Tại Sao Phim Hoạt Hình Chú Chó Nhút Nhát Courage Lại đáng Sợ đến ...

Chúng tôi xin tạm dừng chương trình để giới thiệu Cau Rít chú chó nhút nhát. Diễn viên chính Cau Rít nó bị bỏ rơi từ bé và được Mu Ri Âu nhặt về. Bà sống ở cùng chồng là Iu Trít Béc nhưng ở đồng hoang có rất nhiều chuyện đáng sợ, trách nhiệm của Cau Rít là cứu mái ấm mới của mình.

– Iu Trít Béc:” con chó ngốc nghếch mày làm xấu mặt tao Lew lew Lew lew nè”

– Cau Rít:” Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh”

Chắc các bạn vẫn còn nhớ bộ phim hoạt hình “kinh dị” Courage chú chó nhút nhát được chiếu trên Cartoon Network vào mỗi buổi tối chứ. Phong cách hoạt hình đa dạng, âm nhạc rùng rợn và những nhân vật có chiều sâu siêu thực, cốt truyện kỳ ​​lạ khiến cho bộ phim có gì đó… khó hiểu giành cho các khán giả nhí. Bởi vì những yếu tố như trên, bộ phim khiến cho nhiều thế hệ trẻ như mình phải khiếp sợ. Nhưng có phải bộ phim đáng sợ chỉ bởi vì nhà sản xuất muốn hù dọa đám trẻ con? Mình không nghĩ vậy, bộ phim không chỉ khiến mình mất ngủ vì sợ mà còn là vì những ý nghĩa, bài học đằng sau nó nữa. Một trong những bài học đó là: Nỗi sợ có thể cứu sống và cũng có thể giết chết chúng ta.

Show truyền hình Chú chó nhút nhát Courage nói về chú chó tên Courage (tạm dịch là Dũng Cảm) sống chung với hai vợ chồng nông dân già Eustace và Muriel, họ sống trong căn nhà gỗ trên một sa mạc nhỏ của vùng nông thôn Kansas, Hoa Kỳ. Gia đình này hay bị ma quỷ, quái vật quấy phá và chú chó Courage lúc nào cũng là người phải tìm đủ mọi cách chống lại bọn chúng để cứu chủ mình. Khác với những show truyền hình tuổi thơ xinh xắn, đáng yêu chúng ta thường xem trên Cartoon Network thì bộ phim rõ ràng đã đi rất xa để khiến khán giả trẻ sợ hãi. Cho dù đó là nhại lại những bộ phim kinh dị như The Exorcist hay tự mình sáng tạo ra nỗi kinh hoàng như con gà ba đầu báo thù từ ngoài không gian, nhà sản xuất thực sự đã tìm mọi cách để đảm bảo mang lại cho chúng ta nỗi sợ hãi thời thơ ấu khó quên.

Courage chứng kiến cảnh cha mẹ mình bị phóng lên vũ trụ

Lý do bộ phim gây được tiếng vang lớn có liên quan đến nhân vật chính: Courage. Nếu để ý, hình tượng Courage là một bản sao hoàn hảo đến kỳ lạ cho tâm lý của một đứa trẻ. Là một chú chó nhỏ màu hồng tía, về thể chất, nó lùn và nhỏ hơn nhiều so với thế giới xung quanh và với vốn hiểu biết rất hạn chế về mọi thứ khiến phần lớn mọi thứ xung quanh trông khá đáng sợ. Điều này cũng chính là lý do tại sao trẻ nhỏ rất dễ sợ hãi. Bộ não kém phát triển của chúng và gần như không có kinh nghiệm quá khứ để rút ra khiến trẻ con không thể đánh giá chính xác mối đe dọa bên ngoài gây ra. Kết quả là, những thứ hoàn toàn vô hại cũng có thể trở nên đáng sợ.

