Tản Mạn Về Truyền Thống Hỗn Dung Tín Ngưỡng Của Người Việt (p2)

Nhìn lại lịch sử, có lẽ chưa bao giờ sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt lại nở rộ muôn hình vạn trạng như hiện nay. Truyền thống hỗn dung tín ngưỡng được đẩy lên một bình diện mới mà ở góc nhìn toàn bộ, có thể coi như một sự hỗn tạp đáng quan ngại. Khắp nơi, người người cúng bái, nhà nhà xây mộ, từ quan chí dân đua chen hành hương lễ bái, khẩn cầu danh lợi với thế giới siêu hình. Một thế giới linh thiêng tổng hợp đủ những phật, mẫu, thánh, thần, ngọc hoàng, chầu, cô, thần tài, thổ địa, tổ tiên ông bà, thần núi, thần sông, ông công ông táo, vong hồn…; kèm theo đó là lực lượng giao tiếp trung gian, thường phối hợp giữa những sư sãi, ông đồng, bà cốt, thày cúng, thày bói, thày phù thủy, thày địa lý…, mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa với đủ mọi kiểu dạng. Với mục đích thực dụng vụ lợi, giờ đây việc cúng lễ trên chùa, đền, phủ, đình, điện, miếu dường như đã trở thành một thao tác mang đậm tính thương mại tín ngưỡng. Trong xu thế đó, khá nhiều nghề dịch vụ tâm linh ăn theo cũng đua chen phát triển nở rộ. Ví như tục đốt vàng mã vốn học từ Trung Quốc, hiện ngày càng cường thịnh song hành với đời sống tín ngưỡng dân gian phục sinh. Với quan niệm trần sao âm vậy, vàng mã thời nay đã cải tiến và thay đổi mẫu mã cơ bản so với thời cổ truyền. Thôi thì đủ mọi chủng loại từ trang phục tân thời, đồ đạc hiện đại như xe máy, ti vi, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi, điều hòa, máy tính, máy giặt, điện thoại di động… cho đến mẫu mã tiền tệ kiểu mới. Trong đó đáng chú ý là kiểu dạng tiền mã đô la Mỹ, tiền mã Việt Nam hiện đại.., được tiêu thụ song hành cùng tiền mã ngân hàng địa phủ, rất khôi hài. Có những đàn cúng lớn, giá trị đồ mã bao gồm ngựa, voi, hình nhân, quần áo, dày dép, mũ mão… lên đến hàng trăm triệu. Ở nhiều nơi, việc đốt số lượng vàng mã khổng lồ thực sự đẩy cao nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Niềm tin dân dã cho rằng càng đốt nhiều, càng hưởng lợi lớn đã khiến môi trường công cộng phải chịu khá nhiều hệ lụy. Có những cơ sở tín ngưỡng công cộng, mỗi kỳ khánh tiết, do khối lượng tro tàn vượt quá sức chứa, ban quản lý đã cho đổ thẳng xuống cống, bất chấp nguy cơ ách tắc nguồn thoát nước đô thị. Những gia đình ở phố thì mang ra vỉa hè hay lòng đường hóa vàng, có khi lửa cháy lõm cả mặt đường nhựa. Ăn theo dịch vụ vàng mã là hệ thống các chủng loại lò tôn hóa vàng di động cho các hộ gia đình đô thị. Thời nay, phong trào đốt vàng mã lan rộng và biến thái đến mức rất nhiều khu chung cư hiện đại, ban quản lý buộc phải xây thêm một lư hương hóa vàng to đùng ở sân trước mỗi khu để đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Mới thấy tín ngưỡng thời nay ảnh hưởng cả đến kiến trúc đô thị hiện đại như thế nào.

