Tân Phúc Âm Hóa Trong Việc đào Tạo Các Linh Mục
Có thể bạn quan tâm
ĐGM James A. Wehner
Giới thiệu
Công cuộc Tân Phúc Âm hóa là sứ vụ mục tử của Giáo Hội, mà thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã kêu gọi tất cả các tín hữu tham gia. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa có cả hai mặt nội tại và ngoại tại, là con đường mỗi tín hữu theo đuổi sự hoán cải và cách họ đem đức tin vào đời sống thường nhật.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng: “Công cuộc Tân Phúc Âm hoá cần có những nhà rao giảng mới, những linh mục dấn thân sống chức linh mục như một con đường nên thánh và những vị này là những linh mục nghiêm túc với quá trình đào luyện của họ” (Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 82). Sứ vụ đào tạo tại Chủng viện Notre Dame được tôi trình bày với chủ đề: Những môn đệ của Chúa, đào tạo các linh mục truyền giáo cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa.
Vì mục tiêu của hội thảo này, tôi muốn nhìn lại cách Giáo Hội khai triển khái niệm về công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Điều này quan trọng cho việc biện phân của anh em, vì Thiên Chúa đang kêu gọi anh em từ những hoàn cảnh riêng và sẽ sai anh em đến những nền văn hóa chuyên biệt, nơi giáo phận và hội dòng của anh em. Môi trường mục vụ mà Giáo Hội tìm thấy chính mình thì đa dạng, nhưng cùng một sứ vụ.
Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết rằng: “Thực vậy, rao giảng Tin Mừng là ơn huệ và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng nghĩa là để rao giảng và dạy dỗ” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 14). Nhiều người không muốn Giáo Hội ở ngoài đường phố; có nghĩa là phần đa tin rằng đức tin là một chuyện cá nhân, chứ không phải là điều gì sẽ định hình thể chế công cộng hay thiết lập những thể chế hỗ tương việc cổ võ văn hóa. Vì vậy, ngay cả người Công Giáo sẽ do dự cho phép đức tin họ tạo nên sự khác biệt nơi xã hội. Vì thế, nếu không có Tin Mừng và la bàn luân lý đức tin của mình, xã hội sẽ bị phó mặc cho những tính chất của riêng nó.
“Đối với Giáo Hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại: “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 18). Thật vậy, các linh mục cần hiểu rằng, việc mục vụ của họ là chạm đến mọi thành phần xã hội. Đây là mục đích của công cuộc Tân Phúc Âm hóa: “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa sẽ không viên mãn, nếu nó không liên lỉ kết nối vào đời sống thực tế, cá nhân lẫn xã hội của con người” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 29).
Tiền đề cuộc hội thảo của các vị giám đốc chủng viện này là về “rao giảng Tin Mừng” và “công cuộc Tân Phúc Âm hóa” không đơn thuần là những sáng tạo mục vụ, nhưng đúng hơn là những khái niệm thần học. Những ấn phẩm gần đây bởi những người được gọi là thần học gia và phim ảnh như Mật Mã Da Vinci, chứng minh cách thức như thế nào mà nhiều người quá bối rối về những quan điểm tín lý và thần học liên quan đến Đức Tin Công Giáo và ngay cả Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô. Nỗ lực của các Giám Mục Hoa Kỳ là lời đáp trả tiên quyết đối với việc thực hành Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo và Giáo Lý cho Người Trưởng Thành.
Văn kiện Dominus Iesus từ Bộ Giáo Lý Đức Tin giới thiệu chín khuyết điểm thần học hay triết học mang tính phổ biến ngày nay, trong suy nghĩ mang tính khái niệm làm tiêu hao nỗ lực rao giảng Tin Mừng của chúng ta. Vì thần học sử dụng những khái niệm để gói gọn đức tin của chúng ta vào Tin Mừng, nên giáo lý về đức tin chịu đe dọa, nếu người ta gặp khó khăn với suy tư mang tính khái niệm. Chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa duy lý lần nữa đã tạo ra ý thức hệ chôn vùi đức tin trong lý trí, vì thế, nếu không có chứng cứ khoa học, tôn giáo là một vấn đề riêng tư, còn giáo lý và vấn đề về đức tin là những xác tín cá nhân, nếu không có bất kỳ khả năng chứng minh chân lý đại đồng.
Những khái niệm như “phục sinh”, “vinh quang”, “bí tích” và “ân sủng”, những chủ đề cốt yếu về thần học đã từng diễn giải niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, sẽ vô nghĩa với người Công Giáo nói chung hoặc chắc chắn là người Công Giáo sa ngã, khi chủ nghĩa duy lý thắng thế.
Cám dỗ đối với các nhà truyền giáo không phải là đối mặt với những khó khăn mang tính khái niệm này, nhưng đúng hơn là dồn sự chú ý và sức lực vào những ưu tiên xã hội, hay những sáng kiến mục vụ, hay ngay cả sử dụng ngôn từ khác xa với thần học. Kết quả là, công cuộc rao giảng Tin Mừng sẽ không còn là bản chất của chính nó và mất đi ý nghĩa tối hậu, và trở nên một tiến trình ngắn gọn của việc chia sẻ thông tin, hơn là những cách thức mà nhờ đó con người ta gặp gỡ một Đức Giêsu hằng sống.
“Việc mô tả cảnh huống này cho thấy rằng cuộc khủng hoảng Phúc Âm hóa trong thế giới ngày nay có thể đơn thuần không còn cách nào giải quyết được, bằng việc gắn ghép hoạt động của Giáo Hội với đòi hỏi xã hội, tâm lý và những đòi hỏi khác” (Văn bản làm việc Thượng Hội Đồng Giám mục 1974). Những lời này phản ánh một lần nữa về những gì mà Giáo Hội không nên làm để đáp trả chủ nghĩa thế tục.
Công cuộc Phúc Âm hóa nên đối mặt trực diện với thách đố của chủ nghĩa thế tục, nếu không, việc rao giảng của chúng ta trở nên trống rỗng và không được quan tâm đến. Vì vậy, “công cuộc Phúc Âm hóa” nên được hiểu như một khái niệm thần học, bởi vì những gì đang được truyền thụ là toàn bộ Tin Mừng của Đức Kitô, là chủ thể và là đối tượng trong thần học.
Sequela Christi – Bước theo Đức Kitô
Hoa trái của công cuộc rao giảng Tin Mừng là trở thành môn đệ của Đức Giêsu Kitô. Người rao giảng là một người môn đệ của Đức Kitô, không ngừng được rao giảng và không ngừng rao giảng cho người khác. Chỉ được ơn Chúa làm cho khả thi, khả năng đầu tiên của việc Phúc Âm hóa là khả năng làm chứng cho Đức Kitô. Phần Dẫn nhập của Các Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân, văn kiện bàn về rao giảng Tin Mừng bởi Hội đồng Giám mục Hoa kỳ được xuất bản vào Mùa Xuân 2012, mở đề với một suy ngẫm về “chứng nhân.” Bản dẫn nhập phân vân liệu người Công Giáo có hiểu hay không những gì mang ý nghĩa là một chứng nhân của Đức Kitô và rồi công bố cho người khác những gì và người nào mà họ làm chứng cho.
