TĂNG HUYẾT ÁP
Có thể bạn quan tâm
TĂNG HUYẾT ÁP
Tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới và tại Việt Nam
Bệnh tim mạch chiếm 1/3 nguyên nhân tử vong trên toàn thế giới. Tăng huyết áp (THA) là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch ở các nước phát triển và ngay tại nước ta. THA ước tính là nguyên nhân gây tử vong cho 7,1 triệu người và chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới (64 triệu người sống trong tàn phế).
Trên thế giới, tỷ lệ THA là 8-18% (theo Tổ chức Y tế Thế giới). Tỷ lệ này thay đổi theo các nước tại châu Á như Indonesia 6-15%, Malaysia 10-11%, tới các nước Âu Mỹ như Hà Lan 37%, Pháp 10-24%, Hoa Kỳ 24%. Tại Việt Nam, năm 1960, THA chiếm 1,0% dân số, năm 1992 tăng lên 11,79% dân số và năm 2002 ở miền Bắc là 16,3%.
Huyết áp là gì?
Huyết áp (HA) là áp lực máu trong lòng động mạch, tạo tuần hoàn đi khắp cơ thể. Nó được tạo ra do lực co bóp cơ tim và sức cản động mạch.
Huyết áp dao động trong ngày: tăng lên khi gắng sức, tập thể dục, hoạt động nặng và thấp hơn lúc nghỉ, đặc biệt là trong lúc ngủ.
Đo huyết áp là phương cách duy nhất cho kết quả chính xác để khẳng định có tăng huyết áp hay không.
Huyết áp được đo như thế nào?
Khi đo HA điều quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái và không hồi hộp hay căng thẳng. Bao quấn máy HA sẽ phồng lên do chứa khí ôm sát cánh tay bạn tạo áp lực để ngăn dòng chảy trong động mạch cánh tay.
Khi áp lực bắt đầu hạ xuống từ từ, dòng máu bắt đầu chảy lại trong lòng động mạch (có thể nghe được bằng ống nghe). Thời điểm mà nghe tiếng mạch đập đầu tiên gọi là huyết áp tâm thu (HATT) và trị số đo được đọc trên đồng hồ. Khi áp lực trong băng quấn giảm xuống dần, tiếng mạch đập sẽ nhỏ dần đến lúc mất hẳn, ở thời điểm này gọi là huyết áp tâm trương (HATTr). Ngày nay, các máy đo huyết áp hầu hết đều lấy đơn vị huyết áp là milimét Hg (thủy ngân).
Những trị số này quan trọng vì nó xác định một người có tăng HA hay không? Ví dụ 120/80 mmHg có nghĩa là HATT là 120 mmHg và HATTr là 80 mmHg.
Ý nghĩa của cách ghi chỉ số huyết áp
Huyết áp được thể hiện bởi 2 trị số (ví dụ: 120/70 mmHg).
Trị số đầu (120) thể hiện huyết áp tâm thu và trị số số sau (70) thể hiện huyết áp tâm trương với mmHg là đơn vị của huyết áp được tính bằng milimét Hg. Một số trường hợp huyết áp được quy đổi thành đơn vị cmHg cho dễ đọc (ví dụ: 120/70 mmHg tương đương với 12/7 cmHg).
Cả hai trị số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều quan trọng trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp.
Các loại máy đo huyết áp
Huyết áp kế thủy ngân
Ít có thay đổi trong suốt 50 năm qua, ngoại trừ máy HA hiện nay có cải tiến để không chảy thủy ngân ra ngoài. HA kế thủy ngân thường chính xác hơn các phương tiện đo khác.
Huyết áp kế bằng hơi
Là loại được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế. Khi áp suất băng quấn tăng sẽ được thể hiện qua hệ thống kim chỉ đồng hồ theo từng mức.
Máy đo huyết áp điện tử
Ngày càng được sử dụng nhiều vì tính thuận tiện nên khi đo bạn phải chắc chắn một điều là nó cho kết quả chính xác và đáng tin cậy bằng cách kiểm tra máy mỗi 3-6 tháng một lần.
(A) Máy do huyết áp kế thủy ngân, (B) máy đo huyết áp kế bằng hơi và (C) máy đo huyết áp điện tử.