Cũng giống như trẻ nhỏ, Courage khó mà có thể diễn đạt nỗi sợ của mình cho người lớn, khiến cho ông Eustace hay cáo gắt và bà Muriel tốt bụng cũng ít khi hiểu được nỗi lòng của Courage. Vì vậy, chú chó bị bỏ lại để đối phó với những nỗi sợ hãi của chính mình mà dường như không ai hiểu được – giống như một đứa trẻ không thể hiểu tại sao cha mẹ của nó nhất quyết bắt nó đi ngủ khi RÕ RÀNG có con quái vật dười gầm giường. Việc suy nghĩ hình tượng Courage là một đứa trẻ khiến chúng ta càng đau lòng hơn khi biết được Courage phải chứng kiến cảnh cha mẹ mình bị phóng lên vũ trụ bởi một tên bác sĩ thú y loạn trí. Những sang chấn tâm lý nặng đến vậy thường sẽ khiến cho đứa trẻ mất đi cảm giác được che chở, khiến cho chúng luôn sợ hãi điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến. Ở trường hợp của Courage, chú chó đã bị một hội chứng có tên gọi là Hội chứng lo lắng bị xa cách (Seperation Anxiety), chú luôn hoảng loạn mỗi khi không thấy bà Muriel và luôn luôn lo lắng cho sự an toàn của bà, sợ rằng bà sẽ ra đi giống như cha mẹ của chú.

Hầu hết trong các tập phim, Courage thường lo lắng vào điều mà chả ai thèm bận tâm. Trong tập “Heads of Beef”, Courage tin rằng cửa hàng bánh mì kẹp thịt mới trong thị trấn đang bí mật giết khách hàng của mình để sử dụng họ làm thịt. Sau khi hoảng sợ và đánh bất tỉnh chủ quán trong nỗ lực giải cứu Eustace, Courage phát hiện chú đã hoàn toàn sai lầm. Tâm trí của chú đã bị hun đúc bởi những trải nghiệm trong quá khứ đến mức chú luôn sống trong nỗi sợ hãi không cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có đôi lúc nhờ vào tính cẩn thận thái quá của Courage (cũng tại gia đình Muriel sống ở nơi khỉ ho cò gáy đầy gẫy người ngoài hành tinh, quái vật nữa) mà chú chó đã cứu được gia đình mình. Nhiều người thắc mắc về tên của bộ phim, chú chó nhút nhát nhưng tên của chú lại được dịch ra là Dũng Cảm. Thật ra chú chó “nhút nhát” để luôn luôn lo lắng cho mọi người xung quanh, nhưng lại đủ “dũng cảm” để vượt qua nỗi sợ mình và bảo vệ người khác. Điều này giúp cho Courage trở thành một anh hùng thật sự trong bộ phim.

Qua cách thể hiện Courage là một vị anh hào chuyên cứu rỗi người khác đã giúp cho những bộ não trẻ con chúng ta nhận ra rằng cảm xúc không phải là một điểm yếu mà rất có ích. Đúng hơn, cảm xúc là một phần tự nhiên và cần thiết của cuộc sống, là chìa khóa để giúp chúng ta an toàn. Điều này còn được nhà sản xuất nhấn mạnh hơn khi có thêm một nhân vật được gọi đơn giản là “Máy tính”, một AI nói nhiều, khó ưa sống bên trong máy tính của Courage. Đặc biệt, Máy tính rất ghét cái ý tưởng về cảm xúc nói chung và sợ hãi nói riêng, nó tự cho mình là cỗ máy lạnh lùng, tính toán. Khi một cơn bão lớn cho phép nó kiểm soát cơ thể của Muriel, nó sử dụng cơ thể để thực hiện một loạt các pha nguy hiểm bất chấp tử thần để cho thấy nó không hề sợ hãi như thế nào. Nhưng không sợ hãi không nhất thiết phải là một sức mạnh – nó chỉ có nghĩa là bạn không coi trọng bất cứ thứ gì hoặc bất kỳ ai đủ để lo lắng về việc họ bị làm hại. Cuối tập phim, cũng nhờ vào sự “nhút nhát và dũng cảm” của Courage thì chú cũng cứu bà Muriel khỏi sự điều khiển của Máy tính.

