Tam Quốc Diễn Nghĩa/Hồi 39 – Wikisource Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
- Văn kiện
- Thảo luận
- Đọc
- Sửa đổi
- Xem lịch sử
- Đọc
- Sửa đổi
- Xem lịch sử
- Các liên kết đến đây
- Thay đổi liên quan
- Tải lên tập tin
- Trang đặc biệt
- Liên kết thường trực
- Thông tin trang
- Trích dẫn văn kiện này
- Lấy URL ngắn gọn
- Tải mã QR
- Tải về bản in
- Tải về EPUB
- Tải về MOBI
- Tải về PDF
- Định dạng khác
- Khoản mục Wikidata
- các dự án wiki khác: mục Wikidata.
HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN
Thành Kinh-châu, công tử ba lần cầu kế Gò Bác-vọng, quân sư bắt đầu dùng binh
Lại nói, Tôn Quyền thúc quân công phá Hạ-khẩu, Hoàng Tổ hao binh tổn tướng, biết chừng giữ không nổi, liền bỏ Giang-hạ, chạy về Kinh-châu. Cam Ninh cũng đoán như thế, nên đem quân mai phục sẵn ngoài cửa đông. Tổ dẫn vài chục quân kỵ xông ra cửa đông, đang cắm cổ chạy bỗng có tiếng reo ầm ĩ, Cam Ninh chặn lại. Tổ ngồi trên ngựa bảo Ninh rằng:
- Ta chưa hề bạc đãi nhà ngươi, nay sao bức nhau quá vậy?
Ninh mắng rằng:
- Trước ta ở Giang-hạ, lập bao nhiêu công lao, thế mà ngươi vẫn coi ta là giặc cướp sông, nay còn muốn gì?
Hoàng Tổ thấy xin không được bèn tế ngựa chạy, Cam Ninh thúc quân rượt tới. Đương đuổi lại nghe thấy sau núi có tiếng reo hò, Ninh ngoảnh lại xem ai thì là Trình Phổ. Ninh sợ Phổ đến tranh công, vội vàng giương cung đặt tên bắn một phát, Hoàng Tổ lăn xuống ngựa. Ninh chặt lấy đầu, quay ngựa trở lại, hợp với quân Trình Phổ, cùng về ra mắt Tôn Quyền, dâng đầu Hoàng Tổ. Quyền sai bỏ vào hòm gỗ, đợi khi về Giang-đông sẽ đặt lên tế bố rồi trọng thưởng cho ba quân, và thăng Cam Ninh lên chức đô úy.
Tôn Quyền bàn muốn chia quân giữ Giang-hạ, Trương Chiêu nói:
- Không nên giữ cái thành trơ trọi ấy làm gì, hãy rút quân về Giang-đông. Lưu Biểu được tin ta phá Hoàng Tổ, tất lại báo thù; ta đem quân nghỉ ngơi đánh quân khó nhọc, chắc thắng Lưu Biểu. Biểu thua, ta sẽ thừa thế đánh dấn đi, Kinh Tương nhất định về tay ta.
Quyền nghe lời, liền rút hết cả quân về Giang-đông. Dọc đường, Tô Phi ở trong xe tù mật sai người cầu cứu Cam Ninh. Ninh nói:
- Điều đó Phi chẳng nói, ta cũng đã nghĩ đến.
Khi đại quân về đến Ngô-hội, Tôn Quyền sai đem chém Tô Phi, để lấy đầu Phi và đầu Tổ dâng lên tế bố.
Cam Ninh vào ra mắt Tôn Quyền, dập đầu xuống lạy, kêu rằng:
- Tôi trước kia không gặp được Tô Phi, thì xương thịt ngày nay đã lấp đầy rãnh rồi, còn đâu được gắng sức hầu hạ dưới cờ tướng quân. Tội Phi thực đáng chết, nhưng cũng vì chút nghĩa ấy, tôi xin đem nộp lại chức để chuộc tội cho Phi.
Quyền nói:
- Hắn đã có ơn cho ngươi, nên ta vì ngươi mà tha cho hắn. Nhưng nếu hắn trốn mất thì sao?