Công cuộc rao giảng Tin Mừng bắt đầu bằng một tiền đề về một động lực ba chiều kích. Đầu tiên, các môn đệ được chọn để trở nên chứng nhân của Đức Giêsu Kitô. Là chứng nhân cho Đức Kitô là nghe Tin Mừng của Người, thấy phép lạ của Người, đối diện với Mầu Nhiệm Vượt Qua và lãnh nhận ân ban Chúa Thánh Thần. Các môn đệ đã là chứng nhân của Đức Giêsu Kitô.
Thứ hai, các môn đệ phải tự do kết hiệp với ân sủng để trở thành chứng nhân. Một người đã không chọn trở thành như vậy. Sự hoán cải đối với những gì họ đã làm chứng, cần ơn Chúa Thánh Thần, ân sủng từ Thiên Chúa và tự do kết hiệp với ân sủng. Thực hành đức tin là kết quả của hoán cải, là ân ban toàn hảo từ Thiên Chúa.
Thứ ba, Đức Kitô truyền cho các môn đệ công bố Tin Mừng. Các môn đệ được giao một sứ vụ truyền giáo. Vậy, một môn đệ của Đức Kitô là một chứng nhân, nắm giữ lòng hoán cải, và luôn sẳn sàng cho truyền giáo. Động lực ba chiều kích này không bao giờ hao mòn nơi người tín hữu. Người tín hữu luôn làm chứng những mầu nhiệm cứu rỗi của đức tin, người đó luôn đào sâu trong lòng sự cải hóa của họ và người đó luôn thực thi việc truyền giáo. Điều này chính là Phúc Âm hóa.
Nhờ vào bản chất tối hậu của phép rửa tội của chúng ta, mỗi Kitô hữu được rao giảng Tin Mừng và trở thành người rao giảng Tin Mừng. Ba động lực của việc rao giảng không được hoàn thành nơi một người, cho đến khi họ hoàn toàn nằm trong sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy, việc Phúc Âm hóa luôn là một năng lực không hề ngưng nghỉ.
Khi chúng ta nói về việc Phúc Âm hóa ngày nay, ba tầm quan trọng này cần được làm nổi bật và nhấn mạnh. Các giám mục bắt đầu trong“Những Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân” với những vấn nạn về sự hiểu biết của người Công Giáo về những tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng. Liệu Người Công Giáo Hoa Kỳ hay ở nơi khác có cảm thức này thúc bách chăng: một sự thúc bách làm nhân chứng, một sự thúc bách gắn kết với hoán cải và sự thúc bách chia sẻ với người khác những gì họ đã làm chứng?
Công cuộc Phúc Âm hóa không thể ép buộc tha nhân phấn khởi. Nhưng, chủ đề cho Văn kiện Trù bị cho Thượng hội đồng Giám Mục năm 2012 đúc kết một thách thức chính cho việc Phúc Âm hóa. Đó là việc lan truyền đức tin. Làm thế nào để truyền tải đức tin Công Giáo của chúng ta bằng một cách thuyết phục, vui tươi và nhiệt thành.
Thực hành đức tin là cách đức tin được lan truyền. Chứng nhân, lòng hoán cải và truyền giáo là những điều trọng yếu căn bản của thực hành đức tin. Việc rao giảng Tin Mừng là phương thức mà nhờ đó việc thực hành đức tin này được triển nở do người tin theo và những phương cách mà người khác làm chứng cho Tin Mừng bằng hành động. Phúc Âm hóa là một khái niệm thần học, vì thực hành đức tin bởi người tín hữu là một hành động thần học.
Tiến triển của công cuộc Phúc Âm hóa
Điểm thứ hai xoay quanh sự phát triển mang tính lịch sử của việc Phúc Âm hóa liên quan đến truyền giáo và những bối cảnh thực tế của con người.
Theo “Những Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân” trong phần 2, dưới phần trình bày về Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, văn kiện cho thấy rằng “để truyền giáo” một người làm chứng cho sự Mặc Khải của Thiên Chúa. Làm nhân chứng cho biến cố Mặc khải thì được nhìn nhận trong thời gian hiện tại. Biến cố Mặc khải tự bản chất là một thực tại không thay đổi và một chân lý bất biến. Tuy vậy, bối cảnh của việc làm chứng xảy ra theo sự xếp đặt cơ hữu, cả từ bối cảnh Giáo hội và bối cảnh văn hóa. Vì vậy, có thể có vài căng thẳng khi hợp nhất chân lý bất biến về Đức Kitô (Đấng là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi ) với những thực tại biến chuyển mà con người đối mặt mỗi ngày.
Văn kiện của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974 và thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trình bày là một văn kiện quy phạm để hiểu khái niệm Phúc Âm hóa. Những ai quen thuộc với sự can thiệp và tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục 1974 hiểu nỗi thất vọng lớn lao của các Giám Mục và Giáo Hoàng, những người đang gặp thách đố với việc: làm như thế nào để minh giải suy tư việc truyền giáo liên quan đến những bối cảnh xã hội đặc biệt, mà tín hữu tìm thấy chính mình trong những bối cảnh đối nghịch với Tin Mừng và những bối cảnh nô lệ hóa con người, bằng cách mà người đó thường không thể nghe, sống và tin vào Tin Mừng.
Làm thế nào chúng ta hòa hợp “chứng nhân”, “lòng hoán cải” và “truyền giáo” với môi trường hữu cơ của văn hóa và yêu cầu Giáo Hội để mục vụ trong môi trường này?
Một đóng góp đầy ý nghĩa của thánh Giáo Hoàng Phaolô VI là một sự hiểu biết sâu xa về những gì mang ý nghĩa “để truyền giáo.” Công cuộc Phúc Âm hóa không phải là một khía cạnh của sứ vụ Giáo Hội; nó cũng không dành riêng cho những linh mục hay chuyên gia, và nó cũng không phải việc gì đó chúng ta làm cho dân ngoại. Công cuộc Phúc Âm hóa phải giải quyết mọi tình thế về kinh nghiệm con người, vì nó là sứ vụ của Giáo Hội.
Từ những ghi nhận tiền Công đồng, qua những tiến triển của Công đồng đến Huấn Quyền của thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, chứng nhân, hoán cải và truyền giáo liên kết nội tại và không thể tách rời khỏi khái niệm của “Phúc Âm hóa”.
Phúc Âm hóa tiếp tục trở thành sứ vụ Ad Gentes. Nó là một sứ vụ được hướng đến những người Công Giáo thiết thực; nó là sứ vụ hướng đến cuộc đối thoại liên tôn; nó là sứ vụ của đại kết; và nó là một sứ vụ liên quan đến những người Công Giáo không thực hành đức tin của họ. Đây là một bước tiến đáng kể cho công cuộc Phúc Âm hóa, vì nó không còn là một khía cạnh của truyền giáo, nhưng đúng hơn là cấu thành việc truyền giáo của Giáo Hội.
Phúc Âm hóa thăng tiến nền Nhân bản đích thực
Một câu hỏi đối với Phúc Âm hóa, đó là: truyền giáo đáp trả cho điều gì? Trở thành một chứng nhân của Chúa Giêsu và những biến cố cứu độ của Ngài, là dám làm chứng trong một bối cảnh đặc thù. Điều này trở thành chủ đề trọng yếu nơi triều đại của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong phần II, đoạn về “thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và công cuộc Tân Phúc âm hóa,” văn kiện Môn Đệ Được Gọi Để Làm Nhân Chứng không chỉ xem xét tiến triển của khái niệm “Tân Phúc Âm hóa” mà còn khẳng định rằng: thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không đưa ra một hệ thống thần học đầy đủ về những gì chúng ta muốn nói về Tân Phúc Hóa hóa.