Nhưng trong khi nỗi sợ hãi có thể hữu ích hoặc thậm chí là niềm vui trong những bối cảnh phù hợp, nó cũng có thể hủy hoại con người ta. Trong khi Courage về cơ bản đã giải quyết được nỗi đau của mình, nhiều nhân vật phản diện của chương trình tiết lộ điều gì có thể xảy ra khi nỗi đau nội tâm được thể hiện ra bên ngoài. Các tập phim “The Tower of Dr. Zalost” và “The Shadow of Courage” đều có các nhân vật trở nên tồi tệ do kết quả của sự đau khổ. Trong phần đầu, Tiến sĩ Zalost là một nhà khoa học điên loạn, người bị trầm cảm nặng đến mức hắn ta tung ra một loạt đạn đại bác thay đổi cảm xúc để khiến tất cả mọi người đều bất hạnh như mình. Trong tập sau, Shadow sẽ khủng bố Courage và gia đình chú chó, chỉ dừng lại khi Courage cuối cùng cũng kết nối được với hắn ta về mặt tình cảm và thuyết phục hắn đi theo ước mơ của mình thay vì hủy hoại cuộc sống của những người khác.

Những tập phim này đưa ra một ý tưởng phức tạp hơn nhiều về cái ác. Tác giả gợi ý rằng, phần lớn thời gian, những người khiến chúng ta sợ hãi nhất là những người bị bao bọc bởi nỗi sợ hãi của chính họ. Bài học rút ra được là nếu chúng ta để nó lấn át chúng ta, nỗi sợ hãi sẽ biến tất cả chúng ta thành những con quái vật.

Thật vậy, đạo diễn và biên kịch của show là John R. Dilworth nói rằng: “Tôi chả quan tâm đến bọn biến thái, chúng chả có gì thú dị cả. Thứ tôi muốn làm là đi sâu vào tâm lý của nhưng kẻ phản diện, ví dụ như là những sang chấn tâm lý khi còn trẻ, điều gì dẫn đến việc họ trở thành người xấu,…Đó là tâm lý học.” Nhân vật ông Eustace, nguồn cơn của nỗi sợ hãi thường trực nhất trong cuộc đời Courage. Một ông già cọc cằn, không bao giờ có một lời tử tế để nói và hầu như chỉ tồn tại để lạm dụng các thành viên khác của trong gia đình. Buồn thay, Eustace lại rất quen thuộc với quá nhiều khán giả trẻ tuổi, những đứa trẻ bị đối xử tệ bởi chính gia đình của mình.

Nhưng sau khi tìm hiểu thêm về quá khứ thời thơ ấu của ông ấy, chúng ta lại cảm thông vì hóa ra sự thù địch, khó ưa ông ta bắt nguồn từ sự đối xử mà ông ta nhận được khi còn nhỏ. Cách mà ông ấy đối xử với Courage cũng giống cách mà mẹ Eustace đối xử với ông ta. Mẹ ông đã đánh đập ông liên tục trong khi ưu ái anh trai ông, khiến ông ta luôn sống trong nỗi sợ hãi không đo đếm được. Điều buồn hơn là bộ phim đã đúng, rằng có nhiều người trưởng thành vẫn luôn mang bên mình những chấn thương tâm lý trong quá khứ, gây ra nỗi sợ hãi mà họ cảm thấy cho người khác thay vì học cách đối mặt với nó.

Thông điệp trọng tâm qua diễn biến tâm lý của Courage khá mạnh mẽ: Rằng điều quan trọng là phải hành động khi đối mặt với những kẻ khiến chúng ta cảm thấy không an toàn. Ngay cả khi kẻ đó đáng sợ đến thế nào. Trong một trong những tập nổi tiếng nhất của loạt phim, “Freaky Fred”, gia đình Murile được một người họ hàng tên Fred đến thăm, Fred là kẻ thích cạo sạch lông, tóc của người khác vì việc đó khiến hắn cảm thấy nghịch ngợm. Vì Muriel và Eustace phớt lờ những lời phản đối của Courage về vị khách đáng sợ đó, Fred đã nhốt Courage vào nhà vệ sinh và cạo lông Courage. Fred đang khủng bố về cả thế xác lẫn tâm lý Courage, ngay trong chính căn nhà của chú. Nỗi sợ hãi có khả năng khiến chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng hoặc hèn nhát. Đây là thứ mà những kẻ lạm dụng lợi dụng để săn mồi. Nhưng nỗi sợ hãi của Courage hoàn toàn có căn cứ. May thay, cuối cùng Courage cũng gọi đến viện tâm thần của Fred và khiến hắn ta bị đưa đi.