Ninh nói:
- Phi được thoát chết, sẽ đội ơn chúa công vô cùng, lẽ đâu còn trốn. Nếu Phi trốn đi, tôi xin đem đầu nộp dưới thềm.
Tôn Quyền bèn tha cho Tô Phi, chỉ đem đầu Hoàng Tổ làm lễ tế bố. Tế xong Quyền họp đại hội văn vũ mở tiệc ăn mừng. Đương khi chén tạc chén thù, bỗng thấy một người đứng dậy, khóc rống lên, rồi rút gươm toan chém Cam Ninh. Cam Ninh vội vác ghế đỡ. Tôn Quyền giật mình, nhìn ra là Lăng Thống. Trước kia khi Cam Ninh ở Giang-hạ, bắn chết cha Thống; nay thấy mặt Ninh, Thống liền muốn báo thù.
Quyền vội vàng ngăn lại, bảo Thống rằng:
- Hưng-bá bắn chết cha ngươi, bấy giờ ai vì chủ nấy, không thể không gắng sức. Nay đều là người một nhà, lại còn nhắc đến thù cũ làm gì? Muôn việc phải nể mặt ta mới được.
Lăng Thống dập đầu khóc to, nói:
- Cái thù không đội trời chung này, không thể không báo!
Quyền và các quan khuyên can mãi, Lăng Thống chỉ trừng mắt nhìn Cam Ninh. Ngay hôm ấy, Tôn Quyền sai Cam Ninh lĩnh năm nghìn quân và một trăm chiếc thuyền ra trấn thủ Hạ-khẩu để tránh mặt Lăng Thống. Lại phong thêm cho Thống làm đô úy; Thống phải nhịn nhưng bụng vẫn căm.
Từ đó Đông Ngô đóng nhiều chiến thuyền, chia quân phòng thủ bờ sông, sai Tôn Tĩnh dẫn một đạo quân giữ Ngô-hội. Quyền tự lĩnh đại quân đóng ở Sài-tang. Chu Du hằng ngày luyện tập thủy quân ở hồ Phiên-dương để phòng khi đánh dẹp.
Lại nói, Huyền-đức sai quân đi thăm dò tin tức Giang-đông, quân về báo:
- Đông Ngô đã phá vỡ Hoàng Tổ rồi, nay đương đóng quân ở Sài-tang.
Huyền-đức mời Khổng Minh đến thương nghị. Đang nói chuyện chợt có sứ của Lưu Biểu đến mời Huyền-đức sang Kinh-châu bàn việc. Khổng Minh nói:
- Chắc là vì Giang-đông phá vỡ Hoàng Tổ, nên Lưu Biểu mới cho mời sứ quân sang bàn kế báo thù. Tôi xin cùng đi, tùy cơ ứng biến, sẽ có mẹo hay.
Huyền-đức nghe lời, để Quan-công ở lại giữ Tân-dã và sai Trương Phi dẫn năm trăm quân mã đi theo sang Kinh-châu. Huyền-đức ngồi trên ngựa, hỏi Khổng Minh rằng:
- Nay vào gặp Cảnh-thăng nên đối đáp thế nào?
Khổng Minh nói:
- Trước hết nên xin lỗi vụ Tương-dương đã. Nếu Biểu sai chúa công sang đánh Giang-đông không nên nhận lời ngay. Chỉ nói hãy về Tân-dã thu xếp quân mã đã.
Huyền-đức nghe theo. Đến Kinh-châu, Huyền-đức vào trạm xá nghỉ ngơi, để Trương Phi đóng quân ngoài thành, rồi cùng Khổng Minh vào yết kiến Lưu Biểu. Làm lễ xong, Huyền-đức đứng dưới thềm xin lỗi.
Biểu nói:
- Ta đã biết rõ vụ hiền đệ bị mưu hại rồi. Lúc đó ta định chém ngay Sái Mạo để tạ hiền đệ, vì có nhiều người van xin, nên mới tạm tha. Xin hiền đệ tha thứ cho ta.