“Những thời điểm mới yêu cầu sứ điệp Kitô giáo hướng đến con người ngày nay, ngang qua những phương cách mới của việc tông đồ và thông điệp được truyền tải trong ngôn ngữ và các hình thức có thể hiểu được” (Santo Domingo, 1992). Những lời này tóm tắt sự cảm hứng của cuộc Tân Phúc Âm hóa, chứ không minh giải khái niệm này.
Trong triều đại của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khái niệm “Tân Phúc Âm hóa” thực chất là một từ ngữ mới được dùng cách khác biệt, vì những bối cảnh khác nhau. Ví dụ, ba khía của sứ vụ được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phân định trong Redemtoris Missio như sau:
- Truyền giáo hướng đến những con người, nhóm và bối cảnh văn hóa xã hội ở nơi mà Đức Kitô và Tin Mừng không được biết đến.
- Truyền giáo hướng đến người Kitô Hữu có cơ cấu Giáo Hội vững chắc và đầy đủ. Họ tha thiết trong đức tin họ và trong đời sống Đạo.
- Truyền giáo hướng đến những người không còn cảm thức sống đức tin, hay ngay cả không còn thấy mình là thành viên của Giáo Hội và sống một đời sống hoàn toàn tách biệt với Tin Mừng.
Ở đây, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dùng Tân Phúc Âm Hóa như một khía cạnh của truyền giáo và một chiều kích của việc rao Tin Mừng. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa là một lời đáp trả mang tính truyền giáo đến với người Công Giáo không còn thực hành đức tin và đến với những nền văn hóa đã từng mang đặc nét Kitô giáo, nhưng giờ đây nhanh chóng mất đi căn tính Kitô giáo của chúng. Cuộc Tân Phúc Âm hóa đã là một lời đáp trả đặc biệt đến nhu cầu truyền giáo này.
Sau đó, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng khái niệm “Tân Phúc Âm hóa” như một cách cổ vũ nền nhân bản đích thực, một cách để dân chúng hiểu về Tin Mừng Đức Kitô và tác động thiết thực của đức tin trên chính con người và văn hóa. Cuộc Tân Phúc Âm hóa là nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội để định hình văn hóa với đức tin Tin Mừng, mà sinh ích lợi cho toàn thể dân chúng, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu. Tin Mừng không trái ngược với văn hóa, đúng hơn là không chống lại Đấng thăng tiến đích thực của nó. Huấn quyền của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người khai mở Đại Năm Thánh, diễn tả việc thăng tiến nền nhân bản Kitô Giáo đích thực này qua văn hóa.
Trong văn kiện Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân, ở phần một, đoạn “cuộc Tân Phúc Âm hóa”, các giám mục viết rằng: “Cuộc Tân Phúc Âm hóa đưa ra một lăng kính ngang qua những gì con người trải nghiệm thế giới và Giáo Hội xung quanh họ.” Lăng kính về cuộc Tân Phúc Âm hóa này được hiểu như “nền nhân bản đích thực.”
Cuối cùng, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đúc kết rằng, cuộc Tân Phúc Âm hóa không phải là vấn đề bị ngăn cản đối với một khía cạnh “truyền giáo.” Vì Giáo Hội đã tiến vào thế kỷ 21, ngài đánh đồng cuộc Tân Phúc Âm hóa với việc truyền giáo của Giáo Hội, hơn là một lời đáp trả truyền giáo với một nhu cầu mục vụ. Vì vậy, cuộc Tân Phúc Âm hóa nhắm thẳng vào tất cả khía cạnh “truyền giáo,” đó là sứ vụ thăng tiến nền nhân bản đích thực. “Tiến trình của cuộc Tân Phúc Âm hóa… không thể bị cấm cản để sinh động hóa đức tin của những tín hữu bình thường, nhưng phải nỗ lực để loan truyền Đức Kitô ở nơi mà Ngài chưa được biết đến” (Eam 74).
Cuộc Tân Phúc Âm hóa là khả năng mà Giáo Hội công bố Tin Mừng về Đức Kitô trong mọi bối cảnh nhân loại / văn hóa mà con người tìm thấy bản thân mình ở đó. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã bàn về vấn đề này với hàng Giám Mục Hoa Kỳ trong suốt chuyến Ad Limina về Vatican của họ trong những năm trước đây: “Cha nói về nhu cầu cho Giáo Hội ở Hoa Kỳ để nuôi dưỡng một lối suy nghĩ, một nền văn hóa thông tuệ mà là Công Giáo chính thống. Thực hiện trách nhiệm này phải được tập trung vào việc công bố chân lý tự do của Đức Kitô và thúc đẩy cuộc đối thoại và việc cộng tác trong việc xây dựng một xã hội có nền tảng vững chắc hơn bao giờ hết trong một nền nhân bản bền vững, được linh hướng bởi Tin Mừng và Kitô giáo, đối với những giá trị cao nhất của di sản chung và văn hóa của Hoa Kỳ” (Diễn Văn Ad Limina, tháng 5 năm 2012).
Cuộc Tân Phúc Âm hóa, một khái niệm bất khả phân ly khỏi “truyền giáo”, vì thế cũng được hiểu như một khái niệm thần học. Không có gì mới liên quan đến nội dung chúng ta rao giảng và Tin Mừng được truyền thụ. Những điều mới là phương thức mà nhờ đó Tin Mừng này sẽ được rao giảng và bối cảnh mà con người tìm thấy mình ở đó. Nội dung của cuộc Tân Phúc Âm hóa không khác gì hơn nội dung Tin Mừng về Đức Giêsu.
Những Nguyên Tắc Thần Học Nội Tại
“Chúng ta thấy sự cần thiết xem xét sâu xa hơn đối với những khái niệm căn bản liên quan đến mục vụ rao giảng Lời Chúa, gồm có, ơn cứu độ, đức tin, lòng hoán cải, ngôi vị của Đức Kitô, Giáo Hội, v.v… và điều thiết yếu sâu xa hơn về việc tái xem xét những nguyên tắc thần học về việc rao truyền Lời Chúa dưới ánh sáng của những khái niệm này” (Lineamenta, 1973).
Khi chúng ta xem qua văn kiện Các Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân, Huấn Quyền của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, cũng như Lineamenta và Instrumentum Laboris (văn kiện trù bị) đối với Thượng Hội Đồng Giám Mục 2012, có bốn nguyên tắc thần học mấu chốt về cuộc Tân Phúc Âm hóa mà có thể được phân định từ những nguồn này.
Sứ vụ rao giảng Lời Chúa của Giáo Hội bị đe dọa bởi những vấn đề hỗn mang và đa nguyên gây ra lung lạc và bối rối với người Công Giáo. Nếu không có một hệ thống thần học, công cuộc Phúc Âm hóa sẽ bị giảm trừ xuống thành những sáng kiến mục vụ không thực sự có mục tiêu rõ ràng. Nếu không có hệ thống thần học, phàm nhân trở thành trọng tâm của Giáo Hội, chứ không phải là Đức Kitô và những mầu nhiệm cứu rỗi của Ngài. Điều này cũng là những thách đố đối với những Giám mục trù bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974: “Trong việc xem xét về nhiều kinh nghiệm khác nhau, vài vấn đề nào đó nổi lên cần sự minh giải thần học vì nhiều lựa chọn thiết thực, trong những phân tích cuối cùng, phụ thuộc vào những lăng kính mà trong đó công việc của Phúc Âm hóa được xem xét” (Văn kiện trù bị, 1974).
