Tam Phủ Là Gì, Tam Phủ Công Đồng Là Gì - Sống Đẹp
Có thể bạn quan tâm
- Tam phủ là gì?
- Tam phủ công đồng là gì?
- Tam tòa Thánh Mẫu gồm những ai?
- Mẫu đệ nhất Thượng Thiên
- Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn
- Mẫu đệ tam Thoải Phủ
Tam phủ là gì?
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là việc tôn thờ nữ thần, thờ Thánh Mẫu, thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ xuất hiện khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ thần, Thánh Mẫu, Mẫu Tam phủ, Tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hóa mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.
Ngoài ra còn có Thánh Bản mệnh là vị thần đứng đầu dẫn dắt người tu đạo đi đến với Mẹ (Mẫu) - Đấng Tối cao trong Đạo Mẫu Việt Nam – Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.
Trong thời kỳ khởi nguyên, “Tam phủ” vốn là để chỉ ba miền Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ. Tương ứng với ba phủ này thì đều có vua cha và chư vị thần linh cai quản. Khi ấy, Tam phủ gồm có:
-Thiên phủ (màu xanh): là nơi các chư vị thần linh cai quản bầu trời ngự trị với người đứng đầu là Ngọc Hoàng thượng đế
-Địa phủ (màu vàng): là nơi chư vị thần linh cai quản vùng đất ngự trị, người đứng đầu là Diêm Vương
-Thủy phủ còn gọi là Thoải phủ (Màu trắng): do vua Bát Hải cùng chư vị quan thần của mình cai quản miền sông nước.
Về sau này, khi đạo Mẫu phát triển và có những biến đổi phù hợp với xã hội thì hầu hết mọi người khi nghe nói tới Tam phủ thường nghĩ tới 3 vị thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu hay thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Tam tòa Thánh Mẫu gồm có: Thượng thiên Thánh Mẫu (Thánh Mẫu đệ nhất) cai quản miền trời, Thượng ngàn Thánh Mẫu (Thánh Mẫu đệ nhị) cai quản miền rừng núi và Mẫu Thoải Phủ (Thánh Mẫu đệ tam) cai quản vùng sông nước.
Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tam phủ công đồng là gì?
Tam phủ hay Tam phủ công đồng không phải chỉ có các thánh Mẫu và cũng không phải chỉ thờ các thánh Mẫu mà còn có vua cha và chư vị quan thần được tôn thờ với trật tự chặt chẽ. Trật tự này thường được thể hiện rất rõ trong các giá hầu đồng khi người ta thỉnh Thánh Mẫu, Chúa Bà, Quan Lớn, Chầu Bà, Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu theo những thứ tự nhất định. Điều này lý giải tại sao trong các bài văn khấn ta vẫn thấy giữ nguyên tắc “Con lạy Tam phủ công đồng, Tứ phủ Vạn linh” ở đầu.
"Công đồng” trong Tam phủ công đồng là để chỉ tập thể các quan trong Tam phủ. Ban công đồng trong các đền thờ thường được bố trí như một triều đình với đầy đủ vua quan thực sự theo sơ đồ như sau:
Hàng thứ nhất:
Phía trên cùng là Quán Âm Bồ Tát (còn gọi là Phật Bà Quán Âm), hai bên có kim đồng, ngọc nữ hầu cận.
Hàng thứ hai:
Tam vị đức vua (còn gọi là ba vị vua cha hay Tam phủ ba vua) gồm có:
Thiên phủ thần vương (áo đỏ)
Nhạc phủ thần vương (áo xanh)
Thoải phủ long vương (áo trắng)
Ngoài ra có hai vị quan hầu cận.
Hàng thứ ba:
Tam tòa Thánh Mẫu:
-Mẫu đệ nhất Thượng Thiên (áo đỏ)
-Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn (áo xanh)
-Mẫu đệ tam Thoải Cung (áo trắng)
Tam tòa Thánh Mẫu gồm những ai?
Trong Đạo Mẫu nói chung và ở hầu hết các đền, điện, phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ, ta thường thấy có tôn tượng của “Tam tòa Thánh Mẫu” với sắc áo đỏ, xanh, trắng lần lượt là tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ), miền Nước (Thoải phủ).
Có rất nhiều quan điểm khác nhau quanh các ngôi vị trong Tam tòa Thánh Mẫu. Có tài liệu cho rằng, Tam Tòa Thánh Mẫu thực chất chỉ là ba lần hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh khi giáng trần hay nói cách khác, Mẫu Liễu đã hóa thân vào cả ba Thiên là Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Thoải Phủ.
