Tấm Lòng Một Nhà Thơ Miền Nam Với Bác - Báo Đồng Khởi

Cũng như các nhà thơ đương thời, khi thể hiện cảm hứng về lãnh tụ, Lê Anh Xuân thường sử dụng các mô-típ tình cảm gia đình. Biểu tượng lãnh tụ được chuyển sang biểu tượng người thân trong gia đình. Cách xưng hô bác - cháu, bác - con gợi tình cảm vừa gần gũi thân thương vừa thành kính tôn thờ. Vượt lên giới hạn tình cảm trong một gia đình cụ thể là đại gia đình Việt Nam; Bác trở thành tâm điểm đoàn kết của toàn dân tộc. Năm 1960, lần đầu tiên Lê Anh Xuân nhìn thấy Bác trên lễ đài ở Thủ đô, trong niềm xúc cảm tuôn trào, thoả nỗi khát khao, nhà thơ viết những lời rất chân thực nơi cõi lòng:

 

Nhớ ngày cháu ở U Minh

Chỉ mong một phút được nhìn Bác thôi

Hôm nay cháu gặp Bác rồi

Lễ đài Bác đứng rợp trời cờ sao.

Không hẹn mà gặp, thơ viết về Bác Hồ hầu như không thiếu những chi tiết quen thuộc như: chòm râu, mái tóc, ánh mắt, nụ cười… tất cả đều rất Hồ Chí Minh, rất ấn tượng. Có điều, thể hiện những chi tiết quen thuộc, các nhà thơ không nhằm tả ngoại hình chân dung lãnh tụ mà cốt để ngợi ca vẻ đẹp ở tâm hồn, trí tuệ và công đức trời biển của Bác. Lê Anh Xuân cũng nắm bắt những chi tiết nghệ thuật ấy và tạo dựng được những câu thơ hay: “Cháu nhìn đôi mắt Bác cười/Như nhìn thấy cả cuộc đời mai sau” (Gặp Bác).

Tiếp nối mạch liên tưởng, kết thúc bài thơ “Mười năm”, Lê Anh Xuân viết:

 

Mười năm dâng lên Bác

Chúc Bác sống muôn đời

Miền Nam đang đánh giặc

Lòng vui theo đôi mắt Bác cười

Cảm xúc sâu đậm nhất, nổi trội nhất trong thơ Lê Anh Xuân vẫn là nỗi lòng đồng bào miền Nam hướng về Bác, mong được đón Bác. Đây không còn là tình cảm riêng của nhà thơ mà là tình cảm chung cộng đồng dành cho lãnh tụ. Tác giả nói đúng tinh thần của thời đại, khao khát của muôn người: “ Miền Nam đánh giặc bấy lâu/Chỉ mong thống nhất Bác vào Bác thăm…” (Gặp Bác).

Một trong những xúc động sâu sắc của đồng bào miền Nam trong những năm chống Mỹ là cứ vào dịp tết đến xuân về mọi người lại náo nức đón nhận thư Bác trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hồn đất nước vang lên trong lời của Bác, cùng với lời Bác bay đi bốn phương, bay đến những nơi xa xôi nhất, gian khổ nhất; và càng là nơi gian khổ, lời Bác càng thấm sâu. Thông thường cứ sau lời chúc tết, Bác có bài thơ mừng xuân. Thơ Bác cuồn cuộn niềm tin chiến thắng, làm ấm lòng đồng bào, chiến sĩ. Lê Anh Xuân tỏ ra sắc sảo và nhạy cảm trong những lời thơ thể hiện lòng kính yêu vô hạn của đồng bào miền Nam hướng về Bác cũng như nỗi nhớ thương mênh mông, sâu nặng của Bác đối với miền Nam:

 

Miền Nam đọc thư Bác

Sông Hiền Lương bồi hồi

Trời Cà Mau giàn giụa nước mắt rơi.

