“Tam Muội” – Mặc Hương Thư Hiên – 墨香書軒
Nghĩ tới “tam muội” người ta quen thuộc với hình ảnh “lửa tam muội” trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Tất nhiên có nhiều loại “tam muội”, mỗi “tam muội” có thể được gắn trong một tình huống cụ thể. Nói về lửa thì chúng ta có “Hỏa Diệm Tam Muội”, hay còn gọi là “Hỏa Sanh Tam Muội”, cũng chính là “Hỏa Quang Tam Muội”.
Quen thuộc nhất, trong “Tây Du Ký”, Hồng Hài Nhi dùng “Tam Muội Chân Hỏa” làm vũ khí để đốt Tôn Ngộ Không khiến cho Hành Giả cũng phải bị mất một mạng tại chân núi Hồng Lĩnh. Tất nhiên khái niệm “tam muội” là của nhà Phật, Ngô Thừa Ân đã linh hoạt sử dụng rất nhiều thuật ngữ của tam giáo trong tác phẩm của mình tạo thành một sản phẩm văn học kinh điển. Điều này tuy Ngô Thừa Ân viết theo kiểu của ông ta nhưng không thể không thấy rằng, “tam muôi” có đặc điểm vô cùng đặc biệt – lửa “tam muội” có thể thiêu được cả Ngộ Không và không thể dùng thứ nước thường mà dập tắt được.
Những tác phẩm kinh điển thường sống mãi vì tính hấp dẫn, kỳ tình và gần gũi của nó. Tuy nhiên trong con mắt khắt khe của những nhà nghiên cứu, những tác phẩm như vậy không hẳn đã phản ánh đúng (mà cụ thể là) giáo lý của Phật giáo. Đã có nhiều tác giả phê bình điều này, điển hình là tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng Đoàn Trung Còn. Với góc nhìn “nghiêm túc đến cố chấp” của nhà nghiên cứu Phật học, ông đã không thể chấp nhận được những “biến báo”, sai lệch và lồng ghép “xào xáo” giữa các ý niệm về “tam giáo” trong tác phẩm “Tây Du Ký” và ông gọi tiểu thuyết này là “thứ bịa ra… chỉ làm hại đến lòng tín ngưỡng chân chính…” (1).
Trở lại với chuyện “tam muội”. Ta biết rằng sau khi Phật giáo phân lưỡng đạo, nhánh Đại Thừa truyền vào Trung Hoa cùng với kinh sách đi theo các nhà truyền giáo và thương nhân (mà điển hình là Ngài Huyền Trang) từ Tây Trúc sang Trung Hoa. Thời xưa, Trung Hoa gọi Ấn Độ là “Thiên Trúc”, cùng đi về phía Tây, vượt qua sa mạc theo con đường tơ lụa nên gọi thành “Tây Trúc”. Vì Phật Tổ sinh tại Thiên Trúc nên trong nhiều trường hợp gọi nước Phật cũng là nước Trúc.
Lượng kinh sách Phật giáo đồ sộ khiến cho phát sinh công tác dịch thuật. Trong dịch thuật thì khó nhất là tìm thuật ngữ tương đương bởi vì thuật ngữ là linh hồn của mọi khái niệm. Do sự bất đồng về ngôn ngữ, người ta có hai cách phiên thuật ngữ: phiên âm đọc và phiên nghĩa.
Phiên âm đọc là gì? Ví dụ cái dụng cụ để vẽ đường tròn trên giấy chúng ta nếu phiên từ tiếng Tây ra cho giống với phát âm của họ thì đọc thành “com-pa” (cái com-pa) nhưng vốn dĩ phát âm “com-pa” chưa bao giờ phản ánh được đúng logic về nội hàm theo tiếng bản địa tạo ra bởi vì nó không cấu thành từ các yếu tố có sẵn để tạo ra nghĩa. Từ đó, người ta tạo ra một từ ngoại lai mới, xa rời với hệ thống cũ. Trên thực tế, ta hoàn toàn có thể gọi “đúng” cái dụng cụ nêu trên theo âm Hán Việt thành cái “viên quy”, “hoàn quy” (ý nói quay tròn) hay Nôm na thì “dụng cụ vẽ tròn” gì gì đó… Ở Việt Nam vẫn thường có những từ kiểu như vậy. “Cái ca-táp”, “cái ra-đi-ô”, “cái ti-vi”, “chiếc ô-tô”… đều có thể gọi theo cách gần gũi và Việt hóa hơn như túi (giỏ, cặp), máy thu âm (cái đài), máy thu hình (chiếc vô tuyến truyền hình), xe hơi…
Theo con đường đó, rất nhiều thuật ngữ Phật giáo được tiếng Hán phiên âm đọc từ tiếng Phạn. Đây cũng chính là đặc điểm của ngôn ngữ Phật giáo trong tiếng Hán. Từ “samādhi” của tiếng Phạn được tiếng Hán ghi lại thành “tam muội”. Cho nên nếu nhìn vào hai chữ “tam muội” ta chẳng hiểu “tam” là tam gì, “muội” là muội gì bởi vì nghĩa của thuật ngữ xa rời với từ tố cấu tạo ra nó. Trường hợp này không chuyển nghĩa mà chỉ là ghi phiên âm của từ. Đây chính là điểm yếu của lối “ghi âm” mà không “ghi nghĩa”.