Các phương thức đo huyết áp
Đo HA tại phòng khám hoặc bệnh viện
Bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghỉ vài phút trong phòng yên tĩnh trước khi đo. Cởi bỏ áo sát người, để cánh tay ngang mức tim, bàn tay ngửa và thả lỏng. Đo ít nhất 2 lần cách nhau 1-2 phút. Tốt nhất là nên đo ở cả hai tay trong 1 lần khám. Nên đo thêm HA 2-5 phút sau khi bệnh nhân chuyển sang tư thế đứng để phát hiện hạ huyết áp tư thế, đặc biệt ở người cao tuổi hay đái tháo đường.
Đo HA tại nhà
Bệnh nhân cũng có thể tự đo HA tại nhà sau khi được sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Đo huyết áp tại nhà nhằm tránh được “hiệu ứng áo choàng trắng” và rất tiện lợi cho bệnh nhânTHA tự theo dõi ở nhà.
Hiệu ứng áo choàng trắng là khi huyết áp cao khi đo ở cơ sờ y tế và bình thường khi đo ở nhà. Nguyên nhân là do khi đo huyết áp ở cơ sở y tế, người bệnh nhân có cảm xúc lo lắng, bất an khi tiếp xúc với nhân viên y tế, điều này làm huyết áp tăng giả tạo. Bệnh nhân được chẩn đoán THA áo choàng trắng khi HA phòng khám, bệnh viện > 140/90 mmHg (với nhiều lần khám) và huyết áp 24 giờ < 125/80 mmHg. Những bệnh nhân này cần được theo dõi sát, thay đổi lối sống. Việc sử dụng thuốc chỉ đặt ra khi có bằng chứng tổn thương cơ quan hoặc nguy cơ tim mạch cao.
Đo HA 24 giờ
Cho biết toàn cảnh HA của bạn trong ngày. Bạn phải đeo băng quấn 24 tiếng trong ngày và máy sẽ tự động đo và ghi lại trị số HA ở những những thời gian đã định sẵn, kể cả lúc ngủ. Chỉ định trong những trường hợp HA dao động nhiều và nằm ở trị số giới hạn phải bắt đầu điều trị hoặc khi thuốc đang dùng không thể khống chế huyết áp.
(A) Đo huyết áp tại bệnh viện, (B) đo huyết áp tại nhà và (C) đo huyết áp liên tục 24 giờ trong ngày.
Đo huyết áp trong một số trường hợp đặc biệt
Người cao tuổi
Điểm lưu ý là người cao tuổi thường có THA tâm thu đơn độc. Đối với người cao tuổi, HA tâm thu có xu hướng tăng và HA tâm trương có xu hướng giảm. Bệnh nhân được chẩn đoán THA tâm thu đơn độc khi trị số HA tâm thu > 140 mmHg và HA tâm trương < 90 mmHg.
Người cao tuổi thường có xu hướng giả THA. Nguyên nhân có thể là do hiệu ứng áo choàng trắng. Ngoài ra, ở người cao tuổi, thành động mạch ngoại biên trở nên xơ cứng. Khi đo HA, động mach cánh tay hoặc động mạch quay vẫn bắt được dù băng quấn đã được bơm căng, dẫn đến THA giả tạo.
Đo HA ở người cao tuổi cần đo ở cả hai tư thế đứng và ngồi để tầm soát hạ HA ở tư thế đứng. Hạ HA tư thế khi HA tâm thu giảm > 20 mmHg và/hoặc HA tâm trương giảm > 10 mmHg trong vòng 3 phút khi đo ở tư thế đứng.
Người béo phì
Băng quấn dài và rộng là cần thiết để tạo lực ép cần thiết lên động mạch cánh tay ở người béo phì. Nếu dùng băng quấn quá nhỏ ở người béo phì sẽ đưa đến sai số (mức HA cao hơn mức thật sự của bệnh nhân) dẫn đến dùng thuốc hạ áp không cần thiết.
Trị số huyết áp bao nhiêu thì được chẩn đoán là tăng huyết áp?
Huyết áp bình thường nhỏ hơn 120/80 mmHg. Một người được chẩn đoán có tăng huyết áp khi trị số huyết áp tâm thu > 140 mmHg và/hoặc trị số huyết áp tâm trương > 90 mmHg.
Một người có thể chỉ có tăng huyết áp tâm thu đơn độc hoặc tăng huyết áp tâm trương đơn độc hoặc vừa tăng huyết áp tâm thu và vừa tăng huyết áp tâm trương.
Bệnh nhân thường quên trị số huyết áp tâm trương mà thường chỉ nhớ trị số huyết áp tâm thu. Nên lần sau nếu bạn được đo huyết áp, hãy cố gắng ghi nhớ lại cả 2 trị số huyết áp.