Huyền-đức nói:
- Tôi nghĩ việc ấy không can gì đến Sái tướng quân mà do người dưới đấy thôi!
Lưu Biểu nói:
- Nay Giang-hạ thất thủ, Hoàng Tổ bị giết, nên mời hiền đệ đến bàn kế báo thù.
Huyền-đức nói:
- Hoàng Tổ tính thô bạo, không biết dùng người, mới gặp vạ ấy. Nay nếu ta cất quân nam chinh, lỡ Tào Tháo ở mặt bắc kéo đến thì làm thế nào?
Biểu nói:
- Tôi nay tuổi già đau yếu, không làm việc được, hiền đệ nên lại đây giúp tôi. Một mai tôi mất rồi, hiền đệ sẽ làm chủ Kinh-châu này.
Huyền-đức nói:
- Sao anh dạy thế? Cái thế như Bị này gánh vác sao nổi việc lớn ấy?
Khổng Minh đưa mắt ra hiệu cho Huyền-đức. Huyền-đức nói:
- Hãy cho thư thả, để Bị nghĩ một kế hay.
Nói rồi, liền cùng Khổng Minh về quán dịch. Khổng Minh hỏi:
- Cảnh-thăng muốn trao Kinh-châu cho chúa công, sao lại từ chối?
Huyền-đức nói:
- Cảnh-thăng đãi ta rất hậu, sao lại nỡ nhân lúc nguy mà cướp cơ nghiệp người ta.
Khổng Minh than rằng:
- Thật là một vị chúa nhân từ!
Hai người đương nói chuyện, chợt báo có công tử Lưu Kỳ xin vào gặp. Huyền-đức mời vào, Kỳ khóc nói rằng:
- Dì ghẻ cháu ghét cháu lắm, tính mệnh cháu hết sức lo ngại, xin chú thương tình cứu cho.
Huyền-đức nói:
- Đấy là việc riêng trong nhà cháu, sao lại đi hỏi chú?
Khổng Minh mỉm cười. Huyền-đức hỏi kế Khổng Minh.
Khổng Minh nói:
- Đấy là việc nhà, tôi không dám biết đến.
Một lúc Huyền-đức tiễn Lưu Kỳ ra đến cửa, rồi ghé vào tai nói nhỏ:
- Đến mai, ta sai Khổng Minh đến tạ cháu, cháu nên... như thế... như thế... ông ta sẽ có diệu kế.
Kỳ từ tạ ra về. Hôm sau, Huyền-đức giả cách đau bụng nhờ Khổng Minh thay mình đến tạ Lưu Kỳ. Khổng Minh vâng lời, đi đến cửa nhà Lưu Kỳ, xuống ngựa, vào gặp Lưu Kỳ, Kỳ mời vào nhà trong. Uống nước xong, Kỳ nói:
- Kế mẫu muốn hại Kỳ, xin tiên sinh cứu cho.
Khổng Minh nói:
- Lượng là một người khách đâu dám nhúng tay vào việc gia đình của người khác, lỡ có điều gì tiết lộ thì không tiện.
Nói xong, đứng dậy cáo từ. Kỳ nói:
- Tiên sinh đã hạ cố đến đây, xin đừng vội về.
Liền dắt Khổng Minh vào phòng uống rượu. Vừa được vài chén, Kỳ lại nói:
- Kế mẫu không muốn dùng Kỳ, xin tiên sinh cho một lời giải nguy.
Khổng Minh nói:
- Việc này Lượng không dám bàn đến.
Nói xong lại muốn ra về.
Kỳ nói:
- Tiên sinh không nói thì thôi, sao cứ đòi về?
Khổng Minh lại ngồi xuống.
Kỳ nói:
- Kỳ có bộ sách cổ xin mời tiên sinh lên xem qua một chút.
Nói rồi Kỳ dắt Khổng Minh lên trên lầu nhỏ.
Khổng Minh hỏi:
- Sách đâu?
Kỳ khóc nói:
- Kế mẫu không dung, tính mạng Kỳ đang treo sợi tóc. Tiên sinh nỡ nào không một lời giải cứu?