Trong cơ chế thị trường thời mở cửa, không hiếm các quan thày tự tung tự tác, thường kiêm nhiệm cả chức năng thày bói, thày tướng, thày địa lý, thày đồng cốt, ngoại cảm, kể cả việc tự nhận thần tiên giáng bút để thu tiền thiên hạ… Với thông tin rỉ tai lan truyền đồn đại, những vị thày đa năng đó được xem như đa tài đa dụng, từ xem đất cát mồ mả, hướng nhà cửa, bếp núc, kích cỡ giường tủ bàn ghế, cửa rả, giờ xuất hành làm ăn buôn bán, ma chay cưới xin đến cầu cúng giải hạn, trừ tà tróc quỷ, gọi hồn người chết, sai khiến âm binh… Có những trường hợp cao tay, thày đồng, cô đồng còn xưng xưng tuyên bố là gọi được cả linh hồn của những anh hùng dân tộc, các vị lãnh tụ đi mây về gió để làm theo những điều cô sai bảo… Nhà nào có việc gì hạn lớn họa bé, cô thày giải quyết hết. Nhà nào còn sót chưa thờ cúng ai, dù là bà cô, ông mãnh nào cũng gọi hồn về bằng hết để phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra, buôn may bán đắt. Có muôn vàn câu chuyện, giai thoại về tín ngưỡng hỗn độn thời nay. Nhưng có lẽ việc gọi hồn là điển hình nhất với vô số những câu chuyện thực thực hư hư…

Đáng chú ý, cái nghề đồng cốt này xưa gọi là nghề cô hồn, nay được thay bằng cái tên mới là nhà ngoại cảm gọi hồn, áp vong… Có lẽ chưa bao người ta lại dành nhiều thời gian và tâm lực cho thế giới âm hồn đến vậy. Ngay giữa lòng thủ đô, nhiều năm trở lại đây, phong trào gọi hồn có thể nói đã lên đến đỉnh điểm với trung tâm gọi hồn ở số 1 phố Đông Tác, được thành lập dưới sự bảo trợ của cơ quan nhà nước. Hiện các loại thày cốt cô đồng nơi đây đã công khai hành nghề mang tính thương mại. Thậm chí, gần đây, những gia đình có nhu cầu gọi hồn khi đến trung tâm thường được nhân viên ngang nhiên mời khéo mua hàng đa cấp với giá trên giời. Ai chấp nhận sẽ được ưu tiên gọi hồn trước, còn không sẽ phải xếp hàng chờ đợi, có khi cả tháng chưa đến lượt. Những đền phủ lịch sử hay điện thờ tư gia, xưa nay các đồng cốt thường chỉ tiếp khách lần lượt từng gia đình một. Nhưng ở đây, do đông khách cũng như sẵn quan thày ngoại cảm nên người ta thường tổ chức gọi hồn tập thể trong căn phòng lớn. Những ai có nhu cầu chỉ cần đặt lễ tiền, vàng, hương, hoa… lên ban thờ chính rồi cứ quây quần mỗi nhóm gia đình chí ít 4 người ngồi thiền tĩnh tâm đợi vong về nhập. Bao giờ một trong số họ thấy người lắc lư mặt mũi tối xầm là vong về. Khi đó các quan thày sẽ đến khấn khứa, đặt tay lên đầu người bị vong nhập, gọi là trợ giúp để thông cõi âm dương cho âm hồn về, rồi mượn miệng chính người đó mà phán truyền. Trường hợp vong hồn chưa nhập thì cứ thành tâm mà đợi hàng tiếng đồng hồ hoặc ra đặt lại lễ xin ở ban thờ hay nhờ quan thày khấn giúp… Có điều lạ, nơi đây dù không phải chùa nhưng ban thờ chính vẫn được gọi là tam bảo thờ phật đàng hoàng. Dư luận về trung tâm gọi hồn này rất trái chiều, người thì cho là đúng và thiêng lắm, kẻ thì bảo là lừa đảo tập thể kiếm tiền bạc tỉ.

