Tại Sao Lại Có Tới 6 đền Trần Cùng Khai, Phát ấn?

Đền Kiếp Bạc thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương thờ đức thánh Trần Hưng Đạo là di tích quan trọng thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc . Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc thường được gọi tên là “Lễ hội mùa Thu” diễn ra từ ngày 16/8 âm lịch (là ngày giỗ Nguyễn Trãi) tới ngày 20/8 âm lịch (ngày giỗ Trần Hưng Đạo) với rất nhiều hoạt động phong phú trong đó có nghi thức khai và ban ấn đền Kiếp Bạc.

Ở đền Kiếp Bạc hiện có 4 ấn bằng đồng. Người cao tuổi địa phương cho rằng, đây là những ấn có từ khi mới lập đền. Ấn thứ nhất hình vuông, kích thước 10 x 10 cm, có khắc 7 chữ “Trần triều Hưng Đạo Vương chi ấn”, nghĩa là ấn của Hưng Đạo Vương triều Trần. Ấn này là vua Trần ban cho Hưng Đạo Vương quyền được thay vua phong tước cho các tướng nhưng ông chưa từng phong tước cho ai. Ấn thứ hai hình vuông, kích thước 5,5 x 5,5 cm trên ấn khắc 4 chữ “Quốc Pháp Đại Vương”. Ấn thứ ba cũng hình vuông, kích thước 4,3 x 4,3 cm trên khắc 4 chữ “Vạn Dược Linh Phù”. Ấn thứ tư hình chữ nhật, kích thước 5,2 x 7,8 cm, khắc 6 chữ “Phi Thiên Thần Kiếm Linh Phù”.

Phát ấn ở đền Kiếp Bạc - Hải Dương. Ảnh: TL.
Phát ấn ở đền Kiếp Bạc - Hải Dương. Ảnh: TL.

Theo phong tục, cứ đúng 23h ngày 16/9 (tức ngày 16/8) tại nội tự đền Kiếp Bạc, Ban tổ chức sẽ tiến hành lễ hai ấn và ban ấn. Nghi thức khai, ban ấn từng được duy trì đến những năm 1954 -1955, sau đó chấm dứt vì người ta cho rằng nó mang nhiều yếu tố mê tín dị đoan. Tuy vậy, với quyết tâm khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nên năm 2006 tỉnh Hải Dương đã cho phục dựng lại nghi thức này. Ấn ở đền Kiếp Bạc ban cho người dân đều đóng đủ 4 dấu ấn kể trên. Năm 2016, Ban tổ chức đã phải chuẩn bị tới 40.000 lá ấn mới đủ phát cho người dân và du khách thập phương.

Đền Trần Thương thuộc xã Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam được xem là nơi đức Trần Hưng Đạo cho đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương. Đền Trần Thương đã được xếp hạng là di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1989.

Đền Trần Thương mở hội hàng năm vào 18 đến 20 tháng 8 (âm lịch), thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo nhằm tưởng nhớ vị anh hùng đã có nhiều công lao trong lịch sử. Đặc biệt, vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hàng năm, ở đây còn còn tục mở Lễ phát lương ban lộc đầu năm của Đức Thánh Trần cho nhân dân và khách thập phương. Trong túi lương sẽ có một tờ ấn dạng in dấu của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và 5 loại nông sản địa phương gồm: hạt thóc tẻ, thóc nếp, ngô, đỗ tương, đỗ đỏ.

Người dân đến xin túi lương ở Lễ hội đền Trần Thương. Ảnh: TL.
Người dân đến xin túi lương ở Lễ hội đền Trần Thương. Ảnh: TL.

Theo lãnh đạo địa phương, đền Trần Thương hiện còn lưu giữ 5 dấu cổ đang để trong hòm kín và là ấn của Hưng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, không phải của vua Trần. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, ý nghĩa của việc phát lương tại lễ hội Trần Thương là “đầu năm chúc mọi người may mắn, làm ăn phát đạt”. Năm nay, Ban tổ chức đã chuẩn bị 15 vạn túi lương để phát cho người dân và du khách.

Đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, TP. Nam Định thờ anh hùng Trần Hưng Đạo và 14 vị vua nhà Trần. Nhắc đến đền Trần người dân thường nghĩ ngay đến Lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra vào giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng hàng năm.