Fred có lẽ là nhân vật đáng sợ nhất phim. Nguồn ảnh: ArtStation

Tập phim “The Mask” (tạm dịch là: Chiếc mặt nạ) được nhiều người đánh giá là tập phim hay nhất của show. Tập phim kể câu truyện về đôi bạn Kitty và Bunny, cặp đôi mà một số người cho rằng họ đang trong một mối quan hệ đồng tính. Bunny bị cấm không được gặp Kitty, và bị giam cầm bởi người tình độc ác, Mad Dog. Kitty khi đang đeo chiếc mặt nạ đã tin rằng ai có răng nanh đều độc ác và tấn công Courage, điều này cho thấy Kitty cũng giống như Eustace hay Dr. Zalost. Còn nỗi sợ hãi của Bunny lại khiến cô ấy chấp nhận sự ngược đãi của bạn trai mình, tin rằng cô ấy xứng đáng bị như vậy. Một tập phim hoạt hình đầy màu sắc đã khéo léo lòng ghép những chủ đề nặng nề như Bạo lực gia đình và Phân biệt giới tính, bộ phim cho ta thấy chúng ta, nhất là trẻ em dễ dàng bị làm tác động, sợ hãi ghê tởm về con người thật của chính mình, để ta cảm thấy như phải che giấu bản thân mình, bất kể cái giá phải trả thậm chí là hạnh phúc của mình. Chứng kiến cảnh Kitty và Bunny chiến thắng nỗi sợ và hạnh phúc bên nhau là một cách sáng suốt để nói với khán giả trẻ rằng giấu mình sau lớp mặt nạ là không cần thiết.

Và trong sâu thẳm của Courage, chú chó cũng có cùng nỗi sợ của Bunny: đó là không đủ tốt. Courage luôn bám theo Muriel cũng là vì bà là người duy nhất coi trọng Courage. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghĩ rằng mình không đủ tốt, sợ rằng mình không hoàn hảo. Và nỗi sợ này đã thành hiện thực trong tập cuối của bộ phim: “Perfect” (tạm dịch: Hoàn hảo). Bộ phim nói về một giáo viên già được mệnh danh là “người cầu toàn” yêu cầu Courage chứng minh giá trị của mình bằng cách thực hiện một loạt nhiệm vụ bất khả thi của bà ấy. Chú chó càng cố gắng, bà ấy càng mắng mỏ chú nhiều hơn, dần dần mài mòn sự tự tin của Courage.

Cho đến khi bà ấy bắt Courage ngủ “một cách hoàn hảo” khiến cho Courage không thể nào ngủ thì chú đã gần như mất trí. May thay chú được con cá xanh thân thiệt trong bồn tắm đưa ra lời khuyên hãy ngừng cố gắng để hoàn hảo mà hãy chấp nhận con người thật của mình. Và thế là Courage có thể đánh bại giọng nói cằn nhằn của “Người cầu toàn”. Và vì vậy, một trong những chương trình kỳ lạ nhất, đen tối nhất, rùng rợn nhất mà Cartoon Network từng phát sóng đã có một kết thúc thực sự ấm lòng.

Cá: Không có gì hoàn hảo cả. Cậu xinh đẹp khi cậu là chính mình. Với mọi sự không hoàn hảo, cậu có thể làm mọi thứ.

Courage dễ dàng gây ấn tượng với đám trẻ con chúng ta là vì cho dù nó khá đáng sợ, nó thực sự nói ngôn ngữ của khán giả trẻ. Và một trong những lý do khiến nó tiếp tục gây được tiếng vang là bởi vì nó không chỉ cố gắng khiến người xem sợ hãi – mà nó cũng muốn dạy chúng ta về ý nghĩa của việc sợ hãi. Rằng nỗi sợ hãi của chúng ta vẫn quan trọng ngay cả khi người khác gạt bỏ chúng, rằng chúng ta có thể vượt qua những điều chúng ta sợ hãi và cuối cùng, không có gì phải xấu hổ khi sợ hãi.

Từ khóa » Hình Chú Chó Nhút Nhát