Trong các vụ việc lùm xùm cúng bái giao tiếp với âm hồn, sự lập lờ đánh lận con đen trong quan niệm tâm linh, việc cố lý giải những hiện tượng siêu nhiên, bất thường cùng các thao tác tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng trở nên đan xen hỗn độn. Chỉ nhìn vào chuyện mồ mả vong hồn, đã thấy được niềm tin của người thời nay biến đổi như thế nào. Cả chục năm trở lại đây, phong trào tìm hài cốt, gọi hồn người thân, xây cất mồ mả… đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Khắp nơi, chưa bao giờ việc hoành tráng hóa các khu mộ phần lại trở nên nóng bỏng như vậy. Thậm chí có những vùng quê, sự tốn kém đến kinh ngạc của phần mộ ông bà tổ tiên hoàn toàn tương phản với đời sống còn nhiều khó khăn cơ cực của người dân. Bên cạnh niềm tin tâm linh, dường như cái áp lực miệng tiếng thế gian chính là động cơ quan trọng thúc đẩy hiệu ứng tâm lý đám đông đua tranh. Có nghĩa, dù tin hay không, nhưng việc để mồ mả họ tộc nhà mình không to đẹp, bề thế hơn các nhà khác là điều không thể chấp nhận. Nói cách khác, dưới góc độ vật chất, việc thờ cúng tổ tiên thời nay không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng mà còn là dịp để thể hiện cái tôi gia đình, dòng họ trước cộng đồng. Dù xa xôi cách trở rừng núi như thế nào, chỉ cần có thày cúng, cô đồng nào đó phán truyền là nhiều gia tộc lại khăn gói lên đường, miễn sao quy tập được càng nhiều càng tốt hài cốt người thân về nơi đất tốt – tất nhiên cũng do thày địa lý chỉ bảo sắp đặt. Thời nay, tìm mộ được xem như một dịch vụ cung cầu rất sôi động. Và, người ta cũng sẵn lòng chi phí tốn kém hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho việc xây cất phần mộ gia tộc.

Trong công cuộc tìm mộ người thân, việc xác định danh tính hài cốt cũng là vấn đề nổi cộm. Trên thực tế, không hiếm trường hợp bộ xương mang về chỉ đơn giản là một tổ mối với nắm đất đen chứ chẳng có hài cốt nào cả. Thường thì người ta không xét nghiệm ADN với lý do không nỡ làm thế với nắm xương tàn của người thân, rằng thời gian qua đi, xương thịt tan thành đất cát thì cũng dễ chấp nhận. Thế nên mới có chuyện nhà ngoại cảm nọ tìm được hàng trăm mộ mỗi năm. Mà phần nhiều họ chỉ hướng dẫn các thân chủ từ xa qua điện thoại di động, mới kinh! Cũng có trường hợp, gia đình không thể tìm được hài cốt người thân, cô đồng, thày phù thủy bèn bày cho cách lập mộ khác. Họ thuê thợ đẽo các hình nhân đá, rồi làm lễ gọi hồn về nhập tượng và đem chôn trong phần mộ gia tộc với quan niệm, linh hồn mới quan trọng chứ không phải nắm xương vật chất. Có lẽ, cách lập mộ này nhanh gọn hơn cả. Trong nhiều năm qua, việc gọi hồn áp vong thực sự gây dư luận trái chiều mạnh mẽ, đến mức có nhà nghiên cứu thôi miên đã từng lên báo mạng thách đố các nhà ngoại cảm nếu chỉ tìm đúng 3% hài cốt (xác định ADN) thì ông sẽ hiến cả gia sản, còn nếu không xin cắt lưỡi nhà ngoại cảm đó để hết nói láo. Bản thân một nhà ngoại cảm nổi tiếng cũng tuyên bố mặt trái nguy hiểm của việc áp vong. Đại khái ông cho rằng các hồn ma lang thang sẽ nhập bừa vào người áp vong, nhận xằng là người thân để quấy nhiễu, phán truyền lung tung… Trên thực tế, những người mê tín khi giao tiếp, thông linh với các vong hồn rất dễ bị quỷ ám, dân gian cũng gọi là quỷ nhập tràng. Người bị vong nhập thực chất bị rơi vào trạng thái tự kỷ ám thị nặng nề, điều này đã được khoa học chứng minh từ lâu. Vậy mà không ít người thời nay vẫn đua chen giao tiếp với âm hồn, và đã có trường hợp những người không hồi tỉnh được, gần như hóa điên phải nhập viện.