Trong tiếng Hán, đáng ra người ta phải dịch thuật ngữ trên bằng một từ khác, đó là “định” 定. Như vậy thuật ngữ trong tiếng Phạn chuyển sang tiếng Hán có vỏ ngữ âm (Hán Việt) là “tam muội”, nghĩa là “định”. Thực ra người ta chỉ cần phiên thành từ “định” hoặc “chính định” (hay “chánh định”) và viết 正定 thế là ai cũng hiểu, bất kể người Việt đọc ra sao, người Bắc Kinh, người Ngô, Khách Gia, Tương, Mân… ở Tàu, người Hàn, người Nhật, người Đài Loan… đọc thế nào, mặt chữ chỉ có duy nhất và cơ bản thì ai cũng hiểu như nhau.
Nhưng có lẽ những dịch giả cho rằng cần phải để nguyên phiên âm những thuật ngữ đó, vì những lý do đặc biệt về nội dung của nó chẳng hạn, hoặc để tiện truy cứu và thống nhất với văn bản gốc hay vì các lý do khác?
“Từ điển Phật Giáo” cho rằng “định” (tức là “tam muội”) là trạng thái chú tâm lên một đối tượng duy nhất bằng sự lắng lọc từ từ của tâm. Đó là một dạng tâm thức mà trong đó không còn tính nhị nguyên (tức là chủ thể và khách thể hòa vào nhau làm một) lúc đó chỉ còn một “kinh nghiệm tâm thức” là có thật. Khả năng đạt định là một trong những điều kiện tiên quyết để tu tập Thiền.
Cho nên “Từ bi tam muội thủy sám” ghi: “Di Lặc là họ, chính tên là A Dật Đa, do nơi từ tâm tam muội mà tiến lên quả vị cùng tột” Như vậy trạng thái “tam muội” là trạng thái tập trung rất cao độ của tư duy.
Từ cách hiểu được cho là có “gốc gác” này, các từ (tự) điển về mặt ngôn ngữ mới diễn giải theo các lối hiểu tuy có sự sai khác nhau nhưng tựu chung lại thành: “dùng tu hành để trừ sạch hết trần duyên”, “dùng công tu hành trừ sạch được hết trần duyên mà vào cõi một mầu rỗng không vắng lặng gọi là tam muội” (Thiều Chửu), “tập trung tinh thần, giữ tâm tĩnh lặng không tán loạn” rồi từ đó sinh ra nghĩa phái sinh là “mượn hai chữ “tam-muội” 三昧 để chỉ cái áo diệu của một môn gì” (Hán Việt từ điển trích dẫn).
Chỉ có Bửu Kế (1913-1989) cho rằng “tam muội” là “ba điều tối tăm mê muội là tham, sân, si” (2). Tuy nhiên chúng tôi nghi ngờ tính hợp lý của giảng nghĩa này.
Có lẽ Phật giáo là một trong những lĩnh vực gây hiểu lầm nhiều nhất (và cũng bị lạm dụng và xuyên tạc nhiều nhất). Rất nhiều thứ bị hiểu sai lệch, do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn cố ý lợi dụng. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh cũng từng nhận xét rằng ngay cả trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du cũng bị “tự mâu thuẫn” khi đồng thời đưa cả tư tưởng Phật giáo và phản Phật giáo vào một nội dung. Với quan niệm đời là bể khổ, và khi tham chiếu vào đời Kiều thì đó là do mắc phải duyên tiền định chứ không phải ngẫu nhiên. Cái nhân quả được vận dụng triệt để cho kẻ ác và cho người thiện. Bọn Hoạn Thư, Tú Bà, Bạc Hạnh… đều phải trả giá còn Kiều thì do lấy đức tu thân mà thoát được cái chết. Thế nhưng bản thân tác giả lại tin vào thuyết định mệnh, cho rằng “tài và mệnh” không thể song hành, tức là người có tài, sắc thì sẽ thường bị gặp trắc trở tai họa và cái con đường đó đã bị định sẵn không thể thay đôi. Đây chính là tính đối nghịch với Phật giáo gây ra một sự tự mâu thuẫn trong tư tưởng tác phẩm. Ngay một câu cụ thể “Đưa nàng đến trước Phật đường, Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia” thì Nguyễn Du cũng đã sai lầm. Bởi vì ngũ giới chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn của “tại gia” (tu tại gia) còn muốn “xuất gia” thì không phải chỉ có ngũ giới mà rất nhiều loại giới (3).
