Tăng Cường Quốc Phòng, An Ninh, Tư Pháp, Mở Rộng đối Ngoại

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, công tác quốc phòng, an ninh, tư pháp, đối ngoại của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh được nâng cao; chủ động nắm chắc tình hình, dự báo xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động bất ngờ. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn. Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được chú trọng. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Công tác quản lý thị trường, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đạt hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện đúng quy định. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu...

2

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn xác định nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quốc phòng, an ninh, tư pháp, đối ngoại là: Tăng cường quốc phòng, an ninh, tư pháp, mở rộng đối ngoại; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trong các lĩnh vực công tác, Đảng bộ đều đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Một là: Tập trung quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhất là các nghị quyết, chỉ thị về quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, trọng tâm là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ; trọng tâm là đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu, chốt chiến đấu dân quân các xã biên giới; quan tâm bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ các cấp. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp triển khai xây dựng đường tuần tra biên giới và xây dựng Khu kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn; chủ động chuẩn bị tốt kế hoạch động viên nền kinh tế quốc dân khi có tình huống xảy ra. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự; hoàn thành nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh cho các đối tượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng khu vực biên giới.

Hai là: Thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Tiếp tục quán triệt, thực hiện các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chăm lo xây dựng lực lượng Công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, làm nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao năng lực ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp ngay tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự; bảo vệ an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; thường xuyên mở các đợt tấn công trấn áp, kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để hình thành tội phạm có tổ chức hoạt động kiểu “xã hội đen” và các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, phòng cháy, chữa cháy, hạn chế các vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ xảy ra.

Ba là: Chú trọng công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong nội địa và trên tuyến biên giới. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý tốt thị trường, quan hệ cung cầu, giá cả hàng hóa và các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi trong hoạt động của doanh nghiệp, các tổ chức, tập thể và cá nhân. Đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khâu sản xuất đến lưu thông trên thị trường. Kiểm soát chặt chẽ, triển khai có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Bốn là: Đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tổ chức hệ thống các cơ quan tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp theo hướng hợp lý, khoa học, hiện đại, hiệu quả; xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của công luận và của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ cho hoạt động tư pháp.

Năm là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các lĩnh vực về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm toán, quyết định xử lý sau thanh tra. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; quan tâm giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người, không để hình thành "điểm nóng", mất an ninh trật tự. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, biên giới.

Sáu là: Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Tiếp tục thúc đẩy và mở rộng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc; các địa phương của các nước có quan hệ truyền thống; các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp và các tổ chức quốc tế. Triển khai các giải pháp đột phá về hội nhập quốc tế nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Vương Hòa

Từ khóa » Giải Pháp Tăng Cường Quốc Phòng An Ninh ở địa Phương