Tãn Mạn Câu Về Câu đầm. | Facebook

Chào các Bạn !

 

 

Thực ra, anh em thường đi câu đầm trên cộng đồng này hầu như hay đi chung với nhau hoặc đã từng đi chung với nhau nên về thẻo câu và cách câu cũng na ná như nhau. Có khác chăng là do cách câu của từng người, địa hình và vị trí nơi câu cũng như con nước mà có những biến tấu nhất định. Tôi xin tổng hợp các loại và phân tích ưu nhược điểm cũng như cách áp dụng từng loại để mọi người tham khảo và rút ra kết luận riêng cho mình. Riêng về hình minh họa cho cách set-up cần và thẻo câu thì tôi sẽ post lên sau ngay trong bài này ở vị trí thích hợp để các bạn dễ hình dung.

 

 

Đầm thì thường có nhiều loại cá như mú, hồng, chẽm, mao ếch, ngát, tráp, chai, đục, nâu, lưỡi trâu (thờn bơn), nhồng, cháo, lạt chó, cua, bống cát……. Tuy nhiên , để làm thẻo câu và set-up 1 đường câu, chúng ta có thể chia làm 3 loại chính: 1 chẽm, 2 tráp, 3 đục.

 

 

1/ Câu cá chẽm:

 

 

Chẽm thường ăn cách mặt nước khoảng từ 1- 2m (cũng có khi ăn đáy), mồi thì ăn mồi sống (tôm đất, tôm thẻ, tôm sú, cá đối, cá đục, cá kèo….), đối với tôm thì các bạn nên móc lưỡi vào đốt thứ 3 – tính từ đuôi - của con tôm (lưu ý khi móc lưỡi tránh đường chỉ lưng của con tôm vì nếu móc trúng tôm sẽ mau chết), đối với cá thì các bạn có thể móc vào miệng cá hoặc đuôi cá (khi móc mồi bằng cá nên xài lưỡi lớn hơn).

 

 

Thẻo câu chẽm: Có thể làm bằng cáp, bằng dây cước (dây thường hoặc tàng hình, đơn or xoắn đôi), câu bằng dây cước thì tôm bơi linh hoạt hơn nhưng dễ đứt nếu không kịp dựng cần ngay và căng dây liên tục khi thu dây. Cáp thì khó đứt nhưng thường làm tôm bơi không được khỏe, mau mệt nên khg hấp dẫn cá lắm. Có 1 loại cáp 7x7 (tức là 49 sợi cáp nhỏ bện lại - khác với loại thông thường 1x7 sợi mà các bạn thường gặp) thì rất mềm và đàn hồi tốt. Nhược điểm duy nhất của loại cáp này là rất khó mua và rất mắc (giá khoảng $12/5m) tính ra khoảng gần 50k/m.

 

 

Set-up 1 đường câu chẽm: 

 

 

Cách thứ 1:Nếu tính theo thứ tự tính từ máy ra là hạt chặn, phao (phao bom cá mè) , chì xuyên tâm (từ 5gr-30gr tùy dòng chảy, ném xa hay gần và thói quen của người câu), móc khóa sau đó là thẻo câu (thẻo dài khoảng 70cm), từ hạt chặn đến lưỡi câu từ 1m đến 2 m tùy địa hình điểm câu. Với cách này phù hợp câu nước yên hoặc câu ngay đầu vệt nước, ưu điểm là thẻo câu gọn nhẹ, set-up đơn giản, tôm bơi linh hoạt…. Nhược điểm là hay bị trôi nên không nên áp dụng khi câu chỗ nước chảy, gió lớn và câu bằng mồi cá .

 

 

Cách thứ 2: Thẻo câu thường kết hợp chữ T, set-up như sau: hạt chặn, phao (có cũng được mà khg có cũng được), móc khóa, thẻo câu dùng chữ T bằng inox, phần dài nối với thẻo câu chẽm (thường được làm ngắn hơn – dài khoảng 30-40cm), hai phần ngắn được nối 1 phần với đường câu chính và 1 phần với chì. Cách căn độ sâu của loại này ngược với 2 cách còn lại, 2 cách còn lại canh từ trên phao xuống còn cách này canh từ đáy đầm lên, càng muốn nổi thì khoảng cách dây chì nối với chữ T càng dài. Ưu điểm của đường câu này là tính ổn định rất cao, không bị cuốn theo dòng chảy, một ưu điểm khác là do có sức căng của cục chì dằn nên cá có ăn mà ta không kịp đóng cũng dễ dính hơn . Nhược điểm của đường câu này là hơi lỉnh kỉnh nên ném xa có cảm giác vướng víu, con tôm bơi không linh hoạt, mặt khác nếu đầm sâu hơn 3m thì cũng rất khó ném cần (nếu canh dây chì 2m để tôm bơi ở khoảng 1m nước).

