Tại Sao Mang Thai Mà Vẫn Có Kinh Nguyệt? - Suckhoe123

Nội dung chính của bài viết:

  • Bạn không thể nào có kinh nguyệt một khi đã mang thai. Tuy nhiên, mẹ bầu trong 3 tháng đầu có thể gặp các triệu chứng tương tự như kinh nguyệt như: Chảy máu âm đạo (lượng máu rất ít), hơi đau bụng, đau lưng, mệt mỏi, cáu gắt,...
  • Nhiều phụ nữ gặp hiện tượng ra máu trong những tháng đầu của thai kỳ nhưng đây không phải là kinh nguyệt. Lượng máu chảy ra thường rất ít, chỉ nhỏ giọt và có màu hồng hoặc nâu.
  • Một số nguyên nhân gây nên hiện tượng này gồm có: máu báo thai, những thay đổi ở cổ tử cung, nhiễm trùng, thai ngoài tử cung, dấu hiệu sớm của sảy thai.
  • Hiện tượng ra máu sau ba tháng đầu tiên thường là dấu hiệu của những vấn đề bất thường cần can thiệp khẩn cấp.
  • Rất khó để xác định liệu hiện tượng ra máu trong thời gian mang bầu có phải là dấu hiệu của vấn đề nào nghiêm trọng hay không. Do đó, dù đang ở thời điểm nào của thai kỳ và phát hiện thấy chảy máu âm đạo thì đều phải đến gặp bác sĩ ngay.

Mang thai còn có thể có kinh nguyệt không?

mang thai nhung van co kinh nguyet1
Khi mang thai còn còn có kinh nguyệt không?

Câu trả lời là không. Bạn không thể nào có kinh nguyệt một khi đã mang thai.

Nhiều phụ nữ gặp hiện tượng ra máu trong những tháng đầu của thai kỳ nhưng đây không phải là kinh nguyệt. Lượng máu chảy ra thường rất ít, chỉ nhỏ giọt và có màu hồng hoặc nâu.

Nếu bị ra một lượng máu lớn, đủ nhiều để phải dùng băng vệ sinh hay tampon thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không hề có thai. Còn nếu đã thử thai, có kết quả dương tính và bị chảy máu nhiều thì cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Ra máu trong thai kỳ và máu kinh nguyệt

Kinh nguyệt là hiện tượng ra máu xảy ra vào mỗi tháng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hàng tháng, lớp niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho trứng “làm tổ”. Một quả trứng sẽ được phóng đi từ buồng trứng. Nếu gặp được tinh trùng thì trứng sẽ được thụ tinh rồi bám vào niêm mạc tử cung và phát triển thành bào thai. Khi trứng không được thụ tinh thì sẽ đi ra khỏi tử cung, qua âm đạo cùng với lớp niêm mạc tử cung bong ra và một lượng máu nhỏ, tạo nên hiện tượng hành kinh.

Vào 1 – 2 ngày đầu có kinh nguyệt thì lượng máu thường ít, sau đó nhiều lên và có màu đậm hơn. Càng về cuối kỳ kinh thì lượng máu càng ít và nhạt màu.

Kinh nguyệt chỉ xảy ra khi không mang thai và mội khi trứng được thụ tinh và bắt đầu thai kỳ thì phụ nữ sẽ không còn có kinh nguyệt nữa. Nhưng thực tế thì nhiều phụ nữ vẫn gặp hiện tượng chảy máu âm đạo khi đã mang thai. Hiện tượng này không phải là kinh nguyệt mà là do một số nguyên nhân khác nhau gây nên.

Tùy vào thời điểm bị ra máu mà đây có thể là dấu hiệu bình thường hoặc không bình thường. Nhiều người vẫn sinh con khỏe mạnh dù bị ra máu trong 3 tháng đầu. Nhưng dù sao, ra máu trong thai kỳ vẫn là một dấu hiệu cần cẩn thận nên nếu gặp phải thì cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Nguyên nhân gây ra máu trong ba tháng đầu

Có khoảng 15 đến 25% phụ nữ có hiện tượng ra máu nhỏ giọt trong thời kỳ đầu mang thai. Một số nguyên nhân gây nên hiện tượng này gồm có:

  • Máu báo thai (trứng được thụ tinh đã bám vào thành tử cung)
  • Những thay đổi ở cổ tử cung
  • Nhiễm trùng
  • Thai trứng (sự hình thành khối mô bất thường thay vì bào thai sau thụ tinh)
  • Thai ngoài tử cung (trứng sau thụ tinh làm tổ ở bên ngoài tử cung)
  • Dấu hiệu sớm của sảy thai

Máu báo thai

Máu báo thai là hiện tượng chảy máu xảy ra khi trứng được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung, thường là quanh khoảng thời gian dự kiến bắt đầu có kinh nguyệt. Tại thời điểm này, nhiều phụ nữ thường chưa thử thai.

Hiện tượng này có thể khi bị nhầm là kinh nguyệt nhưng lượng máu ít hơn nhiều, đa phần chỉ ra nhỏ giọt.