Thời nay một mặt người ta vẫn lễ chùa quy phật, chấp nhận thuyết nhân quả – luân hồi, mặt khác người ta vẫn khăng khăng gọi hồn, tìm mộ xây mồ với quan niệm chưa cúng bái đủ lệ bộ thì người chết vẫn vất vưởng không nơi nương tựa, trở nên những vong hồn lang thang đáng thương vô định. Rồi hệ thống những vong hồn đó còn phải được lập đàn cầu siêu thì mới siêu thoát! Thậm chí người ta còn lập đàn cầu siêu cho những chiến binh từ thời…. Trần ở bến sông Bạch Đằng. Không khéo cứ đà này, xem ra người ta sẽ phải lần lượt lập đàn cầu siêu ở muôn vàn địa danh chiến trận lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc, mới mong các vong linh, âm hồn tiền nhân được siêu thoát toàn thể! Như đã biết, thực ra cầu siêu vốn là một nghi lễ phát sinh thuộc những tông phái Phật giáo chịu ảnh hưởng văn hóa, đạo giáo Trung Quốc. Trên nguyên tắc kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả, sẽ thấy việc cúng bái này nếu đem lại 1 phần công đức cho vong hồn thì những người tổ chức lễ cầu siêu cũng sẽ được hưởng 6 phần. Với ý nghĩa đó, thiết nghĩ cũng không phải bàn thêm!

Trong thế giới cửa thiền thời nay, cũng không hiếm các nhà sư kiêm nhiệm thêm các chức năng thày cúng, thày bói, hay phù thủy bắt quỷ trừ tà. Không biết linh nghiệm đến đâu, nhưng vô tình lại bộc lộ cái tâm ngụy từ bi của nhà sư khi hành đạo, cứu đời.

Sang đầu TK XXI, niềm tin mãnh liệt về thế giới âm hồn vĩnh hằng là sự nổi trội ở đời sống tâm linh người Việt. Trong đó, việc thờ cúng tổ tiên nay càng được chú trọng hơn bao giờ. Thế nhưng, việc xác định cơ cấu tổ tiên là điều cần phải được xét lại. Về mặt logic, bao nhiêu đời được gọi là tổ tiên, và cái gọi phần mộ tổ tiên gia tộc liệu có thể chấp chứa bao nhiêu bộ hài cốt theo dòng lịch sử bất tận? Thử làm một phép tính đơn giản, lấy một người làm đơn vị phần tử đầu tiên, ngoài việc thờ cúng bố mẹ đẻ của mình (2 người), họ còn phải thờ ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại (4 người). Cứ thế, họ sẽ có 8 cụ nội ngoại, 16 kỵ nội ngoại…, dãy số tăng dần theo cấp số nhân với công bội là 2.

Đó là chưa kể đến các quan hệ thân tộc khác như anh chị em ruột, anh chị em họ, cô, dì, chú, bác nội ngoại, các vai vế ngang hàng với đời ông bà, cụ kỵ nội ngoại… Và, tất nhiên cũng chưa kể đến chuỗi họ hàng nội ngoại bên vợ (hay chồng) khi xây dựng gia đình. Từ đó dễ thấy tính hữu hạn về số lượng của mỗi khu phần mộ gia tộc cũng như số lượng giới hạn tổ tiên ông bà mà mỗi người có thể nhớ được trong đời. Theo đó, thường thì người ta chỉ có thể quy tập lượng ít ỏi mồ mả, tính đến vài ba đời là cùng. Tất tần tật số còn lại bao gồm những họ hàng nội ngoại dây mơ rễ má cho đến những tiền nhân xa xưa sẽ được… quên dần theo thời gian bởi sự bất tận của nó. Thực tế, người ta sẽ chỉ thờ cúng mộ cụ A, B, C… đời tam đại (hoặc giả tứ đại) nào đó mà chẳng thể đoái hoài đến bố hay ông hoặc cụ kỵ của cụ A, B, C… Có nghĩa việc thờ cúng giỗ chạp tổ tiên nội ngoại thực tế không thể không giới hạn trong khoảng 3 đời, bởi khả năng ghi nhớ lo việc giỗ kỵ toàn bộ tiền nhân là điều không tưởng. Thế nên mới có lệ chia họ tộc thành các chi, ngành cùng các khái niệm cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ hay tiên tằng tổ khảo để chỉ tổ tiên chung chung, mơ hồ. Khi chia tách tộc họ, người khởi đầu một chi ở vùng đất mới sẽ có thể được coi là cụ tổ mới. Thực tế cho thấy, ngay cả cụ tổ mới đó rồi cũng dần bị quên lãng theo thời gian. Như vậy, có thể khẳng định khái niệm tổ tiên là hết sức tương đối trong vòng cuốn chiếu luân chuyển theo từng lát cắt thế hệ. Không thể nhớ xa, chỉ nhớ những gì gần với mình, đó chính là tính hữu hạn và phần nào thực dụng của hệ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dòng tộc. Ở đây, tính hữu hạn của khái niệm dòng tộc cũng thể hiện phần nào ở chính bản thân sự giới hạn của ngôn ngữ. Cụ thể, thuộc tính họ nội, ngoại cũng như giới (nam, nữ) cho các đại từ nhân xưng chỉ có thể xác định rõ ràng đến thế hệ thứ 3 (cha mẹ, ông bà). Còn từ hàng cụ trở đi thì chỉ gọi là cụ, kỵ chung chung, khó xác định. Sẽ thấy càng lên cao, các khái niệm nội ngoại càng trở nên rối rắm mơ hồ… Ví dụ, 2 cụ đẻ ra ông nội thì hẳn là 2 cụ nội rồi, nhưng 2 cụ đẻ ra bà nội thì không biết gọi là gì cho chính xác? Bởi đó là họ ngoại của bố, mà con lại theo họ bố, ông nội. Giả sử nếu cũng gọi đó là 2 cụ nội thì sẽ không phân biệt được với 2 cụ đẻ ra ông nội, còn nếu gọi là 2 cụ ngoại, ắt sẽ lẫn sang họ bên mẹ. Không lẽ gọi đó là 2 cụ nội thuộc họ bên ngoại của bố?