Theo một số sách sử, Lễ khai ấn đầu tiên được bắt đầu vào thời đại nhà Trần vào khoảng thế kỷ thứ XIII, theo sử sách có ghi lại là vào những năm 1239. Đây chính là nghi lễ tế tổ tiên của dòng họ nhà Trần. Tại Phủ Thiên Trường, vua nhà Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những vị quan có công với triều đình. Sau đó, đến những năm chống giặc Mông lễ hội bị gián đoạn, không được tổ chức. Đến năm 1269 mới được Trần Thánh Tông mở lễ lại.

 Các cụ cao niên tiến hành nghi thức khai ấn ở đền Trần - Nam Định. Ảnh: TL.

Các cụ cao niên tiến hành nghi thức khai ấn ở đền Trần - Nam Định. Ảnh: TL.

Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”.

Theo thông lệ, trước khi lễ khai ấn được tổ chức, vào ngày mồng 2 tháng Giêng, những vị có chức trách trong lễ hội đền Trần sẽ thực hiện nghi lễ xin mở ấn để in các lá ấn phục vụ lễ khai ấn. Sau khi lễ khai ấn được thực hiện bởi 14 cụ cao niên thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng) kết thúc, khách thập phương vào đền Thiên Trường để tế lễ, xin lá ấn với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài. Hàng năm, lễ hội này thu hút rất đông người dân và du khách thập phương về dự hội, xin ấn.

Được biết, năm nay, lễ phát ấn đền Trần sẽ bắt đầu từ lúc 5h ngày 15 tháng Giêng, tại khu vực nhà Giải Vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa. Từ 7h ngày 16 sẽ tiếp tục phát ấn cho đến khi hết. Ban Tổ chức lễ hội dự kiến chuẩn bị số lượng ấn đáp ứng nhu cầu của nhân dân, du khách.

Đền Trần - Hưng Hà thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Theo sử sách, sau mỗi lần chiến thắng quân Nguyên Mông, các cuộc chặn đánh quân Chiêm Thành bảo vệ biên ải phía Nam thắng lợi, các vua Trần đều về mảnh đất Long Hưng xưa (nay là huyện Hưng Hà) làm lễ cáo yết tổ tiên, báo tiệp chiến thắng. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái Tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và một phần ngọc cốt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Hình ảnh lễ rước trong lễ hội đền Trần - Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: TL.
Hình ảnh lễ rước trong lễ hội đền Trần - Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: TL.

Lễ hội đền Trần - Hưng Hà bắt đầu từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Năm 2014, lễ hội Đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như: lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, cờ biển, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ...

Đặc biệt, ở đền Trần - Thái Bình cũng tổ chức khai ấn và phát ấn như một số đền thờ nhà Trần khác. Theo đó, vào 12h của ngày 13 tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ tiến hành khai ấn và phát ấn cho người dân. Chữ trên ấn đền Trần- Hưng Hà là “Thượng nguyên Chu thị”. Cách thức khai và phát ấn ở đây cũng giống như đền Trần ở Nam Định đó là đóng trên giấy vàng và phát cho người dân khi đến đây hành lễ.

Tuy nhiên, theo thông tin mới đây thì năm nay Lễ hội đền Trần – Hưng Hà không tiến hành khai ấn như mọi năm. Đại diện Ban tổ chức Lễ hội đền Trần cho biết, vừa qua Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về đã đề nghị dừng hoạt động khai ấn để nghiên cứu thêm.

Ngoài 4 ngôi đền trên còn có 2 ngôi đền khác thờ anh hùng Trần Hưng Đạo và nhà Trần cũng có nghi thức khai, phát ấn.

Cảnh vui mừng của người dân khi xin được ấn ở đền Trần - Thanh Hoá. Ảnh: TL.
Cảnh vui mừng của người dân khi xin được ấn ở đền Trần - Thanh Hoá. Ảnh: TL.

Đó là đền Trần thuộc làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung , Thanh Hóa cũng có nghi thức khai và phát ấn. Theo đó, đền Trần ở đây cũng thờ đức thánh Trần Hưng Đạo và Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 14 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong khuôn khổ lễ hội có nghi thức thức khai ấn diễn ra vào đêm 14, rạng ngày 15. Nghi thức này bắt đầu diễn ra tại ngôi đền này từ năm 2010.