Ngay sau khi mang thai, phụ nữ cũng có thể gặp hiện tượng ra máu nhỏ giọt do những thay đổi ở cổ tử cung. Đa phần thì đây không phải là dấu hiệu đáng lo ngại, trừ khi bị nhiễm trùng.

Nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra máu trong thai kỳ còn có:

  • Nhiễm trùng
  • Thai ngoài tử cung
  • Thai trứng
  • Sảy thai

Ngoài hiện tượng chảy máu âm đạo, những vấn đề này còn có một số dấu hiệu khác như:

  • Co thắt, đau bụng dữ dội
  • Đau hoặc mỏi lưng
  • Choáng váng hoặc ngất xỉu
  • Mệt mỏi
  • Đau vai
  • Sốt
  • Thay đổi dịch tiết âm đạo (khí hư)
  • Buồn nôn và nôn ói không kiểm soát được

Khi có những vấn đề này thì mức độ ra máu cũng nhiều hơn chứ không chỉ nhỏ giọt giống như kinh nguyệt bình thường.

Nguyên nhân gây ra máu trong các tháng sau

Nguyên nhân gây ra máu khi có kinh nguyệt
Hiện tượng ra máu sau ba tháng đầu tiên thường là dấu hiệu của những vấn đề bất thường cần can thiệp khẩn cấp.

Hiện tượng ra máu sau ba tháng đầu tiên thường là dấu hiệu của những vấn đề bất thường cần can thiệp khẩn cấp. Khi bị ra máu trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, dù là nhiều hay ít, có các triệu chứng khác hay không thì đều phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Các nguyên nhân phổ biến gây chảy máu trong những tháng sau của thai kỳ gồm có:

  • Sinh non hoặc giãn cổ tử cung
  • Sảy thai
  • Nhau tiền đạo
  • Nhau bong non
  • Vỡ tử cung (hiếm gặp)
  • Mạch máu tiền đạo (hiếm gặp)

Sinh non

Sinh non là khi thai nhi chào đời khi chưa đủ 37 tuần. Trước khi chuyển dạ sinh non, một số mẹ bầu gặp phải các triệu chứng tương tự như kinh nguyệt và một lượng lớn dịch nhầy.

Ngoài ra, các dấu hiệu khác của chuyển dạ sinh non còn có:

  • Đau lưng
  • Cảm giác tức nặng ở bụng dưới
  • Thay đổi dịch tiết âm đạo

Nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo là tình trạng xảy ra khi nhau thai bám ở vị trí quá thấp trong tử cung và rất gần, hoặc che phủ cổ tử cung. Mức độ ra máu khi bị nhau tiền đạo ở mỗi người là khác nhau nhưng thường không đi kèm các triệu chứng khác. Nhau tiền đạo gây cản trở thai nhi chui ra ngoài và có thể phải mổ lấy thai.

Nhau bong non

Nhau bong non là vấn đề thường xảy ra trong vài tháng cuối của thai kỳ. Đây là tình trạng mà nhau thai tách ra khỏi tử cung, thường gây chảy máu nặng và đau bụng dữ dội. Một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như cao huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ bị nhau bong non.

Vỡ tử cung

Vỡ tử cung có nghĩa là cơ tử cung tách ra hoặc rách. Vấn đề này xảy ra phổ biến nhất ở những phụ nữ đã từng sinh mổ trước đây. Tử cung thường bị rách dọc theo vết sẹo cũ. Điều này sẽ gây chảy máu ồ ạt.

Còn nhiều vấn đề xảy ra ở giai đoạn sau của thai kỳ cũng gây hiện tượng ra máu và các triệu chứng khác tương tự như kinh nguyệt. Tuy nhiên, đây đều không phải là kinh nguyệt.

Hỏi đáp

Sau khi quan hệ, sớm nhất là khi nào thì tôi có thể thử thai?

Các phương pháp thử thai tại nhà đều đo nồng độ của hCG (human chorionic gonadotropin) trong nước tiểu. Lượng hormone này trong nước tiểu thấp hơn so với ở trong máu, do đó các phương pháp thử nước tiểu ví dụ như que thử thai có thể sẽ cho kết quả không chính xác nếu thực hiện quá sớm. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của phương pháp thử thai tại nhà, ví dụ như loại que thử, độ dài chu kỳ kinh nguyệt, sự can thiệp của các bệnh lý hay phương pháp điều trị khác... Thời điểm tốt nhất để thử thai tại nhà là sau khi trễ kỳ kinh nguyệt hàng tháng được khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, ngay cả khi thử vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt thì nhiều phụ nữ vẫn nhận được kết quả âm tính dù đã thật sự mang bầu. Mặt khác, trong một số trường hợp, que thử lại cho kết quả dương tính dù thử trước ngày dự kiến có kinh nguyệt ​​nhưng điều này không phổ biến.

Từ khóa » Có Bầu Có Xuất Hiện Kinh Nguyệt Không