Cũng vì sự dây mơ rễ má quá phức tạp mà nhiều cây phả hệ chỉ ghi danh những người thuộc họ nội, bỏ qua họ ngoại cùng vợ, chồng của những người trong dòng tộc. Thế nhưng nếu coi cây có cội, nước có nguồn, ắt không thể phân biệt đối xử nội ngoại bên trọng bên khinh như vậy. Song, nếu ghi nhận ngọn ngành trọn vẹn thì lại là điều quá sức với người đời. Bên cạnh tính hữu hạn đó, trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ông bà nhiều khi còn nảy sinh lắm chuyện rắc rối ở việc xác định nguồn cội. Thường thì bố mẹ, ông bà, cụ kỵ… của cụ tổ coi như không được tính đến vì không xác định được danh tính. Nhưng nếu xác định được thì sao? Ví dụ lâu nay chúng ta ghi nhận ngày giỗ quốc tổ Hùng Vương. Chuyện đó nghiễm nhiên dẫn đến câu hỏi liệu có thờ cúng giỗ chạp bố quốc tổ (Lạc Long Quân), mẹ quốc tổ (Âu Cơ), ông nội quốc tổ (Kinh Dương Vương), bà nội quốc tổ (con gái vua hồ Động Đình)…? Rồi cứ lần theo những gì huyền sử đã ghi nhận được thì câu chuyện xem ra khá rắc rối, hay đành lờ đi vậy!?