Khổng Minh bực mình đứng dậy, định trở xuống thì thang đã cất đi rồi.
Kỳ thưa rằng:
- Kỳ muốn cầu cứu kế hay, nhưng tiên sinh sợ tiết lộ, nên không chịu nói. Nay ở chốn này, trên không đến trời, dưới không đến đất, miệng tiên sinh nói ra, chỉ có tai Kỳ nghe thấy, xin tiên sinh dạy cho.
Khổng Minh nói:
- Người sơ không nên làm ly gián người thân, Lượng sao dám bày mưu cho công tử?
Kỳ nói:
- Tiên sinh không bảo cho, thì mạng Kỳ chắc không toàn. Kỳ xin chết ngay trước mặt tiên sinh.
Liền rút gươm ra muốn tự vẫn.
Khổng Minh vội ngăn lại nói:
- Hãy thong thả ta đã có kế hay đây.
Kỳ lạy, nói:
- Xin tiên sinh dạy bảo ngay cho.
Khổng Minh nói:
- Công tử há không biết chuyện Thân Sinh và Trùng Nhĩ đấy ư[1]? Thân Sinh ở trong thì chết, Trùng Nhĩ ở ngoài thì yên. Nay Hoàng Tổ mới chết, Giang-hạ thiếu người phòng thủ, công tử nên xin đem quân ra giữ ở đó, chắc có thể tránh được tai vạ.
Kỳ mừng rỡ bái tạ Khổng Minh một lần nữa, rồi gọi người bắc thang đưa Khổng Minh xuống gác.
Khổng Minh về gặp Huyền-đức thuật lại chuyện ấy, Huyền-đức mừng lắm.
Hôm sau Lưu Kỳ dâng thư, xin đi trấn Giang-hạ. Lưu Biểu lúng túng, cho mời Huyền-đức vào bàn. Huyền-đức nói:
- Giang-hạ là chốn quan trọng, không nên sai người ngoài, cần phái công tử đi. Việc ở mặt đông nam, thì xin huynh trưởng cùng các cháu đảm đương, còn mặt tây bắc Bị xin coi giữ.
Biểu nói:
- Mới đây, tôi nghe Tào Tháo ở Nghiệp-quận đào ao Huyền-vũ để luyện tập thủy quân, tất có ý xuống đánh miền nam, ta cần phải đề phòng.
Huyền-đức đáp:
- Em đã biết, xin anh đừng lo.
Nói rồi bái từ về Tân-dã. Lưu Biểu sai ngay Lưu Kỳ dẫn ba nghìn quân ra trấn thủ Giang-hạ.
Lại nói Tào Tháo bãi chức tam công, tự phong mình làm thừa tướng kiêm cả ba chức ấy, cử Mao Giới làm đông tào duyện, Thôi Giệm làm tây tào duyện; Tư-mã Ý làm văn học duyện.
Tư-mã Ý tự là Trọng-đạt, quê ở Hà-nội, quận Ôn; con quan doãn Kinh-triệu là Tư-mã Phong, cháu thái thú Dĩnh-châu Tư-mã Tuấn, em quan chủ bạ Tư-mã Lãng.
Tháo biên chế quan văn đâu vào đấy rồi, bèn họp cả các tướng bàn việc xuống đánh phương nam.
Hạ-hầu Đôn đứng lên nói rằng:
- Gần đây nghe tin Lưu Bị ở Tân-dã, ngày ngày luyện tập quân sĩ. Để vậy, tất có lo về sau, nên sớm liệu đi mới được.
Tháo sai ngay Hạ-hầu Đôn làm đô đốc, Vu Cấm, Lý Điển, Hạ-hầu Lan, Hàn Hạo làm phó tướng, lĩnh mười vạn quân kéo thẳng đến thành Bác-vọng để thừa cơ đánh vào Tân-dã.
Tuân Úc can rằng:
- Lưu Bị đã là anh hùng, lại thêm có Gia-cát Lượng làm quân sư, không nên khinh địch.
Đôn nói:
- Lưu Bị như lũ chuột, thế nào ta cũng bắt được.
