Tài Sản Riêng Của Vợ Chồng - Văn Phòng Luật Sư Quang Thái

Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định:

“1. Vợ chồng có quyền có tài sản riêng.

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.

2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”.

1. Xác định tài sản riêng

Từ quy định nói trên có thể xác định những trường hợp sau đây được coi là tài sản riêng:

- Tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn;

- Tài sản được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân ;

- Tài sản được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;

- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29, Điều 30 của Luật này;

- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người cũng được công nhận là tài sản riêng;

- Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài chung là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác.

- Đồ dùng tư trang cá nhân.

Qua nghiên cứu khoản 2 Điều 32; khoản 1, 4, 5 Điều 33, Điều 99 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thấy rằng:

Tất cả các tài sản đã được xác định là tài sản riêng của mỗi bên kể cả nhà đất (Điều 99), dù có đưa vào sử dụng chung (nhưng mỗi tài sản đó vẫn đang tồn tại độc lập) nếu không có chứng cứ về việc có sự thoả thuận nhập vào khối tài sản chung thì vẫn phải công nhận đó là tài sản riêng.

Trong trường hợp có đưa vào sử dụng chung thì Toà án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định phần vợ chồng bảo dưỡng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp làm thêm trong thời kỳ hôn nhân làm tăng giá trị tài sản, duy trì giá trị tài sản là tài sản chung vợ chồng. Tuy nhiên, “tài sản riêng của vợ chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng” (khoản 5 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Như vậy, trong trường hợp này việc định đoạt tài sản riêng đã bị hạn chế.

2. Các quy định về tài sản riêng nêu ở trên có áp dụng cho các trường hợp vợ chồng kết hôn từ trước ngày 3-1-1987 hay không?

Có ý kiến cho rằng nếu một bên có tài sản từ trước khi kết hôn, được tặng cho, được hưởng thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, dù việc tặng cho đó diễn ra từ trước hay sau ngày 3-1-1987, nhưng căn cứ vào Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 phải xác định đó là tài sản riêng của họ.

Quan điểm nói trên là không đúng đối với trường hợp một bên vợ hoặc chồng có tài sản từ trước khi kết hôn, một bên được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, mà việc tặng cho này diễn ra trước ngày 3-1-1987 thì tài sản có trước khi kết hôn đem về, tài sản được tặng cho riêng đều là tài sản chung của vợ chồng , bởi các căn cứ sau đây:

- Các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không có hiệu lực hồi tố.

- Các trường hợp nêu trên phải áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959  đã quy định: “vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Bằng quy định này thì tài sản một bên có trước khi kết hôn, được tặng cho, thừa kế riêng sẽ đương nhiên được chuyển hóa thành tài sản chung. Quan hệ tài sản chung được xác lập theo quy định của pháp luật ngay sau khi cưới. Đây là trường hợp tài sản chung vợ chồng được hình thành theo pháp định.

Khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1987, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định vợ chồng có quyền có tài sản riêng, thì chỉ những tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng… từ ngày 3-1-1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1987 có hiệu lực) trở về sau này mới là tài sản riêng của người đó, còn các tài sản riêng có trước ngày 3-1-1987 trở về trước, đã được Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 (Điều 15) xác lập là tài sản chung, thì sẽ không có gì thay đổi về tính chất, nên không có việc xem xét lại nguồn gốc tài sản, xác định lại tính chất riêng, chung của tài sản đó.

Tuy nhiên, dù tài sản riêng có trước ngày 3/01/1987 nếu vợ chồng đều thống nhất là tài sản riêng của bên đó, thì sự thỏa thuận thống nhất này không trái pháp luật, khi xét xử Tòa án xác định là tài sản riêng, trừ trường hợp sự thỏa thuận nhằm trốn tránh pháp luật, sẽ không được công nhận.

Từ khóa » Hoa Lợi Lợi Tức Phát Sinh Từ Tài Sản Riêng Trong Thời Kỳ Hôn Nhân Là Tài Sản Chung Của Vợ Chồng