Tản Mạn Về Chó Trong Thơ, Và Thành Ngữ VN - Phạm Văn Thế

Vừa mới hưởng được 3 ngày tết an nhàn, thong thả, thì bỗng đâu nhận được bài “homework” từ Thầy Hiệu Trưởng Ngọc trên trang nhà NLSBDHN. Đề tài mới coi qua thì cũng dễ. Bởi vì viết về “chó”, và chó có thể coi là con vật rất gần gũi với con người. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Mặc dù học môn Súc, nhưng không những là chó mà tất cả các gia súc khác – tôi đều… dỡ ẹt. Nhưng lỡ mang tiếng là học trò gương mẫu thì tôi phải ráng làm cho xong bổn phận của mình. Thôi thì tôi xin được tản mạn một chút về chó qua thành ngữ, cùng ít bài thơ lưu truyền trong dân gian. Tản mạn một chút thôi các bạn nhé. Sức người có hạn. Chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót. Mong rằng các bạn bổ túc cho. Đa tạ.

Bài thơ đầu tiên nói về chó có thể là bài “Vịnh con cho đá”, là một trong nhiều bài thơ khẩu khí của vua Lê Thánh Tôn. Vua Lê Thánh Tôn tên thật là Lê Tư Thành. Sinh ngày 20 tháng 7 năm 1442 và mất ngày 30 tháng giêng năm 1497. Ông làm vua được 37 năm (1460 – 1497). Ngoài những bài thơ nói lên cái khí tiết của một vì Thiên tử, Ông còn là tác giả bộ luật “Hồng Đức” thời bấy giờ. Đó cũng là bộ luật đầu tiên của Việt Nam.

Và đây là bài thơ “Vịnh con chó đá”

Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài, Cửa nghiêm chồm hổm một mình ngồi. Qua bao sương tuyết nào chi kể, Khéo nhử cao lương cũng chẳng nài. Mặc khách thị phi giương tráo mắt, Những lời trần tục gác ngoài tai. Một lòng thờ chúa nghìn cân nặng, Bền vững ai lay cũng chẳng lời.

Cao bá Quát đã nhắc đến chó trong tờ trình dâng vua. Vào thời vua Tự Đức, có 2 vị quan trong triều đình cải nhau đưa đến đánh nhau. Vua nhờ Cao Bá Quát, lúc ấy giữ chức quan Hành Tẩu làm chứng. Cao Bá Quát viết tờ trình như sau:

Tiền Quát bất tri, Hậu Quát bất tri, Trung gian Quán chi, Đã kiến: Thượng bàn hô cẩu, Hạ bàn hô cẩu, Thượng hạ giai cẩu. Lưỡng tương đấu ẩu, Thần gián bất đắc, Thần kiến thế nguy, Thần hoảng thần tẩu

Dịch nghĩa:

Trước Quát không biết, Sau Quát chẳng hay. Nửa chừng Quát đến, Quát thấy thế nấy: Bàn trên chửi chó, Bàn dưới cũng chó, Trên dưới đều chó. Rồi choảng nhau luôn, Thần can chẳng được, Thần thấy thế nguy Thần hoảng thần chạy.

Vua đọc đến câu “Thượng hạ giai cẩu” biết là Cao Bá Quát xấc xược chửi xiên chửi xéo nhưng đành phải ngậm đắng nuốt cay, không làm gì được.

Cao Bá Quát, tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, nay thuộc xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Năm 1854, ông phải đổi lên Sơn Tây, làm Giáo thọ ở phủ Quốc Oai. Ông phẫn chí, bỏ quan theo làm quân sư cho Lê Duy Cự chống lại triều đình. Việc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt rồi bị xử tử năm 1854.

Ông là người nổi tiếng văn hay chữ tốt, còn để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có bộ Chu Thần thi tập.

Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm 1807, làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định, Huỳnh Mẫn Đạt còn gọi là Tuần Phủ Đạt là quan nhà Nguyễn và là nhà thơ ở thế kỷ 19 tại Nam Bộ, Việt Nam. Huỳnh Mẫn Đạt qua đời vào tháng 2 năm Nhâm Ngọ (tức tháng 3 năm 1882), hưởng thọ 75 tuổi. Nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt là tác giả của bài thơ “Con chó già” hàm ý kể công trạng của chó để than thân chó và gẫm phận mình.

Con chó già

Tuy rằng muông cẩu có ân ba, Răng rụng lâu năm nó phải già. Bởi đuổi hưu Tần nên mỏi gối, Vì lo khỉ Sở mới dùng da. Không ai trấn Bắc ngăn bầy cáo, Ít kẻ ngừa Tây giữ đứa tà. Mạnh mẽ khi xưa còn hớn hở, Bây giờ yếu đuối hết xông pha.

Nguyễn Khuyến (1835-1909) tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835 tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông là làng Và, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ.

