“Tam Nam Bất Phú” Và Sự Tỉnh Táo Trước Lời Thủ Thỉ Của Vợ

Bữa cơm của anh em chúng tôi hồi nhỏ chỉ là sắn cõng cơm, có nghĩa là những khoanh sắn nấu cùng cơm nhưng cơm quá ít, chúng dính từng hạt rời rạc giống như được cõng trên những củ sắn. Bữa ăn thiếu thốn là vậy, nhưng 3 anh em tôi bao giờ cũng đánh chén sạch nhẵn và tranh nhau phần gặm đũa cả.

Chỉ tranh nhau mấy hạt cơm bám ở đầu đũa cả thôi mà anh em tôi có lần đánh nhau đến chảy máu mũi. Bố tôi ngao ngán lắc đầu bỏ đi, mẹ thì lôi chúng tôi lên giường bắt nằm úp đánh cho mỗi đứa một trận. Mẹ đánh rất đau, đánh xong rồi mẹ khóc. Mẹ nói rằng anh em mà không biết nhường nhịn thì sau này rất bất hạnh. Nếu biết đoàn kết, giúp đỡ nhau thì gia đình lo gì mà không thoát khỏi đói nghèo.

Tôi nghe thế thì biết thế, chứ cái sự tranh giành, ganh đua của chúng tôi thì không thể nín nhịn được. Nhiều khi tôi ước bố mẹ chỉ đẻ 2 anh em thôi là đủ. 2 anh em mỗi người một phe thì đều cân bằng, nếu cùng chơi với nhau thì càng tốt. Đằng này anh em chúng tôi có những 3 người, chơi trò gì cũng mất cân bằng. Tôi là cả, một mình một phe, 2 em về một phe. Anh em chúng tôi lại sàn sàn mỗi đứa hơn kém nhau 2 tuổi nên cứ chí chóe tranh cãi nhau suốt ngày. Có người nói anh em chúng tôi khắc tuổi, khắc mệnh...

Nhà nghèo, anh em chí chóe, bố tôi chán nản đâm ra rượu chè rồi mắc bệnh qua đời. Không có người giám sát, chúng tôi càng hay chành chọe nhau. Cái kiểu tranh cãi của trẻ con thì cho dù có đánh nhau đấy, nhưng sau đó lại chơi với nhau. Nhưng khi chúng tôi trưởng thành, sự mâu thuẫn đó ngày một sâu sắc. Cái sự kèn cựa đó liên quan đến quyền lợi vật chất của mỗi người. Đứa anh ghen tức với đứa em vì nó nhỏ tuổi nhưng kiếm tiền giỏi hơn. Đứa em thì lại bực mình khi trong di chúc bố có phần ưu ái cho anh cả. Thế là người này ngứa mắt người nọ, tìm cách chơi đểu, nói cạnh nói khóe. Anh em một nhà mà cứ như người dưng nước lã.

Rồi chúng tôi cũng khôn lớn và đều lấy vợ sinh con. Tôi là trưởng nên được ở gian nhà chính của bố mẹ và có trách nhiệm thờ tự tổ tiên. Các em tôi được chia 2 mảnh đất ở 2 bên, chúng chăm chỉ làm lụng và cũng tự xây cho mình được căn nhà.

Giá đất bỗng nhiên tăng vùn vụt, người thành phố ở đâu đổ xô về mua đất, làm trang trại, xây biệt thự. Mảnh đất ngày xưa của bố tôi rộng vài trăm mét vuông, nay chia ra làm 3 phần cho 3 chúng tôi, nhà nào nhà nấy rào dậu cẩn thận để khẳng định phần chủ quyền của mình. Bụi tre rất to và cây xoài mà ngày xưa bố tôi trồng 2 bên nhà cũng được sử dụng làm mốc xác định “lãnh thổ”. Mẹ tôi trước đây muốn sang nhà các em để bế cháu chỉ cần bước qua cái sân là tới, nay phải đi qua 2 lần cổng.

