Tài Nguyên đất - UBND Tỉnh Cà Mau

Cà Mau là vùng đất mới do phù sa bồi tụ, được hình thành bởi 2 dòng hải lưu ở biển Đông và Vịnh Thái Lan, nhận phù sa của sông Cửu Long bồi đắp. Nhìn chung đất đai của tỉnh là đất trẻ, mới được khai phá sử dụng, có độ phì nhiêu trung bình khá, hàm lượng chất hữu cơ cao nhưng do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn, ngập lợ.

Nhóm đất mặn ít được đánh giá là một loại đất tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp.

Về mặt phân loại đất, tỉnh Cà Mau đuợc chia thành 6 nhóm, với 26 đơn vị chú dẫn bản đồ theo hệ thống phân loại của FAO/WRB. Kết quả điều tra cho thấy 91,41% diện tích tự nhiên toàn tỉnh là đất phèn và đất mặn; trong đó, nhóm đất phèn chiếm diện tích lớn nhất 268.843 ha (50,77% diện tích tự nhiên), kế đến là nhóm đất mặn: 215.135 ha (chiếm 40,63% diện tích tự nhiên). Các nhóm đất than bùn phân bố duới rừng tràm ở vùng trũng U Minh, đất bãi bồi, đất cát phân bố ở ven bờ biển và đất đỏ vàng phân bố ở ngoài các cụm đảo chỉ chiếm diện tích nhỏ (khoảng 4,3% diện tích tự nhiên), 4,29% diện tích còn lại là sông rạch. Các nhóm đất chính phân bố như sau: Nhóm đất cát: Diện tích đất cát giồng 424 ha, chiếm 0,08% diện tích tự nhiên, phân bố thành dải hẹp kéo dài, song song với bờ biển ở khu vực Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Nhìn chung, đất cát có thành phần cơ giới nhẹ, độ phì trung bình. Vùng đất cát này thuờng có nuớc mạch treo, chất luợng ngọt nên một số nơi đã khai thác để trồng hoa màu (dưa, bí, rau, đậu... ). Các loại cây trồng đều sinh truởng tốt và cho năng suất khá trên loại đất này. Nhóm đất mặn: Diện tích 215.135,55 ha, chiếm 40,63% diện tích tự nhiên, đuợc hình thành trên các trầm tích trẻ tuổi Holocene, có nguồn gốc sông, biển hoặc sông - biển hỗn hợp. Đất thường có thành phần cơ giới nặng và tính chất mặn (Salic properties). Nhóm đất này phân bố nhiều nhất ở huyện Đầm Dơi (26,7% tổng diện tích đất mặn), kế đến là huyện Trần Văn Thời (20,53%), huyện Cái Nuớc (17,21%), huyện Phú Tân (12,17%) và huyện U Minh (11,33%). Các huyện còn lại chỉ chiếm khoảng 12,06%. Hiện nay, phần lớn diện tích đất này đang đuợc sử dụng để nuôi tôm nên gần như bị mặn quanh năm, phần diện tích còn lại là rừng ngập mặn nằm trong vành đai rừng phòng hộ ven biển. Đây là một loại đất không phèn, phân bố ở địa hình khá thích hợp cho nuôi tôm. Vì vậy, ngoài đai rừng phòng hộ ven biển ra, phần bên trong nội địa nên bố trí chuyên nuôi tôm hoặc kết hợp mô hình tôm - rừng trên đất này.

Nhóm đất mặn phân bố nhiều nhất ở huyện Đầm Dơi.

Trong nhóm đất mặn, diện tích đất mặn ít 70.851 ha, chiếm 13.38% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở dạng địa hình cao chạy theo huớng Bắc - Nam từ huyện Thới Bình cho đến thành phố Cà Mau, dạng gờ cao hình cánh cung khu vực trung tâm thuộc huyện Trần Văn Thời hoặc dạng đê tự nhiên ven các sông Cái Tàu và sông Trẹm. Huyện Trần Văn Thời có diện tích đất mặn ít lớn nhất (33.706 ha), kế đến là huyện U Minh (23.311 ha), huyện Thới Bình (7.837 ha) và thành phố Cà Mau (5.993 ha). So với các đất khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đất mặn ít được đánh giá là một loại đất tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại hình sử dụng đất nông nghiệp như lúa 2 vụ, lúa 1 vụ, lúa + cá đồng, hoa màu, cây ăn quả...được phát triển trên đất này. Hạn chế chính cho bố trí cây trồng trên đất này chủ yếu là do khan hiếm nguồn nước ngọt vào mùa khô. Vì vậy, để gia tăng hiệu quả sử dụng đất, cần phải đẩy mạnh công tác thủy lợi nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, tạo điều kiện thuận lợi cho bố trí tăng vụ và đa dạng hóa cây trồng trên loại đất này. Nhóm đất phèn: Chiếm đa số với diện tích 268.843,44 ha, chiếm 51,05% diện tích tự nhiên. Nhóm đất này phân bố nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển (21,59% tổng diện tích đất phèn), tiếp đến là huyện Thới Bình (19,63%), huyện U Minh (17,09%), huyện Năm Căn (14,62%), huyện Trần Văn Thời (7,92%). Các huyện còn lại chỉ chiếm khoảng 4 - 8% tổng diện tích đất phèn. Đất phèn ở Cà Mau được phân chia ra 02 nhóm phụ: Đất phèn tiềm tàng và đất phèn hoạt động; trong đó, đất phèn tiềm tàng phân bố tập trung nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển (58.041 ha), kế đến là huyện Năm Căn (39.249 ha) và các huyện Đầm Dơi (18.850 ha), huyện Phú Tân (16.636 ha), huyện Thới Bình (15.088 ha), huyện Trần Văn Thời (13.437 ha). Các huyện còn lại có quy mô khoảng 4.000 - 6.000 ha. Đất phèn hoạt động phân bố tập trung nhiều nhất ở huyện U Minh (30.055 ha) và huyện Thới Bình (37.684 ha), kế đến là huyện Trần Văn Thời (7.868 ha), thành phố Cà Mau (6.110 ha), huyện Đầm Dơi (1.773 ha), các huyện còn lại có quy mô rất nhỏ.

Đất bãi bồi ở huyện Ngọc Hiển.

Nhóm đất than bùn: Chỉ có một đơn vị chú dẫn bản đồ đất là đất than bùn phèn (TS) có diện tích 9.785 ha, chiếm 1,85% tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung trong khu vực rừng tràm ở phía Nam huyện U Minh (6.661 ha) và phía Bắc huyện Trần Văn Thời (3.124 ha). Hiện nay, hầu hết diện tích đất than bùn là rừng tràm, một ít diện tích là rẫy hoa màu. Vào mùa khô, than bùn rất dễ bị cháy hoặc phân hủy khá nhanh khi thiếu ẩm. Rừng tràm trên đất than bùn là một hệ sinh thái rừng úng phèn đặc thù của nước ta, vì vậy cần phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất than bùn này. Nhóm đất đỏ vàng: Chỉ có một đơn vị chú dẫn bản đồ là đất đỏ vàng trên macma axit (Fa) có diện tích 638,52 ha (chiếm 0,12% diện tích tự nhiên) phân bố chủ yếu ở 3 cụm đảo gần bờ như: Cụm đảo Hòn Khoai, cụm đảo Hòn Chuối và cụm đảo Hòn Đá Bạc. Hiện nay, phần lớn diện tích loại đất Fa ở Cà Mau là đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng, đất ở và đất chuyên dùng. Trong những khu vực đất lâm nghiệp và đất chưa sử dụng, đề nghị nên tiến hành trồng, tu bổ và bảo vệ rừng để bảo vệ đất, chống xói mòn. Nhóm đất bãi bồi: Nhóm đất này chỉ có một đơn vị chú dẫn bản đồ là đất bãi bồi có diện tích 11.213 ha (chiếm 2,16% diện tích tự nhiên), phân bố thành các dải đất kéo dài song song với mép nước biển Tây và Mũi Cà Mau (huyện Năm Căn 3.338 ha, Ngọc Hiển 8.629 ha).

camau.gov.vn

Từ khóa » Diện Tích đất Phèn ở Việt Nam