chia sẻ khó khăn.

Đáng nói là gần một tháng nay, tại góc ngã tư này, xuất hiện nhiều người đứng đây để cầu xin sự thương xót của người đi đường, bằng những cách riêng. Đứng kế bên người phụ nữ khiếm thị bán vé số là 1 người đàn ông khiếm thị cầm trên tay tờ giấy với dòng chữ "Khiếm thị cần giúp đỡ" kèm theo giấy tờ chứng minh. Người này không đứng một mình mà luôn có 1 người phụ nữ lành lặn, thường xuyên phì phèo điếu thuốc lá trên tay đi cùng. Họ thay đổi vị trí đứng ít nhất 2 lần xung quanh góc ngã tư này. Thấy ống kính của phóng viên, người phụ nữ tìm cách lảng đi chỗ khác để mặc người đàn ông đứng một mình; còn người phụ nữ khiếm thị bán vé số bất ngờ nhận được cuộc gọi điện thoại, sau đó mở chiếc dù che mặt lại.

Cũng tại ngã tư Trần Quang Khải - Đinh Tiên Hoàng, nếu đi từ hướng Cầu Bông xuống, sẽ bắt gặp một người đàn ông trung niên gầy còm, nhỏ thó, có dáng đi khập khiễng, đứng cả ngày chìa tay trước mặt người đi đường để xin tiền.

Ở góc đối diện là một người phụ nữ tóc ngắn, vẻ ngoài kham khổ, đen đúa, thường cắn móng tay. Nhiều người đi đường rút ví cho tiền bởi thương cảm với vẻ ngoài "như không bình thường" của người phụ nữ này. Theo chân người này về nơi ở, chúng tôi biết được chị này đang thuê trọ tại một hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với giá 50.000 đồng/đêm được gần 1 năm nay. Ngoài khoản thu nhập từ "nghề ăn xin", người phụ nữ thường đi xin đồ từ thiện đem bán lấy tiền trang trải chi phí nhà trọ và các khoản sinh hoạt. Đặc biệt, tại khu nhà trọ này, có trên dưới 5 gia đình "hành nghề ăn xin" sinh sống. Hầu hết là những người tuổi trung niên sống cùng trẻ con và người già.

Trên nhiều tuyến đường khác, như Nguyễn Thị Nghĩa - Lê Lai (quận 1), Trương Định (quận 3), Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai (quận 10), Lê Đại Hành (quận 11), Tân Kỳ Tân Quý - Quốc lộ 1 (quận Bình Tân), Trường Chinh - Tây Thạnh (quận Tân Phú), Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức)…, dễ dàng bắt gặp nhiều người "hành nghề ăn xin" trên đường suốt cả ngày. Tại mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Bình), "đội quân" ăn xin, giả ăn xin hoạt động từ sáng đến tận 23 giờ mỗi ngày. Nhiều đối tượng ngụy trang bằng cách bán tăm bông, bánh kẹo…

Một người ăn xin thường xuyên đứng ở ngã ba Tây Thạnh - Trường Chinh (quận Tân Phú, TP HCM)

Người phụ nữ bế con nhỏ xin tiền trên đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) bất chấp nguy hiểm

Người phụ nữ khiếm thị bán vé số ở góc ngã tư Trần Quang Khải - Đinh Tiên Hoàng, kế bên là người đàn ông cầm bảng “Khiếm thị cần giúp đỡ”. Thấy ống kính của phóng viên, người phụ nữ đi cùng người đàn ông khiếm thị bỏ đi

Mỗi khi đèn giao thông chuyển màu đỏ, người đàn ông ở góc đường Nguyễn Thị Nghĩa - Lê Lai (quận 1) lại ra xin tiền người đi đường Ảnh: Ý Linh - Phạm Dũng - Sỹ Hưng - Hoàng Triều

Cả gia đình kéo ra đường xin ăn

Sáng 10-1, trên Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), một thanh niên cầm tấm bảng ghi dòng chữ: "Xin mọi người giúp đỡ cháu để cháu có tiền về quê ăn Tết". Khi vừa thấy có người cầm điện thoại quay phim, nam thanh niên ôm tấm bảng vừa chạy vừa nói: "Tôi không ăn cắp, không phạm tội, đi theo tôi làm gì?". Theo một số người dân bán nước giải khát ở khu vực này, những ngày qua, khá nhiều người đã cho tiền nam thanh niên này vì thấy "đáng thương".

Còn trên đường Mai Chí Thọ (đoạn qua phường An Phú, TP Thủ Đức), cứ khoảng 7 giờ sáng, một nhóm người vừa trẻ con vừa có cả người lớn đứng ở cột đèn tín hiệu giao thông, chờ khi đèn chuyển sang màu đỏ, bất chấp nguy hiểm liền lao ra gõ cửa ôtô, taxi, container… xin tiền tài xế. Trong số người này có một gia đình (gồm 2 vợ chồng và 3 con nhỏ) "hành nghề" nhiều năm nay. Nhiều ngày chứng kiến cảnh các cháu nhỏ mặt nhem nhuốc, tay cầm mũ, vô tư chạy ra đường xin tiền, chúng tôi không khỏi rùng mình. Khi được hỏi, người phụ nữ cho biết là người quốc tịch Campuchia, sang TP HCM thuê nhà ở trọ rồi hành nghề xin ăn mấy năm nay. Vợ chồng họ thuê nhà trọ ở gần đường Mai Chí Thọ với giá 2,8 triệu/tháng. Được biết, có ngày họ xin được 2-3 triệu đồng nhờ lòng hảo tâm của người đi đường.

Bà T. (người bán nước giải khát trên đường Mai Chí Thọ) cho hay nhóm người này hoạt động thường xuyên ở đoạn đường này từ nhiều năm nay. Năm 2020, khi lực lượng công an kiểm tra liên tục, họ chuyển đi địa bàn khác, giờ quay lại. Riêng người phụ nữ Campuchia hành nghề xin ăn tại tuyến đường này gần cả chục năm, từ khi chưa lấy chồng. "Giờ lấy chồng, sinh 3 đứa con vẫn hành nghề cũ. Thấy mấy đứa nhỏ tội nghiệp, trưa nắng, bụi đường vẫn đứng đó xin ăn, tôi cũng thường cho khi thì nước cam, lúc nước suối. Dù sao tụi nó chỉ là con nít. Người đi đường thấy tội cũng cho rất nhiều tiền" - bà T. kể.

Ngày nào đi làm cũng chứng kiến cảnh xin ăn tại ngã ba Trường Chinh - Tây Thạnh, chị Bích Ngân (ngụ huyện Hóc Môn) bức xúc: "Người ăn xin có ở khắp các tuyến đường là do địa phương quản lý không chặt. Nếu muốn dẹp nạn ăn xin, nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu khu vực đó, sẽ hết ngay".

Nguồn: http://nld.com.vn/ban-doc/tai-dien-nan-an-xin-tren-duong-pho-20220111214826535.htm

Từ khóa » Tái Diễn Nạn ăn Xin Trên đường Phố