Tâm Lý Nuôi Con Béo Mới Khỏe - VnExpress

Sau kết hôn và sinh con, chị Ngọc nghỉ việc tại một công ty truyền thông để chăm lo gia đình. Ở chung với bố mẹ chồng, hàng ngày, chị Ngọc thường xuyên bị ông bà góp ý về cách chăm con. Chồng chị cũng sốt ruột khi thấy bé không tròn trịa bụ bẫm như những đứa trẻ cùng xóm.

Nghe các mẹ trong diễn đàn chăm con mách, chị mua những loại sữa đắt tiền giàu protein, chất béo và các vi chất tốt giúp bé tăng cân nhanh. Sữa công thức với trẻ hai tuổi được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên bổ sung 300-400 ml mỗi ngày, song chị Ngọc ép con uống đến một lít.

Bé còn ăn ba bữa cháo nấu bằng nước hầm xương, trộn thêm 1-2 lạng thịt bò, lợn băm nhuyễn. Các mẹ trên mạng tư vấn, chị bổ sung cho bé 5 ml thuốc vitamin tổng hợp mỗi ngày. Nhiều lúc, con khóc không chịu ăn, chị lại cho bé ra sân chơi, cầu trượt, siêu thị ăn rong cho hết suất. Thấy con dần béo tốt, chồng và nhà chồng vui hơn, chị trút dần gánh nặng tâm lý.

Lên lớp 1, con trai biết đòi uống nước ngọt có ga, đòi ăn vặt, đồ ăn nhanh các loại..., chị Ngọc cũng chiều ý. Trong bữa cơm, bé chỉ thích ăn thịt, không ăn rau xanh. Ngoài 3 bữa chính, bé còn được mẹ cho uống rất nhiều sữa, ăn vặt. Đến năm học lớp 8, con chị cao 1,62 m, nặng 70 kg, trong khi cân nặng tiêu chuẩn khoảng 51 kg. Bé thuộc diện thừa cân, béo phì.

Thừa cân béo phì ở trẻ đang là gánh nặng của toàn thế giới. Ảnh: Shutterstock

Thừa cân béo phì ở trẻ đang là gánh nặng của toàn thế giới. Ảnh: Shutterstock

Chị Tâm, 45 tuổi, mãi mới mang thai con trai sau ba lần sinh con gái. Khi biết tin, gia đình, họ hàng, mẹ chồng động viên chị ăn thật nhiều với tâm lý càng béo càng khỏe. Một ngày, chị Tâm ăn nhiều bữa chính và phụ, uống sữa, ăn trứng, cá hồi, thịt...

Ba tháng đầu có thai, chị Tâm tăng tới 4 kg. Ba tháng giữa và ba tháng cuối chị bổ sung thêm khoảng 1.000 calo mỗi ngày, trong khi mức khuyến nghị chỉ cần tăng thêm 350-450 calo so với trước khi có thai. Chị Tâm tăng 20 kg trong suốt thai kỳ.

Em bé chào đời nặng 4,5 kg, trong khi cân nặng trung bình của bé sơ sinh quanh mức 3 kg. Chăm con, chị cố gắng cho bé ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng nhất có thể. Ngoài các bữa chính, chị bổ sung yến sào, ruốc cóc, các loại thuốc bổ. Khi lớn hơn, cháu thường được phép uống nước ngọt và đồ ăn nhanh. Hiện, cháu 8 tuổi, cao khoảng 1,3 m nặng gần 40 kg, hơn gần 15 kg so với tiêu chuẩn.

Trẻ em tại các đô thị lớn thừa cân, béo phì nhiều hơn so với nông thôn. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 cho thấy, ở khu vực thành thị, 42% học sinh tiểu học, 30,5% học sinh trung học cơ sở và 13,5% học sinh trung học phổ thông bị thừa cân béo phì. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này lần lượt là 18%, 11% và 6%.

Năm 2014-2015 khoảng 50% trẻ em ở TP HCM và 41% trẻ nội thành Hà Nội béo phì. Tỷ lệ này cả hai nơi năm 1996 là 12%. Các nghiên cứu cũng ghi nhận 34% học sinh tuổi thiếu niên uống nước ngọt có ga hơn một lần mỗi ngày.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định trẻ em béo phì ngày càng gia tăng, nguyên nhân phần lớn do gia đình, bởi cha mẹ mới là người hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc cho con ăn gì. Nhiều cha mẹ không có kiến thức nuôi dạy con, tâm lý càng béo càng khỏe nên lúc nào cũng muốn con cái ăn thật nhiều, dẫn đến thừa năng lượng.

Một số phụ huynh khác biết việc trẻ thừa cân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng do bận rộn, sẵn tâm lý chiều con nên không đặt ra bất kỳ nguyên tắc nào trong ăn uống, ngược lại, sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ. Một số người lại bị áp lực tâm lý, sợ bị gia đình, hàng xóm chê cười khi con gầy. Nhiều phụ huynh còn không biết cách nấu những bữa ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe hoặc tệ hơn là không nấu nướng, chỉ cho con ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm nấu sẵn mua ngoài hàng, uống nước ngọt.

"Trẻ nhỏ ăn uống thỏa thích, lâu dần thành thói quen khó bỏ. Nuôi con béo chưa chắc con đã khỏe", bác sĩ nói.

Một bệnh nhi béo phí được bác sĩ khám. Ảnh: Bác sĩ Hưng cung cấp

Một bệnh nhi béo phì được bác sĩ khám. Ảnh: Bác sĩ Hưng cung cấp

Chuyên gia cho biết nhiều gia đình ngỡ ngàng khi kiểm tra chỉ số cơ thể mới biết con mình thuộc diện béo phì nặng. Hơn thế, thói quen vận động, tập thể dục là biện pháp quan trọng để ngăn chặn béo phì, song phụ huynh ít lưu tâm. Thực tế, chính họ cũng lười vận động hoặc thiếu hiểu biết, hoặc không có thời gian và thói quen luyện tập.

"Bình thường, cơ thể gọn gàng sẽ dễ tập thể dục hơn. Khi thừa cân, trẻ cảm thấy khó khăn khi rèn luyện thể chất, không tập thể dục hoặc ít tập, năng lượng được tiêu hao càng ít đi, giảm cân khó khăn", bác sĩ Hưng nói.

  • Trẻ Việt thừa cân, béo phì tăng gấp 10 lần
  • Gần 42% học sinh tiểu học ở thành thị bị thừa cân béo phì

Thúy Quỳnh

Từ khóa » Con Béo