Phân loại các mức tăng huyết áp như thế nào?
Huyết áp tâm thu mmHg | Huyết áp tâm trương mmHg | |
Bình thường | < 120 | < 80 |
Tiền tăng huyết áp | 120–139 | Hay 80–89 |
Tăng huyết áp: giai đoạn 1 | 140–159 | Hay 90–99 |
Tăng huyết áp: giai đoạn 2 | > 160 | Hay > 100 |
Huyết áp bình thường nhỏ hơn 120/80 mmHg. Tăng huyết áp khi huyết áp bằng hoặc cao hơn 140/90 mmHg. Nếu mức huyết áp của bạn ở khoảng giữa 120/80 và 140/90 mmHg, gọi là tiền tăng huyết áp, nghĩa là bạn ở giai đoạn đầu và có nguy cơ cao bị tăng huyết áp sau này.
Chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán bạn có phải tăng huyết áp hay không. Nếu huyết áp bạn cao trong lần khám đầu thì bác sĩ kiểm tra lại thêm vài lần trong những lần khám tiếp theo mới quyết định là bạn bị tăng huyết áp
Khi nào thì bạn nên kiểm tra huyết áp của mình?
Sau 18 tuổi, nên đo huyết áp định kỳ mỗi 2 năm. Đo thường xuyên hơn nếu bạn có HA cao trước đó.
Nguyên nhân của tăng huyết áp là gì?
90-95% tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (còn gọi vô căn hay nguyên phát). Nó có thể là phối hợp của nhiều yếu tố từ chế độ ăn và lối sống.
Ít hơn 10% còn lại bệnh nhân tăng huyết áp có nguyên nhân (còn gọi là tăng huyết áp thứ phát) như bệnh nhu mô thận, suy thận mạn, hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ, u tủy thượng thận, hội chứng Cushing, ngưng thở lúc ngủ, cường Aldosteron, do thuốc… Trong quá trình khám bệnh, nếu bác sĩ nghi ngờ tăng huyết áp là do nguyên nhân thứ phát gây ra thì bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán bệnh.
Bệnh tăng huyết áp có di truyền không?
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu lớn nào trên thế giới chứng minh có sự di truyền trong bệnh tăng huyết áp.
Có thể nói tăng huyết áp là một bệnh lý kết hợp bởi nhiều yếu tố tạo thành: chế độ ăn uống, chế độ vận động, sự thay đổi lão hóa khi tuổi cao và có thể do một nguyên nhân thứ phát gây ra…
Do đó, nếu các thế hệ trong một gia đình có “chế độ sống nguy cơ” giống nhau (ví dụ: ăn mặn, ít vận động, uống nhiều bia rượu…) thì khả năng các thế hệ trong gia đình đó mắc bệnh tăng huyết áp là rất cao.
HA của bạn khi trẻ luôn ở mức thấp, vậy thì bạn không bị tăng huyết áp về sau, đúng hay sai?
Sai. Tăng huyết áp là kết quả của sự tích lũy dần dần theo thời gian của “chế độ sống nguy cơ” và sự thay đổi về cấu trúc cơ thể khi tuổi tác ngày càng cao. Vì thế, cho dù mức huyết áp của bạn khi trẻ nằm trong mức giới hạn bình thường thì không có nghĩa là bạn không bị tăng huyết áp sau này.
Đối với phụ nữ trẻ, huyết áp thường ở mức thấp. Tuy nhiên, bạn đừng nên chủ quan vì sau tuổi mãn kinh, lượng estrogen (là yếu tố bảo vệ hệ tim mạch) giảm dần có thể góp phần làm tăng huyết áp sau này.
Những thói quen nào trong cuộc sống là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp nặng hơn hoặc khó kiểm soát hơn?
Một số thói quen không tốt cho hệ tim mạch cũng như là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp nặng hơn hoặc khó kiểm soát hơn:
Ít vận động thể lực |
Căng thẳng tinh thần |
Chế độ ăn nhiều muối |
Ăn nhiều mỡ động vật |
Uống nhiều rượu bia |
Hút thuốc lá |
Tại sao huyết áp cao lại quan trọng?
Tăng huyết áp và cả tiền tăng huyết áp gây tổn thương mạch máu của bạn. Nó là yếu tố nguy cơ tim mạch chính, làm tổn thương những cơ quan chính yếu của cơ thể bị não, tim, thận, mắt. Người ta đã chứng minh giảm huyết áp làm giảm đáng kể nguy cơ những tổn thương trên.
