Tâm Trí Trong Sáng (Diệu Hoa) - Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo

“Từ bi làm đẹp tâm hồn

Nương về chốn tịnh thiền môn học hành

Kinh trì giới thọ lòng thanh

Thiện lương giữ dạ chân thành sống an”.

Thật tuyệt vời nếu biết tự mình làm cho tâm hồn mình thêm đẹp bằng chất liệu từ bi, lương thiện. Lấy giới luật Đức Phật đã dạy để ngăn ngừa tội lỗi sinh khởi, nhờ giữ giới thân tâm sẽ thêm thanh tịnh, mà nét đẹp của thanh tịnh, từ bi, lương thiện thì không có cái đẹp nào đẹp hơn. Khi tâm hồn được làm đẹp bằng sự thanh tịnh ấy, cuộc sống chắc chắn sẽ bình yên. Khi cuộc sống bình yên thì tâm tự ắt sẽ an. Buông xả thì tâm thư thái, làm thiện thì tâm hoan hỷ, chánh niệm thì tâm thanh tịnh mà tâm thanh tịnh thì sẽ an nhiên thôi, khi ấy trí tuệ sẽ phát sinh thêm nhiều. Người có trí tuệ sẽ chọn cho mình đời sống tỉnh thức của từ bi, dù xuất gia hay tại gia cũng vậy.

“Tặng mình một khoảng trời yên

Trì kinh hướng Phật xua phiền sửa sai

Phải nên tích thiện hằng ngày

Làm lành gieo đức để gây phước điền”.

Và:

“Tịnh an cuộc sống tu hành

Giữ thân và ý cho thanh học thiền

Tâm mà không ác dạ yên

U sầu chẳng thể làm phiền được ta”.

Mỗi người đều có phước, nghiệp khác nhau trên cõi đời này, tất cả đều do mình gieo và tạo chứ không ai khác. Khi phước trổ hoa thì mình hưởng, khi nghiệp thành quả thì mình trả chứ cũng không có ai có thể gánh nghiệp thay hay hưởng phước dùm ta được. Có người thích làm giàu rồi dùng những đồng tiền trong sạch kiếm được bằng công sức để làm việc thiện, giúp người nghèo gặp khó khăn, giúp học sinh, sinh viên nghèo được đến trường hoặc cúng dường Tam bảo để tạo công đức cho mình, cho người thân, tu phước và nuôi dưỡng lòng từ bi, gieo nhân Bồ tát. Có người thì thích cuộc sống thanh bần nên chọn cho mình đời sống tịnh an, xuất gia theo Phật, hằng ngày tu tập thanh tịnh từ thân đến tâm, ươm mầm giải thoát, A-la-hán, chánh quả Bồ đề. Người thích công quả, phụng sự Tam bảo, người thích tu tập vào hàng Tam bảo. Tự mình phải chọn cho mình một hướng đi, một cách sống.

“Con đường giải thoát tịnh an

Sống đời tỉnh thức tâm nhàn trí yên

Từ bi chẳng vướng ưu phiền

Một lòng hướng Phật an nhiên tu hành”.

Khi bị một ai đó làm phiền, vu khống, đàm tiếu, nhục mạ chúng ta lại ôm vào lòng rồi tự tạo áp lực cho mình thì đó là một sai lầm, u mê. Trong khi họ nói cho thoả mãn cái tôi, kiêu mạn và thói quen của sở thích tạo nghiệp xong, họ thản nhiên cười vui vẻ, còn ta lại ưu sầu, sao phải để tâm trạng lệ thuộc thái độ và nhân cách sống thiếu chuẩn mực của người khác. Nhu nhược là một phần của u mê, bản lĩnh là một phần của tỉnh thức. Bản lĩnh ở đây không phải là cãi cọ tay đôi, ăn miếng trả miếng với người khác, mà là nói đúng lúc đúng nơi, nói khi cần thiết và nói trong điềm tĩnh, sáng suốt, làm chủ mọi hành vi, biết rõ những gì mình nói.

“Đừng vì kẻ xấu hiềm ganh

Mà vương phiền não tâm lành mất đi

Lòng ngay chánh trực lo gì

Nhân từ mà sống sân si mặc người”.