Từ Thứ nói:
- Xin tướng quân chớ coi thường Huyền-đức, nay Huyền-đức được Gia-cát Lượng giúp đỡ, chẳng khác hổ thêm cánh đấy.
Tháo hỏi:
- Gia-cát Lượng là người thế nào?
Thứ đáp:
- Lượng tự Khổng Minh, tên hiệu Ngọa-long tiên sinh, có tài ngang trời dọc đất, có mưu xuất quỷ nhập thần, thật là kỳ sĩ đời nay, không nên xem nhẹ.
Tháo hỏi:
- So với ông thế nào?
Thứ nói:
- Tôi đâu dám sánh với Lượng. Thứ này chỉ là ánh đom đóm, còn Lượng là ánh trăng rằm.
Hạ-hầu Đôn nói:
- Nguyên-trực lầm rồi. Tôi coi Gia-cát Lượng như cỏ rác, sợ quái gì. Nếu tôi đánh một trận, không bắt sống được cả Lưu Bị và Gia-cát Lượng, thì tôi xin đem đầu về chịu tội với thừa tướng.
Tháo nói:
- Được, ngươi sớm đưa tin thắng trận về cho ta hả dạ.
Đôn phấn khởi, từ biệt Tào Tháo, dẫn quân khởi hành.
Lại nói từ khi được Khổng Minh, Huyền-đức đối đãi như bậc thầy. Quan, Trương thấy vậy không bằng lòng nói:
- Khổng Minh tuổi trẻ, có tài cán gì, sao anh trọng đãi quá thế? Vả lại từ khi về đây, đã thấy y làm được việc gì tỏ tài đâu!
Huyền-đức nói:
- Ta được Khổng Minh như cá được nước, hai em chớ nên nhiều lời.
Hai người nghe nói lẳng lặng lui ra.
Một hôm có người đem biếu một cái đuôi trâu, Huyền-đức đem đuôi trâu đan thành chiếc mũ, bỗng Khổng Minh ở ngoài vào trông thấy, nghiêm sắc mặt nói:
- Minh công không còn phải lo đến việc gì nữa à?
Huyền-đức vội vàng ném mũ đi và xin lỗi:
- Tôi mượn việc đó để tiêu khiển đấy thôi!
Khổng Minh nói:
- Minh công tự so mình với Tào Tháo thế nào?
Huyền-đức nói:
- Không bằng được!
Khổng Minh nói:
- Quân của minh công chẳng qua được vài nghìn, nếu quân Tào kéo đến đánh thì lấy gì chống cự?
Huyền-đức nói:
- Chính tôi đương lo việc ấy nhưng nghĩ chưa ra kế nào hay.
Khổng Minh nói:
- Minh công nên cho tuyển mộ thật nhiều dân binh để tôi huấn luyện thì có thể chống được giặc.
Huyền-đức bèn tuyển mộ ngay được ba nghìn người. Khổng Minh sớm tối dạy bảo diễn tập phương pháp đánh trận.
Chợt có người báo Tào Tháo sai Hạ-hầu Đôn dẫn mười vạn quân rầm rộ kéo đến Tân-dã. Trương Phi nghe tin, nói với Quan-công rằng:
- Tốt hơn hết, nên để Khổng Minh ra nghênh địch.
Giữa lúc ấy, Huyền-đức cho gọi hai người vào, bảo rằng:
- Hạ-hầu Đôn kéo quân đến rồi, ta đối phó thế nào?
Trương Phi nói:
- Sao kha kha không sai “nước”[2] đi để chống giặc?
Huyền-đức nói:
- Mưu thì ta phải nhờ đến Khổng Minh, nhưng dũng cảm thì phải nhờ đến hai em mới xong, không nên suy tị như thế.
Quan, Trương đi ra, Huyền-đức mời Khổng Minh đến bàn. Khổng Minh nói:
- Chỉ sợ Quan, Trương không phục tùng hiệu lệnh. Nếu chúa công thực muốn tôi chỉ huy, xin giao kiếm ấn cho tôi.