Bảng : Các cơ quan tổn thương do tăng huyết áp
Cơ quan chính yếu | Biến chứng |
Não | Nhồi máu não hay xuất huyết nãoSa sút trí tuệ |
Tim | Phì đại thất tráiSuy timThiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim |
Thận | Tiểu đạm, suy thận |
Mắt | Tổn thương võng mạc |
Mạch máu ngoại biên | Hẹp mạch máu |
Hình ảnh xuất huyết não và nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân tăng huyết áp
Tăng huyết áp có triệu chứng không?
Khi huyết áp cao thường không có triệu chứng nên nó được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, đó là lý do bạn nên kiểm tra huyết áp định kỳ.
Kiểm tra huyết áp ngay khi bạn có triệu chứng như nhức đầu, xây xẩm, hồi hộp, mờ mắt, bất lực (nam giới), dễ mệt, yếu nửa người, đau ngực, khó thở, đi tiểu nhiều…
Mục tiêu điều trị huyết áp của bạn là gì?
Mục đích điều trị là giảm tối đa nguy cơ các biến cố tim mạch nguy hiểm (như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, tai biến mạch não, suy thận…), tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
Hạ huyết áp một cách tích cực, dưới 140/90 mmHg mà không tác dụng phụ của thuốc. Đối với những bệnh nhân có kèm bệnh lý đái tháo đường hay bệnh thận thì HA <130/80 mmHg.
Điều trị tăng huyết áp như thế nào?
Biện pháp không dùng thuốc: thay đổi lối sống
Tất cả bệnh nhân tăng huyết áp hay tiền tăng huyết áp hay bệnh cần điều trị thuốc đều thực hiện thay đổi lối sống.
Bỏ hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá và các chiết xuất của nó làm co thắt mạch máu, làm tim bạn đập nhanh hơn và gây tăng HA. Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với hệ tim mạch (cả đau tim và đột quỵ) và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp rõ ràng.
Chế độ ăn: ít muối, ít chất béo bão hòa và ít cholesterol; giàu trái cây, rau củ, sản phẩm ít chất béo từ sữa; giới hạn chất ngọt, các thức uống có đường. Ăn mặn là yếu tố góp phần làm tăng huyết áp, lượng muối hạn chế ở mức < 2,4g/ngày (1 muỗng cafê tương đương với 2,3g muối). Tránh dùng các sản phẩm ướp muối, rau củ đóng hộp (có chứa nhiều muối).
Hạn chế uống rượu, bia: nếu bạn có uống thì nên hạn chế tối đa mỗi ngày dưới 80 ml rượu mạnh, đối với bia là dưới 600 ml (tương đương 2 lon bia) và đối với rượu vang là dưới 250 ml.
Giảm cân: chỉ số BMI (body mass index)=cân nặng (kg)/chiều cao2 (m) được dùng để đánh giá tình trạng cân nặng của bạn. Bạn cần duy trì BMI 18,5-24,9kg/m2 để có cân nặng lý tưởng.
Ngày nay, chỉ số vòng eo là 1 dấu hiệu quan trọng trong tiên lượng nguy cơ bệnh lí tim mạch, do đó bạn cần chú ý đến số đo này của mình. Đối với nam cần giữ vòng eo < 90 cm và nữ là < 80 cm. Bạn nên nhớ: vòng eo càng to thì tuổi thọ càng nhỏ. Nếu bạn thừa cân thì giảm cân giúp bạn giảm huyết áp mà còn có lợi đối với những bệnh nhân tiểu đường, rối loạn mỡ máu… Tác dụng hạ áp của việc giảm cân có thể được nâng cao nếu đồng thời tăng cường tập thể dục, hạn chế rượu với những người nghiện rượu, thừa cân và giảm ăn muối.
Tập thể dục:
Bạn nên thường xuyên tập thể dục ở mức độ vừa phải như đi bộ, chạy bộ hay bơi lội trong ít nhất 30 phút, hầu hết các ngày trong tuần. Mức độ luyện tập tùy thuộc vào tình trạng bệnh tật và sức khoẻ chung của bạn.
Tuy nhiên, nên tránh tập vận động đẳng trương như nâng tạ vì có thể có tác dụng tăng huyết áp. Nếu tăng huyết áp chưa được kiểm soát và bạn đang ở tình trạng tăng huyết áp nặng thì không nên tập thể dục hoặc hoãn lại cho đến khi được điều trị hiệu quả.