Về việc thờ cúng tổ tiên, bên cạnh tư tưởng uống nước nhớ nguồn cũng cần xem xét mặt trái của vấn đề. Người Việt vốn quan niệm hệ thống mồ mả ứng với thế giới vong hồn có tác động trực tiếp lên thế giới người sống. Người ta tin rằng vui buồn, sướng khổ, phúc họa nơi trần gian đều có tính hệ quả, chịu sự chi phối mạnh mẽ từ thế giới âm hồn. Ai chăm sóc tốt phần mộ thì có thể hưởng lợi, được tổ tiên ông bà phù hộ, ban phúc lộc, nếu không dễ bị giáng họa… Các khái niệm mộ kết, mộ phát, động mồ động mả… là ví dụ điển hình của niềm tin tín ngưỡng thể hiện sự ràng buộc sâu sắc giữa dương gian và cõi âm. Như thế, trong sự cầu cúng tổ tiên, săn sóc mồ mả, bên cạnh sự tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân là mục đích mưu cầu lợi ích cho bản thân gia đình người còn sống. Nói cách khác, tính vụ lợi, thực dụng luôn song hành cùng cái gọi uống nước nhớ nguồn, thể hiện tính 2 mặt hiện hữu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Mới hiểu tại sao người ta có thể lao tâm khổ tứ đến vậy với chuyện mồ mả. Như chuyện tại sao gia đình nọ chỉ lo chăm sóc xây dựng phần mộ thế hệ cụ kỵ ở vùng quê xa xôi mà không quan tâm đến phần mộ thế hệ ông bà ở vùng cư trú. Tương tự, không hiếm trường hợp người ta chỉ chăm chăm bỏ tiền xây cất khu mộ phần thuộc chi họ nhà mình, sẵn sàng hoành tráng hóa sao cho to hơn cả khu mộ tổ kế bên, như để thể hiện sự vượng phát chi, ngành họ của mình nhằm hy vọng hưởng lợi theo lời thày bói. Hay chuyện đám con cháu chỉ lo chăm sóc phần mộ cụ tổ bên nội mà không hề đoái hoài đến phần mộ bên ngoại, thường coi đó là việc của dòng họ khác. Âu đó cũng là những hệ lụy tất yếu của quan hệ chằng chịt họ hàng nội ngoại rối rắm, vốn quá sức với người đang sống. Thời nay, với niềm tin về thế giới âm hồn vĩnh hằng, không hiếm người khi cha mẹ còn sống thì vô tâm hay đối xử tệ bạc, nhưng khi chết thì làm đám ma linh đình, rồi xây mồ đắp mả cúng tế hoành tráng, như thể việc chăm sóc người chết tối quan trọng hơn người sống. Hoặc giả người ta coi việc phụng thờ âm hồn là hoàn toàn có thể bù đắp, chuộc lỗi cho mọi thiếu hụt, sai sót của thế giới trần gian vậy. Điều đáng chú ý, tuyệt đại đa số mọi hành vi tín ngưỡng xoay quanh phần mộ tổ tiên đều nhất nhất theo sự hướng dẫn của các thày bói, thày cúng, cô đồng, phù thủy… Thôi thì cưới xin, ma chay, cải táng, xuất hành…, nhất cử nhất động đều phải thỉnh các loại thày mà làm theo để đảm bảo thế giới âm hồn tổ tiên luôn song hành phù trợ.

Xét toàn bộ, đối tượng thờ phụng của các tín ngưỡng tôn giáo (như phật, chúa, thánh, mẫu, thành hoàng…) là niềm tin tín ngưỡng có tính rộng mở, bao phủ tâm linh, bảo trợ an sinh cho cả một cộng đồng lớn, một tộc dân hay một quốc gia… Ngược lại, ngôi vị tôn thờ của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn khu biệt trong từng dòng họ giới hạn, lấy đơn vị gia đình cá thể làm cơ sở. Có nghĩa nó chỉ phục vụ đời sống tâm linh riêng cho dòng họ đó mà thôi. Bởi thế, mọi hành vi, mục đích tín ngưỡng đơn giản chỉ mang tính tư lợi cục bộ của từng tiểu cộng đồng nhỏ lẻ, chủ yếu thúc đẩy sự cố kết nội bộ dòng tộc với tính gia trưởng, ganh đua mang đậm chất tiểu nông, ít nhiều hạn chế sự đoàn kết, đồng tâm hướng tới đức tin chung của cả cộng đồng lớn. Ở Việt Nam, nếu coi mỗi ngôi từ đường như một đền thờ riêng của dòng họ thì tính về số lượng, hẳn sẽ vượt xa mọi cơ sở thiết chế của hệ thống các tín ngưỡng tôn giáo khác như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ… Trong đó, rất nhiều ngôi từ đường có kiến trúc bề thế không kém gì một ngôi chùa, hay ngôi đình làng to lớn. Thậm chí thời nay có những ngôi từ đường còn được dát vàng ròng nguy nga tráng lệ như một cung điện, nhưng rút cục cũng chỉ để phục vụ lợi ích tâm linh cho một dòng họ mà thôi. Thử suy đoán, sẽ thấy rất có thể từ ngàn xưa, chính truyền thống thờ cúng tổ tiên dòng họ vụn vặt đó đã khiến người Việt không thể xây dựng được những tôn giáo lớn cùng hệ tư tưởng, triết thuyết phổ quát mà đành phải du nhập từ bên ngoài?! Hiện nay, chỉ cần nhìn vào các nghĩa địa, từ đường là có thể hiểu được cuộc đua tranh dòng họ lớn như thế nào. Mộ tổ, từ đường dòng họ này phải cao, to, cầu kỳ, đắc địa hơn dòng họ kia, như một tấm gương phản chiếu rõ nét những động cơ vụ lợi, ích kỷ cá nhân cùng những hệ lụy của nó. Trong truyền thống lịch sử, có lẽ những câu chuyện ly kỳ về việc táng mả hàm rồng mưu cầu đế vương, vinh hoa phú quý của người Việt là minh chứng sống động nhất về hành vi thực dụng, vụ lợi của người sống với thế giới âm hồn tổ tiên. Niềm tin, ước mơ hồn nhiên đó thậm chí còn được chạm khắc khá nhiều lên những vì kèo đình làng Việt, như thể hiện một khát vọng lớn lao của ông cha xưa. Điều đáng nói, cái niềm tin đất cát mồ mả đắc địa đó vẫn được duy trì bảo lưu đến tận ngày nay với vai trò dẫn dắt của lực lượng các thày phủ thủy, thày địa lý thế hệ mới (thường gọi là nhà phong thủy). Vấn đề đặt ra ở đây là hành vi trục lợi từ mồ mả, vong hồn tổ tiên liệu có đáng được xem như niềm tin uống nước nhớ nguồn? Đã đến lúc phải xem lại mặt trái giá trị đạo đức ở hệ tín ngưỡng này. Cũng xin nói thêm, hiện nay nhiều người trong chúng ta đang rất đỗi tự hào về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc, coi đó như một sự thể hiện đạo đức uống nước nhớ nguồn của người Việt. Thế nhưng cần phải thấy rằng trên thế giới, các cộng đồng, các dân tộc không thờ cúng tổ tiên thì cũng không có nghĩa là họ không uống nước nhớ nguồn như chúng ta!