Trong Tam tòa Thánh Mẫu không có sự xuất hiện của Mẫu Địa bởi có người cho rằng, nếu theo giả thuyết “Thiên – địa đồng quy” (Đất trời là một) thì Mẫu Thượng Thiên là cai quản cả địa phủ. Lại có giả thuyết khác, cho rằng Mẫu Địa cũng chính là Mẫu Thượng Ngàn bởi miền Rừng cũng thuộc miền Đất.
Mẫu đệ nhất Thượng Thiên
Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời. Với quan niệm của dân gian về Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi) thì Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta. Trong Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Đệ Nhất thường tọa ở chính giữa trong màu áo đỏ.
Đệ Nhất Thượng Thiên là vị Thánh Mẫu vẫn đang gây tranh cãi về thân phận thực sự của mình. Có người cho rằng bà chính là Mẫu Liễu Hạnh, một người có công lớn với dân gian Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ngôi vị Đệ Nhất Thượng Thiên trong Tam Tòa Thánh mẫu là Mẫu Cửu Trùng Thiên.
Tương truyền, Mẫu Liễu Hạnh là công chúa Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng thượng đế, vì đánh vỡ chén ngọc mà bị vua cha giáng xuống trần gian, đầu thai làm người trần mắt thịt, con gái một gia đình họ Lê ở Nam Định. Họ đặt tên nàng là Giáng Tiên do dung mạo nàng xinh đẹp. Đến năm 18 tuổi nàng xây dựng gia đình rồi năm 21 tuổi nàng mất dù không bị bệnh tật gì.
Dẫu cho cuộc đời ngắn ngủi nhưng nàng đã sớm tha thiết với cuộc sống trần thế, bởi vậy vua cha Ngọc Hoàng cho nàng thêm hai lần đầu thai làm người. Những lần giáng trần này, nàng lấy hiệu là Liễu Hạnh, ngao du sơn thủy, thưởng lãm cảnh đẹp hùng vĩ của đất nước và gặp gỡ, giao lưu với biết bao người, nhất là những tao nhân mặc khách (trong đó có Phùng Khắc Khoan để rồi cuộc gặp gỡ này lưu lại vết tích là phủ Tây Hồ).
Chính trong hai lần tái sinh này, dân gian lưu truyền nhiều sự tích bà chúa Liễu Hạnh. Từ việc nàng ủng hộ tiền bạc để đắp đê ngăn lũ, đến xây dựng cầu cống, mở đường mở sá, cùng biết bao công trình giúp cuộc sống của nhân dân thêm phần thuận tiện khác. Thậm chí, nàng còn ra tay làm phép để phù hộ nhân dân đánh đuổi giặc Tàu. Dân gian truyền lại rằng, lần giáng trần thứ ba của bà là vào lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân lầm than cơ cực. Nàng đi khắp nơi để cứu nhân độ thế, trừng trị kẻ ác. Bởi thế, nhân dân lập đền thờ ở nơi nàng giáng trần (đền Sòng, Thanh Hóa).
Cũng có tích kể rằng Liễu Hạnh từng mở quán bán hàng cho khách bộ hành ở chân Đèo Ngang. Tiếng đồn về một cô gái xinh đẹp bán hàng nơi heo hút ấy khiến cho bao kẻ tò mò, trong đó có vị hoàng tử đương thời. Vị này tìm đến quán hàng bán nước với ý đồ xấu xa nên đã bị nàng Liễu Hạnh làm cho dở điên dở dại. Nhà vua nhờ đạo sĩ bắt nàng về hỏi tội nhưng trước khẩu khí của nàng, nhà vua đuối lý nên phải tha mạng.
Sự tích tiên nữ Quỳnh Hoa đánh rơi chén ngọc bị giáng trần và hai lần tái thế biến đổi theo trí tưởng tượng của dân gian, theo dòng lịch sử. Huyền thoại từ nàng Giáng Tiên đến Liễu Hạnh công chúa và sau này là Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên như nhân dân suy tôn đã được lưu truyền ở nhiều vùng, với nhiều tình tiết kỳ ảo. Từ Phủ Giầy, Nam Định đến Bắc Lệ - Lạng Sơn, Tây Hồ Hà Nội, Phố Cát, Sòng Sơn, Thanh Hóa, Ngọc Trọng – Cố đô Huế và nhiều nơi khác, đâu đâu cũng có di tích đền, phủ nổi tiếng thờ bà và nhiều lễ hội được tổ chức để suy tôn bà. Ngày hội chính của Mẫu được biết đến là ngày 3/3 âm lịch hàng năm.