Huyền-đức sai lấy kiếm ấn trao cho Khổng Minh, Khổng Minh liền họp các tướng lại để nghe lệnh. Trương Phi bảo Vân-trường rằng:
- Ta hãy thử đến nghe lệnh, xem hắn xếp đặt ra sao?
Khổng Minh truyền lệnh:
- Bên tả núi Bác-vọng có núi Dự-sơn, bên hữu có rừng An-lâm, có thể phục quân mã được. Vân-trường dẫn một nghìn quân ra mai phục ở núi Dự-sơn đón địch, địch kéo đến, cứ mặc cho chúng đi qua, khi nào các xe lương thực tới, nếu thấy mé nam có hiệu lửa sẽ thả quân ra đánh, đốt sạch lương thực của giặc đi. Dực-đức dẫn một nghìn quân ra sau rừng An-lâm, mai phục trong hang núi, cũng đợi khi nào mé nam có hiệu lửa, bấy giờ sẽ kéo đến đốt kho lương ở thành Bác-vọng. Quan Bình, Lưu Phong dẫn năm trăm quân sắp sẵn củi đuốc, chực ở hai sườn gò Bác-vọng, chập tối địch kéo đến, thì đốt lửa lên. Lại gọi Triệu Vân ở Phàn-thành về, sai đi tiền bộ, không cần đánh được mà chỉ cốt đánh lấy thua. Chúa công dẫn một toán quân tiếp ứng. Ai nấy đều phải theo kế mà làm, không được để lỡ.
Vân-trường nói:
- Chúng tôi đều ra nghênh địch cả, không hiểu quân sư ngài nhận việc gì?
Khổng Minh nói:
- Ta chỉ ngồi nhà giữ thành.
Trương Phi cười ầm lên nói:
- Chúng tôi đều đi đánh nhau cả, còn ông thì ngồi khểnh ở nhà, thảnh thơi quá!
Khổng Minh nói:
- Kiếm ấn ở đây, ai không tuân lệnh, ta lập tức chém đầu.
Huyền-đức nói:
- Hai em phải biết “người có tài ngồi trong màn, quyết thắng ở ngoài nghìn dặm”, hai em không được trái lệnh.
Trương Phi nói:
- Hãy xem kế của hắn có hiệu nghiệm hay không đã, bấy giờ ta sẽ chất vấn.
Hai người đem quân đi. Các tướng cũng chưa ai biết thao lược của Khổng Minh ra sao, nay nghe lệnh, nhưng vẫn nghi hoặc, không được yên tâm.
Khổng Minh bảo Huyền-đức rằng:
- Chúa công nay dẫn binh đến dưới núi Bác-vọng đóng đồn. Tối mai thế nào quân giặc cũng kéo đến, chúa công nên bỏ trại rút chạy, hễ thấy lửa cháy thì lập tức đem quân quay lại đánh. Tôi cùng My Chúc, My Phương dẫn năm trăm quân giữ huyện.
Lại sai Tôn Càn, Dản Ung sắp sẵn tiệc ăn mừng và sổ ghi công. Mọi việc sắp đặt đã xong, nhưng chính Huyền-đức cũng còn ngờ vực.
Lại nói Hạ-hầu Đôn cùng bọn Vu Cấm, dẫn quân đến thành Bác-vọng, chia một nửa tinh binh làm tiền đội, còn bao nhiêu đi sau bảo vệ xe lương thực.
Bấy giờ đương mùa thu, gió may hây hẩy. Quân mã đương đi, trông thấy trước mặt cát bụi bay mù, Đôn liền dàn thành thế trận và hỏi quan hướng đạo:
- Đây là chỗ nào?
Quan hướng đạo thưa:
- Trước mặt là gò Bác-vọng, mé sau là cửa sông Xuyên. Đôn sai Vu Cấm, Lý Điển giữ vững góc trận, tự mình cưỡi ngựa ra trước trận, nhìn về phía xa xa thấy một toán quân mã kéo lại. Đôn cười ầm lên. Các tướng lấy làm lạ, hỏi:
- Tướng quân cười gì thế?
