Tân Tổng Giám đốc điều Hành PVN Lê Mạnh Hùng Là Người Thế Nào?

Ai sẽ là Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam?

Quyết định bổ nhiệm ông Lê Mạnh Hùng - Thành viên HĐTV và Tổng giám đốc điều hành PVN được thực hiện trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ; và đồng ý của Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

Lý lịch trích ngang

1/ Ngày sinh: 24/10/1973.

2/ Quê quán: Hiệp Cường, Kim Động, Hưng Yên.

3/ Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ công nghệ, tiến sỹ hóa dầu.

4/ Lý luận chính trị: cao cấp.

5/ Quản trị doanh nghiệp: cao cấp.

6/ Kỹ năng thuyết trình, đàm phán và thương lượng: xuất sắc.

7/ Ngoại ngữ: giỏi.

8/ Kinh nghiệm chuyên môn: 6 năm.

9/ Kinh nghiệm quản lý: 12 năm (1).

10/ Phẩm chất lãnh đạo: xuất sắc.

11/ Sức khỏe: tốt, chịu được áp lực công việc.

12/ Tình trạng hôn nhân: đã có gia đình.

13/ Sinh hoạt cá nhân: chỉnh chu.

14/ Quan hệ với lãnh đạo PVN và đồng nghiệp: thẳng thắn, đoàn kết, chân thành.

15/ Sở thích: đọc sách.

16/ Những phẩm chất cá nhân nổi bật: Ông Lê Mạnh Hùngđược đánh giá là lãnh đạo có tầm nhìn, viễn kiến cấp chiến lược và bản lĩnh, giám chịu trách nhiệm của người đứng đầu (từ khả năng tổng hợp, cập nhật tình hình, đến đánh giá và ra quyết định).

Còn nhớ khi làm Trưởng ban Khí - Điện - Đạm Cà Mau, ông đã rất quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng với lãnh đạo địa phương cho giải quyết rốt ráo phương án đền bù thỏa đáng cho người dân, xử lý các nhà thầu xây lắp làm dối, thiết bị, công nghệ kém chất lượng, đưa cụm dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ. Khi ông đến cũng như khi đi, lãnh đạo tỉnh Cà Mau rất quý mến.

Cuối năm 2018, khi đang phụ trách dự án Xơ sợi Đình Vũ, ông cũng đã xử lý rất nhanh các vướng mắc về kỹ thuật, cũng như tài chính để nhà máy đi vào hoạt động ổn định, làm lợi cho PVN hàng ngàn tỷ đồng.

Từ cuối năm 2013 đến nay, ông Hùng phụ trách các nhóm lĩnh vực, gồm: công nghiệp lọc hoá dầu, hóa chất, nhiên liệu sinh học; công nghiệp khí gồm các dự án điện khí (ngoài dự án ông Nguyễn Quốc Thập - Phó TGĐ PVN phụ trách), khoa học công nghệ, định mức kinh tế - kỹ thuật, QHSE toàn ngành; phụ trách các ban khí và chế biến dầu khí, ban CN-AT&MT; các đơn vị gồm: Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, Ban QLDA Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa Phẩm Dầu khí (DMC), Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Trung tâm Ứng phó Sự cố Tràn dầu khu vực miền Nam (NASOS).

Về công nghiệp lọc hóa dầu, với rất nhiều biến động về nhập nguyên liệu dầu thô và phụ gia đầu vào, ông đã chỉ đạo xử lý rất linh hoạt để đón đầu thị trường. Ở đó, không đơn thuần chỉ là quản lý, xúc tiến các hợp đồng mua nguyên liệu, lưu kho, vận chuyển, ông Hùng còn cho cân đối, đón đầu, kiểm soát giá nguyên liệu và rủi ro để tối đa hóa lợi nhuận cho BSR (dù giá dầu luôn chịu biến động thị trường).

Đối với liên doanh Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất của cả doanh nghiệp này và NSRP chiếm hơn 90% nhu cầu nhiên liệu trong nước, với việc PVN bao tiêu phân phối sản phẩm ra thị trường nhưng chưa được Chính phủ bảo hộ các dòng sản phẩm nội địa, các sản phẩm đầu ra vẫn luôn thẩm thấu thị trường trong bối cảnh các nhà nhập khẩu xăng dầu lớn như: Petrolimex và SaigonPetro có thể lựa chọn sản phẩm nhập 0% thuế từ ASEAN.

Đối với lĩnh vực khí, chế biến khí, những năm qua luôn hoạt động ổn định và gia tăng chuỗi cung ứng, khép kín về nhà máy xử lý khí kết hợp hệ thống vận chuyển, tàng trữ, cảng xuất nhập, đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu dùng là các khu công nghiệp và các nhà máy điện. Trong bối cảnh sản lượng khí sẽ sụt giảm từ các mỏ khu vực miền Đông Nam Bộ, các phương án xây dựng kho cảng LNG cũng đã triển khai rất chủ động nhằm thỏa dụng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, với các nhà máy đạm và hóa chất, là cân đối nguồn cung - cầu theo nhu cầu thực tế hàng năm của thị trường nội địa, cũng như xuất khẩu sản phẩm trong bối cảnh thị trường chung ASEAN có mức áp thuế 0%.

