Tại Sao Vest Nam Không Bao Giờ Cài Chiếc Cúc Cuối? | Báo Dân Trí

Tại sao vest nam không bao giờ cài chiếc cúc cuối?
Tại sao vest nam không bao giờ cài chiếc cúc cuối?

Có một nguyên tắc cơ bản đối với việc cài khuy áo vest nam: Nếu bạn mặc một chiếc áo có ba khuy, bạn có thể cài khuy trên cùng, luôn luôn phải cài khuy ở giữa, và đừng bao giờ cài khuy cuối. Nếu bạn mặc một chiếc áo có hai khuy, luôn luôn cài khuy ở trên và đừng bao giờ cài khuy ở dưới.

Không cần biết bạn đang mặc loại áo vest nào, khuy cuối cùng không bao giờ nên cài lại. Đó là một quy tắc đã tồn tại từ lâu trong y phục vest nam giới. Ngay cả với cáo gi-lê (chiếc áo chẽn không tay, để mặc bên trong áo vest) cũng được áp dụng quy tắc tương tự: Luôn để mở khuy cuối cùng, không cài.

Đây là một quy tắc rất phổ biến đối với vest nam, tồn tại ở hầu khắp các quốc gia (dù vậy quy tắc này không áp dụng cho vest nữ). Đối với những nhà may vest có kinh nghiệm, họ thậm chí còn thiết kế làm sao để áo vest và áo gi-lê trông còn “bảnh” hơn khi không cài cúc cuối.

Dù quy tắc thời trang này rất phổ biến, nhưng không nhiều người hiểu nguồn gốc của “luật bất thành văn” này bắt đầu từ đâu. Tại sao phải có một chiếc cúc nằm đó, khi bạn không bao giờ nên cài nó? Câu trả lời quay ngược thời gian về một vị vua khá… “tròn trịa” trong lịch sử Hoàng gia Anh - Vua Edward VII (1841-1910).

Tại sao vest nam không bao giờ cài chiếc cúc cuối? - 2

Vua Edward VII trị vì vương quốc Anh từ năm 1906-1910. Từ khi còn mang danh xưng Hoàng tử Edward, ông đã là người có thân hình hơi mập. Lúc này, vest nam đang rất thịnh hành, nhưng hoàng tử Edward lại… hơi mập để có thể cài đủ tất cả các chiếc cúc mà vẫn cảm thấy thoải mái. Vì vậy, để thấy thoải mái hơn, ông thường bỏ cài cúc cuối của áo gi-lê.

Phải hiểu rằng giới quý tộc Anh rất tinh tế trong chuyện trang phục với những chuẩn mực khắt khe về thời trang. Việc một nhân vật tầm cỡ của Hoàng gia “quên” cài chiếc cúc cuối không hề lọt ra ngoài tầm mắt của các quý tộc khác.

Để thể hiện sự tôn trọng dành cho hoàng tử, người trong tương lai sẽ trị vì vương quốc, các quý tộc khác cũng bắt đầu bỏ cài chiếc cúc cuối. Từ giới quý tộc, dần dần tất cả nam giới trong vương quốc cũng đều bỏ cài cúc cuối áo gi-lê.

Vua Edward VII (trái) hồi năm 1901. Có thể thấy trong ảnh, ông không cài khuy cuối của áo chẽn.
Vua Edward VII (trái) hồi năm 1901. Có thể thấy trong ảnh, ông không cài khuy cuối của áo chẽn.

Chính nhà vua Anh Edward VII đã là người làm xuất hiện quy tắc không cài khuy cuối áo gi-lê và áo vest, nhưng vì hai lý do hoàn toàn khác nhau. Đối với áo vest, ông không cài khuy cuối là bởi chiếc áo vest lúc này được dùng thay thế cho chiếc áo khoác cưỡi ngựa truyền thống.

Thực tế thiết kế áo vest mà nam giới mặc hôm nay mới bắt đầu xuất hiện hồi đầu thế kỷ 20, khi đó, chiếc áo này thường được gọi là “áo vest đi dạo”, với ý nghĩa rằng đây là chiếc áo vừa đủ lịch sự, vừa đủ thoải mái, là dấu gạch nối giữa những bộ trang phục trịnh trọng và trang phục thường ngày.

Cựu cầu thủ David Beckham và tài tử George Clooney không cài cúc cuối áo vest.
Cựu cầu thủ David Beckham và tài tử George Clooney không cài cúc cuối áo vest.

Dần dần, nam giới thích dùng chiếc “áo khoác đi dạo” tiện dụng này thay cho cả chiếc áo khoác cưỡi ngựa - một thú vui thể thao phổ biến trong giới quý tộc Anh. Thời này, áo vest nam giới thường có 3 khuy, nam giới sẽ cởi khuy cuối để thuận tiện cho các động tác cưỡi ngựa.

Vua Edward VII thường không cài cả khuy thứ nhất trong hàng khuy 3 chiếc, chỉ để khuy giữa được cài. Vậy là, khi áo vest ngày càng trở nên phổ biến trong thời trang nam, vua Edward VII đã là người mở ra luật bất thành văn: bỏ cài khuy cuối áo vest và áo gi-lê.

Tại sao vest nam không bao giờ cài chiếc cúc cuối? - 5

Ở những thập niên trước, quy tắc không cài cúc cuối áo vest có thể chỉ phổ biến ở Vương quốc Anh, nhưng ngày này, quy tắc này đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia khác, khi phần lớn các nhân vật nổi tiếng, các chính khách, ngôi sao… khi mặc vest đều bỏ ngỏ chiếc cúc cuối.

Bích Ngọc Theo Business Insider

Từ khóa » Cách Gài Nút áo Vest