 

 

Cách thứ 3: Cách này tổng hợp 2 cách trên, tuy nhiên cũng vẫn có những nhược điểm nhất định. Các bạn set-up như cách set-up 1 đường câu cá mè, bao gồm: chì neo : chì 20-30gr xuyên tâm, lỗ to có thể chạy qua hạt chặn, hạt chặn, phao bom, chì dằn (chì tròn xuyên tâm từ 5-20gr) móc khóa và đến thẻo câu giống như cách 1. Ưu điểm của đường câu này giống như những ưu điểm của cách số 1 và do có cục chì neo nên không bị trôi như cách số 1, nhược điểm là do có 2 cục chì nên trọng lượng chì lớn nên chỉ thích hợp với các cần tương đối lớn (có lure wt. >40gr), cũng do đường câu tương đối phức tạp nên khi ném ra mà dùng thẻo quá mềm có thể bị quấn ngược lên chì và phao gây rối dây. 1 nhược điểm nữa là do cục chì dưới (chì dằn) thường dùng khá nhẹ nên nếu câu trong vệt nước có khả năng sẽ bị nước cuốn con tôm lên trên.

 

 

Về lưỡi câu (tạm lấy kích cỡ của chinu cho dễ hình dung) thì nhóm Đức, Châu hay dùng chinu số 4-5, tôi và Nam TCB hay dùng số 6-7, nhóm anh Tâm thì hình như ít dùng chinu và thường dùng lưỡi lớn hơn.

 

 

2/ Câu cá Tráp:

 

 

Câu tay: Nếu bạn câu cá tráp bằng cần câu tay, thì set-up đường câu của mình và canh phao, thẻo gần y như câu tay kiểu Đài loan (gọi tắt là câu Đài), tuy nhiên nên xài phao lớn hơn và chì nặng hơn 1 chút, thẻo câu so le 2 lưỡi (tôi thường dùng lưỡi câu chinu số 3, thẻo câu 1 dây dài 30 và 1 dây dài 34 cm – nếu xài dây thẻo dài quá sẽ bị rối, xài dây ngắn quá thì không nhạy – bạn chỉ nếu câu bằng tôm sống bạn chỉ nên mắc 1 con tôm chung 2 lưỡi, mắc 2 con tôm sống dễ bị rối), với thẻo này bạn có thể câu bằng mồi bột hoặc tôm chết cắt miếng hoặc lòng gà, vịt. Nếu câu bằng tôm sống thì 1 lưỡi móc vào đốt thứ 3 từ đuôi lên, 1 lưỡi móc sát phần đầu tôm (móc thẻo dài vào phần đầu tôm, thẻo ngắn vào phần đuôi tôm). Ngoài ra, bạn có thể dùng thẻo câu 2 – 3 lưỡi trên cùng 1 dây để móc tôm sống (sẽ có ảnh minh họa). Với kiểu câu tay, bạn cũng có thể không cần dùng phao mà chỉ cần thấy nó nhíu cần là đánh được. Tuy nhiên, khi câu tay ở đầm bạn nên xài cần dài (>5.4m), vì có khi phải vươn ra xa và nếu có gặp đầm sâu (>3m) thì bạn vẫn có đủ dây để câu.

 

 

Câu máy: bạn chỉ cần set-up theo thứ tự chì xuyên tâm (5-30gr tùy dòng chảy, vị trí ném, cần câu của bạn hay đơn giản chỉ vì thói quen), móc khóa. Thẻo câu và mồi câu có thể dùng như trong cách câu tay. Một cách câu nữa mà tôi thường dùng là (theo hình), như vậy đường câu của bạn chỉ bao gồm móc khóa vì trong thẻo đã có chì , cách này thường hữu hiệu khi móc cả hai con tôm sống sẽ không bị rối, ngoài ra nếu đầm có lớm sình non dày, nếu bạn xài mồi bột hay mồi tôm chết, lòng gà vịt….sẽ khg bị hiện tượng chìm mồi, hai thẻo đỡ xoắn vào nhau…..

 

 

Với cách câu này, bạn có thể câu được hầu hết các loại cá khác trong đầm như ngát, mú, hồng, thậm chí cá chẽm.

 

 

3/ Câu cá Đục:

 

 

Cá đục là loại cá mà khi đi đầm các bạn câu sẽ cảm thấy vui nhất vì nếu trúng mùa và trúng luồng cá các bạn có thể giựt được với 1 tốc độ kinh khủng, tôi với anh Tâm, anh Thảo đã có những buổi giựt được với tốc độ >1con/phút. Cá đục thường ăn tôm chết bóc vỏ cắt nhỏ, hà đước Long Thành (đặc biệt nhạy với vùng PA vì con hà nó sống ở khu vực này nên cá đã quen ăn), trùn biển, hà đen và hà đỏ. Nói chung là cá đục dễ ăn, hầu như mồi gì cũng xơi nhưng qua kinh nghiệm bản than tôi thấy trùn biển là nhạy nhất nhưng hơi mất công và đắt, khg cần thiết phải chiều cái con cá ham ăn này.

 

 

Câu tay: Giống như câu tay cá tráp, thẻo cũng như vậy, cũng có thể có phao hoặc không phao. Lưỡi câu thì bạn nên xài lưỡi nhỏ đai dài. 

 

 

Câu máy: Ở vùng biển thì thẻo câu cá đục nhạy nhất là chì, móc khóa, thẻo câu dài 1-1.5m (khoảng 3-7 lưỡi) không chì, vì mồi sẽ “phất” kích thích con cá đục. Tuy nhiên thẻo câu kiểu này có 1 nhược điểm là dễ rối, quấn vào dây chính khi quăng nhất là trong đ/k gió biển.

 

 

Ở đầm thì thường các cần thủ hay xài thẻo 3-5 lưỡi, khoảng cách giữa các lưỡi khoảng 20-30 cm, phần dây từ dây thẻo chính ra các nhánh lưỡi thường dài khoảng 15cm (dài quá dễ rối, ngắn không nhạy), chì dưới cùng (nên xài chì hỏa tiễn hoặc chì hình thang có móc trên – chì khoảng 20 – 50 gr tùy cần, tùy cách câu và con nước). Tuy nhiên sau này anh em chúng tôi đi câu đầm thường xài thẻo gồm 2 trên, 1 dưới chì (hình minh họa) với chì hình phễu nặng khoảng 10-30gr.

 

 

Thường thẻo câu cá đục chúng tôi hay xoắn đôi dây và buộc chữ T cho thật kỹ để bảo đảm dây nhánh vuông góc với dây thẻo chính. Có người thì tóm lưỡi trực tiếp vào dây nhánh đã xoắn đôi, có người thì buộc lưỡi riêng sau đó buộc vào dây nhánh. Riêng tôi thì xỏ trực tiếp lưỡi vào dây nhánh xoắn đôi vì cá đục mà câu bằng cần máy rất hay bị nó nuốt lưỡi, con nào vào nông thì mình cầm dây kéo mạnh ra luôn, con nào nuốt sâu quá thì mình dùng kéo y tế giải phẫu thẩm mỹ cho em nó ngay. Do tần suất ăn của cá đục rất lớn nên bạn liên tục phải kéo căng dây để gỡ cá khiến cho dây thẻo nhánh của bạn bị quăn tít sau 20-30 lần gỡ cá khiến bạn phải thay thẻo khác. Nếu bạn xoắn dây sẽ chống được tình trạng trên.

 

 

Để làm thẻo câu cá đục và cá tráp các bạn nên dùng dây fluorocarbon hoặc fluorocarbon coating vì mình dây cứng, dây hầu như ít bị xoăn vì nếu có xoăn ta kéo mạnh là gần như thẳng lại, chính nhờ dây cứng nên làm thẻo rất vuông vắn và đẹp. Riêng bản than tôi thì hay dùng dây fluorocarbon coating vì dây này bản chất là dây nylon có phủ lớp fl. Carbon nên dây đỡ giòn hơn dây 100% fluorocarbon và cũng rẻ hơn nữa. Cá đầm nói chung không “nhát” dây nên các bạn cứ dùng dây lớn 1 chút cho cái thẻo nó cứng cáp và đẹp hơn.

 

 

-----------------------*** Theo kinh nghiệm của anh Quốc Khánh, hội quán bạn câu về câu đầm :

 

 

Đối với chẽm, tôi thường sử dụng cách câu số 1 nếu ngồi thuyền, 1 cần và chỉ chuyên me chẽm, nếu câu bờ hoặc câu nhiều cần thì tôi chọn cách số 3. Cách số 2 theo tôi thích hợp với câu nhiều (rất nhiều) cần, câu qua đêm … sẽ phù hợp nhất. 

 

 

Với cá chẽm: Hiện nay, nếu các bạn chọn cách câu số 1, nên xài phao ISO 2.0 hay 3.0, đây là phao xuyên tâm, có trọng lượng khoảng 15 gr và thiết kế khí động học nên ném rất xa (không cần chì), tôi đã thử ném (không mồi, không chì) với cần PG và máy D-sock 1000 thì hết nồi dây 21 (tức là khoảng 70-80m). Ngoài ra phao này ít bị tác động của dòng chảy và sóng, tự tìm và ổn định ở vị trí có vùng xoáy, dợn …nên rất thích hợp cho kiểu câu này. Phao thiết kế có thể cắm light-stick (loại 2.9 ly) để câu đêm.

 

 

Đối với tráp, tôi thường câu thẻo 2 tầng, chì giữa móc hai con tôm hoặc thẻo kiểu câu đài, chì thường xài chì khoảng 15 gr.

 

 

Nếu gặp luồng cá, các bạn nên cầm cần on-line, lịch kịch là đóng liền thì xác suất ghi bàn cao hơn nhiều. Câu cá đục, nghe lịch kịch các bạn giựt nhẹ, chờ nó ịch kịch đủ 3 phát hãy kéo lên, 3 lưỡi 3 em là chuyện bình thường. Với cá tráp, đầm gần đây tôi hay câu, nó có cách ăn rất quái, phát đầu nếu giựt thì còn nguyên con tôm, phát thứ 3 thì còn cái lưỡi, chỉ có phát thứ 2 là có cả cá lẫn lưỡi.Đục thì tôi dùng thẻo 3 lưỡi, 2 trên 1 dưới chì 15 gr, hầu như tôi ít dùng cần tay.

 

 

-----------------------***Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Khắc Tuân, một bậc đàn anh thâm niên trong giới câu đầm thì :

 

Trước giờ mình Dính Chẽm thường 10 con thì hết 9 con ăn Câu Ngầm , 01 con Ăn câu Phao theo cách 01 (tức không có chì dằn) nhưng chỉ vào ban đêm Đóng Cống nước không chảy (Bình Đại), còn cả ngày lẫn đêm mình đều thấy mình rất có "Duyên Chẽm" với câu Ngầm, Set Up chì xuyên tâm (30 - 50) - Thẻo dài tầm 60 - 70 Cm, mồi Tôm Đất sống (Tôm đất có ưu điểm sống rất dai, nếu câu ở Bình Đại thì nên mua dọc đường vào Bình Đại (Vựa con Lan) chuyên Tôm Đất nò, bỏ bao xốp cả tiếng chạy xuống đầm rộng 02 ngày vẫn sống khỏe, ghé chợ Định Trung mua cái giỏ Tre 20k. mà rộng Tôm). 10 năm trước mình ăn Chẽm nhiều nhất vẫn là các Đầm trong Lý Nhơn, Phước An và đặc biệt là phải nói tới Đầm (vợ chồng Út) dân câu gọi là Đầm Công An gần đường vào bãi 30/4 Cần Giờ, chuyên ăn Chẽm giấc 3h00 chiều khi vừa Mở Cống nước vào.

 

 

Riêng cách thứ 3: Câu Chẽm Set Up câu Phao có chì Dằn thì mình chưa từng Dính lần nào mà toàn Cá Ngát (mới ghê chứ), Cá Hanh (cực lớn lần đó được cỡ 1KG2) , Cá Căn, Cá Chét....

 

 

Khi bạn SetUp Chẽm theo lối câu Ngầm thì theo kinh nghiệm mình thấy qua nhiều năm (bạn cũng có nhắc đến), Thẻo Chẽm nên làm bằng Nhợ thông thường, chọn nhợ xịn hơi to chút tầm (0.60mm - 0.80mm), với Nhợ thông thường thì mình thấy "Sáng" mồi hơn do con Tôm nó dể bơi. Chú Ý khi Cần Gục thường là gục kịch kim là phải đánh nhanh và mạnh cho Sốc Lưỡi sau đó tăng tốc, (Mobil máy siết cứng vừa vừa cho nó còn Tuôn được, cứng quá thì đứt Nhợ mất cá luôn Biểu tượng cảm xúc grin ) để Chẽm không có cơ hội Tháo Lưỡi, chỉ cần nó lộn vài vòng là 02 mang răng cưa sẽ cứa đứt Nhợ ngay. (Mình neo 05 cây Chẽm: 03 Thẻo Cáp, 01 Thẻo Nhợ siêu chắc, 01 Thẻo Nhợ thông thường, thì lúc nào cây cần dùng Thẻo Nhợ thường 0.60mm (kêu là Nhợ 60) cũng Bật trước. Biểu tượng cảm xúc grin Câu Ngầm thú vị ở chổ khi Chẽm và Bóng Mú nó mà ăn là Bật Cần gục rất mạnh lôi cả cây Chống cần bay xuống đầm trong nháy mắt.01 thứ Cảm giác không dành cho người bị Tim Mạch. Biểu tượng cảm xúc grin

_ Thẻo bằng Nhợ Siêu chắc thì hay Xoắn và Rối Tôm do xuống nước nó mềm oặt.

_ Thẻo Cáp thì cứng, móc con tôm vào nó không linh hoạt bằng và Tôm mau chết, được cái là Bao Đứt Thẻo.

Từ khóa » Cách Câu Cá Hồng Nước Lợ