Tam Đảo 05: Niềm Tự Hào Mới Của Người Dầu Khí

Sau khi nâng thử thành công, ngày 12-8-2016, giàn khoan tự nâng 120m nước Tam Đảo 05 đã chính thức được CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) bàn giao cho Liên doanh dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro). Công trình được coi là niềm tự hào mới của trí tuệ và bản lĩnh những con người Dầu khí Việt Nam.

Trước khi khởi công chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05, PV Shipyard đã được giao làm tổng thầu dự án “Giàn khoan tự nâng 90m nước” Tam Đảo 03 -công trình cơ khí trọng điểm quốc gia đầu tiên do Việt Nam chế tạo, chất lượng tương đương với giàn khoan do Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc chế tạo, được đưa vào sử dụng, khai thác ổn định, hiệu quả từ tháng 6-2012. Và nếu như Tam Đảo 03 ghi tên Việt Nam vào một trong số ít nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan loại này, Tam Đảo 05 là một bước nhảy vọt về chất, minh chứng cho thấy người Việt Nam đã có thể làm được những gì khó nhất trong nghề chế tạo giàn khoan.

Giàn khoan này có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, được thiết kế theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của Hoa Kỳ, kích thước 70,4x76x9,5m, khả năng chuyên chở 2.995 tấn, tổng khối lượng 18.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu nước biển 120m và khả năng khoan tới mỏ dầu, khí ở độ sâu 9km. Đây cũng là công trình kết cấu thép lớn nhất từ trước đến nay, nặng xấp xỉ 13.699 tấn cùng hàng tấn các thiết bị điện, nội thất… và nặng gấp 1,5 lần Tam Đảo 03. Toàn bộ công trình có giá trị 230 triệu USD, thuộc dự án khoa học công nghệ cấp Nhà nước, đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao, là công trình mang tầm cỡ quốc gia sánh ngang các công trình trong khu vực và thế giới. Để có thể chế tạo được Tam Đảo 05, PV Shipyard đã sử dụng phương pháp Skidding (kéo trượt trên đường), là phương pháp vận chuyển hiện đại lần đầu tiên được áp dụng trong nước.

Mặc dù, để chế tạo Tam Đảo 03 hay Tam Đảo 05, PV Shipyard vẫn mua thiết kế cơ sở của nước ngoài, nhưng việc thiết kế chi tiết hoàn toàn do các kỹ sư của đơn vị thực hiện. Đối với giàn khoan Tam Đảo 05, đội ngũ kỹ sư của PV Shipyard phải thiết kế 805 bộ bản vẽ chi tiết (bố trí thiết bị, chạy hệ thống đường ống, phân bổ không gian…). “Mặc dù về giá trị chỉ chiếm 6% của dự án, nhưng thành công của dự án thiết kế chi tiết chiếm vai trò quan trọng, vì nếu có một sai sót trong thiết kế chi tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Với đội ngũ hơn 70 kỹ sư thiết kế, PV Shipyard đảm nhận hoàn toàn các khâu thiết kế chi tiết, đầu bài mua sắm, bản vẽ chế tạo, phương án thi công và quy trình chạy thử” – kỹ sư Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Thiết kế PV Shipyard cho biết.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được nâng lên độ cao 140m trong buổi nâng hạ thử trưa ngày 6-8-2016.

Nói về tỷ lệ nội địa hóa, nếu như giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đạt tỷ lệ nội địa hóa 34,6%, giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã đạt đến 46%. Công trình có quy mô đặc biệt về khối lượng và kích thước nên một trong những thách thức lớn khi chế tạo là phải chống và sửa biến dạng trong quá trình lắp đặt. Điều này đòi hỏi phải cực kỳ chính xác từ khâu thiết kế khối chân đế cho đến phần thân giàn. PV Shipyard đã làm chủ được thiết kế chi tiết, nếu dự án Tam Đảo 03 phải thuê 13 chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thiết kế chi tiết, đến dự án Tam Đảo 05, PV Shipyard chỉ phải thuê 3 chuyên gia nước ngoài cho những giai đoạn thật sự cần thiết.

Việc đóng mới giàn khoan Tam Đảo 05 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến lược sản xuất – kinh doanh của Vietsovpetro, giúp tiết giảm ngoại tệ, tăng cường năng lực và tạo thế chủ động cho Vietsovpetro trong công tác khoan thăm dò, khoan khai thác không những tại các vùng nước hiện tại mà còn ở các vùng nước sâu hơn, độ nghiêng lớn hơn, khó hơn trong tương lai.

Source

Từ khóa » Giàn Khoan Tam đảo 05 ở đâu