Tấm Gương Bình Dị Của Người Bộ đội Cụ Hồ - ThanhtraVietNam
Có thể bạn quan tâm
Đại tá - Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện 354
Tâm huyết của một cán bộ hậu cần
Tại hội nghị hậu cần nội bộ Tổng cục Hậu cần cách đây không lâu, ở phần tham luận, khi các báo cáo, ý kiến đã khá nhiều, không khí có vẻ đã “lắng” xuống thì anh “xuất hiện”. Đôi mắt thông minh, có “lửa”, chất giọng hơi khàn, lối diễn đạt thẳng thắn, quyết đoán của anh khiến cả hội trường chú ý. Đề tài anh tham luận liên quan đến việc nâng cao chất lượng cán bộ hậu cần, nhất là về kiến thức quản lý kinh tế, tài chính- một đề tài khá “nóng” và “lạ” khiến mọi người càng chăm chú hơn. Sau hội nghị lần ấy, tôi tìm gặp anh tại phòng làm việc của Ban hậu cần Bệnh viện 354. Bước vào phòng, tôi hơi “run” khi thấy anh đang thoăn thoắt thao tác trên chiếc máy tính cá nhân. Nhưng khi anh cười, đưa tay ra bắt đầy thân thiện, tôi thấy mình dần tự tin hơn. Câu chuyện của anh và tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi những tiếng gõ cửa và chuông điện thoại. Ngắt quãng mãi, rồi tôi cũng tìm hiểu được một chút về “lý lịch” của người chủ nhiệm hậu cần bận rộn này.
…Sinh ra tại Thanh Trì- Hà Nội, trong một gia đình có bố làm nhà giáo quân đội, ngay từ nhỏ, cậu bé Dũng đã tự rèn cho mình tính tự lập, tự giác trong học tập, sinh hoạt. Suốt thời gian học phổ thông, Dũng luôn là học sinh giỏi nổi bật của trường. Tốt nghiệp THPT, do yêu thích môi trường quân đội, với niềm tự hào về hình ảnh người cha mẫu mực, cậu học trò Nguyễn Tiến Dũng quyết định thi vào trường Sỹ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) và đậu thủ khoa. Ở môi trường mới, tính tự giác, ham học hỏi của Dũng càng được phát huy. Anh luôn là học viên giỏi toàn diện, thường được nêu gương trước toàn trường. Năm 1989, anh tốt nghiệp loại giỏi, là một trong số ít học viên được phong quân hàm trung uý và được tự chọn đơn vị công tác. Nhận thấy ở người cán bộ hậu cần trẻ có năng lực tổ chức nên sau khi ra trường, anh Dũng được điều chuyển qua nhiều cương vị công tác khác nhau, với nhiều loại hình đơn vị và môi trường làm việc khác biệt, từ nhà trường, cơ quan chiến lược đến khối Bệnh viện. Mỗi môi trường làm việc là một cuộc “thử lửa” giúp người cán bộ hậu cần trẻ tuổi trưởng thành hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Năm 2008, khi đang làm Trưởng ban Hành chính- Hậu cần Viện U bướu-Phóng xạ Quân đội, Nguyễn Tiến Dũng được cấp trên điều động về làm Chủ nhiệm Hậu cần Bệnh viện 354, gác lại những dự định còn đang dang dở ở đơn vị cũ... Tháng 06/2013 giữ quân hàm đại tá và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện 354 phụ trách quân sự - hậu cần.
Thành công nhờ sự năng động, quyết đoán
Khi về nhận nhiệm vụ tại một Bệnh viện Anh hùng, có truyền thống lâu đời, Nguyễn Tiến Dũng cũng cảm thấy vinh dự, tự hào. Đặc biệt, khi chứng kiến những tình cảm chân tình mà mọi người trong Bệnh viện dành cho mình, anh càng thêm phấn khởi, tự tin. Tuy nhiên, khi nhận bàn giao công việc, nắm bắt khái quát thực trạng công tác hậu cần, anh không khỏi băn khoăn, suy nghĩ, bởi nhận thấy, công tác hậu cần nơi đây hoạt động chưa thực sự hiệu quả, “xứng tầm” với tầm vóc của Bệnh viện. Nhiều hạng mục doanh trại bị xuống cấp; các bếp ăn của bệnh nhân và nhân viên vắng bóng người ăn; tồn đọng kinh phí xây dựng cơ bản từ nhiều năm trước chưa được quyết toán…
Để đưa hoạt động hậu cần Bệnh viện đi vào nền nếp, Nguyễn Tiến Dũng quyết định “đột phá” vào khâu cán bộ nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, nhân viên hậu cần. Một số cán bộ, nhân viên lơ là công việc, hay vi phạm nội quy được anh nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm. Những cán bộ có năng lực, tác phong công tác tốt, dù trẻ tuổi, vẫn được anh tin tưởng, giao đảm trách những công việc quan trọng. Ngoài ra, anh cho lắp đặt hệ thống “đường dây nóng” để nghe báo cáo, phản ánh về hoạt động hậu cần toàn Bệnh viện, bố trí bàn đăng ký sửa chữa doanh trại ngay đầu hành lang lối vào khu làm việc của Ban Hậu cần để mọi người tiện liên hệ, đăng ký. Các phiếu đề nghị sửa chữa luôn được chỉ đạo giải quyết nhanh, kịp thời, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của các khoa, ban. Nhờ cuộc “cách mạng” ấy, sau một thời gian ngắn, guồng máy của Ban Hậu cần Bệnh viện đã hoạt động “trơn tru”, hiệu quả hơn hẳn.