Có bốn nền tảng thần học đối với Phúc Âm hóa bảo vệ cuộc Phúc Âm hóa khỏi thuyết hỗn mang và thuyết đa nguyên.
Đầu tiên – nền tảng Cứu Độ học của Phúc Âm hóa
Cuộc Tân Phúc Âm hóa thúc đẩy sự thật rằng việc truyền giáo của Giáo Hội liên quan đến Ơn Cứu Độ cho tất cả mọi dân tộc. Theo phần một của văn kiện Các Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân, đoạn “sứ vụ của Đức Kitô,” các Giám mục viết rằng: Đức Kitô kêu gọi mọi người đến với Ngài. Vì cuộc Tân Phúc Âm hóa có can dự với việc rao giảng Tin Mừng dù bất kỳ nơi đâu con người tìm thấy chính mình, nên Giáo Hội chú tâm đến tất cả mọi người. Ơn Cứu Độ của mỗi con người thôi thúc sứ vụ rao truyền Lời Chúa của Giáo Hội.
Đầu tiên, chúng ta có thể nói về ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa.“Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2, 2-4). “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Cuộc Tân Phúc Âm hóa tìm kiếm để mang mỗi người vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Đời sống truyền giáo của Giáo Hội không phải là bè phái; đời sống này đi tìm gặp mỗi con người ở nơi họ đang sống. Vì vậy, người rao giảng Lời Chúa cần thấu hiểu ơn cứu độ của mỗi linh hồn, là mối bận tâm của Giáo Hội.
“Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tớì kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Ðấng tạo dựng mình” (Hiến chế Gaudium Et Spes, số 19).
Thứ nhì, với khuynh hướng vô thần của chủ nghĩa thế tục, cuộc Tân Phúc Âm hóa diễn tả cách thức Thiên Chúa chắc chắn được biết đến và bằng cách nào hiểu biết về Thiên Chúa có liên kết với ơn cứu độ. “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài” (Tông huấn Dei Verbum, số 2). Với khuynh hướng duy lý thuyết phục con người rằng, Thiên Chúa không thể được biết đến hay đức tin là một chuyện cá nhân, thì ơn cứu độ tự bản chất chỉ là một ý niệm. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa hướng tất cả tha nhân đến với Tin Mừng và cách thức Tin Mừng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống và chuẩn bị sự sống cho ơn cứu độ muôn đời.
“Phải nhờ Thiên Chúa mạc khải, mới có “điều này là, tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự chúng vốn không vượt quá khả năng lý trí, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, con người có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn và không lẫn lộn sai lầm” (Tông huấn Dei Verbum, số 6).
Thứ ba, không chỉ Thiên Chúa mong muốn tất cả chúng ta được cứu rỗi và vươn đến hiểu biết trọn vẹn chân lý, công cuộc Tân Phúc Âm hóa còn diễn đạt phương thế đời sống Kitô hữu chuẩn bị cho chúng ta, vì lý do tại sao Thiên Chúa tạo nên chúng ta; đó là sống trọn vẹn kiếp người theo Tin Mừng để thông phần thiên tính của Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để nhận biết, yêu mến, và phục vụ Người, và nhờ đó được hưởng phúc thiên đàng. Hạnh phúc đích thực là được thông dự vào bản tính Thiên Chúa và sự sống muôn đời. Với ân phúc đó, con người bước vào vinh quang của Đấng Kitô và bước vào niềm hoan hỷ của sự sống Chúa Ba Ngôi” (Giáo lý Công giáo, số 1721).
Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã triệu tập Thượng hội đồng Giám Mục năm 1974, nhắc nhở các thượng phụ với những ai mà cuộc rao giảng đã hướng đến: “Chúng ta phải hướng thẳng về mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh để truy tầm nguồn gốc đầu tiên của lệnh truyền, điều mà thúc bách chúng ta tiến bước, và để khám phá, bằng những kho tàng bất tận của đời sống thánh thiện, một kiểu mẫu của tình yêu thấm nhập, bổ trợ và duy trì vào sứ vụ tông đồ của chúng ta” (Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974).
Những nguyên tắc mang tính rao truyền Lời Chúa tránh một thuyết đa nguyên thần học, vốn sẽ nói với chúng ta rằng ơn cứu độ đến từ nhiều nguồn hoặc rằng con người có thể tự cứu lấy mình; điều này có nghĩa là bạn không cần đến Thiên Chúa cứu lấy mình. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa mang lại một giải thích rõ ràng về ý định cứu độ của Thiên Chúa.
Một cách tự nhiên, khi nói về Thiên Chúa, chúng ta nói về ngôi vị con người. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đã đặt ra câu hỏi: trở thành con người có nghĩa là gì.
Thứ nhì – nền tảng Nhân học của Phúc Âm hóa
“Điều gì đã khiến Ngài tạo dựng con người với một nhân phẩm vĩ đại như vậy? Chắc hẳn là tình yêu không hạn định mà nhờ đó Ngài ngắm nhìn thụ tạo của mình trong chính Ngài! Ngài được tình yêu phủ lấp vì nó, thật vậy, bởi tình yêu Ngài đã tạo ra nó, bằng tình yêu Ngài trao cho nó một khả năng hiện hữu nếm trải sự Toàn Hảo muôn đời của Người” (Thánh Catarina thành Siena).
Giáo Hội bổ túc văn hóa với một hiểu biết rõ và chính xác về bản chất con người. Chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa thế tục chối bỏ hoàn toàn những chân lý luân lý. Vì thế con người ngày nay luôn xao xuyến về bản chất của chính mình.
Cuộc Tân Phúc Âm hóa nhắm đến bản chất thật sự về nơi mà phẩm giá, ý thức tự thân và sở hữu của chúng ta được dựng nên. Với khuynh hướng vô thần, nếu chủ nghĩa thế tục làm Thiên Chúa biến mất, thì việc hiểu biết tối hậu về trở nên con người có ý nghĩa gì sẽ được chất vấn. Sự thật mà mỗi người được tạo tác theo hình ảnh của Thiên Chúa, đã hình thành nền tảng trong việc công bố tính đại đồng của quyền con người. “Trong tất cả các thụ tạo hữu hình, chỉ con người là “có khả năng hiểu biết và yêu mến Tạo Hóa” (x.GS 12,3). Con người là “thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (x.GS 24,3); chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Con người được tạo dựng vì mục đích ấy, và đó là lý do căn bản của phẩm giá con người” (Giáo lý Công giáo, số 356).