Nếu sống tỉnh thức với lòng từ bi thì chắc chắn chúng ta sẽ không đánh mất mình trong mọi hoàn cảnh, biết kiềm chế cơn nóng giận không để bị mất bình tĩnh do những rắc rối của người khác mang lại. Người sống tỉnh thức làm chủ được mình và giải quyết vấn đề nhẹ nhàng, thông suốt. Đừng tạo cơ hội cho người thiếu hiểu biết gây tội, thay vì khinh rẻ họ thì hãy mở lòng từ bi mà thương họ. Nếu cãi với người u mê vậy ta cũng giống họ thôi, bởi “Gió tầng nào sẽ gặp mây tầng nấy” mà.

“Ồn ào trong dạ mới lo

Xôn xao ngoại cảnh nhằm nhò chi đâu

Chớ gom phiền não vào đầu

Cũng đừng chấp nhặt buồn lâu làm gì”.

Người sống tỉnh thức thường rất điềm tĩnh trước những thị phi. Dù có bức xúc cũng không đánh rơi đạo đức, từ bi, lương thiện và tử tế. Không vì sự thô bạo của người khác mà đánh mất lòng từ bi của mình, sống đúng với lương tri, còn ai sai thì đã có luật nhân quả.

“Mỗi khi quét lá sân chùa

Là đang quét sạch hơn thua trong lòng

Mỉm cười an lạc thong dong

Tự tâm tĩnh lặng ngưng dòng nghĩ suy”.

Người thế gian thường nói: “Im lặng là đỉnh cao của sự khinh bỉ”, nhưng người trong đạo, xuất gia tu theo Phật thì không nên dùng câu ấy với nghĩa ấy, mà phải: “Im lặng là đỉnh cao của Từ bi”. Im lặng cũng là một nghệ thuật sống, nếu không có lòng từ bi, ai cũng sân si thì câu chuyện sẽ đi đến cái kết buồn, một xã hội giàu lòng từ bi sẽ luôn làm nên một bầu trời thanh bình, tươi đẹp, một xã hội tràn đầy sự phẫn nộ, sân si sẽ tạo ra một thế giới đầy dẫy đau khổ, hận thù. Những bậc làm cha mẹ, họ luôn mong muốn con mình thành người nhân đức, không ai muốn con mình lớn lên trong một môi trường có những tệ nạn xã hội, giao du học theo thói ngang tàng, thân cận những thành phần bất hảo, đâm thuê chém mướn. Ai cũng muốn những đứa trẻ lớn lên hiền hậu, trung thực chứ chẳng bao giờ chúng ta mong muốn con em mình hung hăng, dữ tợn. Muốn thế hệ sau được những điều tốt lành và biết chọn sống một cuộc sống tỉnh thức, yên lành, nhân từ như thế thì trước tiên chúng ta phải làm gương. Phải sống chân chánh, bao dung, độ lượng, tránh xa mọi điều xấu ác. Tóm lại, muốn tương lai con cái mình, đệ tử mình như thế nào thì chúng ta hãy cho chúng thấy những điều đó qua cách sống của bạn. U mê hay tỉnh thức, quân tử hay tiểu nhân, hạnh phúc hay khổ đau đều do chúng ta chọn lựa.

“Nên kiên nhẫn thiền tu sửa tính

Nhủ với lòng chấn chỉnh lầm sai

Học theo những bậc hiền tài

Vun bồi đạo đức rời ngay nẻo tà”.

Hay:

“Ai thường đọc sách nghe kinh

Thì tâm giác ngộ tự mình thiện chân

Biết lo chánh niệm chuyên cần

Buông lung cách tiệt tánh sân hổng còn”.

Không gì hạnh phúc bằng mỗi khi mở mắt thức dậy là được bắt đầu ngày mới bằng những năng lượng tích cực của yêu thương và an lành, sống cuộc sống tỉnh thức, ngăn ngừa ái dục trong từng hơi thở, trong từng niệm nghĩ của mình. Đừng bận lòng những gì người khác đối đãi không tốt với ta, mà hãy xét ta đã sống như thế nào với những phiền muộn đó, xem mình có đủ trí tuệ để hoá giải nghiệp xấu bằng lòng từ bi hay không? Lấy những nghịch cảnh làm thước đo lòng từ bi, lương thiện, thanh tịnh và tâm hồn trong sáng của mình để xem mình đang ở bậc nào trong bốn thánh quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hoàn, A-na-hàm và A-la-hán.

“Đếm từng nhịp thở vào ra

Dõi tâm biết rõ chánh tà đúng sai

Từ bi cuộc sống an hoài

Toạ thiền chánh niệm tuệ khai trí bừng”.

Download QR 🡻

Từ khóa » Cái Tâm Trong Sáng Là Gì