Tăng Cường Vai Trò Của Các Tổ Chức Xã Hội Trong Các Hoạt động Bảo ...
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong các hoạt động bảo vệ môi trường
06/09/2021
Hiện nay, tầm ảnh hưởng của các tổ chức xã hội (TCXH) ở các quốc gia được lan rộng, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động về BVMT và phát triển môi trường bền vững. Các TCXH không chỉ góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy trách nhiệm BVMT cho cộng đồng, mà còn giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường. Vì vậy, việc tăng cường vai trò của các TCXH trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội và BVMT.
Khái niệm về các TCXH
TCXH bao gồm các loại tổ chức đa dạng và khác nhau như tổ chức phi chính phủ (NGOs); tổ chức từ cộng đồng (hội người lao động, hội phụ nữ), tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs), tổ chức dân tộc thiểu số (IPOs), nhóm liên kết xã hội, nhóm tôn giáo và các trung tâm nghiên cứu (Cordery & Sim, 2018; DeMattee, 2019; Singer & Watanabe, 2014; UNDP, 2006). TCXH là khu vực thứ ba tồn tại và phát triển song song với khu vực Nhà nước và tư nhân (UNDP, 2010; USAID Jordan, 2016).
Theo định nghĩa của UNDP, các TCXH hoạt động với mục đích phi lợi nhuận và phi chính trị (UNDP, 2010). Về mặt lý thuyết, các hình thức thể chế của tổ chức này khác với các hình thức thể chế của nhà nước hay khu vực tư nhân. Mặc dù trên thực tế, phạm vi hoạt động giữa khu vực nhà nước, tư nhân và TCXH có sự chồng chéo lẫn nhau. Bên cạnh đó, TCXH có phạm vi hoạt động đa dạng, các thể chế hoạt động thường đa dạng các hình thức, không gian phụ thuộc vào quyền tự chủ và mức độ uy tín của các TCXH. Các TCXH ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập và thực hiện các chương trình phát triển bền vững quy mô toàn cầu.
Theo trang chủ của IISD (Trung tâm kiến thức SDG), hiện các TCXH đang hoạt động tại Việt Nam có khoảng 500 tổ chức ở cấp quốc gia; 4.000 tổ chức ở cấp tỉnh; 10.000 đoàn thể cấp huyện, xã; 1.800 tổ chức phi chính phủ bao gồm các tổ chức khoa học, môi trường, chăm sóc sức khỏe và giáo dục ngoài nhà nước; 150 hiệp hội nghề nghiệp; Hơn 900 tổ chức phi chính phủ và INGO quốc tế. Ngoài ra hơn 140.000 tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đang làm việc.
Các TCXH có vai trò kết hợp cùng với chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và các vấn đề chính trị trong xã hội. Đặc biệt tại các khu vực có điều kiện khó khăn – khu vực hạn chế nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, được các TCXH quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ, các kĩ năng và nâng cao nhận thức nhằm cải thiện được chất lượng cuộc sống nhưng vẫn đảm bảo bảo vệ được nét văn hóa và môi trường.
Tại Điều 158 Luật BVMT năm 2020 đã nhấn mạnh đến trách nhiệm và quyền hạn của các TCXH. Theo đó, các TCXH có trách nhiệm tuân thủ pháp luật về BVMT; Tham gia các hoạt động BVMT. Bên cạnh đó, các TCXH có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về BVMT theo quy định của pháp luật; Tham vấn đối với dự án đầu tư có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Tư vấn, phản biện về BVMT với cơ quan quản lý nhà nước và chủ dự án đầu tư, cơ sở có liên quan theo quy định của pháp luật; Tham gia hoạt động kiểm tra về BVMT tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Chương trình trồng 10.000 cây bần để giữ đất, giữ bờ cho khoảng 4ha khu vực cửa biển Định An - Sóc Trăng
Vai trò của các TCXH trong hoạt động BVMT
Ngày nay, các TCXH ngày càng phát triển và trở nên phổ biến, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn, môi trường, phát triển bền vững. Các TCXH đóng vai trò quan trọng trong giám sát, BVMT, là cầu nối giữa đông đảo quần chúng nhân dân với chính quyền trong BVMT sống. Vai trò của các tổ chức này được đánh giá trên một số khía cạnh:
Phát hiện và tố giác vi phạm pháp luật về môi trường. Vai trò của các TCXH trong phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật về môi trường được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia. Với tư cách là những cộng đồng tự quản ở địa phương mà thành viên của họ đều là quần chúng, các TCXH đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tố giác những vi phạm về BVMT mà các tổ chức sản xuất, kinh doanh gây ra. Thời gian qua, các TCXH đã và đang làm tốt vai trò này. Điển hình như vụ cộng đồng ở địa phương phát hiện, tố giác 2 Công ty Tung Kuang và Vedan có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Phản biện xã hội về chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường. Luật BVMT đã quy định mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền được đối thoại với chính quyền các cấp về vấn đề BVMT. Trong những năm qua, nhiều dự án liên quan đến xây sân golf, biệt thự cao cấp, nhà cao ốc ở công viên ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã phải dừng lại vì sự tham gia phản biện mạnh mẽ của các TCXH và cộng đồng. Các TCXH như Viện Môi trường và Phát triển bền vững, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)... được xem là những TCXH đi đầu trong vai trò phản biện chính sách.