Thời nay, có lẽ phong trào sôi nổi rầm rộ và phát triển mạnh mẽ nhất phải kể đến tín ngưỡng tứ phủ. Chưa bao giờ hình thái tín ngưỡng này lại đạt một vị trí cao như vậy trong đời sống tâm linh người Việt. Sau cả nửa thế kỷ bị cấm hoạt động, giờ đây sinh hoạt lên đồng nở rộ như nấm sau mưa. Không còn lạ những chuyện người người lên đồng, nhà nhà hầu thánh nữa. Về mặt lợi ích kinh tế, doanh thu của các đền phủ thờ thánh mẫu thường ở thứ hạng cao hơn so với hệ thống chùa chiền, đình miếu nói chung. Điều này hẳn là nguyên nhân khiến cho nhiều đền, phủ nổi tiếng đều phải mở thầu cho chức thủ nhang đồng đền. Có những nơi, vị thủ nhang phải nộp hàng tỉ bạc vào ngân sách chính quyền địa phương mỗi năm. Có nơi, chính quyền tỏ ra khôn ngoan hơn, cử hẳn các cán bộ phòng văn hóa đứng ra coi sóc đền phủ để đảm bảo tận thu. Nói vậy để biết nguồn lợi từ sinh hoạt tín ngưỡng lớn như thế nào. Với đặc tính thương mại tâm linh từ ngàn xưa, mức giá chi phí cho sinh hoạt hầu đồng thời nay cũng leo thang theo mặt bằng giá cả sinh hoạt xã hội. Hiện nay, ở Hà Nội, giá thành lễ mở phủ trình đồng cho những người mới gia nhập tín ngưỡng dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Tùy vào sự bề thế của đền to phủ lớn, tiền lệ phí giọt dầu bắc ghế hầu thánh cũng tính trung bình vài triệu một vấn hầu. Việc chi phí cho một vấn hầu cỡ hàng trăm triệu đã là chuyện không hiếm. Cá biệt có những chân đồng giàu sang, sẵn lòng bỏ cả tỉ bạc mỗi lần hầu thánh.