Tưởng rằng nhà nào đóng cửa biết nhà đó thì sẽ bớt đi mâu thuẫn, nhưng với sự xuất hiện của các bà vợ thì mọi chuyện lại rối tung lên. Đàn ông chúng tôi ghét nhau thì cùng lắm là chỉ muốn phá đối thủ cho bõ tức. Còn đàn bà “tinh quái” hơn, họ nghĩ cách biến tài sản của người mình ghét thành tài sản của nhà mình. Các cô vợ của anh em chúng tôi đều rất giỏi trò “tinh quái” như vậy. Cái bụi tre làm mốc ranh giới bị cô vợ của tôi ngày đêm “gọt đẽo”.

Sau một năm thì bụi tre chỉ còn phát triển sang phía nhà đứa em. Hàng rào trồng bằng những cây chè xanh cũng vậy, thỉnh thoảng lại có một cây bị chết. Cái cây trồng vào thay thế lại lấn sang phía bên kia khoảng một gang tay. Sau vài năm, cô vợ tôi đã “cơi nới” lãnh thổ được thêm gần chục mét vuông. Vợ chồng nhà chú em khi phát hiện ra sự vụ thì bên sân nhà tôi đã láng nền xi măng xong xuôi. Thế là lại chửi bới, lại cạch mặt nhau.

Ảnh minh họa.

Cô vợ chú em cũng chẳng phải tay vừa. Phía sau nhà tôi trồng rau, cô lập tức mua gà con về thả. Lũ gà lớn nhanh như thổi, còn luống rau nhà tôi bị gà rỉa xơ xác. Chú em út nhà tôi thầu một hồ cá ở sau nhà, thế là tôi và chú em kế mua vịt về thả. Thực ra vịt cũng chỉ mò ăn con tép, con ốc hoặc côn trùng... nhưng cô vợ chú em nhìn thấy thế không chịu nổi, lu loa với chồng là vịt ăn hết cá nhà mình. Chú em nghe vợ, làm khẩu súng cao su và lấy đàn vịt làm mục tiêu để... bắn chơi. Thế là lại cãi nhau.

Khi đã tức nhau rồi thì nhìn cái gì của họ cũng thấy xấu, thấy sai. Ngay cả cây xoài, bố tôi hồi xưa có dịp mang từ miền Nam ra trồng và giờ đây nó trở thành “cột mốc biên giới”, đến mùa ra quả, phía bên nhà tôi ít quả hơn, vợ tôi cũng phàn nàn. Đêm về cô ta thủ thỉ với tôi: “Anh phải xem thế nào chứ, nhà nó năm ngoái trèo lên hái quả, hình như lấy dao khía vào những cành chìa sang phía nhà mình”. Rồi cô ta kể tội “nhà nó”, bắt tôi phải nghĩ cách trả đũa. Mệt mỏi kinh khủng!

Đàn bà sao nghĩ ra lắm việc thế, nhưng họ chẳng chịu làm mà nghĩ ra việc để sai bảo chồng. Nào là anh phải thế nọ, anh phải thế kia; anh không thấy ngứa mắt à? Đần thế thì để chúng nó bắt nạt à? Nhìn thấy chướng tai gai mắt mà chẳng phản ứng gì cứ như thằng mù ấy! Đến nước này thì tôi phát cáu, buột miệng nói: “Tôi nói cho cô biết nhé, cô ngứa mắt việc gì thì tự đi mà làm. Mắt tôi mù cũng được. Dù sao thì 2 đứa nó cũng là thằng em tôi, cũng là máu mủ của tôi. Nó mà hơn tôi thì nhà tôi càng có phúc chứ sao mà cô phải bực mình?”. Thế là vợ chồng tôi cãi nhau to, trong lúc to tiếng, chẳng hiểu do bực tức vợ thế nào, tôi vin vào cái cớ tình máu mủ, “anh em như thể tay chân” ra mà mắng vợ...

