Tăng Cường Bảo Tồn Các Loài Cây Thuốc Quý, Hiếm Tại Vườn Quốc Gia ...

Tăng cường bảo tồn các loài cây thuốc quý, hiếm tại Vườn quốc gia Tam Đảo

04/05/2018

 

     Vuờn quốc gia (VQG) Tam Đảo rất phong phú các loài cây thuốc quý, hiếm như ba kích, sâm cau, hoàng tinh hoa trắng, na rừng, hoàng đằng, khổ sâm, gối hạc, hoài sơn, thiên niên kiện, râu hùm hoa tí… Tuy nhiên, hiện nguồn gen cây thuốc bản địa đang có nguy cơ bị thoái hóa do người dân khai thác tận diệt. Để bảo tồn nguồn gen cây thuốc, trong những  năm gần đây, VQG Tam Đảo đã triển khai xây dựng mô hình thực nghiệm trồng cây thuốc, đồng thời, Vườn còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu và triển khai các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây thuốc bản địa, quý, hiếm.

     Nguy cơ suy giảm nguồn tài nguyên cây thuốc

     Với các đặc điểm về địa hình, độ cao, khí hậu, thủy văn đã tạo nên sự đa dạng của hệ thực vật trong vùng đệm của VQG Tam Đảo. Trong đó, nguồn tài nguyên cây thuốc chiếm một vị trí quan trọng về thành phần loài, giá trị kinh tế cũng như giá trị văn hóa nơi đây. Tuy nhiên, do khai thác không chú ý đến tái sinh trong nhiều năm qua, cùng với các nguyên nhân khác, nguồn cây thuốc mọc tự nhiên ở VQG Tam Đảo đã bị giảm sút nghiêm trọng.Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Trung tâm Dữ liệu Thực vật Việt Nam, VQG gia Tam Đảo có 896 loài cây thuốc, thuộc 607 chi, 177 họ. Các  thành phần loài cây thuốc ở Vườn đa dạng về bậc ngành, được phân bố thuộc 5 ngành thực vật là Thông đất, Tháp bút, Dương xỉ, Hạt trần và Ngọc Lan. Số loài cây thuốc phân bố ở các ngành không đồng đều nhau, chủ yếu tập trung ở ngành Ngọc Lan với 177 họ (chiếm 92,67%), 607 chi (chiếm 95,55%), 869 loài (chiếm 97,00%), các ngành còn lại chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Do ngành Ngọc Lan có số loài thực vật chiếm đa số trong khu vực nghiên cứu, nên chiếm tỷ lệ lớn các cây được dùng làm thuốc. Trong các họ thực vật bậc cao có mạch được sử dụng làm thuốc, có 10 họ giàu loài như họ cúc có số lượng loài được sử dụng làm thuốc lớn nhất, với 63 loài, chiếm 7,25%. Tuy nhiên, tổng số loài của 10 họ trên chỉ chiếm 36,95% số loài trong nguồn tài nguyên cây thuốc của VQG. Ngoài ra, trong số các loài cây thuốc của VQG, đã có 817 loài  được lập phổ dạng sống theo nhóm, với tỷ lệ và cấu trúc khác nhau như: Nhóm cây chồi trên đất (Ph) có 689 loài, chiếm 84,33% về phổ dạng sống; nhóm cây chồi nửa ẩn (H) có 19 loài, chiếm 2,33%; nhóm cây chồi ẩn (Cr) có 76 loài, chiếm 9,30% và nhóm cây chồi một năm (Th) có 33 loài, chiếm 4,04% phổ dạng sống…

     Qua việc điều tra và đánh giá trữ lượng nguồn tài nguyên của VQG cho thấy, các loài cây thuốc được phân bố ở tất cả các sinh cảnh điển hình của vùng núi Tam Đảo, trong đó số lượng loài thường gặp ở các sinh cảnh không đồng đều nhau. Cụ thể, các loài cây thuốc sống trong rừng trồng, tái sinh chiếm số lượng lớn nhất, tới 529 loài (59,04%). Nhiều loài cây thuốc quý như hoài sâm, ba kích, hoàng đằng, chân chim, cốt toái bổ, sa nhân quả to, chân chim núi, kim ngân, hà thủ ô, thiên niên kiện… trước đây, có rất nhiều ở rừng tự nhiên nơi đây, thì nay rất hiếm khi gặp và có loài gần như không còn.

     Triển khai những mô hình trồng cây thuốc quý

     Nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc, từ năm 2013, VQG Tam Đảo đã triển khai Đề tài Nghiên cứu, xác định mối đe dọa, xây dựng mô hình thực nghiệm và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây thuốc quý, hiếm tại VQG. Mục tiêu của Đề tài nhằm xây dựng mô hình trồng bảo tồn và phát triển một số loài cây thuốc quý hiếm, góp phần bảo tồn tri thức bản địa, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh tại địa phương; xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống, mô hình trồng các loài cây thuốc quý hiếm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình tại huyện Tam Đảo. Kết quả thực hiện sau 2 năm nghiên cứu, Vườn đã nghiên cứu và trồng sưu tập thành công 3 ha cây thuốc quý với tổng số 10 loài, bao gồm: ba kích, sâm cau, hoàng tinh hoa trắng, na rừng, hoàng đằng, khổ sâm, gối hạc, hoài sơn, thiên niên kiện, râu hùm hoa tía. Đồng thời, xây dựng được 5 mô hình thực nghiệm trồng cây ba kích, sâm cau, hoài sơn và thiên niên kiện tại xã Đạo Trù và Đại Đình (Tam Đảo).

     Ngoài ra, xác định điều kiện đất đai, khí hậu, thời tiết các địa phương thuộc vùng đệm VQG Tam Đảo hoàn toàn phù hợp để cây dược liệu nói chung và cây ba kích nói riêng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt. Vì vậy, năm 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện Đề tài “Mở rộng, phát triển cây dược liệu ba kích trên địa bàn huyện Tam Đảo” tiến tới xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu, xây dựng thương hiệu vùng miền cho sản phẩm trên. Thôn Suối Đùm, xã Đại Đình là nơi triển khai thực hiện trồng 3 ha giống cây ba kích tím vì điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương hoàn toàn phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây. Qua theo dõi, tỷ lệ sống của cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đề tài đã giúp người dân áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, cải tạo vườn đồi, rừng để trồng cây thuốc quý hiếm, cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất dược liệu, phục vụ công nghiệp chế biến của địa phương, từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

     Bên cạnh việc nghiên cứu trồng sưu tập các loài cây thuốc quý, trong thời gian tới,VQG Tam Đảo tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ, góp phần lưu giữ tri thức bản địa các loài cây thuốc quý, hiếm. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc, giữ gìn hiệu quả các nguồn gen quý hiếm tại VQG, cần sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, các cấp chính quyền và cộng đồng địa phương, trong đó cần phải xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu trong vùng đệm; tăng cường nguồn tài chính cho công tác bảo tồn và phát triển; phát triển các vườn ươm cây thuốc tại các địa phương...  Đồng thời, xây dựng quy chế quy định các biện pháp quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn vùng đệm của VQG…

Người dân chăm sóc cây thuốc ba kích tại xã Đạo Trù (Tam Đảo)

Trần Thu Trang

Học Viện Nông nghiệp Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

 

 

Từ khóa » Cây Thuốc Quý Hiếm