Tăng Gia Trên đảo Núi Le - Báo Hải Quân Việt Nam

Chúng tôi trở lại đảo Núi Le vào dịp gần Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua. Đảo Núi Le hôm nay đã chính quy, sạch, đẹp hơn. Khu ăn, ở, sinh hoạt, học tập của bộ đội được bố trí, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Vườn tăng gia và khu chăn nuôi trên đảo được cán bộ, chiến sĩ củng cố, tu bổ, phù hợp với quy hoạch chung, thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi, trồng.

Đại úy Trần Hoài Giang, Chính trị viên đảo Núi Le đưa chúng tôi đi tham quan các khu tăng gia rau xanh, chăn nuôi của đảo. Chỉ tay về phía các khay trồng rau với đầy đủ các loại rau như muống, mồng tơi, cải xanh, bầu đất… đang xanh mơn mởn, đã đến kỳ thu hoạch, anh Giang chia sẻ: Trong điều kiện vật tư phục vụ tăng gia trên đảo còn thiếu, thời tiết, khí hậu lại không thuận lợi, chúng tôi đã phát huy trí tuệ tập thể, kinh nghiệm tăng gia của các đồng chí đã thực hiện nhiệm vụ trên các đảo, luôn phấn đấu đảm bảo rau xanh, thực phẩm tươi đưa vào bữa ăn hàng ngày phục vụ bộ đội.

Đoàn viên, thanh niên đảo Núi Le củng cố vườn tăng gia

Cũng như các đảo chìm khác, rau xanh ở đảo Núi Le được trồng trên những khay, chậu bằng Composite chuyển ra từ đất liền. Do nguồn nước ngọt rất khan hiếm nên những người lính đảo Núi Le phải tiết kiệm bằng cách sử dụng lại nước tắm, giặt để tưới rau, tưới cây.

Vườn rau được che chắn cẩn thận, trên trần phủ lưới ngăn hơi mặn và gió tạt. Thời tiết không thuận lợi nên chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể làm mất đi bao công sức của cán bộ, chiến sĩ. Trong cơn bão số 9 năm 2020, một góc của khu tăng gia bị gió thổi bung tấm tôn quây, vườn rau bị ảnh hưởng nặng nề, các khay, chậu ngấm nước biển, rau chết hàng loạt. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ phải phân loại đất, rửa mặn, khôi phục lại, màu xanh trên đảo mới dần trở lại từng ngày.

Khó khăn, khắc nghiệt là thế nhưng nhờ biết nắm bắt thời tiết và lựa chọn giống rau thích hợp, kết hợp xen canh, gối vụ nên vườn rau của đảo Núi Le vẫn xanh tốt quanh năm, đáp ứng nguồn rau xanh thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Chiến, Nhân viên máy xuồng đảo Núi Le là người đã từng công tác tại nhiều đảo trên huyện đảo Trường Sa, anh có nhiều kinh nghiệm trong công tác tăng gia. Hằng ngày, anh Chiến vẫn hướng dẫn đồng đội trên đảo cách chăm sóc rau, nuôi các loại gia cầm sao cho phù hợp với điều kiện trên đảo. Anh cho biết: Tăng gia sản xuất trên đảo rất khó khăn. Muốn đạt hiệu quả thì từng người phải nêu cao ý thức tự giác lao động để tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của chính mình và đồng đội. Ai cũng phải thực hiện nếp sống tiết kiệm, tôn trọng công sức lao động tập thể, có trách nhiệm bảo vệ tài sản chung.

Chăm sóc đàn gia cầm trên đảo Núi Le

Việc thuần hóa và tạo ra những vật nuôi thích ứng với môi trường nước mặn được bộ đội đảo Núi Le kỳ công thực hiện. Rút kinh nghiệm từ các đảo đã thực hiện thành công trước đó, đảo Núi Le cũng tổ chức nuôi dưỡng từ nhỏ các loại gia cầm, gia súc để chúng làm quen dần với điều kiện sống khắc nghiệt ở đảo. Kiên trì thuần dưỡng, thả gối nhiều lứa liên tục, đến nay đơn vị duy trì đàn gia cầm gần 100 con cùng với 2-3 con lợn, tạo nguồn cung cấp trứng, thịt tươi tại chỗ.

Sau những giờ học tập, công tác, Binh nhất Bùi Văn Quân, Chiến sĩ đảo Núi Le lại dành thời gian để tưới và chăm sóc rau xanh. Khi mới ra đảo thực hiện nhiệm vụ, Quân chưa biết việc trồng rau xanh trên đảo lại khó khăn đến vậy. Song được sự hướng dẫn của anh em trong đơn vị, Quân đã hình thành thói quen chăm sóc rau xanh và đàn gia cầm mỗi khi rảnh rỗi. Binh nhất Bùi Văn Quân chia sẻ: Tôi rất vui vì mỗi ngày cùng đồng đội tăng gia và chứng kiến thành quả của mình. Trong thời gian công tác tại đảo, chắc chắn tôi sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm trồng rau xanh và chăn nuôi, phục vụ đời sống hàng ngày.

Với sự nỗ lực, vượt khó bền bỉ, cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le đã bảo đảm được nguồn thực phẩm tươi tại chỗ, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.

Bài, ảnh: Đức Thu

Từ khóa » đá Núi Le