—
1/ Muốn thông qua “Tây Du Ký” để viện dẫn triết lý nhà Phật (thậm chí cả Đạo và Nho) là một điều rất sai lầm. Đó đơn giản chỉ là tiểu thuyết và thực chất về mặt lý luận thì coi đó là một món thập cẩm thì có lẽ hợp lý hơn cả. Viện dẫn “đến Phật Tổ còn ăn đút lót”, “Bồ Tát còn chuộng cơ chế xin-cho”… thông qua một tác phẩm vô thưởng vô phạt như vậy coi như không có ý nghĩa biện luận, bởi vì đó không phải sách của Phật giáo. Đó là tiểu thuyết và đã là tiểu thuyết tác giả có quyền viết tùy theo ý thích của ông ta với những hư cấu, phóng đại, xuyên tạc… đặc trưng. Điều đó là một trong những nét cơ bản để làm cho tiểu thuyết có tính giải trí, thậm chí là hấp dẫn, ly kỳ nhưng không bao giờ là một sản phẩm khoa học đúng tiêu chuẩn.
2/ Bửu Kế đã ví dụ trong “Sãi vãi” của Nguyễn Cư Trinh: “Ước siêu tam muội, ngõ thoát cửu tuyền”. Tuy rằng tam là 3, muội là “u mê”, “mờ ám”, “tối”… nhưng về nguyên tắc thì mỗi một từ dùng để chỉ duy nhất một thuật ngữ. “Tam muội” đã dùng để chỉ “chân định” thì không thể dùng để chỉ “tham, sân, si”. Thực vậy, trong các từ điển đã chỉ rõ “tham, sân, si” người ta gọi là “tam độc” chứ không phải “tam muội”. Từ đó chúng tôi ngờ rằng Bửu Kế hiểu lầm Nguyễn Cư Trinh, ý đúng của Nguyễn Cư Trinh “ước siêu tam muội” tức là mong được trạng thái “tam muội” (như đã nói ở trên) để “ngõ thoát cửu tuyền”.
3/ Theo chúng tôi quan niệm không có đúng tuyệt đối cũng không có giá trị chuẩn mực tuyệt đối. Ngay cả những học giả kỳ cựu cũng có thể đôi lúc phạm sai sót nhưng không vì thế mà hạ thấp giá trị của tác phẩm và tác giả. Nguyễn Du cũng không ngoại lệ và cần tiếp cận vấn đề có khoa học, có sự cẩn trọng còn “Truyện Kiều” thì mãi mãi là một kiệt tác. Cho nên những kiểu phê phán “Kiều” tùy tiện như ông kỹ sư Đỗ Minh Xuân dùng hàng loạt những từ ngữ thô mộc để chữa “Kiều” cho Nguyễn Du thì quả là một sự liều lĩnh thực sự.
Từ khóa » Hình Lửa Tam Muội
-
Lửa Tam Muội Kỳ Diệu Qua Góc Nhìn Phật Giáo Và Khoa Học
-
Bí Pháp Lửa Tam Muội Và Hỏa Quang Tam Muội - .vn
-
[PDF] Giá Trị Biểu Tượng ở Tán Lửa Tam Muội Của Tượng Tam Thế Chùa Bút ...
-
6. Phép Chuyển Lửa Trong Mình - Mấy Thầy Tu Huyền Bí ở Tây Tạng Và ...
-
Lửa Tam Muội Là Gì - Nam Hoa Trang
-
Lửa Tam Muội Chân Hỏa Là Gì, Bí Pháp Lửa Tam Muội Và ... - Asiana
-
Thiền định Về Lửa Tam Muội (Tumo Yoga) - Kim Cương Thừa
-
Lửa Tam Muội ? Hay điều Diệu Kỳ Của Cảm Xạ
-
Thầy Thích Trúc Thái Minh - Câu Hỏi 93: LỬA TAM MUỘI Con Bạch ...
-
'Lửa Tam Muội Bí Truyền' Kỳ Bí Trong Thuật ướp Xác Của Người Việt
-
Lửa Tam Muội-góc Nhìn Khoa Học Và Phật Giáo :: HOA LINH THOAI ::
-
Hỏa Hậu 火 候 & Tam Muội Chân Hỏa 三 昧 眞 火
-
TAM MUỘI CHÂN HỎA