Chấn chỉnh xong lề lối làm việc của cơ quan hậu cần, anh tranh thủ dành thời gian giải quyết các công việc tồn đọng từ trước để lại, quyết toán xong toàn bộ số hoá đơn, chứng từ tồn đọng suốt từ 10 năm trước. Sau đó, anh bắt đầu xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần tại Bệnh viện. Bắt đầu là tham mưu cho Đảng uỷ, Ban giám đốc Bệnh viện đổi mới hình thức hoạt động của hệ thống căng tin, nhà ăn; xây dựng, cải tạo lại toàn bộ khu khám bệnh, nhà để xe, nhà tắm…rồi đổi mới cách thức quản lý bếp ăn theo hướng công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm ngon, sạch, rẻ hơn so với bên ngoài. Để thu hút lượng người ăn, anh bàn bạc với cán bộ, nhân viên tăng cường đổi mới khâu chế biến thực phẩm, thực hiện bữa ăn tự chọn; đồng thời xin trên đầu tư mới toàn bộ dụng cụ cấp dưỡng, bàn, ghế ăn. Kết quả, từ chỗ thưa vắng khách, đến nay các bếp ăn trong Bệnh viện luôn chật kín người ăn. Nhờ triển khai hệ thống điện ưu tiên, tổ chức lắp đồng hồ đo điện đến từng khoa, ban, hơn 1 năm qua, toàn Bệnh viện đã tiết kiệm được gần một tỉ đồng tiền điện, nước.
“Táo bạo” mà…khiêm tốn
Những kết quả bước đầu kể trên với người chủ nhiệm mới quả không hề nhỏ. Nhưng theo như tâm sự của anh thì việc anh tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo Bệnh viện làm dự án xin xây mới toàn bộ khu nhà làm việc của Bệnh viện mới thực sự “đáng kể” nhất. Năm 2008, bắt nguồn từ việc Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện có kế hoạch xin cấp trên đầu tư cải tạo khu vực phòng khám cho Bệnh viện, anh đã mạnh dạn tham mưu, đề xuất với cấp trên lập dự án xin đầu tư xây dựng mới toàn bộ Bệnh viện. Đây là một ý tưởng “táo bạo”, khiến không ít người lo ngại tính khả thi. Tuy nhiên, nhận thấy tâm huyết và năng lực của anh, Đảng ủy, Ban giám đốc đã tin tưởng giao Ban Hậu cần làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng hồ sơ dự án đệ trình lên cấp trên phê duyệt. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, Dự án xây mới Bệnh viện 354 với quy mô 350 giường bệnh, theo tiêu chuẩn “Bệnh viện công viên”, dần hướng tới tiêu chuẩn “ Bệnh viện khách sạn” đã chính thức được phê duyệt và đang triển khai giai đoạn 1với số vốn trên 270 tỉ đồng. Dự án được triển khai, Nguyễn Tiến Dũng được cấp trên tin tưởng giao trách nhiệm Phó ban quản lý dự án. Công việc của anh vốn đã bận rộn nay càng nhiều thêm. Hàng ngày, ngoài công việc chuyên môn, anh còn phải tham gia giám sát tiến độ, chất lượng thi công, giải quyết các vướng mắc, phát sinh theo thẩm quyền.
Tranh thủ lúc anh đang ký hóa đơn, sổ sách, tôi liếc nhìn lên trần nhà, bắt gặp hàng dài những bằng khen, giấy khen và các danh hiệu khác. Nói về bảng thành tích khá “dày” ấy, giọng anh khiêm tốn: “ Đó là công lao của cả tập thể anh ạ! Một mình chủ nhiệm chẳng làm được gì nếu không có sự tin tưởng của cấp trên và sự đồng lòng, ủng hộ của tất cả cán bộ, nhân viên”. Nghe anh nói, tôi biết anh không muốn đề cao vai trò của mình. Nhưng những đóng góp của anh không ai có thể phủ nhận. Từ chỗ là cơ quan “thường thường bậc trung”, không có hoạt động, thành tích nổi bật, đến nay, Ban Hậu cần do Chủ nhiệm Nguyễn Tiến Dũng phụ trách đã trở thành một “điểm sáng” của Bệnh viện. Liên tục từ năm 2008 đến nay, Ban Hậu cần đều được cấp trên khen thưởng. Trong đó, năm 2010, 2011, Ban được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Cá nhân Chủ nhiệm Dũng được tặng 01 Bằng khen (2008); 03 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2009; 2010; 2011). Đây có thể coi là thời kỳ “bội thu” danh hiệu của Ban Hậu cần từ trước tới nay.
Bận rộn là thế nhưng Nguyễn Tiến Dũng vẫn chưa chịu “dừng lại”. Tranh thủ những ngày nghỉ, thời gian rảnh rỗi, anh vẫn miệt mài học tập để thu nạp thêm kiến thức, tích lũy vốn ngoại ngữ. Đến nay, ngoài 2 tấm bằng tốt nghiệp vòng 1, vòng 2 tại Học viện Hậu cần, anh đã kịp “sưu tập” cho mình 3 tấm bằng cử nhân và cao học của các trường: Viện Đại học Mở, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng. Ngồi trò chuyện suốt buổi, vậy mà khi chuẩn bị ra về, tôi mới được anh tiết lộ thêm: ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, khi về nhà, anh còn quản lý một tổ hợp nhà hàng, khách sạn với hàng trăm lao động, doanh thu mỗi tháng hàng tỉ đồng. Nhìn vóc người tầm thước của anh, tôi đùa: “ Với sức làm việc như vậy, chắc anh phải có bí quyết gì để giữ sức khỏe chứ?”. Anh nhìn tôi cười: “ Dù bận đến đâu, mỗi ngày mình cũng cố dành vài giờ đồng hồ để đi bộ, chơi thể thao…, vừa thư giãn đầu óc, lại tăng cường thể lực. Đấy chính là bí quyết đó thôi..”.
Vừa rồi, tôi vô tình gặp lại anh bên lề một hội nghị. Vẫn cái bắt tay chắc nịch đầy chân tình, vẫn giọng nói hơi khàn ấy, nhưng đôi mắt anh trĩu nặng hơn. Chưa kịp hỏi sao cho “khéo”, như đoán trước được ý định của tôi, anh đã chủ động: “ Vừa rồi nhiều việc bận quá! Mình nhớ còn nợ cậu một đề tài đăng ký viết từ lâu mà chưa trả được. Đợi sau đợt này, khi công việc hòm hòm, mình sẽ “xóa nợ” với cậu”. Dứt lời, anh cười thật tươi, đôi mắt thiếu ngủ bừng lên lấp lánh. Còn tôi, khi nghe anh nói vậy, trong lòng bỗng thấy vui hơn. Hóa ra, dù bộn bề trước bao công việc nhưng anh vẫn luôn nhớ đến những gì đã hứa. Mặc dù nếu anh có quên, thì tôi cũng chẳng nỡ trách anh!..
PV
Từ khóa » Nguyễn Tiến Dũng Khách Sạn A25
-
Đại Tá, TS. Nguyễn Tiến Dũng Người Không Ngừng Sáng Tạo Và Hành ...
-
Đại Tá, TS Nguyễn Tiến Dũng: Người Lính Cụ Hồ Chọn Làm Những ...
-
Đại Tá Nguyễn Tiến Dũng: Người Lính Cụ Hồ Chọn Làm Những Việc Khó
-
TS. Nguyễn Tiến Dũng - Người Truyền Cảm Hứng Khởi Nghiệp Sáng ...
-
A25 Hotel - Your House - Nhân Ngày 22.12, Ngày Vinh Danh Lực ...
-
Hà Nội, Ngày Thu Tháng 11, Có Một... - A25 Hotel - Your House
-
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN KHÁCH SẠN A25 THÀNH PHỐ HỒ ...
-
Thạc Sỹ Nguyễn Tiến Dũng Chia Sẻ Kinh Nghiệm Về Khởi Nghiệp ...
-
8000 Học Sinh, Sinh Viên Hà Nội Có Thêm Cơ Hội Tìm Kiếm Việc Làm
-
Đại Tá - Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Dũng: Tự Hào Là Chiến Sĩ QĐND Việt Nam
-
PGS.TS Bác Sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Nhà Thuốc 365