Có lẽ trên thế giới, không có một tôn giáo tín ngưỡng nào mà người gia nhập lại phải tiêu tốn tiền của nhiều như vậy. Thế nhưng sự tốn kém đó không hề làm nản lòng những người được gọi là có căn đồng. Điều này có lẽ xuất phát từ bản chất của tín ngưỡng tứ phủ, rất khác với các hình thái tâm linh nói chung. Đại thể những tín đồ của Phật giáo, Thiên chúa giáo hay Hồi giáo… thì không thể hóa thân thành phật Thích Ca, chúa Giêsu hay thánh Allah… nhưng với các chân đồng tứ phủ thì ngược lại. Các ông đồng bà đồng vừa đóng vai trò tín đồ, vừa có cơ hội hóa thân thành chính những vị thánh trên điện thần mà họ phụng thờ. Trong các vấn hầu, người bắc ghế hầu thánh tứ phủ luôn được đám đông tôn vinh cổ vũ trong trạng thái nhập thần – hóa thánh liên tiếp, hết giá này qua giá khác. Với những khoảnh khắc thần tiên đó, chân đồng được thụ hưởng mạnh mẽ cái cảm giác thánh bề trên trong giao tiếp ứng xử, khi phán truyền với đám đông người tham dự. Đây được xem như yếu tố vô cùng hấp dẫn với người trần mắt thịt. Có ai mà không cảm thấy thăng hoa khi được cộng đồng phút chốc ngưỡng vọng như một vị thánh chính hiệu, lúc lúc xì xụp chắp tay vái lạy thành kính, lúc lúc hò la náo nhiệt cổ vũ.

Trên thực tế, việc nhập thần – hóa thánh chính là sự diễn xuất sân khấu của các chân đồng trong những vai diễn thần thánh. Mỗi giá đồng thể hiện hình ảnh một vị thánh tứ phủ, từ phục trang cho đến phong thái, tính cách cùng các hoạt động biểu trưng riêng như tựa gối hút thuốc, uống trà, uống rượu, nghe thơ văn, múa gươm, đao, hèo, cờ, quạt, múa mồi, chèo đò, quẩy gánh bán hàng… Với đặc điểm đó, chiếu hầu đồng được xem như một sân khấu văn nghệ tâm linh với nhiều dáng vẻ hấp dẫn riêng của nó. Cả người bắc ghế hầu lẫn đám đông tham dự được đắm chìm miên man trong trạng thái tâm lý tự sướng đa cảm xúc, kết hợp giao lồng các yếu tố nhập thần – hóa thánh, diễn viên sân khấu, diễn viên múa, trình diễn thời trang. Điều đặc biệt, mỗi giá đồng trong các vấn hầu không thể thiếu được màn ban tiền phát lộc với sự biểu hiện của 2 chiều cạnh tâm lý cho, nhận đồng thuận hả hê. Thánh thì hưởng thụ cái cảm giác bề trên quyền năng ban phát, bố thí cho chúng sinh trần gian khi vung tay tung tiền bạc, lộc lá vào đám đông. Còn người tham dự thì hỷ hả mãn nguyện khi vớ được tiền thần, lộc thánh một cách dễ dàng tự nhiên như mưa sa trên trời. Tất cả lại diễn ra trong không gian điện thờ linh thiêng, trang hoàng lộng lẫy cùng phần đệm khi khoan thai tinh tế, lúc sôi động náo nhiệt với tiết tấu vũ điệu cuồng say của dàn nhạc chầu văn quyến rũ. Có thể chính cái tâm lý tự sướng thánh thần đó lý giải việc tại sao người ta phải đặt một tấm gương to dưới điện thờ, trước mặt người hầu. Hẳn để các chân đồng trước nhất có thể nhìn thấy rõ trong gương hình bóng thánh hóa – tức sự hóa thân của mình hiện thực như thế nào. Bên cạnh sự thăng hoa lúc lên đồng, khi gia nhập tín ngưỡng, mỗi chân đồng thường tự vận căn số của mình ứng với một vị thánh cụ thể nào đó như căn ông hoàng Bơ, hoàng Bảy, cô Bơ, cô Chín, chầu Năm, chầu Bé… Hệ quả là trong cuộc sống thường nhật, họ cũng thường ám thị tính cách bản thân giống với căn cốt các vị thánh huyền tích, trong đó có cả tính cách mà dân gian thường lưu truyền kiểu “phật từ bi, thánh chấp từng li”. Như vậy, cộng với cái căn cốt con cưng của mẫu, việc tự kỷ thánh hóa bản thân, cảm giác vị thế cao sang hơn người có lẽ là đặc điểm hấp dẫn mạnh mẽ của hình thái tín ngưỡng này. Và, những đặc điểm đó cũng đồng thời tạo nên một tính cách đặc trưng riêng của các con nhang đệ tử tứ phủ, một tính cách đồng bóng đi mãi cùng các chân đồng theo năm tháng.

(Còn nữa)

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Bùi Trọng Hiền

Đánh giá post

Từ khóa » Ví Dụ Về Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên