Tái Phát Hiện Bò Xám ở Quảng Bình? - VnExpress

s

Bò xám đực.

Ông Nguyễn Viết Nhung, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Bình, cho biết, con vật trên thường xuất hiện khi trời chạng vạng tối, khoảng 18h, ra ăn cỏ với đàn bò của dân và bỏ đi sau khoảng 2-3 tiếng. Con bò này to cao hơn nhiều so với bò thường, nặng khoảng 2 tấn và rất dữ. Nó đã làm chết hai con bò đực của người dân, nên bị người dân đánh bẫy, song thoát được, nên hiện đi lại cà nhắc. Các cán bộ kiểm lâm không thu được hình ảnh của nó, nhưng đã ghi lại được dấu chân và thông báo lên Cục kiểm lâm quốc gia.

Bò xám được xem là thuộc nhóm những động vật quý hiếm hàng đầu thế giới do nó là một loài thú cỡ lớn và hầu như đã biến mất. Sao la tuy cũng thuộc diện "đặc biệt nguy cấp", xong cấp độ vẫn không bằng bò xám vì còn vài cá thể sót lại trong tự nhiên. Nhiều nhà nghiên cứu thế giới đã cố gắng tìm kiếm, tái tạo ADN của bò xám với hy vọng sẽ khôi phục được sinh vật này, cho lai với bò nhà để "cách mạng hoá" các đặc điểm của bò nuôi.

Sau khi khẳng định đây là bò xám, đơn vị kiểm lâm, biên phòng và chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho người dân biết đây là một con bò quý, tiến hành các biện pháp bảo vệ và nghiêm cấm người dân săn bắt.

Tuy nhiên khi được hỏi, ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Cục Kiểm lâm, lại cho biết ông chưa hề nhận được tin nào từ ông Nhung, và cũng không có thông tin nào về một con bò quý hiếm tìm thấy tại Quảng Bình.

Còn phó giáo sư Hà Đình Đức, người từng thực hiện nhiều cuộc khảo sát bò xám tại Việt Nam, thì cho biết, 99% thông tin trên là sai. Ông cho biết từ thập niên 80, bò xám (tên khoa học là Bos sauveli) đã không còn nhìn thấy trên lãnh thổ Việt Nam, và nó gần như bị coi là tuyệt chủng trên toàn thế giới. Bò xám được các chuyên gia thế giới đánh giá là động vật hoang dã quý hiếm số một, do vậy nếu thực sự tìm thấy một cá thể của loài này tại Việt Nam, đó sẽ là một thông tin "động trời" và sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trên thế giới.

s

Bò Banteng đực, khi già có màu lông xám, dễ nhầm với bò xám.

Theo PGS. Đức, địa bàn phân bố của bò xám chủ yếu ở biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, và thường là tại Campuchia, không thể xuống sâu đến Quảng Bình như vậy. Lần trước, cũng từng có thông tin tìm thấy bò xám ở Ea Kao (Đăk Lăk), nhưng sau đó các nhà khoa học xác nhận lại rằng đó chỉ là một con bò tót. Ông Đức cho rằng có thể người dân Quảng Bình đã nhầm bò xám với con bò rừng banteng, vì bò rừng banteng bình thường có màu lông vàng, nhưng con đực khi già màu lông cũng trở nên xám.

PGS. Đức cho biết có hai cách phân biệt bò xám dễ dàng: Thứ nhất, bò xám đực có da ở cổ thõng xuống (yếm) giống như bò nhà. Trong khi đó, hai loài bò rừng khác ở nước ta là bò rừng banteng và bò tót (con min) đều không có yếm, mà cổ tròn như cổ trâu. Bò xám cái có yếm nhưng ngắn.

Cũng có thể phân biệt bằng sừng: Sừng của bò xám đực khuỳnh rộng, ở đầu sừng hơi vặn vỏ đỗ, đầu sừng có tua (xơ xác), bò cái có sừng như đàn lia. Bò banteng có sừng cong bình thường, còn bò tót sừng cũng khuỳnh cong, nhưng không vặn vỏ đỗ, và gốc sừng to hơn của bò xám.

Tiến sĩ Bùi Xuân Nguyên, Trưởng phòng sinh học sinh sản và phát triển, Viện Công nghệ sinh học, cho biết, con bò xám cuối cùng ở Việt Nam được một người dân bắt tại miền Nam vào năm 1937, khi đó nó chỉ là một con bê. Người này đã mang con vật lên tàu sang Pháp. Tại đây, con vật được giữ làm tiêu bản ở Paris, và một nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu ADN của sinh vật này.

Thuận An

 

Từ khóa » Bò Xám Tuyệt Chủng