Tập thể dục ngoài trời cần tránh những lúc thời tiết lạnh. Việc tập thể dục vào lúc sáng sớm, khi nhiệt độ bên ngoài còn thấp có thể làm co mạch gây tăng huyết áp và gây co mạch máu nuôi tim gây nhồi máu cơ tim. Do đó, thời gian tập thể dục tốt nhất trong ngày là lúc chiều tối.
Nếu bạn tăng huyết áp nhẹ, biện pháp thay đổi lối sống trên có thể đủ hạ huyết áp xuống mức bình thường mà chưa cần đến dùng thuốc. Đối với một số khác, những biện pháp này có thể giúp họ chỉ cần dùng ít thuốc hơn hoặc dùng với liều thấp đã đủ kiểm soát huyết áp.
Khi nào cần đến thuốc để điều trị tăng huyết áp?
Sau khi bạn thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống như trên mà huyết áp vẫn không giảm thì bạn cần được bác sĩ chuyên khoa kê toa thuốc điều trị. Các thuốc đều cần thời gian một vài tháng để có tác dụng hoàn toàn, nên bác sĩ sẽ kê toa thuốc liểu thấp và tăng liều chậm cho tới khi có tác dụng hạ áp như mong muốn.
Có nhiều thuốc hạ áp bao gồm
- Thuốc lợi tiểu: giúp loại bỏ muối và dịch qua đường tiểu
- Thuốc ức chế men chuyển: giúp ngăn cản hình thành chất angiotensin II trong máu mà có tác dụng co mạch.
- Thuốc ức chế thụ thể: thuốc làm mất tác dụng co mạch của chất angiotensin II.
- Thuốc ức chế kênh canxi: thuốc làm dãn mạch
- Thuốc ức chế beta: thuốc làm mất tác dụng hệ thần kinh giao cảm chọn lọc với receptor beta. Thuốc tránh dùng cho bệnh nhân bị hen suyển.
- Thuốc ức chế anpha: thuốc làm dãn mạch
Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng đơn độc 1 thuốc hay phối hợp 2-3 loại thuốc với nhau tùy vao mức huyết áp và bệnh lý đi kèm của bạn. Tái khám đúng hẹn và thông báo tác dụng phụ của thuốc nếu có.
Các dấu hiệu chứng tỏ huyết áp dù đang điều trị nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả?
Huyết áp đo được trong ngày dao động, lúc cao, lúc bình thường.
Huyết áp vẫn ở mức > 140/90 mmHg.
Vẫn có những dấu hiệu của THA: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt…
Bệnh nhân chỉ cần uống thuốc hạ áp thôi là đủ, đúng hay sai?
Sai. Điều trị THA luôn là sự kết hợp giữa thuốc và những phương pháp không dùng thuốc (quan trọng nhất là thay đổi thói quen sinh hoạt theo chiều hướng tốt cho hệ tim mạch). Cho dù đã uống thuốc THA nhưng nếu bạn có một lối sống không lành mạnh thì huyết áp cũng không thể được kiểm soát tốt.
Làm sao để phòng ngừa được bệnh tăng huyết áp?
Cách đơn giản và hữu hiệu nhất đó chính là duy trì 1 thói quen sinh hoạt lành mạnh và theo dõi huyết áp ít nhất mỗi 1-2 năm 1 lần để sớm phát hiện giai đoạn tiền tăng huyết áp hoặc giai đoạn tăng huyết áp để có chế độ chăm sóc, theo dõi và điều trị phụ hợp.
Người tăng huyết áp cần lưu ý gì khi quan hệ tình dục trong đời sống hằng ngày?
Quan hệ tình dục trong cuộc sống hàng ngày là một yếu tố quan trọng trong đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, đây cũng là 1 sự gắng sức đối với cả nam và nữ. Nếu bạn mắc bệnh THA thì lưu ý trong quá trình gần gũi bạn đời, huyết áp có thể tăng vọt và nếu tăng quá cao có thể dẫn đến tai biến mạch máu não. Vì thế, cần trao đổi với bạn đời về khó khăn của mình để nhận được sự thông cảm và giúp đỡ. Tăng huyết áp nếu được kiểm soát tốt thì vẫn đảm bảo khả năng sinh hoạt tình dục bình thường. Không nên quan hệ tình dục khi huyết áp chưa được kiểm soát ổn định vì rất dễ gây tai biến. Một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể có tác dụng phụ gây giảm ham muốn, do vậy, bạn cần thảo luận nguy cơ này với bác sĩ điều trị.