Vận động và tư vấn chính sách về môi trường. Các tổ chức, cá nhân đều được khuyến khích thúc đẩy phát triển dịch vụ BVMT với chức năng bao gồm tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường. Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng của cơ chế dân chủ trong BVMT, các TCXH không chỉ phản ánh đơn thuần về những vi phạm pháp luật BVMT mà còn đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho việc xử lý và giải quyết các vấn đề đó. Thông qua các TCXH, người dân có thể bày tỏ ý kiến của mình vào việc đưa ra những chính sách và chương trình, kế hoạch về BVMT ở địa phương và cấp quốc gia. Nghiên cứu hoạt động của các TCXH như CODE, PanNature cho thấy vai trò và hiệu quả của TCXH trong việc vận động và tư vấn chính sách liên quan đến BVMT ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, các TCXH Việt Nam ngày càng tham gia chủ động hơn trong phản biện và vận động chính sách liên quan tới môi trường. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên môi trường đều có ý kiến đóng góp, phản biện của các TCXH, đặc biệt là các văn bản quan trọng như: Luật BVMT, Luật Khoáng sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học… cùng các Nghị định, Thông tư và văn bản dưới luật khác.
Thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc BVMT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các TCXH hoạt động trong lĩnh vực BVMT. Luật BVMT quy định về trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ dự án, theo đó cần phải niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp BVMT để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát. Như vậy ở đây vai trò của cộng đồng, dân cư trong việc kiểm tra, giám sát là hết sức quan trọng và là yêu cầu bắt buộc ngay từ khâu thẩm định dự án có tác động đến môi trường, chứ không chỉ là trong quá trình thực hiện hay kết thúc dự án. Các TCXH với tư cách là tổ chức tự nguyện của quần chúng phải thu hút sự tham gia mạnh mẽ và sâu rộng của cộng đồng dân cư, các chủ thể có liên quan vào BVMT.
Giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về BVMT. Các TCXH có vai trò quan trọng trong việc tham gia giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về BVMT. Luật BVMT tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động BVMT nói chung và hoạt động giáo dục, phổ biến và tuyên truyền về BVMT nói riêng. Luật này cũng quy định, Nhà nước cần phải ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho việc BVMT; đồng thời khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực BVMT. Giáo dục chính thức trong hệ thống công lập do Nhà nước thực hiện là hết sức quan trọng và tất yếu. Tuy nhiên, việc phổ biến, tuyên truyền và giáo dục lâu dài và phổ thông cho mọi tầng lớp xã hội nói chung và các tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nói riêng không thể thiếu vai trò của các TCXH. Vấn đề này đã được ghi cụ thể trong điều lệ hoạt động của các TCXH như Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên của Việt Nam (EVN)...