Cãi nhau chán, tôi đùng đùng bỏ ra quán thịt chó uống rượu. Ngồi được một lúc thì 2 chú em tôi cũng đến. Cả hai ngồi xuống trước tôi, tự động rót rượu rồi mời tôi cùng uống. Đã lâu lắm rồi anh em chúng tôi không ngồi với nhau. 2 đứa em tôi nói là cũng bị vợ nói cạnh khóe, xúi giục và cũng hết sức mệt mỏi. Thằng em út nói: “Em chỉ muốn được bình yên để làm ăn, để giàu có, để rạng rỡ trước họ hàng. Em mà giàu có thì có tiếc gì các anh”. Chú em nhỡ nói: “Ban nãy thấy anh cãi nhau với vợ, con vợ em nó khoái trá lắm. Em bực mình tát cho nó một cái rồi mắng nó là chuyện của anh em tôi, đàn bà đừng có dính vào. Thú thực là nghe anh mắng vợ, em cũng thấy mình sai và cứ... xúc động thế nào ấy”.

Thế là miếng thịt chó với bát rựa mận hôm đó là thứ keo gắn kết anh em chúng tôi lại với nhau. Ai cũng được nói, ai cũng được bày tỏ, ai cũng cần được thông cảm. Chúng tôi nói qua nói lại rồi cùng nhận ra rằng, mỗi khi tai họa tới thì mọi người bao giờ cũng đoàn kết. “Tai họa” của chúng tôi chính là các bà vợ, các bà đã làm chúng tôi thấy mệt mỏi, nhức đầu và chính là can dầu đổ vào sự mâu thuẫn nảy lửa giữa anh em chúng tôi. Sự mệt mỏi vì phải “thi hành mệnh lệnh” đó khiến anh em chúng tôi xích lại với nhau hơn.

Đúng là có rượu vào mọi thứ nó phát sinh theo cảm tính. Trước đây khi chưa lập gia đình, anh em tôi chỉ chăm chăm nói xấu nhau. Đến hôm đó, chúng tôi xoay ra kể đủ “tội ác” của vợ và ai phải “chịu đắng nuốt cay” nhiều hơn. Kết thúc bữa rượu, tôi lấy danh nghĩa anh cả đứng ra tuyên bố, tôi sẽ có trách nhiệm là cầu nối để anh em hợp sức lại làm kinh tế.

Để làm được việc này, tôi gương mẫu dịch lại cái hàng rào mà vợ tôi đã lấn sang nhà chú em nhỡ. Chú nhỡ thì nói rằng chẳng cần rào dậu làm gì, để cho mẹ tiện sang nhà bế cháu. Lũ trẻ con có khoảng sân rộng rãi chạy nhảy cho tiện. Nghe thế, chú út cũng bảo về sẽ phá nốt hàng rào rồi tôn nền sân cho cùng một cốt để lũ trẻ chơi đùa không bị ngã. Chúng tôi ra về vui vẻ trước sự kinh ngạc của các bà vợ.

Bây giờ trước nhà là khoảng sân rộng rãi như cái thuở chúng tôi còn bé. Đàn gà nhà đứa em sang sân nhà tôi “ị”, vợ càu nhàu là bẩn thỉu thì tôi bảo để tôi đang có kế hoạch gom phân gà lại để trồng ớt. Ớt mà được bón bằng phân gà thì cay phải biết. Thế là vợ tôi “hết chuyện”. Đứa em út thầu hồ cá trúng quả, nó kêu gọi cả 3 anh em cùng góp vốn thầu thêm một khu đầm nữa. Kỹ thuật, kinh nghiệm nó đã có, giờ chỉ cần vốn, công sức và sự tin cậy của anh em cùng một nhà. Chúng tôi nhất trí hợp sức làm và công việc ngày một phát triển. Giờ đây anh em chúng tôi ai cũng mua được xe máy, tivi, tủ lạnh...

Mẹ tôi là người hạnh phúc nhất, chiều chiều bà lại ngồi trước hiên ngắm các cháu nội chạy nhảy. Có lần vui miệng bà nói: “Ai bảo tam nam là bất phú, nó chỉ đúng khi anh em không đoàn kết”. Tôi chỉ muốn bổ sung thêm một điều: anh em muốn đoàn kết thì trước hết phải tỉnh táo trước những lời thủ thỉ của vợ

Từ khóa » Câu Tam Nam Bất Phú Có đúng Không