Thứ nhì, cuộc Tân Phúc Âm hóa nói về cách thức mà Đức Kitô mặc khải cho con người về chính mình, như căn tính đích thực của con người trong Đức Kitô, là Adam mới. Khía cạnh này của cuộc Tân Phúc Âm hóa có ý nghĩa thiết thực với cá nhân con người. Thiên Chúa không ở xa hay biến mất; có nghĩa là bí tích rửa tội của chúng ta vào sự sống của Đức Kitô hiệp nhất con người và Thiên Chúa bằng một cách hữu hiệu và sâu xa nhất. Kết quả của chủ nghĩa thế tục bỏ rơi con người với mánh lới của chính mình. “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì Adam con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến, là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ. Bởi vậy không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc của chúng và đạt tới tột điểm nơi Người” (Hiến chế Gaudium Et Spes, số 22).
Thứ ba, cuộc Tân Phúc Âm hóa đang đáp lại mong muốn tự nhiên tất cả chúng ta dành cho Thiên Chúa; còn đức tin không được rập khuôn nhưng hơn hết là khai sáng tất cả đến với nguồn của mong muốn tự nhiên dành cho chân lý và dành cho Thiên Chúa. Mặc cho ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục trên văn hóa, nhưng con người vẫn có khát vọng về chân lý. “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: “Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” (Cv 17,26-28).
Công cuộc Tân Phúc Âm hóa cho thấy ý nghĩa và sự hiểu biết về lý do tại sao sự dữ hiện hữu; nhưng cũng cho thấy cách thức đức tin Kitô giáo biến đổi chúng ta từ đời sống tội lỗi đến đời sống thánh thiện. Sự dữ và tội lỗi quả thật là chướng ngại đối với Tin Mừng, cái khiến cho con người hoang mang và ngay cả nổi giận với Thiên Chúa. Tin Mừng kết nối với vấn đề này và có đưa ra những minh giải. Xong lại càng trở nên tệ hơn, những ý thức hệ nào khẳng định không có niềm tin vào sự dữ hoặc tội lỗi gây ra hậu quả nghiêm trọng trên cả cá nhân và văn hóa.
“Vậy trong chính con người đã có sự chia rẽ. Vì thế tất cả cuộc sống của con người, hoặc riêng rẽ, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không đủ sức khi phải tự mình chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc. Nhưng chính Chúa đã đến để giải phóng con người và làm cho con người trở nên mạnh mẽ khi Ngài đổi mới tự nội tâm họ và loại ra ngoài thủ lãnh của thế gian này (xem Ga 12,31) là kẻ đã kìm giữ họ trong vòng nô lệ tội lỗi. Tội lỗi làm suy giảm chính con người và ngăn cản không cho con người đạt tới sự viên mãn. Dưới ánh sáng mạc khải này, thiên chức cao cả và nỗi thống khổ sâu xa mà con người nghiệm thấy đều tìm được ý nghĩa cuối cùng của chúng” (Hiến chế Gaudium Et Spes, số 13).
Cuối cùng, công cuộc Tân Phúc Âm hóa trỗi dậy trong tất cả con người mà chúng ta được gọi là những vị thánh. Sự cải hóa để nên thánh là một cách thức sống và làm cho Nước Chúa hiện diện ở giữa chúng ta. Nước Chúa không phải là một phép nói ẩn dụ nhưng là một thực tại được hiển hiện bằng cách sống Tin Mừng của Đức Kitô. Một khi Nước Chúa hiển hiện, văn hóa tự mình sẽ biến đổi.
“Thực vậy, sự loan báo chỉ đạt tới mọi chiều kích của nó khi nó được nghe, được đón nhận, được sống và khi nó khơi dậy sự gắn bó sâu xa nơi kẻ lãnh nhận. Gắn bó với những chân lý mà do lòng nhân từ Chúa đã mạc khải đã đành. Nhưng hơn nữa, còn phải gắn bó với chương trình sống, một cuộc sống từ nay đã thay đổi, mà Chúa đề nghị. Tắt một lời, gắn bó với Nước Trời, nghĩa là với thế giới mới, với một tình trạng mới, với một cách hiện hữu mới, với cách sống mới, với cách chung sống mới, mà Tin Mừng khai mở” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 23).
Nền tảng nhân học của cuộc Tân Phúc Âm đáp trả lại mối quan tâm về con người không phải bằng một cách ngẫu nhiên và chính trị. Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta: Phúc cho chúng ta khi chúng ta sống trên đường ngay thẳng – những mối phúc này mở ra cho chúng ta những chân trời chân lý và phạm vi hiểu biết về lý do Thiên Chúa dựng lên chúng ta.
“Các mối phúc cho thấy mục đích của đời sống con người, cùng đích của các hành vi nhân linh : Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến hưởng hạnh phúc của Người. Ơn gọi này được ban cho từng cá nhân, cũng như cho toàn Hội Thánh, Dân Mới gồm những kẻ đón nhận và sống lời hứa đó trong đức tin” (Giáo lý Công giáo, số 1719).
Dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô, công cuộc Tân Phúc Âm hóa giúp con người hiểu trở thành con người có ý nghĩa gì. Tự do là một món quà của Thiên Chúa cho thấy nguồn lực thật sự khi đức tin Kitô giáo được thực hành. “Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi nhờ tự giải thoát khỏi mọi kiềm tỏa của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện và khôn khéo cũng như thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng. Tự do của con người vì bị tội lỗi làm tổn thương nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mới có thể thực hiện việc hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống động” (Hiến chế Gaudium Et Spes, số 17).
Công cuộc Tân Phúc âm Hóa tránh một thuyết đa nguyên thần học, nơi mà mỗi cá thể có thể khẳng mình là ai và theo đuổi tự do tách rời với Thiên Chúa, và tách biệt với luật tự nhiên. Điều đó bảo đảm chúng ta rằng con người không làm nô lệ cho ham muốn của mình.
Thứ ba – nền tảng Kitô học của Phúc Âm hóa
Mặc Khải của Thiên Chúa thì không mập mờ, còn huyền nhiệm về ngôi vị con người thì không thay đổi – điều mà dẫn chúng ta đến với ngôi vị của Đức Giêsu Kitô. Tân Phúc Âm hóa luôn đặt Đức Kitô làm trọng tâm, vì Ngài là Đường, Sự Thật và Sự Sống. Đức Kitô mặc khải bản tính con người thật sự của mỗi con người và đã cứu độ bản chất con người từ tội nguyên tổ.
Việc rao giảng lời Chúa giữ Đức Kitô làm trung tâm của sứ điệp, vì Ngài là sứ điệp. Đã có bao nhiêu nỗ lực mục vụ không lấy Đức Kitô làm trọng tâm, nhưng đúng hơn lại lấy con người? “Việc Phúc Âm hóa luôn luôn hàm chứa một công bố rõ ràng rằng nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã chết và đã sống lại, ơn cứu rỗi đã được ban cho mọi người như ân sủng và lòng nhân lành của Thiên Chúa” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 27).