Nếu bị tăng huyết áp thì phải điều trị trong bao lâu?
Nếu đã được chẩn đoán là THA có nghĩa bạn phải uống thuốc điều trị liên tục hàng ngày và suốt đời. THA một khi đã xuất hiện thì cần điều trị càng sớm càng tốt và cần giữ mức huyết áp ổn định. Nếu bạn ngưng thuốc đột ngột vì nghĩ rằng huyết áp của mình đã bình thường thì bạn đang mắc sai lầm lớn, bởi vì mức huyết áp khiến bạn hài lòng “chủ quan” đó chỉ đạt được là do thuốc điều trị. Khi bạn đột ngột ngưng thuốc, huyết áp sẽ vọt lên mức cao và nguy cơ xảy ra tai biến mạch máu não là vô cùng lớn.
Khi huyết áp bình thường có nên tiếp tục điều trị nữa không?
Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, điều trị suốt đời. Trong quá trình điều trị, huyết áp trở về bình thường thì bạn đã đạt mục tiêu điều trị nên phải tiếp tục duy trì chế độ điều trị đó nhằm duy trì mục tiêu. Nếu ngưng thuốc, huyết áp của bạn sẽ tăng trở lại ở mức như trước khi điều trị thậm chí còn có thể cao hơn và đây là thời điểm thường xảy ra biến chứng tim mạch nhất.
Một số điều cần lưu ý ở bệnh nhân tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp phải điều trị liên tục, lâu dài nên cần hiểu biết đầy đủ về bệnh, tạo sự hợp tác chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ, tuân thủ điều trị. |
Điều trị đồng thời các yếu tố nguy cơ đi kèm như hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… |
Uống thuốc theo toa và sự hướng dẫn của bác sĩ. |
Không được tự ý ngưng thuốc điều trị tăng huyết áp khi chưa có ý kiến của bác sĩ. |
Không được tự ý dùng các thuốc khác để điều trị tăng huyết áp khi chưa có ý kiến của bác sĩ. |
Khi có triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị nên tái khám để được hướng dẫn cụ thể. |
Chúng ta có thể dựa vào các ý sau đây để trả lời xem mình có lối sống khỏe mạnh không :Nhớ các số 0, 3, 5, 140, 5, 3, 0
0 | Không hút thuốc lá |
3 | Đi bộ 3 cây số mỗi ngày hoặc 30 phút mỗi ngày |
5 | Ăn trái hoặc rau 5 lần ngày |
140 | Huyết áp tâm thu đo được dưới 140 |
5 | Cholesterol toàn phần nhỏ hơn 5 mmol/L |
3 | Cholesterol dạng LDL nhỏ hơn 3 mmol/L |
0 | Không để quá cân nặng và không để mắc bệnh đái tháo đường |
BS NGUYỄN THANH HUÂN
BỘ MÔN LÃO KHOA ĐH Y DƯỢC TP.HCM
Tài liệu tham khảo
- Hội Tim mạch Hoa Kỳ
- Hội Tim mạch Châu Âu.
- Tim mạch Việt Nam
Từ khóa » đơn Vị Cmhg
-
Quy đổi Từ Xentimét Thủy Ngân Sang Pascal (cmHg Sang Pa)
-
Quy đổi Từ CmHg Sang MmHg (Xentimét Thủy Ngân Sang Milimét Thủy ...
-
Cách đổi đơn Vị CmHg Ra đơn Vị Pa - Hoc24
-
Chuyển đổi Áp Suất, Centimét Cột Thủy Ngân
-
1 MmHg Bằng Bao Nhiêu PA, ATM, CmH2O, CmHg đo áp Suất
-
Nêu Cách đổi đơn Vị CmHg Ra đơn Vị Pa ? - Thu Hang - Hoc247
-
Người Ta Thường Dùng MmHg (hoặc CmHg ) Làm đơn Vị đo áp Suất
-
Thắc Mắc Về Công Thức Tính áp Suất
-
Chuyển Đổi Đơn Vị Áp Suất Trực Tuyến Miễn Phí
-
Mmhg đọc Như Thế Nào - HTTL
-
Trên Mặt Một Hồ Nước, áp Suất Khí Quyển Bằng 75,8 CmHg....
-
Hướng Dẫn đổi đơn Vị áp Suất Trong 1 Nốt Nhạc - Van Công Nghiệp
-
1 MmHg Bằng Bao Nhiêu Atm - Thủ Thuật