Trong đạo Mẫu, bà được suy tôn là Thánh Mẫu tối cao, được coi là hóa thân của Đệ Nhất Thánh Mẫu Thượng Thiên, được thờ ở chính giữa trong Tam tòa Thánh Mẫu. Trong tín ngưỡng dân gian nói chung, bà được suy tôn là một trong Tứ bất tử, sinh ra trong thời xã hội rối ren như là một chốn nương tựa của người dân cơ cực, ít nhất là về mặt tâm lý và tâm linh. Bà chính là hiện thân của sức mạnh nữ quyền, đi ngược lại với giáo lý Nho Khổng với đạo Tam tòng Tứ đức. Cuộc đời trần thế của bà chính là sự thể hiện ý nghĩa nhất tình yêu cuộc sống với đầy đủ sướng vui đau khổ, sự tự do trong hành động với tư duy phóng khoáng, độc lập. Điều đó giải thích cho sức sống bền bỉ và trường tồn của hình tượng Mẫu Liễu Hạnh trong tâm thức người dân Việt Nam.
Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn
Mẫu Thượng Ngàn là Đệ nhị Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Thánh Mẫu Thượng Ngàn mặc áo xanh, ngồi bên tay phải của Mẫu Thượng Thiên trong Tam tòa Thánh Mẫu.
Bà là Thánh Mẫu gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở nhiều nơi nhưng hai nơi thờ phụng chính là Suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ (Lạng Sơn). Nơi nào có rừng, có núi, nơi đó có đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Ngày hội chính của Đệ Nhị Thánh Mẫu là 20/9 âm lịch hàng năm.
Giống như Mẫu Thoải, có nhiều truyền thuyết khác nhau về thân thế của Mẫu đệ nhị. Có nơi cho rằng bà là con vua Đế Thích, đầu thai làm con vua Hùng Vương. Khi sinh hạ bà, mẫu hậu vì đau quá mà phải vịn cành quế, nên sau này bà được đặt tên là Quế Hoa Mỵ nương (hay Quế Mỵ Nương). Nhưng phổ biến hơn cả là truyền thuyết về việc bà là con của thần núi Tản Viên Sơn tinh và công chúa Mỵ Nương (trong truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh).
Theo thuyết này, bà được cha mẹ đặt tên là La Bình. Khi còn nhỏ, La Bình đã nổi tiếng là thông minh, tài giỏi. Khi lớn lên, nàng thường giúp đỡ cha cai quản các vùng rừng núi, dạy dỗ muôn dân. Nàng luôn tỏ ra là người bản lĩnh thông thuộc mọi việc, nên được các tù trưởng tôn kính, coi là đại diện xứng đảng của đức Tản Viên. Sau này, khi cha mẹ bà theo lệnh Ngọc hoàng về trời, trở thành các vị thánh bất tử, La Bình cũng được phong làm Công Chúa Thượng Ngàn, thay cha trông coi 81 cửa rừng, các miền núi non, hang động.
Với vai trò mới, bà giúp dân biết cách trồng cấy, phát rẫy làm nương, làm ruộng bậc thang, dựng nhà, săn bắt, bẫy thú, chăn nuôi, trồng lúa nếp, chế biến các món ăn…
Bên cạnh đó, bà còn phù trợ nhân dân đánh giặc ngoại xâm. Từ đời Trần đánh quân Nguyên Mông đến cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi đánh giặc Minh. Tương truyền bà từng hóa thân thành ngọn đuốc soi sáng đường cho nghĩa quân đi trong rừng đêm. Khu rừng trong sự cai quản của bà cung cấp thức ăn cho nghĩa quân “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần”…
Hiện nay, đền thờ bà có ở khắp nơi, nhưng ba nơi thờ tự chính là đền thờ ở Suối Mỡ, Bắc Giang, đền Bắc Lệ, tỉnh Lạng Sơn, và đền Đồng Cuông ở Yên Bái. Riêng đền Đông Cuông ở Yên Bái gắn với tích bà đầu thai làm con gái một tù trưởng ở đây.
Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn thể hiện sự gắn bó của người Việt với núi rừng, không chỉ trong công việc làm ăn sản xuất mà còn trong cả chiến trận. Vậy nên nếu ta có “rừng thiêng nước độc” thì cũng có khi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, “rừng vàng biển bạc, và “Rừng là tài sản quý…” (Hồ Chí Minh). Tín ngưỡng dân gian về tầm quan trọng của núi rừng dạy ta biết sợ, biết kính, biết nương nhờ, sẽ mãi là tín ngưỡng hợp với quy luật cuộc sống dù là quá khứ, hay hiện tại và sau này.
Mẫu đệ tam Thoải Phủ
Mẫu Thoải hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thủy, cai quản miền sông nước. Thánh Mẫu Thoải Phủ gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước.
Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, Mẫu Thoải là vị thần vô cùng quan trọng. Mỗi khi có hạn hán, lũ lụt, Mẫu ra tay cứu giúp, để đảm bảo mùa màng bội thu. Không chỉ vậy, Mẫu còn cứu vớt các vong linh trôi nổi trên các ao hồ, sông nước. Ngoài ra, bà còn dạy dân đóng thuyền bè, đan lưới bắt cá... Bởi vậy, bà được dân gian vô cùng sùng kính và ngưỡng mộ.
Quanh vị thánh mẫu này lưu truyền rất nhiều huyền tích về nguồn gốc của bà. Có thuyết cho rằng bà là con gái của Long Vương. Một ngày nọ, bà gặp Kinh Dương Vương lúc đó đang đi chơi hồ Động Đình. Kinh Dương Vương là con cháu vị Thần Nông, đem lòng yêu mến rồi hỏi lấy bà làm vợ. Sau đó, hai người sinh ra Lạc Long Quân, chính là cha Rồng, tổ tiên của người Việt.
Trong thuyết này lại có dị bản khác cho rằng bà vì lên hạ giới, mải ngao du sơn thủy nên về muộn, vua cha Long Vương đã đóng cửa Thủy cung. Bà đành ở lại, giúp đỡ, phù trợ muôn dân. Cũng trong một dị bản khác, bà được Long Vương gả cho Kính Xuyên (con vị thần Đất), cùng với nỗi oan khuất sau này, mà trong văn thỉnh Mẫu Thoải cũng có một đoạn nhắc đến:
“Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
Kính Xuyên sớm kết loan phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành
Lòng trời thương kẻ ngay lành
Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…”
Lại có thuyết khác cho rằng Mẫu Thoải là vợ của vua Thủy Tề. Vua trông coi biển cả, đại dương, còn bà trông coi các việc ở sông suối, ao hồ. Nhưng trong một truyền thuyết khác nữa, bà lại là hóa thân của ba công chúa của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Dù nguồn gốc của Mẫu Thoải như thế nào, thì tựu chung lại cũng chính là cách người dân đất Việt, nơi “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” tôn vinh vị thần của sông nước. Nói rộng ra, đó là cách con người vật chất hóa tình cảm của mình với tự nhiên, nhân hóa tự nhiên để tự nhiên gần gũi với đời sống con người, không chỉ đời sống sản xuất mà còn trong cả đời sống chiến đấu.
Thậm chí, cũng như các vị Thánh Mẫu khác, Mẫu Thoải còn đi vào sử sách nước Việt như một vị thần phò trợ triều đình đánh đuổi giặc ngoại xâm, vẫn còn lưu dấu tích là các đền thờ ở ngày nay. Như đền thờ Xâm Thị và đền Dầm ở vùng Thường Tín – Hà Tây (nay là Hà Nội) để tưởng nhớ công lao bà giúp đỡ nhà Trần chống giặc Nguyên Mông. Hay đền Mẫu Thác Hàn (Hàn Sơn) ở Thanh Hóa có sau khi bà hiển linh giúp vua Lê Lợi.
Đền thờ Mẫu Thoải được dựng nhiều, hầu hết do lòng thành kính của nhân dân và ở nơi cửa sông, cửa biển chứ không có dấu tích nào của Mẫu vì bà không giáng phàm. Ngày hội chính của Mẫu thoải là ngày 10/6 âm lịch hàng năm.
Lễ hội được tổ chức long trọng nhất là tại Đền Mẫu Thác Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa. Vị trí của bà trong Tam Tòa Thánh Mẫu là bên tay phải của Mẫu Thần Chủ - Đệ Nhất và mặc áo màu trắng.
Xem thêm: Tín ngưỡng thờ Mẫu là gì? Tín ngưỡng thờ Mẫu có ý nghĩa như thế nào?
Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Là Gì
-
Thực Hành Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Của Người Việt Trở Thành ...
-
Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Nơi Lưu Giữ Bản Sắc Văn Hóa, Lịch Sử ...
-
Tam Phủ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ - Mega Story
-
Hệ Thống Tam Phủ Tứ Phủ Trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Của Người Việt
-
Thực Hành Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Thế Nào Là Chuẩn?
-
Hầu đồng Trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ - Thị Xã Bỉm Sơn
-
Tín Ngưỡng Thờ Tam, Tứ Phủ Của Người Việt
-
Tam Phủ, Tứ Phủ Là Gì? Gồm Những Vị Thần Thánh Nào? - Gian Thờ Việt
-
Tín Ngưỡng Thờ Tam, Tứ Phủ Của Người Việt - Công An Nhân Dân
-
Bảo Tồn Nét đẹp Văn Hóa Thực Hành Tín Ngưỡng Thờ Mẫu
-
Tam Phủ Và Tứ Phủ | Wikia Đạo Mẫu - Wiki Index | | Fandom
-
Sơ Lược Về Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Và Thờ Tam Phủ ,tứ Phủ