Đôn nói:
- Ta cười Từ Nguyên-trực khoe với thừa tướng rằng Gia-cát Lượng là người giỏi. Nay xem cách dùng binh của hắn, đem thứ quân mã thế kia đối địch với ta, khác nào đem đàn dê đánh nhau với hổ báo. Ta đã nói trước mặt thừa tướng rằng sẽ bắt sống Lưu Bị và Gia-cát Lượng, nay nhất định ta làm được việc ấy.
Nói rồi Đôn tế ngựa tiến lên.
Triệu Vân ra ngựa, Đôn mắng rằng:
- Bọn mi đi theo Lưu Bị có khác gì cô hồn theo ma quỷ.
Vân cả giận tế ngựa lại đánh, được vài hợp giả tảng thua chạy. Hạ-hầu Đôn đuổi theo. Vân chạy độ hơn mười dặm, quay ngựa lại đánh, chưa được vài hợp lại chạy.
Hàn Hạo tế ngựa đến trước can rằng:
- Triệu Vân dử địch, sợ có mai phục.
Đôn nói:
- Quân giặc như thế, dẫu có mai phục cả mười mặt, ta cũng chẳng sợ!
Rồi Đôn nhất định không nghe lời Hàn Hạo, đuổi thẳng đến gò Bác-vọng. Bỗng nghe pháo nổ, Huyền-đức tự dẫn quân xông tới tiếp ứng.
Hạ-hầu Đôn cười, bảo Hàn Hạo rằng:
- Quân mai phục đó! Ta không tới được Tân-dã chiều nay, thì nhất định không nghỉ quân.
Nói xong, Đôn lại thúc quân tiến lên. Huyền-đức và Triệu Vân rút chạy.
Bấy giờ trời đã tối, mây kéo dày đặc, lại không có ánh trăng. Gió thổi càng mạnh. Hạ-hầu Đôn cứ thúc quân đuổi miết. Vu Cấm, Lý Điển đi vào quãng đường hẹp nhỏ, thấy hai bên lau sậy um tùm.
Điển bảo Cấm rằng:
- Khinh địch tất phải thua. Phía nam này, đường sá chật hẹp, sông núi san sát, cây cối rậm rạp, nếu địch đánh hỏa công thì tính sao?
Cấm nói:
- Ngươi nói phải đó. Ta nên tiến lên trước nói với đô đốc cho hậu quân đóng lại.
Lý Điển quay ngựa trở lại, hô:
- Hậu quân hãy đi chậm lại!
Nhưng người ngựa đương chạy như vũ bão, không tài nào kìm lại được.
Vu Cấm vội tế ngựa lên trước, gọi to rằng:
- Tiền quân của đô đốc dừng lại!
Hạ-hầu Đôn đương chạy, thấy Vu Cấm rượt tới liền hỏi duyên cớ làm sao. Cấm nói:
- Phía nam này đường sá chật hẹp, sông núi san sát, cây cối rậm rạp, phải đề phòng hỏa công mới được.
Đôn sực tỉnh, lập tức truyền lệnh cho quân mã không được tiến nữa. Nói chưa dứt lời, sau lưng đã có tiếng hò reo rầm rĩ, lửa cháy đùng đùng; tiếp đó hai bên lau sậy cũng bốc cháy. Chỉ trong chớp mắt, ba bề bốn bên biến thành biển lửa, lại gặp gió to, lửa bốc càng mạnh, quân Tào giẫm đạp lên nhau, chết không biết bao nhiêu mà kể.
Triệu Vân quay lại đánh giết. Hạ-hầu Đôn xông pha ra khỏi được bể lửa chạy thục mạng.
Khi Lý Điển thấy tình thế không lợi, vội quay gấp về thành Bác-vọng, thì gặp ngay một cánh quân chặn đường đi đầu là Vân-trường. Lý Điển xông ngựa đánh bừa, cướp đường tháo chạy. Vu Cấm thấy xe lương bị cháy sạch, liền men theo đường nhỏ chạy trốn.