Nhưng Đức Kitô này là ai? Đối với những Kitô hữu bối rối về việc không biết Đức Giêsu là Đấng nào và những giáo phái nào đó xây dựng cái được gọi là tín điều về Đức Giêsu, ngay cả với những người Công Giáo cũng không chắc chắn về bản chất thật sự của Đức Giêsu, thì dường như giống như những lạc giáo của Giáo Hội thời kỳ đầu tiên đã trở lại mạnh mẽ toàn diện. “Và tất cả những khía cạnh của mầu nhiệm của Ngài: Việc nhập thể, các phép lạ, giảng dạy, chiêu tập các môn đệ, sai mười hai Tông đồ, khổ giá và sống lại, sự hiện diện thường xuyên giữa các môn đồ của Ngài, tất cả đều nằm trong hoạt động rao giảng Tin Mừng của Ngài” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 6)
Cuộc Tân Phúc Âm hóa đưa ra một giải thích thần học rõ ràng về Đấng Kitô là ai và đối với mỗi người nó có ý nghĩa gì. Văn kiện Dominus Iesus của Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích một lần nữa, cách con người thấy khó hiểu việc trở nên hoàn toàn trống rỗng của Ngôi Lời Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Kế đó, cuộc Tân Phúc Âm hóa cũng thăng tiến việc đức tin trong Đức Giêsu Kitô và bí tích rửa tội của chúng ta trong đời sống của Ngài, có liên quan như thế nào về quyền cư ngụ của chúng ta trong Nước Chúa. Vương quốc của Thiên Chúa không phải là một siêu hình hoặc là một hình ảnh thơ mộng. Nó là để hiểu mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác như thế nào.“Chắc chắn có một tầm quan trọng lớn lao, vì lời đó đủ xác định được sứ mệnh của Chúa Giêsu “Chính vì thế mà Ta đã được sai đến” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 6).
Cuộc Tân Phúc Âm hóa cho biết như thế nào mà Nước Chúa mãi mãi được đóng ấn và thánh hóa, bởi những biến cố cứu rỗi của Đức Kitô. “Triều đại và ơn cứu độ là những từ ngữ chủ yếu trong việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Con người có thể đón nhận triều đại và ơn này như ân sủng và tình thương” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 10). Không có Nước Chúa nếu không có Đức Giêsu Kitô. “Triều đại này quan quan trọng đến nỗi, sánh với nó thì tất cả những cái khác sẽ trở thành “phụ thuộc” và được “ban thêm cho” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 8). Một sự thông hiểu thần học cơ bản về những biến cố Mầu Nhiệm Vượt Qua cùng với những chủ đề Kitô học về “Thiên Chúa” và “Đấng Cứu Thế” bị coi nhẹ một cách đáng buồn, trong nỗ lực rao giảng Tin Mừng và nỗ lực truyền đạt giáo lý.
Cuộc Tân Phúc Âm hóa thăng tiến những nguyên tắc thần học này để dạy cho con người Đức Kitô là ai và vì thế cho phép tín hữu gặp mặt cùng một Đức Kitô mà con người trong Tân Ước đã gặp gỡ.
Cuộc Tân Phúc Âm hóa cho phép chúng ta tránh khỏi thuyết đa nguyên thần học, thường được phát triển bởi những người gọi là thần học gia. Thuyết đó có tư tưởng rằng có một Đức Kitô, nhưng nhiều Chúa Giêsu; hoặc ơn cứu độ đến từ nhiều Đấng Cứu Độ, Đức Kitô chỉ là một trong số đó.
Tiếc thay, có nhiều người gọi chính mình là Kitô hữu, nhưng thật ra là không phải là Kitô hữu, vì họ hiểu sai về Đức Giêsu là ai.
Điều này dẫn chúng ta đến nguyên tắc thần học cuối cùng của cuộc Phúc Âm hóa. Ở đâu và bằng cách nào mà chúng ta có thể có một mối liên kết chân thật và vững chắc với Đức Giêsu Kitô?
Thứ tư – nền tảng Giáo Hội học của Phúc Âm hóa
Vì thuyết hỗn dung trở thành phép thông diễn hợp lý, để giải thích tại sao có nhiều cộng đoàn Kitô hữu, vai trò của Giáo Hội trong việc Phúc Âm Hóa, đối với nhiều người, trở thành nguyên lý thứ yếu. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa giải thích rõ ràng điều thiết yếu của Giáo Hội đối với ơn cứu độ. Đây là một khía cạnh nhạy cảm của việc rao giảng bị làm ngơ trong giáo lý của chúng ta.
“Thánh Công Đồng tuyên bố rằng chính Thiên Chúa đã chỉ cho nhân loại biết con đường, qua đó, khi phụng thờ Ngài, con người có thể được cứu rỗi trong Chúa Kitô và đạt tới hạnh phúc thật. Chúng tôi tin rằng tôn giáo chân thật duy nhất này hiện hữu trong Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền, Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ phải truyền bá cho mọi người, khi Người phán cùng các Tông Đồ: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20) (Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, số 1).
Người ta có thể quan niệm rằng, con người muốn được cứu rỗi và trở thành tín hữu yêu mến Đức Kitô, nhưng lại muốn tìm ơn cứu độ và hình thành mối tương quan với Thiên Chúa tách biệt khỏi Giáo Hội. Đối với đa số, khó khăn ở đây là việc hiểu rằng: không có sự kết hợp với Đức Kitô thì hoàn toàn không có Giáo Hội. Công Đồng Vaticanô II viết: “Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện” (Hiến chế Lumen Gentium, số 9).
Các Giám mục đã chỉ rõ vấn đề “chủ nghĩa cá nhân” này trong văn kiện Các Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân, phần một, đoạn “Bối Cảnh Hiện Nay.” Với sự nhấn mạnh về tự do cá nhân ở Hoa Kỳ cũng như các nơi khác và bản chất cá nhân của đức tin được thúc đẩy thường xuyên bởi các hệ phái, chiều kích Giáo Hội về đức tin bị đe dọa cách nghiêm trọng. Vì vậy, một lần nữa Giáo Hội không ngoại lệ với việc Phúc Âm hóa. “Giáo Hội khai sinh từ công cuộc rao giảng của Đức Kitô và mười hai tông đồ. Giáo Hội là kết quả tất nhiên, trực tiếp nhất và dễ thấy nhất của công cuộc đó” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 15).
Quan điểm thần học hay tín lý được thăng tiến bởi cuộc Tân Phúc Âm hóa. Những gì cần được nhấn mạnh và chứng tỏ rằng: Đức Kitô gặp gỡ con người ở bất cứ nơi đâu Ngài hiện diện, qua đời sống của Giáo Hội.
Những Nguyên Lý Ngoại Tại Của Cuộc Tân Phúc Âm Hóa
Ba động lực của việc Phúc Âm hóa (bước theo Đức Kitô) – chứng nhân, lòng cải hóa và truyền giáo – được củng cố bởi bốn chủ đề thần học này của Phúc Âm hóa (ad intra- nội tại). Với điều này, chúng ta có thể bàn về hai nguyên lý thần học ngoại tại (ad extra).
Trong văn kiện Các Môn Đệ Được Gọi Để Làm Nhân Chứng, phần một, đoạn “các lĩnh vực phát triển,” các Giám mục viết về sự đa dạng văn hóa ở các quốc gia và cách thức mà Giáo Hội đáp ứng nhu cầu của sự đa dạng sắc tộc. Điều này không đơn thuần là một lời đáp trả mang tính mục vụ, nhưng đúng hơn là bản chất tối hậu của những gì việc Phúc Âm hóa tìm kiếm để hoàn thiện.
Hơn nữa, ở phần hai của văn kiện, đoạn về “Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và tương lai của cuộc Tân Phúc Âm hóa”, các Đức Giám mục đã định rõ hai ưu tiên văn hóa về cuộc Tân Phúc Âm hóa này:
- Tái loan truyền Tin Mừng ở những nơi cuộc Phúc Âm hóa đầu tiên chưa diễn ra.
- Rao giảng Tin Mừng cho các tôn giáo có nguồn gốc Kitô giáo sâu sắc, nhưng nơi đó hiện tại đang tồn tại sự khủng hoảng đức tin vì sự tục hóa.
Hơn nữa, các giám mục cũng thừa nhận, trong phần một, đoạn “các lĩnh vực phát triển” rằng: những người Công Giáo mong muốn được truyền giáo, nhưng thấy mình chưa được chuẩn bị tốt, vì họ không được đào tạo đầy đủ.
Những suy tư khẳng định rằng một người có thể nhìn nhận việc hội nhập văn hóa và truyền đạt giáo lý như cái mà tôi gọi là hai cái bản lề của cuộc Tân Phúc Âm hóa.
Bản lề thứ nhất – Hội Nhập Văn Hóa
Ở phần II, “Đức Giáo Hoàng Biển Đức Và Tương Lai Của Cuộc Tân Phúc Âm Hóa” trong văn kiện Các Môn Đệ Được Gọi Để Làm Chứng Nhân, các Giám mục nhận thấy rằng cuộc Tân Phúc Âm hóa cần có đối thoại với nền văn hóa hiện đại, trong khi đang đối mặt với khủng hoảng văn hóa xung quanh chúng ta.
Văn hóa không phải kẻ thù của Tin Mừng, nhưng đúng hơn nó là điểm gặp gỡ mà người ta sẽ tiếp cận Tin Mừng. Thông thường, việc rao giảng của chúng ta dường như cho thấy rõ Giáo Hội mang tính phản văn hóa, nhưng thực ra Giáo Hội không như vậy. Thực sự có một cuộc khủng hoảng văn hóa, khi văn hóa không còn là văn hóa.
Vì vậy, cuộc Tân Phúc Âm hóa cần một hệ thống thần học rõ ràng hơn về “văn hóa.” Văn hóa không phải là một hành vi ngẫu nhiên của con người, nhưng đúng hơn nó được hình thành bởi Thiên Chúa. Nhưng tự do của con người chúng ta đòi hỏi chúng ta định hướng và định hình văn hóa theo luật tự nhiên.
Kitô giáo mang đến cho văn hóa một kinh nghiệm sống của Tin Mừng, điều phát triển một xã hội công bình. Ở ý này, chúng ta hiểu đức tin như một nền văn hóa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI thường viết về cả văn hóa con người và văn hóa đức tin – cả hai đều bổ túc cho nhau.
Mối tương quan giữa đức tin và văn hóa được hiểu theo thuật ngữ năng động của hội nhập văn hóa.
Các Giám mục viết như sau, trong phần dẫn nhập của văn kiện Các Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân: “Cuộc Tân Phúc Âm hóa truy tầm để mời gọi con người và văn hóa hiện đại vào trong mối dây liên kết với Chúa Giêsu và Giáo Hội.” Vì vậy, cuộc Tân Phúc Âm hóa cần Giáo Hội nghiên cứu và dấn thân vào văn hóa.
Nếu văn hóa bị đầu độc, thì làm sao đức tin có thể hoàn toàn tồn tại? Cuộc Tân Phúc Âm hóa về văn hóa là mục đích trọng yếu của cuộc Tân Phúc Âm hóa. Nhưng điều này là thách đố cho Giáo hội ở Hoa kỳ, khi sức ép kiềm hãm Giáo Hội khỏi việc lên tiếng ở nơi công cộng cách ngang nhiên.
Trong phần một của văn kiện Các Môn Đệ Được Gọi Làm Chứng Nhân ở đoạn “tình cảnh gần đây của văn hóa,” các giám mục đã trích dẫn từ Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, người đã lưu ý rằng: “Chúng ta giải gỡ tôn giáo khỏi việc được xem như một vấn đề riêng tư. Một cơ hội đặc thù cho cuộc Tân Phúc Âm hóa là diễn đạt cách thức mà Tin Mừng và Giáo Hội trở thành những người đóng vai chính trong đào tạo văn hóa.” “Sự bảo vệ của Giáo Hội về một lý luận luân lý dựa trên luật tự nhiên được đặt nền tảng trên việc xác tín rằng, luật này không phải là mối nguy hại về tự do của chúng ta, nhưng đúng hơn nó là một “ngôn ngữ” làm cho chúng ta có thể hiểu chính mình và chân lý về sự hiện hữu của chúng ta, và để hình thành một thế giới công bằng và nhân văn hơn. Giáo Hội trình bày giáo huấn của mình như một thông điệp không mang tính ép buộc, nhưng mang tính tự do, và cũng là một thông điệp nền tảng để xây dựng một tương lai an toàn” (Ad Limina tháng Giêng, năm 2012).
Một đóng góp đặc biệt mà cuộc Tân Phúc Âm hóa mang lại cho văn hóa, đó là công nhận rằng văn hóa là luật tự nhiên mà tự do được thăng tiến khi con người có được nó.
Bản lề thứ hai – Huấn Giáo
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng giáo lý là một chiều kích cần thiết của cuộc Tân Phúc Âm hóa. Điều này là những vấn đề mà các giám mục Hoa Kỳ đã dành nhiều thời gian trong suốt 20 năm qua.
Người Công Giáo Hoa Kỳ có rất nhiều điều để cống hiến cho văn hóa Mỹ. Tuy vậy, nếu họ không hiểu về đức tin của mình, người Công Giáo luôn im lặng trước tội lỗi hoặc họ sẽ bóp méo những gì họ tin Giáo Hội dạy và đóng góp sai lệch cho xã hội. Lại còn tệ hơn, đối với những người Công Giáo trong chính trường, những người chối bỏ đức tin nơi công cộng, vì một hướng tiếp cận thế tục đối với văn hóa.
Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng nêu lên vấn đề với các Giám mục Châu Mỹ: “Ở đây, một lần nữa, chúng ta nhìn thấy sự cần thiết về một người giáo dân Công giáo tham gia, rõ ràng và có nền tảng tốt, có ý thức phê bình mạnh mẽ đối với văn hóa thống trị và và có can đảm chống lại chủ nghĩa thế tục giảm thiểu vốn sẽ ủy quyền cho Giáo hội tham gia vào các cuộc tranh luận công khai… Là những thành phần thiết yếu của việc Tân Phúc Âm hóa, những mối quan tâm này phải định hình tầm nhìn và mục tiêu của các chương trình giáo lý” (Ad Limina tháng Giêng, năm 2012).
Với cuộc Phúc Âm hóa về văn hóa, hội nhập văn hóa cùng với việc truyền đạt giáo lý là hai bản lề của cuộc Tân Phúc Âm hóa. Người Công Giáo là những người hiểu biết tường tận đức tin của họ và loan truyền đức tin này vào cuộc sống thường nhật.
Mục Tiêu Của Cuộc Tân Phúc Âm Hóa
Bốn nền tảng thần học và hai bản lề diễn tả những gì mà công cuộc Tân Phúc Âm hóa đạt được. Một người có thể xác định ba mục tiêu mà tóm gọn những gì cuộc Tân Phúc Âm hóa tìm kiếm để hoàn thành được. Trong phần hai, đoạn “Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và tương lai của cuộc Tân Phúc Âm hóa”, các Giám mục khẳng định rằng: “không có một mô thức đơn độc nào về cuộc Tân Phúc Âm hóa, hơn là việc nhìn nó như một kinh nghiệm riêng tư và sâu xa về Thiên Chúa.”