Đặc biệt, gần đây, sau 3 năm tạm ngưng thì nhà máy nhiên liệu sinh học Đình Vũ (PVTex) đã hoạt động trở lại và khởi sắc. Đây là một trong những dự án do vấn đề "lịch sử để lại" và qua kinh nghiệm này, sẽ là cơ sở để ông Hùng cùng ban lãnh đạo PVN tiếp tục giải cứu các nhà máy khác như: Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước.

Các lĩnh vực, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ thăm dò khai thác, hay công nghiệp dầu khí và năng lượng nói chung, thông qua VPI cũng đã, đang triển khai rất tốt. Việc xây dựng các đề án về nâng cao hệ số thu hồi dầu, hay giải cứu PVTex là những ví dụ điển hình.

Được biết, ngoài quá trình gắn bó với PVN, ông có 2 năm "biệt phái" ở Vụ Dầu khí (thuộc Văn phòng Chính phủ) chuyên trách mảng dầu khí (2006/2007). Ở ông, luôn toát ra sự nhiệt thành, luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết, hòa mình vào tập thể để lan tỏa và tạo động lực.

Ngoài ra, từ những kinh nghiệm thực tế trải rộng trên các lĩnh vực ngành, từ PVN lên Chính phủ đến các địa phương, có lẽ chính là những phẩm chất nổi bật mà lãnh đạo PVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, cũng như Ban cán sự Chính phủ đánh giá cao cho vị trí CEO PVN hôm nay.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch HĐTV PVN tặng hoa chúc mừng ông Lê Mạnh Hùng - Tân Tổng giám đốc điều hành PVN.

Thách thức và kỳ vọng

Về mặt quản trị điều hành, tất nhiên sẽ còn rất nhiều thách thức đang chờ ông Hùng ở trọng trách CEO:

Thứ nhất: Về cơ cấu nhân sự cao cấp và đề án tái cơ cấu. Hiện tại, sau 4 lần điều chỉnh phạm vi từ PVEP/PVN và Cục đổi mới Doanh nghiệp (Bộ Công Thương) đang chỉ mới đi được một nửa chặng đường.

Thứ hai: Về các vụ việc liên quan đến các sai phạm do các nhiệm kỳ trước để lại cần xử lý dứt điểm và nhanh chóng. Mặt khác, việc chậm trễ trong các vụ việc liên đến các dự án âm vốn chủ sở hữu và dự án đầu tư ở nước ngoài đang làm trì trệ tiến trình tái cơ cấu. Ngoài ra, các dự án, đề án phát triển đang đình trệ, chờ phê duyệt.

Thứ ba: Về các ban chuyên môn PVN, sau khi tinh gọn, thu nhập của họ so với chức năng nhiệm vụ và/hoặc khối lượng công việc được giao chưa tương xứng.

Thứ tư: Về các dự án trọng điểm, cụ thể là Cá Voi Xanh và Lô B. Với các dự án này, PVN đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, san lấp, thu xếp tài chính. Riêng Lô B, có nguy cơ sẽ chậm tiến độ.

Như hiện tại, ngoài Cá Voi Xanh, PVN còn gặp khó khăn về tài chính cho các dự án khác như: Thái Bình 2, Cá Rồng Đỏ, Long Phú 1.

Nhưng như một dấu hiệu đáng mừng, ngay trước ngày bổ nhiệm ông Hùng làm Tổng giám đốc điều hành PVN, có liền hai sự kiện lớn liên quan đến PVN: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Bank of Korea) đồng ý mở khoản tín dụng trị giá 2 tỷ USD cho PVN; Ngày 24/6 ký kết hợp đồng EPC để xây dựng kho cảng LNG Thị Vải; và hợp đồng khung cung cấp, tiêu thụ khí LNG giữa PVGAS và PVPower.

Về tổng quan, việc chọn ông Hùng, có thể hiểu mục tiêu dài hạn của PVN là hướng đến mô hình Tập đoàn kinh tế đặc thù, chuyên biệt, chú trọng vào đầu tư, quản trị tài chính và không can thiệp sâu vào hoạt động điều hành ở các thành viên, hay các công ty điều hành chung (JOCs) nơi đã có Luật Dầu khí, các PSC, các ủy ban quản lý (MC), điều hành (OC) hay kỹ thuật (TC), giám sát.

Như vậy có nghĩa là PVN đang cần một CEO có bản lĩnh và kinh nghiệm về quản trị, điều hành để hướng đến mô hình chuyên nghiệp tương tự các tập đoàn dầu khí lớn ở khu vực như: Petronas (Malaysia), hay PTTEP (Thái Lan). Về mặt này, ông Hùng lại có thêm thời gian đầu tư vào việc quản trị điều hành và thu xếp vốn cho các dự án lớn như vừa nêu ở trên.

Theo chúng tôi, với tầm nhìn, viễn kiến, kinh nghiệm điều hành, ông Hùng xứng đáng được kỳ vọng sẽ là hạt nhân tập hợp sự đoàn kết trong ban lãnh đạo Tập đoàn để hướng tới chu kỳ phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam.

NGUYỄN LÊ MINH

Chú thích:

(1) Gồm 2 năm ở Văn phòng Chính phủ, 2 năm là Trưởng ban dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, 3 năm làm TGĐ Nhà máy Đạm Cà Mau; 5 năm là Phó TGĐ PVN.

Từ khóa » Tiêu Sự Lê Mạnh Hùng Pvn