Có lần Nguyễn Khuyến cùng con trai là Nguyễn Hoan đến cổng tư dinh của Tổng Đốc Nam Định là Vũ Văn Báo thì gặp viên Công Sứ Pháp đi ra. Nguyễn Khuyến bị con chó Tây chồm lên toan cắn nên hoảng hốt đẩy con trai ra chắn chó. Nguyễn Khuyến đã xuất khẩu 2 câu thơ:

Hốt đáo nhĩ môn phùng nhĩ cẩu, Cấp tương ngô tử thế ngô thân.

Tạm dịch:

Chợt đến cửa ngươi gặp chó ngươi, Kíp đưa con mỗ thay thân mỗ.

Nguyễn Khuyến đã viết trong bài văn tế Henrivière chết trận ở Ô Cầu Giấy năm 1883:

…Nhớ ông xưa, Mắt ông xanh lè, mũi ông thò lõ, Đít ông cỡi lừa, mồm ông huýt chó.

Nguyễn văn Lạc (1842-1915), còn gọi ông là Học Lạc, quê ở Mỹ Tho. Có một bài thơ nổi tiếng là bài “Chó chết trôi”

Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu, Thác thả dòng sông xác nổi phều. Vằn vện xác còn phơi lửng dửng, Thứ tha danh hãy nổi lều bều. Tới lui bịn rịn bầy tôm tép, Đưa đón lao xao lũ quạ diều. Một trận gió dồn cùng sóng dập, Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.

Trong bài “Khuyến cáo quốc dân,” Kỳ ngoại hầu Cường Để đã viết:

Vị tiền cũng lại lắm người, Cơ hồ khắp nước chìm mồi chó săn. Ai có chi cứu dân cứu nước, Thì lũ nầy sủa trước chẳng tha…

Ông nguyên tên là Nguyễn Phúc Dân, sinh ngày 11 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (tức 28 tháng 2 năm 1882) tại Huế, là con của Hàm Hóa Hương công Tăng Du. Ông là cháu đích tôn năm đời của vua Gia Long. Ông mất ngày 6 tháng 4 năm 1951, tại Tokyo, Nhật Bản, hưởng thọ 69 tuổi do bệnh ung thư gan. Tên ông từng được đặt cho một con đường tại Quận 1, Sài Gòn trước năm 1975.

Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 11 năm 1913 ở Thôn Đô Đò xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân. Trong những năm cuối đời ông sống ẩn dật ở quê và mất tại đây ngày 27 tháng 6 năm 2004.

Nhà thơ Đoàn văn Cừ đã diễn tả cảnh thanh bình của làng quê Việt Nam ngày trước với hình ảnh chú chó đang lơ mơ ngủ:

Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ Bóng cây lơi lả bên hàng dậu Đêm vắng người im cảnh lặng tờ.

Trong bài thơ “Thăm bạn” của Võ văn Liêm (1937), ông đã mô tả chó Tây như sau:

Lâu ngày đi thăm bạn, Đến ngỏ chó tuôn ra, Những con to và béo, Tiếng sủa như đồng loa. Thấy chó biết nhà chủ, Làm ăn rày khá mà, Thôi thế cũng là đủ, Bất tất phải vào nhà.

Phạm Công Thiện sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho [3]. Ðầu năm 1964, ông chuyển ra Nha Trang. Tại đây ông quy y ở chùa Hải Ðức, lấy pháp danh Nguyên Tánh. Một thời gian sau ông lại về Sài Gòn. Ông rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Ðức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Tại đây ông lập gia đình và sau đó làm giáo sư triết học Tây phương của Viện Ðại học Toulouse. Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, làm giáo sư ở College of Buddhist Studies. Từ khoảng năm 2005, ông sang cư ngụ tại Houston, tiểu bang Texas cho đến lúc qua đời ngày 8 tháng 3 nằm 2011 (mồng 4 tháng 2 năm Tân Mão).

Khi sống bên Pháp, Phạm Công Thiện có làm một bài thơ than thân phận:

Thân anh như con chó Treo bảng bán chợ chiều Một lần em qua đó Con chó đứng nhìn theo.

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, là cựu học sinh Petrus Ký và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông dạy học, làm báo tại Sài Gòn và mang cấp bậc Thiếu tá trong quân đội miền Nam trước 1975. Sau 1975 ông bị giam gần 13 năm, từ 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị. Hiện nay ông đang ở Houston, tiểu bang Texas.

Hãy nghe tâm sự của nhà thơ Tô Thùy Yên với cuộc đời lang thang sau ngày mất nước:

Chỉ mong đồng loại chớ xua đuổi, Giờ nầy thế giới kín khuya khoắt, Còn cửa nào cho ta gõ đây, Lũ chó sủa rong theo, Quá đáng ngờ vực mọi nhân dạng.

Tác phẩm “Lục súc tranh công” của tác giả Vô danh. Trong tác phẩm, 6 con vật - trâu, chó, ngựa, dê, gà, heo (lợn) tranh nhau kể công. Sau đó, chủ nhà hòa giải, 6 con vật biết rõ bổn phận, việc ai nấy làm. Đây là phần trích đoạn chó phản bác khi bị trâu công kích:

Muông (chó) nghe nói giận đau phế phổ, Liền chạy ra sủa mắng vang tai: “Trời đã sinh các hữu kỳ tài Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ, Bởi vì đó lớn vai, lớn vế, Thì chuyên lo nông bổn cày bừa, Vốn như đây ốm yếu chân tay, Cũng hết sức gia trung xem xét. Trách sao khéo thổi lông tìm vết, Giận thày lay vạch lá tìm sâu, Ai ai đều phận thủ như nhau, Khắn khắn cũng một lòng thờ chủ Kẻ đầu kia, người việc nọ, Đứa coi ngoài có đứa giữ trong, Đêm năm canh con mắt như chong: Đứa đạo tặc nép oai khủng động Ngày sáu khắc lỗ tai bằng trống, Đứa gian tham thấy bóng cũng kinh, Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh, Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc. Bao quản chui gai, lướt gốc, Chi này múa mỏ, lòn hang, Anh trâu sao chẳng biết thương, Nở lại tra lời sanh nạnh, Ăn thì cơm thừa, canh cặn,…

Có rất nhiều câu thành ngữ nói về chó được lưu truyền từ xưa đến nay mang nhiều ý nghĩa:

Chó biểu trưng cho loại người hay vật vô dụng, không có giá trị:

- Chó già, mèo mù - Chó ăn đá, gà ăn sỏi - Lắt nhắt như chó đái. - Lợn rọ, chó thui. - Chó chui gầm chạng. - Chó cắn áo rách. - Chó già giữ xương.

Chó chó biểu trưng người bất tài, vô dụng nhưng gặp nhiều may mắn:

- Chó nhảy bàn độc - Chó ngáp phải ruồi - Chó chê cứt thì người mới chê tiền.

Nhưng nếu không gặp may mắn:

- Đen như mõm chó. - Lên voi xuống chó. - Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang.

Chỉ hạng người tự phụ huênh hoang:

- Chó chạy trước hươu - Chó chê mèo lắm lông Chó biểu trưng cho kẻ chuyên ỷ thế: - Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng - Chó ỷ thế nhà, gà ỷ thế người. - Chó nào chủ nấy.

Chỉ loại người tham lam, bần tiện, bẩn thỉu, ngu dốt:

- Chó già giữ xương - Bẩn như chó - Ngu như chó. - Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi

Chó biểu trưng cho người hung dữ hay gây sự:

- Chó dữ cắn càn - Đánh nhau như chó với mèo. - Giỡn chó, chó liếm mặt. - Chó nhà nào sủa nhà nấy - Chó dữ mất bạn hiền. - Chó càn cắn giậu - Chó cái cắn con

Ý chỉ những người chỉ nhìn thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi của chính mình.

- Chó chê mèo lắm lông - Chó dại có mùa, người dại quanh năm. Còn ai đó nghèo khó, cùng cực thì có - Chó cắn áo rách. - Chó treo mèo đậy.

Và để chỉ hạng người gian trá:

- Treo đầu dê, bán thịt chó. - Chó Đạo Chích sủa vua Nghiêu.

Chó còn là loài được con người quý mến ở sự trung thành và đức tánh chịu khó. Điều này được thể hiện rất rõ qua câu thành ngữ:

- Con không chê cha mẹ khó, Chó không chê chủ nghèo. - Lạc nhà nắm đuôi chó, lạc ngỏ nắm đuôi trâu. - Chó quen nhà, gà quen chuồng. - Trâu không có, bắt chó kéo cày. - Chó giữ nhà, gà gáy trống canh. - Chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà.

Phàm làm việc gì cũng phải có ý tứ, có trên dưới:

- Đánh chó phải kiên chủ nhà. - Chó khôn chó chớ cắn càn. - Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi. - Chó 3 năm mới nằm, gà 3 lần vỗ cánh mới gáy. - Chó khôn chẳng sủa chỗ không. - Nói dai như chó nhai giẽ rách. - Chó sủa là chó không cắn. - Nai dạt móng, chó le lưỡi. Và cũng để tiên đoán thời tiết: - Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa. - Chó tháng ba gà tháng bảy.

Cũng cần nhắc lại, trong gia đình NLSBDHN có được bài thơ “Vịnh con chó” để đón năm Mậu Tuất 2018, của Thầy Nguyễn Thượng Hạng. Bài thơ nầy đã diễn tả những đặc tính tượng trưng cho loài chó. Và tôi cũng đã cố gắng họa bài của Thầy cho rộn rã trên trang nhà. Nhưng giờ đây khi có dịp đọc lại, tôi cảm thấy thật có lỗi với loài chó. Theo tôi thấy, chó là loài vật có rất nhiều tính tốt: chịu khó, cần mẫn, và nhất là sự trung thành mà ít có loài thú nào sánh kịp. Vậy mà tôi lại nở so sánh loài chó với bọn cầm quyền bán nước, hại dân. Thôi thì để chuộc lỗi, tôi xin phép được sửa tựa lại cho bài thơ họa là “Vịnh Con Chó Dại.” Mong được các bạn thông cảm…

Phạm Văn Thế (MS2)

(Northridge, mùng 8 tết Mậu Tuất)

Từ khóa » Thơ Về Con Cho