- Ơn Gọi Nên Thánh
- Thông phần vào Đời Sống của Giáo Hội
- Làm cho nước Chúa trị đến
Ba mục tiêu, mà bàn luận về những chủ đề sau, được toàn bộ đề cập đến trong phần IV của văn kiện Các Môn Đệ Được Gọi Làm Nhân Chứng:
Hoán Cải Đời Sống Giáo Xứ Kinh nghiệm thiêng liêng
Tình môn đệ Đời Sống Phụng Vụ
Đời Sống Kitô Hữu Gia Đình Kitô Hữu
Đầu tiên, ơn gọi nên thánh là một cuộc biến đổi hoàn toàn đối với Đức Kitô – cuộc Phúc Âm hóa không ngừng nghỉ. Người rao giảng luôn dấn thân vào cuộc Phúc Âm hóa của chính họ. Khi người Công Giáo hoàn toàn được đắm mình trong đời sống thiêng liêng, chúng ta sẽ trở thành những vị thánh nhờ bàn tay Chúa tạo dựng.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã công bố với các Giám Mục Hoa Kỳ rằng: “Cuộc Phúc Âm hóa, vì vậy, không đơn thuần là một nhiệm vụ được thực hiện ad extra; chúng ta mới là những người đầu tiên cần cuộc Tái Phúc Âm hóa. Vì với tất cả khủng hoảng thiêng liêng… chúng ta biết rằng câu trả lời cuối cùng có thể được sinh ra bởi việc lượng giá và cải hóa mang tính truy tầm, biện phân và liên lỉ trong ánh sáng chân lý của Đức Kitô. Chỉ bằng việc biến đổi nội tâm mà chúng ta mới có thể phân định và đáp ứng được nhu cầu thiêng liêng ở độ tuổi chúng ta với chân lý trường tồn của Tin Mừng” (Ad limina tháng 11, năm 2011).
Thứ nhì, kinh nghiệm về sự hiệp thông đích thực tiếp sức cho cảm thức truyền giáo của chúng ta. Không có Giáo Hội, chúng ta tạo ra một Giêsu riêng của chúng ta, giải thích Kinh thánh theo ý riêng, và trở nên mất liên kết với cây nho và đoàn chiên. Căn tính Kitô giáo của một kẻ tin được kết hợp mật thiết với Thân Thể Chúa Kitô.
Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI giải thích rằng: “Cuộc canh tân chứng nhân của Giáo Hội với Tin Mừng tại quốc gia của các chư huynh, thì liên hệ mật thiết với việc phục hồi tầm nhìn và cảm thức về sứ vụ bởi toàn thể cộng đồng Công Giáo. Cha biết rằng đây là mối bận tâm trong tâm khảm của các chư huynh, khi được suy ngẫm về về những nỗ lực để thúc bách đối thoại” (Ad Limina tháng 11, năm 2011).
Cuối cùng, làm cho Nước Chúa trị đến liên đến vai trò của Giáo Hội trong xã hội. Sự giải phóng mà tất cả con người đi tìm từ sự dữ, còn kinh nghiệm tự do thật sự và sự thăng tiến của một nền nhân bản chân thực là tất cả những kinh nghiệm về Nước Chúa. Điều này cần Giáo Hội trở nên một tiếng nói chủ động trong văn hóa. Có những cuộc cách mạng và ý thức hệ làm cho Giáo Hội hay đức tin của một ai đó trở nên câm lặng ở nơi công cộng. Vì thế, làm sao văn hóa có thể được Phúc Âm hóa? Rồi văn hóa sẽ thiếu chân lý tối hậu mà nó cần nhất.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã bày tỏ điều này với các Giám mục Hoa kỳ: “Khi một nền văn hóa cố gắng loại bỏ chiều kích mầu nhiệm nền tảng và đóng cánh cửa dẫn đến chân lý siêu việt, nền văn hóa này chắc hẳn trở nên suy tàn đi và trở thành con mồi đối với các nhà giản hóa luận và văn bản chuyên chế về ngôi vị con người và bản chất xã hội” (Ad limina, tháng Giêng, năm 2012).
Ba mục tiêu này làm sáng tỏ đóng góp thiết thực và hiển nhiên của cuộc Tân Phúc Âm hóa với văn hóa tại Mỹ cũng như các nơi khác và cá nhân người tín hữu.
Kết Luận
“Chúng tôi mong muốn một giáo dân biết về tôn giáo của họ, dấn thân vào đó, biết họ đang đứng ở đâu, biết những gì họ gìn giữ và những gì họ không gìn giữ, biết rõ được nguồn gốc của mình để giải thích về nó, biết nhiều lịch sử mà họ đang bảo vệ” (Hồng Y John Henry Newman). Khi cuộc Tân Phúc Âm hóa được thực hiện, người Công Giáo sẽ được cảm hứng để chia sẻ đức tin của họ.
Hy vọng qua chủ đề này, tôi chúc cho anh em tìm được thời gian để phân định bằng cách nào mà chúng ta trở thành người rao giảng Lời Chúa mới, một khi được truyền chức phó tế và linh mục. Làm thế nào anh em có thể trở thành người rao giảng Lời Chúa trong cộng đoàn tông đồ này? Kinh nghiệm của Giáo hội trong thời điểm hiện tại, ở đây tại chủng viện, là ơn gọi trước mắt của bạn: để phân định và để được đào tạo trong lòng Giáo hội.
Tháng truyền giáo 2021
Lm Phêrô Phạm Minh Triều CM và Thầy Toma Thiện-Phạm Minh Ngọc chuyển ngữ từ https://nds.edu/ (Notre Dame Seminary Graduate School Of Theology- Hoa kỳ)
Từ khóa » Tóm Tắt Tông Huấn Pastores Dabo Vobis
-
TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS VỀ VIỆC ĐÀO TẠO LINH ...
-
Từ Tông Huấn Pastores Dabo Vobis đến Linh đạo Tử đạo Cho đời ...
-
Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn ...
-
Linh Mục, Tôi Tớ Và Bạn Hữu Của Chúa Ky-tô - SimonHoaDalat
-
Tông Huấn - Xuân Bích Việt Nam
-
Nét Mới Mẻ Trong Việc đào Tạo Linh Mục Hôm Nay
-
Tông Huấn Về Việc đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay
-
Tông Huấn Sacramentum Caritatis: Phần I - TGP SÀI GÒN
-
Giới Thiệu Và Gợi ý Giúp đọc Những Văn Kiện Của Giáo Hội Về Linh Mục
-
Sự Thánh Thiện Của Linh Mục Qua đức ái Mục Tử
-
[PDF] ĐÀO TạO VÀ Tự ĐÀO TạO THIÊNG LIÊNG CủA CÁC LINH MụC ...
-
Linh Mục Và Sứ Vụ đào Tạo Linh Mục Tương Lai
-
Suy Tư: Linh Mục, Tôi Tớ Và Bạn Hữu Của Chúa Kitô | Giáo Phận Hà Tĩnh
-
LINH ĐẠO GIÁO PHẬN CỦA LINH MỤC HAY... - KIẾN THỨC CÔNG ...