Tại Sao Huyết Thanh Kháng Nọc Rắn độc Lại Khan Hiếm?

Mới đây, trường hợp tử vong của bé gái 4 tuổi ở Phú Yên sau 5 ngày bị rắn cạp nia cắn do không có huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này càng khiến nhiều người trăn trở.

Thuốc hiếm cần cho bệnh nhân

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, rắn cạp nia cắn là một trong những loại rắn độc nhất hiện nay.

Những bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn để lại di chứng rất nặng nề, liệt toàn thân, người bệnh rơi vào suy hô hấp phải thở máy từ 2 tuần đến 1 tháng, trong thời gian đó bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng như tai biến, nhiễm trùng… có thể dẫn tới tử vong. Nếu khỏi bệnh, sau khi ra viện, người bệnh cũng có thể mất khả năng lao động …

Biện pháp tối ưu nhất để điều trị rắn cạp nia cắn là sử dụng huyết thanh kháng độc, bệnh nhân sẽ phục hồi rất nhanh.

Đối với BV Bạch Mai, là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt, tập trung nhiều chuyên gia giỏi, các trường hợp rắn cạp nia cắn khi đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc đều được điều trị bằng các biện pháp hồi sức cơ bản như thở máy, sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng, chống loét, các biện pháp phục hồi hô hấp cho người bệnh….

Nếu điều trị tốt người bệnh dần hồi phục nhưng thời gian phục hồi rất chậm, kéo dài, kinh phí điều trị tốn kém. Do vậy, huyết thanh kháng độc rắn rất cần thiết cho bệnh viện tuyến dưới và cả tuyến trên nhằm tiết kiệm chi phí điều trị.

Tuy nhiên, hiện nay các loại thuốc giải độc không có nhiều về chủng loại, việc xuất hiện trên thị trường ít, do vậy người bệnh khó tiếp cận được.

Chuyên gia chống độc lý giải nguyên nhân "huyết thanh kháng nọc rắn độc khan hiếm" - Ảnh 1.

Sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn là biện pháp điều trị rắn độc cắn hiệu quả nhất.

Vì sao huyết thanh kháng độc rắn khan hiếm?

Đây là loại thuốc giải độc cần nhiều hoạt chất hiếm, giá thành cao, không được sử dụng thường xuyên, không được phổ cập rộng, lợi nhuận không có khiến nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà nhập khẩu.

Do vậy với loại thuốc này cần phải có cơ chế đặc biệt, nhà nước phải hỗ trợ để mua thuốc về phân phối cho các bệnh viện, người bệnh mới có cơ hội tiếp cận loại thuốc đó chứ không thể để các cơ sở y tế tự xoay sở.

Việt Nam tự hào là một trong hai nước đầu tiên trên thế giới, huyết thanh kháng độc rắn cực độc được đưa vào sử dụng trên người.

Sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn hoàn toàn trong tầm tay của các nhà khoa học nước ta và thực tế trong nhiều năm nay huyết thanh kháng độc rắn sản xuất tại Việt Nam cho kết quả rất tốt, an toàn, kinh phí thấp.

Để chuyển từ sản phẩm nghiên cứu sang sản phẩm thương mại còn gặp nhiều khó khăn, do cơ chế, kinh phí để duy trì, vận hành đều đặn dây chuyền sản xuất cũng là bài toán lớn.

Hiện nay Bộ Y tế đã có quyết định xây dựng kho thuốc hiếm cho rất nhiều các loại bệnh không riêng gì bệnh nhân ngộ độc, hy vọng kế hoạch này sẽ sớm được triển khai để người bệnh sớm được tiếp cận các loại thuốc tốt nhất.

TS Nguyễn Trung Nguyên cung cấp thêm thông tin, đề tài nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang phối hợp với BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy cùng nhiều đơn vị khác đang được triển khai, hy vọng đề tài sớm được thông qua, huyết thanh nghiên cứu có hiệu quả tốt và sớm đi vào sản xuất đại trà để phục vụ người bệnh.

Cách sơ cứu khi bị rắn cắn?

TS. BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, vào thời điểm mùa mưa bệnh nhân nhập viện do rắn độc cắn rất nhiều. Nhiều trường hợp sơ cứu không đúng cách, khiến bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, thậm chí bị tử vong. Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết.

Các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn:

- Trấn an người bệnh.

- Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa…), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn.

- Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển nhanh nhất, an toàn nhất.

Lưu ý: Không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, thuốc lá để đắp hút nọc độc vì có thể gây nhiễm trùng. Các biện pháp như trích, rạch, trâm, chọc tại vùng vết cắn cũng không được khuyến cáo sử dụng vì không có hiệu quả.

Từ khóa » Gỗ Sơn Huyết Có Mấy Loại