 

(Mặt trời thân yêu)

Cảm hứng về Bác qua thư Bác cũng là một hướng sáng tạo trong thơ Lê Anh Xuân. Thư Bác trở thành sức mạnh tinh thần cho toàn dân quân, toàn dân ta đánh giặc. Trên chiến trường miền Nam đâu đâu cũng vang lên lời đáp theo tiếng gọi của Bác:

 

Ôi thư Bác

Xanh biếc ước mơ

Đỏ thắm lá cờ

Đang vẫy gọi miền Nam xốc tới

(Mặt trời thân yêu)

Âm hưởng đoạn thơ nhanh, mạnh, thấm sâu; thư chúc tết của Bác đồng hành với người chiến sĩ trên đường tiến công quân thù: “Ta về Sài Gòn giữa mùa xuân tuyệt đẹp/Vũ khí trong tay, thư chúc tết Bác Hồ”

(Mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân chiến thắng).

Nhà thơ ngợi ca Bác, yêu Bác bằng tình yêu chân chất, bình dị như yêu quê hương, làng xóm thân thương của mình:

 

Con yêu Bác, giản dị như yêu quê hương con

Nhà lá, cửa tre, đường dừa dịu nắng

Cánh cò bay rập rờn

Mặt lúa nàng tiên tươi sáng

Bác Hồ trong thơ Lê Anh Xuân bình dị, trữ tình, mênh mông lòng nhân ái, đồng thời Bác cũng biểu tượng cho ý chí quật cường, tinh thần quyết chiến quyết thắng; Lê Anh Xuân tỏ ra có sở trường thể hiện cảm hứng dưới dạng ký thác vào nhân vật. Nhà thơ hóa thân vào nhân vật người anh hùng để ngợi ca lãnh tụ; thường đặt nhân vật vào khoảnh khắc gay go quyết liệt nhất để làm nổi bật tinh thần xả thân vì nước; trước khi hy sinh, hình ảnh Bác được hiện lên trong họ như một điểm tựa, một niềm tin chiến thắng, họ gọi tên Bác với tất cả tấm lòng kính yêu, trân trọng nhất. Đó là lời của em Trì trong bài thơ “Ánh lửa trên sông”:

 

Bác Hồ ơi cháu hy sinh

Nói rồi em vụt lao nhanh qua tàu

Sông bừng lửa đỏ, thuyền chao

Cổ Chiên dồn dã sóng gào không nguôi.

Là lời anh Trỗi trong trong chín phút cuối cùng đi vào lịch sử:

Khi anh gọi Bác ba lần

Lòng anh như thấy được gần Bác thêm…

Giờ đây trước phút tử hình

Cháu như thấy Bác đang nhìn cháu đây

(Trường ca Nguyễn Văn Trỗi)

Như vậy, cảm hứng về lãnh tụ đồng nghĩa với đánh giặc, với sự hy sinh cho đất nước. Bác với đất nước là một, đất nước trở nên sáng ngời, rạng rỡ hơn từ khi có Bác. Lê Anh Xuân say sưa ngợi ca Bác với một niềm tin tưởng tuyệt đối, một niềm kính yêu vô hạn:

Bác là non nước trời mây

Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn

Còn cao hơn đỉnh Thái Sơn

Nghìn năm chung đúc tâm hồn ông cha

Điệu lục bát, khúc dân ca

Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam.

(Trường ca Nguyễn Văn Trỗi)

Việt Nam - Hồ Chí Minh, thông điệp ấy trở thành biểu tượng cho công lý chính nghĩa. Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ủng hộ Hồ Chí Minh. Khi hòa nhập giữa lãnh tụ với đất nước, thơ Lê Anh Xuân cập nhật âm hưởng thời đại, đồng thời khẳng định vẻ đẹp tinh hoa trong con người Hồ Chí Minh, Bác là hiện thân cho tâm hồn, cốt cách Việt Nam “Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam”

Là một người con của quê hương Đồng Khởi Bến Tre, trở về quê hương chiến đấu và hy sinh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, Lê Anh Xuân thể hiện khá sinh động, đậm nét lòng tôn kính lãnh tụ không chỉ của riêng mình mà rộng hơn là cả miền Nam đối với Bác kính yêu. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ngày càng khốc liệt thì đồng bào miền Nam lại càng tin tưởng Bác, hướng về Bác, thủy chung son sắt với Bác. Hình tượng Bác Hồ trong thơ Lê Anh Xuân ân tình, trữ tình, giàu âm hưởng anh hùng ca. Thật khó nói hết tấm lòng một nhà thơ trẻ - cũng là lòng đồng bào miền Nam nhớ Bác.

Từ khóa » Bài Thơ Việt Nam Có Bác Của Lê Anh Xuân