Hạ-hầu Lan, Hàn Hạo xúm lại cứu xe lương thì chạm trán Trương Phi. Chưa được vài hợp, Lan bị Phi cho một xà mâu chết lăn nhào xuống ngựa. Hạo cướp đường chạy thoát.
Hai bên đánh nhau suốt đêm: quân Tào bị giết, xác chất đầy đồng, máu chảy thành sông.
Đời sau có thơ rằng:
Bác-vọng dùng mưu đánh hỏa công, Cười cười nói nói vẫn thung dung. Tào man nghe tiếng hồn bay bổng, Rời khỏi lều tranh đệ nhất công!
Hạ-hầu Đôn nhặt nhạnh tàn quân, rút về Hứa-xương.
Khổng Minh cũng thu quân về. Quan, Trương hai người nhìn nhau, nói:
- Khổng Minh quả là bậc anh kiệt!
Đi chưa được vài dặm, gặp My Chúc, My Phương dẫn quân xúm xít theo hầu một cỗ xe nhỏ; trong xe, một người ngồi chễm chệ, chính là Khổng Minh. Quan, Trương xuống ngựa sụp lạy. Một lúc Huyền-đức, Triệu Vân, Lưu Phong, Quan Bình đều đến, thu thập quân sĩ, đem lương thảo bắt được chia cho tướng sĩ, rồi kéo quân về Tân-dã.
Trăm họ ra đón rước chật hai bên đường cái, lạy mà nói rằng:
- Chúng tôi được an toàn, cũng là nhờ sứ quân dùng được người hiền vậy.
Khổng Minh về đến huyện, bảo Huyền-đức rằng:
- Hạ-hầu Đôn thua, thế nào Tào Tháo cũng đem đại quân đến.
Huyền-đức nói:
- Nếu vậy thì làm thế nào?
Khổng Minh nói:
- Tôi đã có một kế địch được quân Tào.
Thế là:
Phá giặc, chưa xong thôi ngựa chiến, Lánh binh lại phải cậy mưu hay.
Chưa biết Khổng Minh bày kế gì, xem đến hồi sau sẽ rõ.
- ▲ Thân Sinh và Trùng Nhĩ là hai con trai của vua Tấn Hiến công đời Xuân Thu. Hiến công quá yêu nữ phi Lệ cơ. Lệ cơ muốn lập con mình làm thái tử, nên đã gièm pha ám hại hai con trai của Hiến công. Thân Sinh buộc phải tự sát, còn Trùng Nhĩ chạy ra nước ngoài.
- ▲ “Nước” đây chỉ Khổng Minh, Huyền-đức thường nói: “Ta được Khổng Minh như cá gặp nước”.
- Trang con
Từ khóa » Gò Bác Vọng
-
Trận Trường Bản – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hãng Phim Phương Nam - Gò Bác Vọng Ngọa Long Dùng Một Mẹo ...
-
Tam Quốc Diễn Nghĩa: Sự Thật Về Chiến Công đầu Tiên Của Gia Cát ...
-
Tam Quốc Diễn Nghĩa: Chiến Công đầu Tiên Của Gia Cát Lượng
-
Tam Quốc Diễn Nghĩa 1994 Tập 28 | Hoả Thiêu Gò Bác Vọng - Video ...
-
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa Lưu Bị - Tieng Wiki
-
Bình Tam Quốc 10: Trận Bác Vọng, Tân Dã- Ối Sử Ôi! - Ước Mơ Nhỏ
-
Tam Quốc Diễn Nghĩa - Hồi 39: Thành Kinh Châu, Công Tử Ba Lần ...
-
Danh Sách Sự Kiện Hư Cấu Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa - Wikiwand
-
3 Sai Lầm Chí Mạng Của Gia Cát Lượng Khiến Nhà Thục Bị Diệt Vong
-
Vì Sao Triệu Vân Xin Lưu Bị Tha Chết Cho 1 Viên Tướng Của Tào Tháo?
-
Theo Tiểu Thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, Trận đánh đầu Tiên Của ...
-
[Audio] Tam Quốc Diễn Nghĩa 1994 Tập 28 - Hoả Thiêu Gò Bác Vọng