Đại diện Ban tổ chức Lễ hội đền Trần ở đây cho biết, năm nay Ban tổ chức sẽ phát gần 10 nghìn lá ấn để phục vụ nhân dân và du khách thập phương đến dự lễ “Ban lộc đầu xuân” trong đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng giêng. Phần lễ chính của lễ khai ấn được sự hỗ trợ của Giáo hội Phật giáo và các nhà sư từ TP.HCM thực hiện theo đúng nghi lễ truyền thống và diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ trước giờ khai ấn.

đền Kiếp Bạc thờ đức thánh Trần Hưng Đạo ở tổ 3, phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang cũng có lễ khai ấn tổ chức vào ngày 15 tháng Giếng. Lễ khai ấn ở đây gồm 4 phần: Lễ rước cánh Ấn từ trụ sở UBND phường Tân Quang về đền Kiếp Bạc, lễ đón nhận cánh Ấn đền Trần tại đền Kiếp Bạc, lễ tế dâng hương và lễ trao cánh Ấn. Một điều rất có ý nghĩa là trong nội dung lá ấn còn có dòng chữ “Tích phúc vô cương”, chữ “tích” ở đây có nghĩa là ban cho, ai nhận được ấn lộc đầu xuân nghĩa là được vua ban cho mọi điều phúc lành. Theo nhiều người dân, năm nào những cánh Ấn tại Lễ hội khai ấn đền Kiếp Bạc cũng hết từ sớm bởi số lượng người đến xin ấn rất đông.

Theo TS Nguyễn Hồng Kiên - Viện Khảo cổ học Việt Nam thì có thể thấy việc hầu hết các lễ khai ấn ở các đền thờ anh hùng Trần Hưng Đạo hoặc nhà Trần hiện nay đều nhằm mục đích muốn “chia lửa” vì việc khai ấn ở đền Trần - Nam Định quá thành công về mặt thương mại. TS Kiên cho rằng, không có sử sách hay dấu tích khảo cổ nào chứng minh được những ngôi đền trên từng có tiền lệ khai ấn. Và vì thế, tất cả các lễ khai ấn hiện nay đều không có ý nghĩa về mặt văn hoá mà chỉ có mục đích thương mại.

PGS.TS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, ấn ở mỗi đền Trần đều có một ý nghĩa khác. Vậy tại sao lại căng thẳng chuyện 6 đền cùng khai ấn. Tôi là người phục dựng khai ấn ở đền Côn Sơn - Kiếp Bạc và tôi khẳng định ấn ở đó chỉ có chức năng xin chữ bệnh. Thực ra, cái đó tạo thành bản sắc đấy. Một lễ hội mà không có bản sắc thì không ai người ta đến. Thêm nữa, việc khai ấn còn giúp thu hút một lượng lớn khách du lịch, không gây ảnh hưởng gì đến an ninh - văn hoá quốc gia cả.

“Chúng ta, mỗi người góp một chút để bảo vệ tài lực di sản, cái đó là một thái độ văn minh. Trong học thuật có từ gọi là tính xác thực của di sản, của văn hoá. Các anh bên lịch sử thì không quan tâm đến vấn đề này. Tôi cho rằng, lịch sử là câu chuyện khác với văn hoá. Văn hoá không cần phải chính xác. Đúng ra, quan điểm của Đảng và Nhà nước là anh có vốn văn hoá, anh phải phát huy thành vốn kinh tế. Khi Nhà nước không bao cấp cho anh nữa, khi anh có ngôi đền rồi, có vị thần rồi... anh làm thế nào để khách du lịch đến đây với anh.

Cái đó chúng ta phải động viên mới đúng. Chúng ta không nên nhân danh nhà nọ, nhà kia để phê phán... là sai lệch văn hoá. Điều này không không làm ảnh hưởng đến ai vậy thì sao lại bị lên án. Chúng ta nên nhớ, không chỉ có tiền nhân mới được sáng tạo văn hoá mà chúng ta ngày nay cũng phải có trách nhiệm sáng tạo văn hoá”, PGS Thắng nói.

Hà Tùng Long

Từ khóa » Các đền Thờ Nhà Trần