Trên thực tế, trong lĩnh vực BVMT, phát triển bền vững, các TCXH có nhiều hoạt động nổi bật về truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm hình thành ý thức tự giác chấp hành luật pháp về BVMT, tích cực tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Song song với đó, các tổ chức cũng xây dựng nhiều mô hình trình diễn và nhân rộng tại nhiều địa phương, đơn cử như mô hình về đồng quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn cây di sản, cộng đồng sử dụng năng lượng tái tạo, biến rác thành tiền…
Phát huy vai trò của các TCXH trong BVMT
Nhìn chung những năm gần đây, rất nhiều TCXH đã được hình thành và hoạt động trên lĩnh vực BVMT ở Việt Nam, góp phần đáng kể cùng Nhà nước trong BVMT. Các TCXH có vai trò quan trọng trong việc giám sát và BVMT thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, truyền thông và giáo dục nâng cao nhận thức. Các TCXH còn là cầu nối cho sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân vào giám sát và BVMT. Vì vậy, cần hết sức đề cao vai trò của các TCXH và cộng đồng trong BVMT ở Việt Nam.
Tuy nhiên, do chưa có một khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và một cơ chế thực thi hiệu quả nên sự tham gia của các TCXH và vai trò của họ trong công tác BVMT còn nhiều hạn chế. Hiện nay, cơ chế tham gia của TCXH chủ yếu là cơ chế gián tiếp, tức thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tham gia của các TCXH vào các hoạt động giám sát BVMT vẫn ở mức độ khiêm tốn và chưa thực sự mang tầm ảnh hưởng rộng lớn. Sự liên kết và mối quan hệ tương tác giữa các TCXH trong cùng lĩnh vực BVMT còn rời rạc, thiếu hệ thống và thiếu cơ chế điều phối, hợp tác…
Để phát huy toàn diện vai trò của các TCXH và mọi công dân trong BVMT cần triển khai thực hiện hiện một số biện pháp như:
Rà soát lại tổng thể các văn bản pháp luật về BVMT nói chung, pháp luật về sự tham gia của các TCXH trong BVMT nói riêng nhằm đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống, chính sách pháp luật trong công tác quản lý và BVMT, cơ chế huy động các nguồn lực xã hội trong BVMT; từ đó đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ của TCXH trong BVMT. Quyền của các cá nhân và TCXH trong BVMT là quyền tiếp cận thông tin về môi trường; quyền tiếp cận luật, các văn bản dưới luật, các cơ chế, chính sách do Nhà nước, Trung ương và địa phương ban hành; quyền tiếp cận các nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, công nghệ. Các cá nhân và TCXH có trách nhiệm: tự nguyện, tự giác, xung phong, tình nguyện tham gia vào các hoạt động truyền thông, vận động xã hội, phong trào BVMT.
Nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm về BVMT cho cộng đồng và toàn xã hội. Đặc biệt, cần khuyến khích các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động theo dõi, phát hiện, tố giác sai phạm về pháp luật BVMT, cũng như quá trình thực thi, giám sát chính sách và thực hành quyền môi trường.
Tăng cường sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sự phối hợp trong nội bộ các tổ chức xã hội; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong hoạt động tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia BVMT, giám sát thực thi pháp luật.
Nguyễn Đăng Long
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2021)
Từ khóa » Tổ Chức Về Môi Trường
-
9 Tổ Chức Vì Môi Trường Bạn Nên Tham Gia Ngay | Vietcetera
-
Nếp Bảo Vệ Môi Trường: 9 Tổ Chức Vì Môi Trường Bạn Nên Tham Gia ...
-
10 Tổ Chức Bảo Vệ Môi Trường Trên Trái đất - Thpanorama
-
Tổ Chức Của GEF Việt Nam | Quỹ Môi Trường Toàn Cầu Việt Nam
-
Các Tổ Chức Bảo Vệ Môi Trường Và Tài Nguyên Thiên Nhiên
-
6 Tổ Chức Vì Môi Trường Bạn Nên Tham Gia Ngay
-
CHANGE - Trung Tâm Hành động & Liên Kết Vì Môi Trường Và Phát Triển
-
Về Chúng Tôi | WWF
-
Các Tổ Chức Phi Chính Phủ đóng Vai Trò Quan Trọng Trong Bảo Vệ Môi ...
-
Chương Trình Môi Trường Liên Hợp Quốc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tổ Chức Các Hoạt động ý Nghĩa, Thiết Thực, Hiệu Quả Hưởng ứng ...
-
Bộ TN&MT đề Nghị Các đơn Vị Tổ Chức Hưởng ứng Ngày Môi Trường ...
-
Nhiều Hoạt động Thiết Thực Hưởng ứng Ngày Môi Trường Thế Giới 2022